Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ năm, ngày 30 tháng năm năm 2013
Trong quá trình trỗi dậy, Trung Quốc sẽ phát hiện ra sự cô độc cũng như bị cô lập của mình. Chỉ cần 3 nước Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam hợp lại, Bắc Kinh sẽ phải trả giá đắt với đường lối ngoại giao “bên miệng hố chiến tranh” của mình.
Chuyên gia Edward Luttwak: “Việc cứ đi theo chiến lược cố ý gây ra nguy cơ chiến tranh để buộc đối phương phải đàm phán, Trung Quốc chỉ có thể biến láng giềng của mình thành kẻ thù”. |
Trung Quốc là một nước lớn đang trỗi dậy. Chính vì thế, mọi chuyển động của quốc gia này đều có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia khác trên thế giới. Sau khi ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc lên nắm quyền, việc Bắc Kinh có thay đổi chính sách ngoại giao hay không là vấn đề được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.
Tạp chí “Góc nhìn rộng” số tháng 6/2013 của HongKong cho biết, tại cuộc tọa đàm mang tên “Thay đổi ban lãnh đạo ở Trung Quốc” do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) tổ chức mới đây, chuyên gia Edward Luttwak chỉ rõ: Cùng với sự cải thiện về đời sống, người dân Trung Quốc bắt đầu nhớ lại những thù hận dân tộc trong thời kỳ quốc lực suy yếu khiến ảnh hưởng của dân ý đối với các chính sách ngoại giao của Trung Quốc ngày một tăng. Tuy nhiên, theo ông Luttwak, người dân Trung Quốc không có nhận thức rõ ràng về quốc lực của Trung Quốc cũng như không có khái niệm cân bằng. Từ sự tô vẽ của giới truyền thông trong nước, họ tin rằng nước Mỹ đã suy yếu nhưng kỳ thực Trung Quốc mới là bên yếu thế về thực lực hải quân so với Mỹ hoặc Nhật Bản.
Về phần mình, nhà nghiên cứu John Blaxland thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng (thuộc ĐH quốc gia Australia) nhận định, Trung Quốc đang theo đuổi trò chơi “trường kỳ” trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Họ không muốn và rất không cần vội vàng muốn tìm thấy một giải pháp thấu đáo và triệt để cho vấn đề này bởi chu kỳ chính trị ở Trung Quốc rất dài, 10 năm mới thay đổi một lần. Do đó, so với các nước khác có chu kỳ chuyển đổi lãnh đạo ngắn, buộc người lên nắm quyền phải hành động ngay lập tức, thậm chí phải đề ra kế hoạch ngắn hạn để đạt được kết quả nào đó nhằm thỏa mãn yêu cầu của nhân dân. Trong cuộc đua này, rõ ràng Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn và có quyền được lựa chọn thoải mái hơn. Chỉ có điều, Trung Quốc càng hành động, phản ứng của các nước láng giềng càng lớn đồng thời cùng với sự đi lên của quốc lực, sức ảnh hưởng về ngoại giao của Trung Quốc càng đi xuống.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm làm cố vấn cho Nhà Trắng, Ủy ban An ninh quốc gia, Bộ Ngoại giao và Lực lượng hải-lục-không quân Mỹ, ông Luttwak cho rằng, trong bối cảnh thái độ của Trung Quốc càng cứng rắn, các nước xung quanh sẽ tự động hợp tác với nhau. Ví dụ: Ấn Độ đang giúp huấn luyện nhân viên tàu ngầm cho Việt Nam vì 2 nước đều cùng mua tàu ngầm từ Nga. Nhật Bản cũng muốn xuất khẩu tàu tuần tra biển cho Philippines…
Hải quân Ấn Độ tham gia một cuộc tập trận trên Biển Đông. |
“Trong quá trình trỗi dậy, Trung Quốc sẽ phát hiện ra sự cô độc cũng như tình trạng bị cô lập của mình. Họ sẽ mất dần đi sự đồng tình của các nước khác và sẽ sớm phải trả giá”, chuyên gia Luttwak nói. Trong cuốn sách mới xuất bản mang tên “Sự trỗi dậy của Trung Quốc và logic chiến lược”, Luttwak cho rằng có một logic trong chiến lược toàn cầu không thể tránh khỏi là các cường quốc khác sẽ kiềm chế Trung Quốc để ngăn chặn sự trỗi dậy của nước này.
Trung Quốc một mặt phát triển quân đội, một mặt phát triển kinh tế. Trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của Trung Quốc không ngừng gia tăng, chính sách ngoại giao dựa trên sức mạnh của Trung Quốc đã kích hoạt sự phản cảm của láng giềng. Trong số các nước láng giềng này, chỉ cần 3 nước là Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam hợp lại, họ đã vượt xa Trung Quốc cả về dân số lẫn tiềm lực quốc phòng, tài sản hay khoa học công nghệ.
“Trừ phi lãnh đạo Trung Quốc xem xét lại dã tâm của mình, nếu không các nước khác sẽ bắt đầu hạn chế quan hệ với Trung Quốc. Trên thực tế, các nước nói trên đã bắt đầu hợp tác trong lĩnh vực quân sự và tương lai, Trung Quốc sẽ phải trả cái giá rất đắt”, ông Luttwak nhận định, “Việc cứ đi theo chiến lược cố ý gây ra nguy cơ chiến tranh (chiến lược bên miệng hố chiến tranh) để buộc đối phương phải đàm phán, Trung Quốc chỉ có thể biến láng giềng của mình thành kẻ thù”.
Lê Trí
- ( Infonet )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét