Sẽ còn đổi luật chơi
Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ năm, ngày 30 tháng năm năm 2013
Có bữa trong một dạ tiệc nhà thơ người Nga Lermontov cao hứng chế nhạo một sĩ quan khác trong quân đội Nga hoàng, vì ông kia mặc bộ đồng phục diêm dúa quá đáng. Hai bên cãi nhau, trước mặt một người đẹp, cuối cùng biến thành một vấn đề danh dự, phải giải quyết bằng một cuộc đọ súng.
Hai năm trước, Lermontov đã từng thách đấu súng người con trai của vị đại sứ Pháp ở St. Petersburg, và bị đưa ra hội đồng kỷ luật. Hình như ông muốn thử sống thực một cảnh đấu súng ông đã mô tả trong tác phẩm “Một anh hùng thời đại chúng ta.”
Theo tục lệ đấu súng, mỗi bên phải có một người bạn ra đấu trường làm chứng. Hai nhân chứng trong cuộc đấu này đã gặp riêng nhau trong hai ngày trước trận đấu. Vì thương bạn, họ tìm cách dàn xếp để tránh cho các đấu thủ khỏi chết một cách vô nghĩa. Họ thỏa thuận sẽ khuyên Lermontov và vị sĩ quan kia, tên là Martynov, cùng chĩa súng bắn lên trời thay vì nhắm vào nhau. Hai đấu thủ nghe lời thuyết phục, đồng ý sẽ dự cuộc chơi “đấu súng giả.”
Ðến ngày hẹn, khi hai sĩ quan quay đầu lại, tiến về phía nhau và rút súng, Lermontov nhanh tay bắn trước, và ông chơi theo điều đã thỏa hiệp, chĩa súng bắn lên trời. Tuy nhiên, trước khi nổ súng nhà thơ còn lớn tiếng nói: “Một thằng ngu thế này, ai thèm bắn nó làm gì!” Martynov nghe thấy lời sỉ vả, nổi giận, hạ nòng súng xuống nhắm thẳng vào Lermontov bấm cò. Ðạn trúng ngực, Lermontov qua đời ở ngoài thị xã Pyatigorsk, trong vùng Caucasus, lúc đó ông mới 27 tuổi. Nhân vật Pechorin trong “Một anh hùng thời đại chúng ta” cũng chết tại nơi đó.
Lermontov chết năm 1841, nước Nga mất một thiên tài thi ca. Chỉ vì Martynov đổi luật chơi vào phút chót. Ðấu súng là trò chơi của giới thanh niên quý tộc Nga, như chúng ta đã thấy trong tiểu thuyết của Lev Tolstoi. Thi hào Pushkin cũng chết khi đấu súng, vào năm 29 tuổi. Giới quý tộc Nga bắt chước các hiệp sĩ thời Trung Cổ, cãi nhau là hay thách đấu kiếm. Cuộc chơi này tàn bạo, đổi mạng sống để giữ lấy một thứ “danh dự.” Nhưng vì bản chất cuộc chơi này tàn bạo, cho nên khi nổi nóng Martynov sẵn sàng đổi luật chơi, khi thấy danh dự mình lại bị tổn thương.
Chung quanh các đại hội hoặc hội nghị ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản, cuộc đấu tranh giành ngôi vị cũng ác liệt không kém. Khi tranh giành quyền lực, người ta không còn coi ai là đồng chí nữa. Ngay trong các buổi họp Bộ Chính Trị, khi các ông bà gọi tên nhau, tức là họ còn tử tế với nhau. Khi họ phải gọi nhau là đồng chí, tức là dấu hiệu đã hết tình hết nghĩa, một mất một còn, không ai nhường ai một bước.
Câu chuyện Lermontov cho thấy nhiều khi con người hành động không phải vì tính toán quyền lợi một cách khách quan. Có khi chỉ vì cảm thấy “danh dự” bị xúc phạm là người ta sẵn sàng giết nhau rồi. Ðổi luật chơi chỉ là một chuyện nhỏ, so với nỗi tức giận khi cảm thấy danh dự mình bị tổn thương! Martynov sau đó có thể giải thích rằng ông làm trái điều cam kết vì chính Lermontov đã phá luật chơi trước: Tại sao không theo đúng thỏa thuận, giả bộ bắn lên trời rồi xử huề? Tại sao còn la lối chửi vào mặt người ta? Bộ có phải ông thánh đâu mà có thể nghe chửi rồi cứ nín?
Trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam nhiều cũng đang mang nỗi uất ức giống như vậy. Giữa Nguyễn Tấn Dũng và các đối thủ trong Bộ Chính Trị, chính Nguyễn Tấn Dũng đã phá luật chơi trước; làm nhiều người cũng nổi sùng.
Ngay trong hội nghị Trung Ương 6 năm ngoái, họ đã phá luật chơi rồi. Có đời thủa nào cả Ban Chấp Hành Trung Ương họp hội nghị, lớn tiếng kiểm điểm nhau (tiếng Việt còn gọi là chửi nhau); họp xong rồi bản thông cáo nói có “đồng chí” bị kiểm điểm, nhưng không được nêu tên người bị kiểm điểm là ai! Thà không nói gì thì người ngoài cũng không ai biết!
Nhưng đã nói mà lại chỉ dám nói một nửa, thì còn thể thống nào nữa? Dân Việt Nam nghe rồi, họ cười vào mặt. Cười vào mặt ai? Không phải mặt con người bị chửi, mà là mặt tất cả Bộ Chính Trị lẫn Trung Ương Ðảng! Khi ra trước đám đại biểu Quốc Hội gật gù, Nguyễn Tấn Dũng lại còn lên giọng tự xưng rằng mình có làm gì cũng chỉ vì được đảng trao phó! Ý nói: Nếu mấy đứa trao công việc cho thằng này mà thằng này làm sai thì hãy hỏi tội chúng nó; chỉ chì chúng nó ngu, chứ cái thằng ta đây không bao giờ lú cả!
Ai nghe mà chịu nổi cái lối chửi xéo đó? Một đồng chí cũng nổi giận không kém gì Ðại úy Martynov ngày xưa. Tư Sang bèn chửi lại bằng cách gán tên một ẩn số X cho Ba Dũng! Cho cả nước cười cảnh một đồng chí hèn nhát, ẩn danh, không dám đứng ra vỗ ngực mà xưng tên họ rõ ràng! Hành động đó cũng giống như Lermontov chửi, “Cái thằng hèn kia!”
Nhưng khi lên tiếng chế nhạo, một gọi tên đồng chí X, hai lại nêu danh đồng chí X, nói đi nói lại nhiều lần, chính Trương Tấn Sang cũng phá luật chơi lần nữa. Bởi vì họ đã họp kín, đã thỏa thuận với nhau không đứa nào được tiết lộ tên họ thằng nào bị kiểm điểm; bây giờ có đứa lại cứ nói toạc ra cho cả nước nghe! Dù nói nửa kín, nửa hở, rụt rè như đứa bé ăn vụng; nhưng chủ ý cốt nói cho ai nghe cũng hiểu. Như vậy thì anh còn tôn trọng luật lệ giao đấu hay không? Phải theo dõi các tờ báo hôm nay một người riễu đồng chí Ếch, mai lại người khác cười đồng chí Ếch, dù là Nguyễn Tấn Dũng hay là Martynov thì cũng phải tím gan tím ruột. Tóm lại, đã tới lúc các “đồng chí” không ai còn tôn trọng luật chơi nữa!
Những cái trò phá bỏ luật chơi này có thể gây nên những mối thù truyền kiếp chứ không phải chỉ kéo dài một đời. Người Việt Nam cũng không hiền lành hơn người Nga bao nhiêu. Ở trong đình làng người ta vẫn sẵn sàng xông vào đánh nhau vỡ đầu khi tranh chiếu trên chiếu dưới. Có khi chỉ vì một câu nói cũng đủ để giết nhau rồi! Tất cả chỉ vì cái danh dự hão.
Nhưng họ cũng chỉ mới phá những luật chơi nhỏ. Sẽ tới lúc người ta thấy cần thay đổi cả những luật chơi lớn hơn!
Một dấu hiệu trong bài diễn văn bế lạc Hội nghị Trung Ương VII của Nguyễn Phú Trọng, như một nhà báo trong nước nhận xét, là ông tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam không nói câu nào nhắc tới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, cũng không nói đến tên Mác, tên Lê Nin, không một câu nào cả! Mặt khác “Chỉ có trong 3 câu cuối của mục 2 anh Trọng đã... hơn hai chục lần nhắc đến vì dân, cho dân, cứ như là... chưa bao giờ được nói đến chuyện vì dân cả ấy!”
Nhà báo trích dẫn lời Tổng Trọng: “Những hiện tượng phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, cùng với tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với đảng là thách thức đối với mối liên hệ giữa dân với đảng.” Ông tổng bí thư còn căn dặn các ủy viên Trung Ương Ðảng:
“...phải tôn trọng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; hết lòng, hết sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chú trọng đến lợi ích trực tiếp của người dân; luôn trọng dân, gần dân, hiểu dân, tin dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh, vân vân.”
Tại sao ông Nguyễn Phú Trọng bỗng dưng lại quên cả chủ nghĩa mà biểu diễn lòng “yêu dân” đến như vậy?
Có thể căn cứ vào các luận điệu đó mà đoán rằng: Nguyễn Phú Trọng có thể đang muốn đổi sang một trò chơi mới.
Bao lâu nay, theo luật chơi xã hội chủ nghĩa thì đảng là cái đầu, nhà nước là cái đuôi. Ðảng ra lệnh thì nhà nước phe phẩy, vẫy đuôi. Hiện giờ tình trạng ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì ngược lại. Nguyễn Tấn Dũng lại mạnh hơn Nguyễn Phú Trọng. Hai ứng viên của Trọng rớt đài trong khi các đàn em của Dũng lọt vào BCT! Ða số ủy viên Trung Ương Ðảng khi bỏ phiếu đã nghe lệnh của Dũng chứ không nghe Trọng! Chẳng khác gì cái đuôi ra lệnh, rồi cái đầu ngó ngoáy theo. Giống như câu thành ngữ người Tây họ nói: “Con chó không vẫy đuôi mà cái đuôi vẫy con chó!”
Ðể lật lại thế cờ, Nguyễn Phú Trọng có thể bày ra một cuộc chơi khác. Trước hết, sẽ thay màu áo mới. Bao lâu nay, thủ quân Nguyễn Phú Trọng khi ra sân vẫn mặc áo màu đỏ, mang danh đội banh bảo thủ, giáo điều. Nhưng trong trận đấu sắp tới, Trọng sẽ mặc đồng phục khác. Khi nhắc đi nhắc lại những chữ dân, vì nhân dân, cho dân, của nhân dân, vân vân, Nguyễn Phú Trọng đang bày ra một thế trận mới: Ðứng về phía “nhân dân,” rồi mang danh nghĩa nhân dân đối đầu với phía “nhà nước.” Cái gì chứ “chống nhà nước” là một chiêu bài rất dễ được dân chúng Việt Nam ủng hộ.
Với một phần guồng máy đảng trong tay, Nguyễn Phú Trọng có thể huy động một lực lượng theo mình bắt đầu dùng nhân dân để chống nhà nước! Hồi 1970, Mao Trạch Ðông đã từng dùng chiến lược này: Mao hô hào thanh niên tiếp tục làm “cách mạng,” để lật đổ Lưu Thiếu Kỳ và dằn mặt Chu Ân Lai! Tất nhiên Nguyễn Phú Trọng không đủ tư cách như Mao Trạch Ðông; nhưng vẫn có thể dùng bộ máy riêng của đảng gây khó khăn cho Nguyễn Tấn Dũng! Khi mang tên đảng ra hô hào nhân dân cùng theo mình vạch tội nhà nước thì đó cũng là một chiến thuật khả thi! Mà đây không phải là một ý kiến mới mẻ. Trước đây hơn 20 năm, ông Nguyễn Khắc Viện đã từng đề nghị đảng cộng sản tự tách ra khỏi guồng máy nhà nước, tự đặt mình vào hàng ngũ “nhân dân” để theo dõi, phê bình nhà nước. Ông Trọng có khi không biết đã có người nêu ý kiến đó; nhưng các chú của ông khôn ngoan thế nào cũng nghĩ ra!
Cho nên, trận đấu giữa các phe nhóm trong đảng Cộng sản Việt Nam sẽ còn nhiều màn hào hứng trong thời gian sắp tới. Vì các đấu thủ không những phá luật chơi cũ mà có thể còn bày ra những trò chơi mới nữa!
Ngô Nhân Dụng
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét