Chủ nghĩa xã hội nói chung là một hiện tượng lịch sử có bản chất chỉ
bộc lộ qua hai phương diện thống
nhất: thực tiễn và lý thuyết. Ở đây chủ nghĩa xã hội phải
được xem xét theo cả hai phương diện đó.
Vì chỉ phát sinh từ các quan hệ giữa người với
người: các quan hệ giữa cá nhân này với cá nhân khác cũng như các quan hệ giữa
giai cấp này với giai cấp khác vào cùng một thời đại nhất định, đồng thời cũng
chỉ tồn tại với các quan hệ đó, phản ánh hoặc biểu hiện các quan hệ đó, dựa
trên các quan hệ đó để bảo tồn hoặc phá vỡ các quan hệ đó, nên chủ nghĩa xã hội
biểu hiện thành một hiện tượng lịch sử.
Hơn nữa, vì chỉ có thể thay đổi theo các quan hệ đó – các quan hệ đó được quy
định bởi các lực lượng nội sinh đã đạt được với các quan hệ đó – nên chủ nghĩa
xã hội phải có tính chất lịch sử. Thành thử, ở mỗi nơi vào một thời đại nhất
định, chủ nghĩa xã hội tồn tại dưới một hình thức nhất định, thích hợp với
những điều kiện kinh tế, chính trị và văn hoá, đã sản sinh ra nó. Thế giới cổ
xưa đã có được chủ nghĩa xã hội cổ xưa, tuy chỉ tồn tại dưới hình thức hết sức
manh nha. Đó là toàn bộ phong trào giải phóng nô lệ, trong đó có các phong trào
điển hình nhất được dẫn dắt bởi Agis, Cléomen và Spartacus (nếu có đầy đủ tài
liệu lịch sử thì ta cũng có thể khám phá được các phong trào tương tự ở Đông phương vào thời đại cổ xưa, như các
phong trào nô lệ ở Trung quốc hoặc Ấn độ chẳng hạn). Cùng với các phong trào
giải phóng nô lệ, còn có các tư tưởng xã
hội chủ nghĩa khác nhau biểu hiện về hình thức thành những áng văn chương được phổ biến rộng rãi trong dân gian, như thần thoại của Héciode (Hê – xi – ôt); Học phái Quinicus (Ki – ních); Diquéacus (Đi – kê – ác) thuộc Học phái Tiêu dao; học phái Éphore (Ê –
pho); hoặc cao hơn nữa còn có Platon, v. v., ở Hy lạp vào thời đại cổ xưa. Ngoài ra còn phải kể đến Chúa giáo vào giai đoạn sơ kỳ với các nhân vật nổi bật như Moise, Jocipe Flarie
và Philon; Chúa Jesus (Jesus Christ) cùng với các nhà phúc âm
(Marco, Matheo, Luca và Johan), v. v.. Tương tự, thế giới trung đại cũng có
được chủ nghĩa xã hội trung đại biểu hiện qua toàn bộ phong trào giải phóng
nông dân hoặc nông nô, trong đó có các phong trào nổi bật nhất được dẫn dắt bởi
những nhân vật kiệt xuất, như Donchino ở Italia, John Ball ở Anh, phong trào Taborist ở Tiệp khắc và Thomas Müntzer
ở Đức, v. v.. Gắn liền với toàn bộ phong trào giải phóng ấy, có các tư tưởng xã
hội chủ nghĩa khác nhau biểu hiện thành
các lý thuyết thần học, tức là các lý thuyết cách mạng mang mầu sắc tôn
giáo, được đề xuất bởi các nhà dị giáo
lừng danh, trong đó có Thomas Müntzer. Thế giới cận đại cũng có được chủ nghĩa
xã hội cận đại, tương ứng với những cơ sở kinh tế, chính trị và văn hoá của nó.
Đó là toàn bộ phong trào giải phóng công nhân mà lúc đầu được dẫn dắt bởi các nhà xã hội chủ nghĩa lãng mạn, như
Gracus Babeuf, Saint Simon và Charles Fourier ở Pháp, Robert Owen ở Anh, rồi về
sau được dẫn dắt bởi các nhà xã hội chủ
nghĩa marxist, như Karl Marx, Friedrich Engels, Vladimir Ilich Lenin,
Joseph Staline, v. v.. Chính nhờ các nhà xã hội chủ nghĩa này mà phong trào
công nhân đã góp phần tạo nên thế giới
hiện đại với đầy sự kiện rối ren. Gắn liền với phong trào công nhân, có các
lý thuyết xã hội chủ nghĩa đủ loại,
từ không tưởng đến huyễn tưởng. Về sau, chủ nghĩa xã hội
marxist phát triển theo xu hướng cực đoan
biểu hiện thành chính thể chuyên chế
cực kỳ nghiệt ngã ở Đông Âu châu cũng như Đông Á châu. Từ cuối thế kỷ XIX trở
đi, chủ nghĩa xã hội bị phân hoá rồi phát triển theo hai xu hướng đối lập nhau: xu hướng cực đoan đã nói ở trên đối lập
với xu hướng cải lương được dẫn dắt
bởi Ferdinand Lassalle (1825 – 1864),
Eduard Bernstein (1850 – 1932), Karl Kautsky (1854 – 1938), v. v.. Chính xu hướng cải lương đã dẫn
dắt chủ nghĩa xã hội đi theo chủ nghĩa cá nhân. Cuối cùng, cũng như thế giới cổ
xưa, thế giới trung đại và thế giới cận đại, thế giới hiện đại có chủ nghĩa xã
hội riêng, thích hợp với nó. Đó là
toàn bộ phong trào xã hội vừa rộng lớn vừa phức tạp chống mọi hình thức áp bức
bóc lột, mọi sự xiêu lệch hoặc bất bình đẳng, như sự áp bức bóc lột của giai
cấp tư sản mới, tức giai cấp thực
lợi, đối với các giai cấp lao động hiện đại, bao gồm cả các nhà quản lý lẫn
những người lao động trực tiếp, sự nô dịch của các nước giầu đối với các nước
nghèo, v. v.. Gắn liền với toàn bộ phong trào này, có các lý thuyết xã hội chủ
nghĩa khác nhau, như lý thuyết marxist, lý thuyết thể chế, lý thuyết cấp tiến, v. v.. Trong
đó, lý thuyết marxist đóng vai trò trung gian giữa chủ nghĩa xã hội cận đại với
chủ nghĩa xã hội hiện đại, nó kết thúc lịch sử cận đại để mở đầu lịch sử hiện đại cho chủ nghĩa xã hội nói chung. Đại biểu
cho chủ nghĩa xã hội hiện đại gồm có: các nhà marxist như K. Marx, F. Engels,
V. I. Lenin, J. Staline, Mao Trạch Đông, v. v., những người này đã kế tiếp nhau
xây dựng được các lý thuyết quan trọng vào bậc nhất nhằm đóng góp vào sự nghiệp
giải phóng giai cấp công nhân cùng với các dân tộc phụ thuộc khỏi sự nô dịch
của tư bản cũng như chủ nghĩa thực
dân, mặc dù đã thất bại về cơ bản.
Thành thử có thể nói rằng, trong điều kiện của cuộc đấu tranh giải phóng dân
tộc, chủ nghĩa xã hội tất nhiên phải biến hoá hình thái thành phong trào giải phóng dân tộc; các nhà
xã hội chủ nghĩa dân chủ, như F. Lassalle
(1825 – 1864), E. Bernstein (1850 –
1932), K. Kautsky (1854 – 1938), v. v., những người này đã phê phán gay
gắt cái chủ trương cách mạng bạo lực
nhằm thiết lập chuyên chính vô sản
vốn được đề xuất bởi các nhà marxist, như K. Marx, F. Engels, V. I. Lenin, J.
Staline, v. v.; các nhà thể chế như Thorstein Bunde Veblen (tên khai sinh là Tosten Bunde Veblen, nổi tiếng nhất với tác phẩm: Lý
thuyết về giai cấp nhàn rỗi, 1899), John R. Commons, Mitchell, v. v., những
người này đã xây dựng được các lý thuyết “cải
lương”, do sợ hãi cách mạng bạo lực
hoặc thấm nhuần chủ nghĩa nhân đạo
nên chỉ phê phán xã hội hiện đại đồng thời chủ trương những giải pháp ôn hoà để
khắc phục những nhược điểm của xã hội này; các nhà cấp tiến, thực tế chỉ mới
xuất hiện trên vũ đài lịch sử, như Rober L.
Heilbroner, John Kenneth Galbraith
và một số giáo sư khác cùng với một bộ phận sinh viên ở Mỹ. Họ vừa xuất hiện đã
công kích dữ dội xã hội hiện đại với tình trạng xiêu lệch về tài sản cũng như
hưởng thụ tài sản.
Về mặt thực tiễn, chủ nghĩa xã hội nói chung là một phong trào giải phóng cộng đồng khỏi
những quan hệ đang kìm hãm nó. Theo ý nghĩa đó, chủ nghĩa xã hội chỉ có thể
phát sinh từ sự xung đột giữa các lực
lượng cách mạng với các quan hệ trói buộc nó mà thôi, nếu không có sự trói buộc
đối với các lực lượng cách mạng thì tất nhiên không thể có được khuynh hướng
phá vỡ sự trói buộc đó.
Sự giải phóng cộng đồng trước hết là sự giải
phóng về kinh tế, rồi sau hết là sự
giải phóng về chính trị. Nhưng phải giải phóng được về chính trị mới bảo
đảm giải phóng được về kinh tế. Sự giải phóng về kinh tế bao giờ cũng phải
giải phóng lực lượng sản xuất trong đó lực lượng lao động đóng vai trò quan
trọng nhất. Chính lực lượng này đã tự mở đường đi cho mình, cho các phong trào
giải phóng được khởi xướng bởi các vĩ nhân kiệt xuất, qua đó lực lượng này mở
luôn cả đường đi cho toàn bộ lich sử. Bất kỳ một phong trào giải phóng nào
trong lịch sử, dù muốn hay không muốn, dù biết hay không biết, cũng đều phải
trực tiếp phá vỡ chính ngay các quan hệ chuyên chế đang trói buộc các lực lượng
sản xuất mới – các lực lượng sản xuất
này đang cần đến một trật tự mới để
phát triển, tức là đang cần phải có một trật tự mới thích hợp với nó. Chính các
phong trào nô lệ được khởi xướng bởi Agis, Cléomen và Spartacus, v. v., đã nhằm
vào một mục đích trực tiếp như vậy hoặc nhằm vào giải phóng sức sản xuất khỏi các quan hệ nô lệ.
Hoặc giả, phong trào nông dân được lãnh đạo bởi Thomas Müntzer ở Đức vào thời
đại trung cổ cũng nhằm vào giải phóng sức sản xuất hoặc lực lượng sản xuất khỏi
các quan hệ phong kiến. Hoặc tiếp theo, các phong trào công nhân ở thế kỷ XIX
cũng nhằm vào giải phóng sức sản xuất với nền công nghiệp cơ khí của nó khỏi
các quan hệ tư bản chủ nghĩa.
Tuy nhiên, bất kỳ một lực lượng sản xuất nào
cũng tồn tại thông qua một chế độ chính
trị nhất định với một hình thức nhà
nước nhất định. Thành thử, bất kỳ một phong trào giải phóng nào cũng phải
phá bỏ cái chế độ chính trị đang quy định lực lượng sản xuất. Đó là điều để
hiểu được tại sao bất kỳ phong trào giải phóng nào cũng phải phá vỡ hoặc ít
nhất cũng phải đe doạ phá vỡ nhà nước đương thời. Nhà nước nô lệ không thể tồn
tại vững chắc như trước được nữa sau những cuộc khởi nghĩa được thực hiện bởi
nô lệ. Nhà nước quân chủ không thể tồn tại vững chắc như trước được nữa sau
những cuộc khởi nghĩa được thực hiện bởi cả nông dân lẫn thị dân. Hoặc giả, nhà nước tư bản chủ nghĩa dù độc tài thuần tuý hay dân chủ nửa vời cũng không thể tồn tại
vững chắc như trước được nữa sau những cuộc cách mạng dữ dội trong suốt cả thế
kỷ XIX lẫn thế kỷ XX.
Về mặt lý thuyết, chủ nghĩa xã hội nói chung là một lý thuyết cách mạng, phê phán xã hội
cũ qua đó tìm cách để xây dựng xã hội mới, đối lập với xã hội cũ. Cái lý thuyết
này trước hết phải phản ánh chính cái cơ
sở hiện thực đã sản sinh ra nó, đó là chế độ kinh tế với những tất yếu kinh
tế của nó, với các quan hệ đối kháng của nó, với tình trạng nghèo khổ được tạo
ra từ sự giầu có của nó; đó là chế độ chính trị với nhà nước của nó, với pháp
luật của nó, với nhà tù, cảnh sát và quân đội của nó. Cái cơ sở ấy phải được
biểu hiện trong cái lý thuyết cách mạng thành tình trạng nghèo khổ cùng cực của
quần chúng lao động, thành thái độ phẫn nộ của quần chúng đó đối với cái trật tự chính trị đang giam hãm họ bằng những quan hệ pháp lý của nó. Hoặc nói
khái quát như V. I. Lenin đã nói: chủ
nghĩa xã hội dưới hình thức nào cũng mang nội dung phê phán đối với xã hội cũ.
Thật vậy, chủ nghĩa xã hội cổ xưa đã cho thấy
quần chúng nô lệ bị nghèo khổ cùng cực đến nỗi bị mất hết nhân tính, đã biểu lộ
thái độ phản kháng của quần chúng đó đối với chế độ nô lệ. Ngày nay, văn sỹ xã
hội chủ nghĩa nào cũng biết cuộc sống của nô lệ trong “Odyssée” của Homère:
“Như nô lệ, nếu chủ nhà không đốc thúc,
thì không hề làm việc cần cù”
Hoặc:
“Khi nhân loại, dù một ngày lâm vào thân nô
lệ,
nửa lòng dũng cảm cũng bị tước đi bởi Zeus”
Hoặc nữa, nô lệ bị xử phạt như sau:
“Lấy dao đồng cắt mũi, xẻo tai,
chặt tay chân rồi băm thành mảnh nhỏ,
vứt bừa cho chó đói”.
v.
v..
Chủ nghĩa xã hội trung đại đã cho thấy sự nghèo
khổ đến sa đoạ trong quần chúng nông dân hoặc nông nô, đã biểu lộ thái độ phản
kháng của quần chúng đó đối với chế độ quân chủ. Có lẽ nhà xã hội chủ nghĩa
chân chính nào cũng biết đến lời tuyên bố của Thomas Müntzer: “Chúa Jesus đã nói: ta đến không phải để đem
lại hoà bình, mà để đem lại thanh gươm,... Nếu các ngươi (quần chúng nông
dân) muốn làm tôi tớ cho thượng đế thì
không còn cách nào khác ngoài việc sử dụng nó để tiêu diệt những kẻ bạo tàn!”.
Hoặc lại nữa, chủ nghĩa xã hội cận đại đã cho
thấy lao động làm thuê bị tha hoá,
hoặc đã cho thấy tình trạng xã hội bị lộn
ngược như Charles Fourier đã viết trong “Thế giới kinh tế mới hoặc phương thức hành động xã hội chủ nghĩa hợp
với tự nhiên”, đã cho thấy tình trạng người nghèo phải rộng lượng đối với
người giầu.
Tương tự, chủ nghĩa xã hội marxist đã cho thấy thái độ phản kháng triệt để của quần chúng làm thuê đối với chế độ làm
thuê. Bất kỳ nhà xã hội chủ nghĩa nào mang danh nhà marxist cũng biết đến “Tuyên
ngôn Của Đảng Cộng sản” với cái kết luận long trời lở đất: “Trong cuộc chiến đấu ấy, giai cấp vô sản
không có gì để mất ngoài cái xiềng xích đang trói buộc mình. Sự thắng lợi của
giai cấp vô sản cũng như sự thất bại của giai cấp hữu sản đều tất yếu như nhau!”.
Sau hết, chủ nghĩa xã hội dưới bất kỳ hình thức
nào cũng phản ánh hoặc ít nhất cũng chịu ảnh hưởng bởi cái nền văn hoá của cái
xã hội đã sản sinh ra nó. Chủ nghĩa xã hội cổ xưa, do chữ viết chưa phát triển
nên chỉ có thể được biểu hiện về hình thức thành các tác phẩm văn học dân gian
mà thôi, rồi được truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác; chỉ đến khi xuất
hiện các văn sỹ tài ba, họ mới ghi chép lại thành văn bản, ví như Homère chẳng hạn. Chủ nghĩa xã hội trung
đại, do thế quyền liên kết chặt chẽ
với thần quyền, hoặc do đời sống tinh
thần của xã hội phong kiến bị chi phối nặng nề bởi các giáo điều tôn giáo, nên các tư tưởng cách mạng của nó nhất định
phải được diễn đạt bằng ngôn ngữ tôn giáo.
Hãy lấy các tác phẩm của Thomas Müntzer làm ví dụ, trong đó ông diễn đạt tư
tưởng cách mạng của mình bằng ngôn ngữ
Thánh kinh để chống lại giai cấp quý tộc thần quyền. Hoặc chủ nghĩa xã hội
cận đại, do cả khoa học lẫn nghệ thuật đều bắt đầu phát triển nên nó có một
hình thức văn chương tương đối hào nhoáng, nội dung tư tưởng của nó nhờ đó mà
được diễn đạt khá minh bạch. Điều này thể hiện rất rõ ràng qua các tác phẩm của
Saint Simon, Charles Fourier, Robert Owen, v. v., nhưng điển hình hơn thuộc về
các tác phẩm của K. Marx và F. Engels. Đặc biệt đối với chủ nghĩa xã hội khoa học xuất hiện từ cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ
XXI, do khoa học phát triển cao nên phương pháp luận của nó mang nặng tính
chất duy lý khoa học, nó không chỉ biểu lộ một tình cảm mãnh liệt đối với quần
chúng lao động, mà còn được xây dựng theo những
nguyên lý khoa học sâu sắc đến mức độ mà nếu thiếu học thức thì không thể
hiểu được nó hoặc sẽ hiểu sai lệch nó, v. v..
Nếu xem xét toàn diện
chủ nghĩa xã hội về cả thực tiễn lẫn lý thuyết thì chủ nghĩa xã hội sẽ biểu
hiện bản chất thành một hệ tư tưởng xuất phát từ bản chất của nhân loại để nhận thức rồi giải phóng nhân loại. Mà
bản chất của nhân loại là bản tính vị kỷ
khiến các cá nhân phải phục vụ lẫn nhau để thoả mãn mình mới tồn tại được
(nhưng K. Marx đã quy định sai lầm
thành tổng hoà các quan hệ xã hội).
Từ định nghĩa đúng đắn ở phía trên, ta có thể xác lập bản chất cho xã hội là tổng hoà các quan hệ giữa người với người.
Định nghĩa đó không chỉ đúng đối với chủ nghĩa xã hội như nó vốn có trong hiện
thực tất yếu với những tất yếu hiện thực của nó, mà còn đúng đối với cả chủ
nghĩa xã hội như nó biểu hiện qua từ
nguyên nữa. Thật vậy, chữ “chủ nghĩa
xã hội” (socialism) bắt nguồn
trực tiếp từ chữ “xã hội” (society), hoặc ít nhất cũng lấy chữ đó
làm cơ sở, chữ này lại phản ánh trực tiếp
các quan hệ giữa người với người. Còn chữ “chủ
nghĩa” lại có ý nghĩa như hệ tư tưởng,
cái này lại có ý nghĩa như tư tưởng được
tổ chức thành một hệ thống, trong đó có mục
đích (bao gồm cả mục đích hiện thực
lẫn mục đích lý tưởng), phương tiện và cách thức sử dụng các phương tiện để đạt được mục đích, v. v.. Vì
thế, người ta có thể diễn đạt chủ nghĩa xã hội thành hệ tư tưởng về bản chất của nhân loại hoặc hệ tư tưởng phản ánh bản chất của nhân loại nhằm giải phóng nhân loại
khỏi những quan hệ đang trói buộc nó.
Ở đây, tuyệt đối không nên quy chủ nghĩa xã hội
thành một phương thức sản xuất nhất định
tương ứng với một hình thái xã hội nhất
định, hoặc ít nhất cũng không nên quy chủ nghĩa xã hội thành một chế độ xã hội nào đó, như Kazuo
Shii chẳng hạn đã làm khi trả lời câu hỏi: chủ nghĩa xã hội là gì? 1),
mà chỉ nên quy chủ nghĩa xã hội thành một lý thuyết cách mạng cùng với một
phong trào giải phóng mà thôi. Như thế ta sẽ nắm bắt được chủ nghĩa xã hội về
cả nội dung khách quan lẫn hình thức chủ quan, cả nội dung vật chất lẫn hình
thức tinh thần (ngôn ngữ) của nó.
Chủ nghĩa xã hội luôn luôn theo đuổi một mục
đích hai mặt: hiện thực và lý tưởng. Về mặt hiện
thực, chủ nghĩa xã hội nhằm phá bỏ xã hội cũ; còn về mặt lý tưởng, chủ nghĩa xã hội nhằm thiết
lập một xã hội mới, đối lập với xã
hội cũ. Nếu trong xã hội cũ có áp bức và bóc lột, có giai cấp và nhà nước, v.
v., thì trong xã hội mới sẽ không thể có hoặc không được phép có những cái đó.
Hai mặt ấy được đề ra song song với nhau,
trong đó mục đích lý tưởng phải đóng vai trò chỉ đạo để đạt được mục đích hiện
thực. Thành thử ở đây, mục đích hiện thực lại trở thành mục đích lý tưởng cho mục đích lý tưởng, tức là chủ nghĩa cộng sản
lại làm thành mục đích lý tưởng cho
chủ nghĩa xã hội. Vậy, chủ nghĩa cộng sản
về thực chất chỉ làm mục đích lý tưởng
cho chủ nghĩa xã hội được lý tưởng hoá thành
một xã hội trong đó ngự trị sự bình đẳng
về mọi mặt giữa người với người, mà trước hết phải có sự bình đẳng về tài
sản, hoặc bình đẳng về khả năng cũng như điều kiện để tạo ra tài sản. Sự bình
đẳng này được xác định làm cơ sở chung
cho mọi sự bình đẳng khác.
Vậy thử hỏi rằng, liệu chủ nghĩa xã hội có thể
đạt được cái mục đích lý tưởng với hai mặt như đã được trình
bày hay không? Nếu có thể đạt được cái mục đích đó thì dựa vào đâu để khẳng
định được như thế? Phải chăng, lịch sử từ trước đến nay chỉ tiến lên được bằng
những sự suy luận mơ hồ với những tình cảm lãng mạn chân thành? Ngược lại, nếu không thể đạt được cái mục đích đó, thì cũng phải dựa vào đâu để khẳng
định được như thế? Vả lại, nếu không thể đạt được cái mục đích đó thì tại sao
chủ nghĩa cộng sản lại có sức mạnh hơn cả tôn giáo, thậm chí hơn nữa, còn được
đề lên thành một mục đích cần đạt tới đối với nhân loại? Phải chăng, chủ nghĩa
cộng sản đã trở thành hoặc chỉ trở
thành động lực trực tiếp cho tiến bộ xã hội, theo đó xã hội sau tiến
bộ hơn xã hội trước mà mỗi bước tiến bộ ấy nó lại cần đến chủ nghĩa cộng sản
làm động lực cho nó? Đối với tất cả những câu hỏi như thế, ta chỉ có thể trả
lời được bằng sự phân tích khoa học
mà thôi.
Ai cũng có thể biết rằng, nếu càng phát triển
thì nhân loại càng phải sống bằng kinh tế đổi chác, mà kinh tế này lại có tác
dụng hai mặt: kích thích lực lượng sản xuất phát triển đồng thời phân hoá nhân
loại thành các giai cấp khác nhau. Vậy làm sao mà có thể tồn tại được một xã
hội như thế? Chủ nghĩa cộng sản luôn luôn giãy giụa trong cái mâu thuẫn này:
vừa muốn có một lực lượng sản xuất phát triển lại vừa muốn có một trật tự bình
đẳng, không giai cấp. Điều đó cắt nghĩa tại sao khi hướng tới một trật tự bình
đẳng, không giai cấp, chủ nghĩa cộng sản nói chung thường chống lại hoặc phủ
nhận sản xuất hàng hoá, kể cả chủ nghĩa cộng sản marxist cũng chủ trương như vậy 2).
Ngược lại, khi hướng tới một lực lượng sản xuất phát triển, chủ nghĩa cộng sản lại chấp nhận sản xuất hàng hoá như một
phương tiện tốt nhất để đạt được một lực lượng sản xuất như vậy, qua đó nó chấp
nhận phân hoá nhân loại thành các giai cấp khác nhau hoặc thậm chí còn chấp nhận bóc lột. Việc Đảng Cộng sản
Trung quốc cho phép đảng viên bóc lột đã xác nhận điều này. Đó là một mâu thuẫn
cơ bản nhất trong chủ nghĩa cộng sản, mâu thuẫn này làm cho chủ nghĩa cộng sản
chỉ tồn tại được như một mục đích lý tưởng mà thôi. Thật vậy, chỉ trong mâu
thuẫn đó thôi, chủ nghĩa cộng sản mới có thể sống được, hơn nữa cũng chỉ sống
được như một mục đích lý tưởng mà thôi. Cái mục đích ấy càng cố gắng được hiện
thực hoá bao nhiêu theo xu hướng cực đoan,
nó lại càng trở thành lý tưởng bấy nhiêu. Tuy nhiên, cái kết quả tích cực nhất
mà nó tạo ra được lại chính là sự tiến bộ chung về mọi mặt cho toàn bộ xã hội ở bên
ngoài nó.
Thật vậy, xã hội phong kiến tiến bộ hơn so với
xã hội nô lệ, xã hội tư bản chủ nghĩa lại tiến bộ hơn so với xã hội phong kiến,
v. v.. Tất cả các xã hội ấy đều dựa trên chế
độ chuyên chế. Chính vì đều dựa trên chế độ chuyên chế nên tất cả các xã
hội ấy đều có sự bóc lột hoặc sự đối kháng giai cấp, nhưng sự bóc lột hoặc sự
đối kháng giai cấp ở xã hội sau chắc chắn phải tiến bộ hơn sự bóc lột hoặc sự
đối kháng giai cấp ở xã hội trước. Đó là ý nghĩa tích cực nhất được thừa nhận ở
chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản, được giả định làm mục đích lý tưởng cho
chủ nghĩa xã hội, được hiện thực hoá đến đâu hoặc được hiện thực hoá như thế
nào đồng thời có sức hấp dẫn đến đâu, còn phải phụ thuộc nhiều nhất vào cái phương pháp luận được dùng để tạo ra nó.
Chủ nghĩa cộng sản chỉ có thể trở thành một
xã hội hiện thực khi lấy sở hữu tư
nhân làm phương tiện kinh tế đồng
thời lấy chính thể dân chủ làm nền tảng chính trị khiến mỗi cá nhân
nhất định sẵn sàng đóng góp một phần tài
sản của mình cho tập thể để tạo nên tài
sản công cộng. Việc mỗi cá nhân đó sẵn sàng đóng góp một phần tài sản của
mình cho tập thể không phải chỉ nhằm phục
vụ người khác mà thực tế chỉ nhằm bảo
đảm một tương lai chắc chắn cho mình mà thôi! Nhưng muốn làm cho chủ nghĩa
cộng sản trở thành một xã hội hiện thực như vậy lại cần phải có chủ nghĩa cộng sản khoa học. Chủ nghĩa
cộng sản này lại đòi hỏi phải được xây dựng bởi một triết học khoa học cùng với một
kinh tế học khoa học. Nếu không có một triết học khoa học cùng với một kinh
tế học khoa học thì tuyệt đối không thể xây dựng được chủ nghĩa cộng sản khoa
học đâu! Chính vì không được xây dựng bởi một triết học khoa học cùng với một
kinh tế học khoa học mà chỉ được xây dựng bởi một triết học tư biện cùng với một
kinh tế học tư biện nên chủ nghĩa
cộng sản marxist chỉ tỏ ra hấp dẫn đối với cái não trạng đầy ảo tưởng mà thôi, từ đó gây nên vô số tai hoạ khủng
khiếp nhất cho nhân loại. Nó không thu hút được những phần tử có học thức uyên
thâm. Tuy nhiên, chính cái não trạng ảo
tưởng ở giai cấp công nhân đã làm
cho hoàn cảnh kinh tế đóng vai trò quyết định đối với khuynh hướng chính trị ở chính giai cấp
đó: bị bần cùng hóa đến mất nhân tính bởi những quy luật kinh tế tư bản chủ
nghĩa khiến họ đã tin tưởng đặc biệt rằng chỉ nhờ chủ nghĩa cộng sản marxist mà
mình mới được giải thoát khỏi cái hoàn cảnh đó. Chính niềm tin này đã dẫn đến nhiều tai họa khủng khiếp, như Công xã Paris 1871 ở nước Pháp, Đảo chính Bolsheviks 1917 ở nước Nga, Cách mạng Văn hóa 1966 – 1976 ở nước
Tàu, v. v..
Mục đích hiện thực của chủ nghĩa xã hội nói
chung là giải phóng sức sản xuất khỏi những quan hệ đang kìm hãm nó, hoặc phá
bỏ những quan hệ cũ để giải phóng sức sản xuất. Nhưng để đạt được mục đích hiện
thực như thế, nó phải đề ra một mục đích lý tưởng, tức là phải đề ra chủ nghĩa cộng sản, nhằm tập hợp hoặc tổ
chức lực lượng cách mạng. Điều đó hoàn toàn tất yếu, không phải chỉ phong trào
công nhân mới đề ra mục đích lý tưởng cho mình, mà tất cả các phong trào giải
phóng khác trong lịch sử cũng đề ra những mục đích như thế cho mình. Việc đề ra
cái mục đích như thế, trong những điều kiện xác định cho nó, nó có tác dụng to
lớn: nó nhân bội lên lòng nhiệt tình
cách mạng cũng như mức độ phản kháng ở các lực lượng cách mạng đối với cái trật
tự đang trói buộc mình, đến mức độ mà có thể biến sự phản kháng ấy thành hành
động cách mạng thực tế. Tuy nhiên, ở vào những điều kiện khác, mục đích lý
tưởng cũng có thể bị biến thành phương tiện hiện thực được dùng để chống lại
chính nó. Thành thử, không thể phủ nhận được rằng, nếu chủ nghĩa cộng sản được
đề lên thành một mục đích lý tưởng để giải phóng cộng đồng thì chủ nghĩa cộng
sản cũng được biến thành một phương tiện hiện thực để trói buộc cộng đồng, tuỳ
theo ai nhân danh nó. Chẳng hạn, Chúa
giáo vào giai đoạn sơ kỳ về sau đã bị lợi dụng vào việc nô dịch quần chúng;
hoặc giả, chủ nghĩa cộng sản không tưởng
ở thế kỷ XIX mà điển hình nhất thuộc
về chủ nghĩa cộng sản marxist, về sau
cũng đã trở thành nhân tố cản trở đối với phong trào công nhân. Tuỳ quý độc giả
xác định, nhưng đừng quên rằng, trước đây ở Liên bang Soviet, chủ nghĩa cộng
sản marxist thực tế đã bị xuyên tạc đến tận gốc rễ, đến nỗi trở thành cái bình
phong che đậy vô số sự việc hủ bại trong cái nhà nước chuyên chế nhân danh cái
chủ nghĩa cộng sản đó 3). May
mắn thay, bản chất của Chủ nghĩa Marx không nằm trọn vẹn trong chủ nghĩa cộng
sản marxist, mà chỉ biểu hiện một phần kết luận có tính chất đức tin trong đó
thôi. K. Marx không bao giờ có tham vọng nhào nặn ra một mô hình xã hội cho
lịch sử tương lai phải khuôn theo. Nếu ông có phác hoạ một vài nét đặc trưng bề
ngoài cho xã hội tương lai thì cũng chỉ nhằm tập hợp lực lượng cách mạng để thủ
tiêu xã hội tư bản chủ nghĩa. Đúng như F. Engels đã thâu tóm sự nghiệp của K.
Marx: “Trước hết, K. Marx là một nhà cách
mạng, lý tưởng của đời ông là góp sức bằng cách này hay cách khác vào việc phá
vỡ xã hội tư bản chủ nghĩa cùng các cơ cấu nhà nước dựa trên xã hội ấy”
(Friedrich Engels: Điếu văn cho Karl Marx).
Như vậy, không phải chỉ đến thế kỷ XIX mới có
chủ nghĩa xã hội, mà thực tế, chủ nghĩa xã hội đã xuất hiện manh nha từ rất lâu
trong lịch sử, ngay từ khi mà nhân loại bị phân hoá thành các giai cấp đối địch
nhau 4). Tuy nhiên, phải đến chủ nghĩa xã hội khoa học trong thế kỷ XX được thể hiện khái quát thành tác phẩm này, chủ nghĩa xã hội nói chung
mới có được đầy đủ ý nghĩa của nó, mới có được đầy đủ phẩm chất xác định, những phẩm chất này làm cho nó thật sự trở
thành một khoa học. Nó dựa trên những
phát kiến vĩ đại về những quy luật chung
nhất chi phối toàn bộ lịch sử của nhân loại, tức là lý thuyết biện chứng về xã hội trong đó nó nhận thấy nhân loại có bản năng sinh tồn, tức là bản năng ham sống hoặc bản năng sợ chết, khiến mọi cá nhân đều
có mâu thuẫn nội tại giữa nhu cầu tiêu
dùng vô hạn với khả năng sản xuất hữu hạn, mâu thuẫn này bắt buộc nhân loại
phải sống bằng kinh tế đổi chác hoặc kinh tế hàng hoá hoặc kinh tế thị trường như vẫn thường gọi,
mà kinh tế đó lại tất yếu phải phân hoá nhân loại thành nhiều giai cấp khác
nhau; cái mâu thuẫn này cũng làm cho nhân loại có bản tính vị kỷ: cá nhân nào cũng ích kỷ, tư lợi và tham lam, mà để tồn tại được, các cá nhân phải quan hệ với nhau
theo pháp luật; các cá nhân phải quan
hệ với nhau theo pháp luật lại đòi hỏi phải có chính thể dân chủ. Đó là điều không thể có được ở toàn bộ tư tưởng
xã hội chủ nghĩa trước kia. Chính vì không thể có được những cơ sở khoa học như
vậy nên tất cả những tư tưởng xã hội chủ nghĩa trước kia, ngay từ đầu, ngay từ
những quan điểm đầu tiên của chúng, phản ánh về những nguyên nhân sinh ra bản
thân chúng, đã mắc phải nhiều sai lầm nghiêm trọng để rồi bị rơi vào những ảo
tưởng bi thảm nhất.
Chủ nghĩa xã hội khoa học (bao gồm cả chủ nghĩa
cộng sản khoa học) lấy phép biện chứng
khoa học làm phương pháp luận chủ đạo
cho mình, nó khác hẳn tất cả các loại
chủ nghĩa xã hội khác (bao gồm cả các loại chủ nghĩa cộng sản khác) vốn lấy phép biện chứng tư biện làm phương pháp luận chủ đạo cho mình: nếu
các chủ nghĩa xã hội khác xuất phát từ xã
hội thì chủ nghĩa xã hội khoa học lại xuất phát từ cá nhân, nó được bảo vệ chắc chắn bởi một thực tế hiển nhiên: nếu không có cá nhân thì tuyệt đối không thể
có xã hội; nếu các chủ nghĩa xã hội khác chủ trương xoá bỏ kinh tế thị trường để xác
lập kinh tế phi thị trường thì chủ nghĩa xã hội khoa học lại chủ trương xoá bỏ kinh tế phi thị trường để xác lập kinh tế thị trường; nếu các chủ
nghĩa xã hội khác chủ trương xác lập sở hữu công cộng bằng cách xoá bỏ sở hữu tư nhân thì chủ nghĩa xã
hội khoa học lại chủ trương xác lập sở hữu công cộng bằng cách phát triển sở hữu tư nhân; nếu các chủ
nghĩa xã hội khác chủ trương xoá bỏ sự
phân hoá giai cấp về mọi mặt thì
chủ nghĩa xã hội khoa học lại chủ trương chỉ
xoá bỏ sự phân biệt giai cấp về chính trị để khắc phục những hệ quả tiêu cực phát sinh từ sự phân hoá giai cấp về
các mặt khác (kinh tế cũng như tư tưởng, v. v.); nếu các chủ nghĩa xã hội khác chủ trương xoá bỏ cả nhà nước lẫn pháp luật thì chủ
nghĩa xã hội khoa học lại chủ trương xác
lập cả nhà nước lẫn pháp luật; nếu các chủ nghĩa xã hội khác chủ trương xác lập chuyên chính vô sản thì chủ
nghĩa xã hội khoa học lại chủ trương xoá
bỏ chuyên chính dưới mọi hình thức đồng thời xác lập chế độ dân chủ; nếu các chủ nghĩa xã hội khác chủ trương
đấu tranh bằng bạo lực, tức là dùng bạo lực làm phương tiện để đạt được mục đích cho mình thì chủ nghĩa xã hội khoa
học lại chủ trương đấu tranh bằng ý chí
(khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, v. v., tóm lại tất cả các giá trị thuộc
về Chân – Thiện – Mỹ), tức là dùng ý chí làm phương tiện để đạt được mục đích cho mình. Tóm lại, chủ nghĩa xã hội khoa học dẫn dắt chủ nghĩa
xã hội quay trở về chủ nghĩa cá nhân để song hành với chủ nghĩa cá nhân.
Ở đây, cần phải nói đến các xã hội thuộc mô hình soviet, các xã hội được gọi bằng
cái tên là xã hội xã hội chủ nghĩa,
xuất hiện từ sau năm 1917 để rồi bị diệt vong vào sau năm 1989, về thực chất, vẫn chỉ là xã hội tư bản chủ nghĩa nhưng đã
biến hoá về hình thức. Các xã hội ấy chẳng qua chỉ cấu thành một hình thức đặc biệt hoặc một hình thức cực đoan nhất cho xã hội tư bản chủ nghĩa mà thôi, trong
đó tư bản tư nhân đã được thay thế
bằng tư bản tập thể, giai cấp tư bản
đã được biến thành nhà nước chuyên chế
hoặc đã được làm thành nhà nước chuyên chế đồng thời làm cho toàn bộ lao động đều trở thành công nhân nô lệ hoặc người làm thuê cho nhà nước chuyên chế.
Từ người làm thuê cho các nhà tư bản tư nhân, họ bị biến thành người làm thuê
cho nhà nước chuyên chế. Do đó, phải quy cái xã hội ấy thành chủ nghĩa tư bản tập quyền 5).
Ai cũng biết rằng, mà
cũng nên biết rằng, xã hội tư bản chủ nghĩa tồn tại với hai giai đoạn lớn: giai đoạn
tập quyền phân biệt với giai đoạn phân
quyền. Cả hai giai đoạn đó đều dựa trên chế
độ làm thuê nhưng tùy theo đời sống
chính trị ở mỗi xứ sở mà hai giai
đoạn đó nối tiếp nhau theo hai chiều
hướng trái ngược nhau. Nếu xứ sở nào đã
thay thế nền chuyên chế tập quyền bằng nền chuyên chế phân quyền thì ở xứ
sở đó giai đoạn phân quyền sẽ nối tiếp
giai đoạn tập quyền. Ngược lại, tự nó đã rõ ràng. Ở xứ sở nào có chính trị phát triển, như Anh, Mỹ
và Pháp, do đã thay thế nền chuyên chế phân quyền biểu hiện
thành nền dân chủ tư sản bằng nền dân chủ tự do thông qua việc tu chính Hiến pháp vào đầu thế kỷ XX nên xã hội tư bản chủ nghĩa đã chính thức cáo chung mà không cần làm bất cứ
một cuộc cách mạng nào khác. Nhưng ở các xứ sở có chính trị trì trệ như hầu hết
các xứ sở khác trên thế giới, do vẫn duy trì nền chuyên chế tập quyền mặc
dù đã làm nhiều cuộc đảo lộn xã hội
nên xã hội tư bản chủ nghĩa vẫn tồn tại dai dẳng.
Xưa kia, các nhà tư bản
độc lập đã tiến hành sản xuất bằng việc sử dụng lao động làm thuê để thu nhập
giá trị thặng dư. Sau các cuộc cách mạng xã hội, các nhà nước chuyên chế, như nhà
nước communist cũng như nhà nước
fascist, v. v., làm nhà tư bản tập quyền cũng tiến hành sản
xuất bằng cách đó, nhưng giá trị thặng dư bị chiếm hữu bởi các nhà nước đó lại
chỉ biểu hiện thành thuế khoá hoặc thu nhập ngân sách từ các xí nghiệp quốc
doanh, v. v. 6). Vậy các nhà nước ấy
chẳng qua chỉ là nhà tư bản tập quyền mà
thôi, hoặc chỉ là nhà tư bản duy nhất
được làm thành nhà nước chuyên chế. Ở đây việc tập trung tư bản tập quyền vào
nhà nước chuyên chế đã thúc đẩy việc tích tụ tư bản đó làm cho công nhân càng
bị hủy hoại nặng nề hơn nữa về cả thể xác lẫn tinh thần. Tuy nhiên việc tập
trung tư bản tập quyền như vậy cũng thúc đẩy một xu hướng trái ngược, theo đó các quan chức chuyên chế vốn có bản tịnh vị kỷ (ích kỷ, tư lợi và tham
lam) như mọi cá nhân khác nhưng lại
có quyền lực tuyệt đối khiến họ đua
nhau xâu xé tư bản tập quyền làm cho tư bản đó bị biến chất rồi tan rã thành nhiều bộ phận khác nhau để mỗi bộ phận
nhất định rơi vào một quan chức chuyên chế. Đó là xu hướng tất yếu không thể bị cản trở hoặc không thể bị đảo ngược bởi
bất cứ cái gì. Lạm dụng quyền lực tuyệt đối biểu hiện trực tiếp thành tham nhũng tuyệt đối làm cho nhà nước
chuyên chế ngày càng mục nát hơn nữa rồi tan rã nhanh chóng biểu hiện thành cách mạng dân chủ.
Như vậy, các
xã hội thuộc mô hình soviet vẫn thuộc
về xã hội tư bản chủ nghĩa nhưng ở
vào giai đoạn cuối cùng, chúng xuất hiện rồi tiêu vong rất hợp lý theo đúng
các quy luật kinh tế tư bản chủ nghĩa. Chính vì vẫn mang bản chất tư bản chủ nghĩa nên chúng tiêu vong như thế nào sẽ mang
lại thắng lợi như thế cho chủ nghĩa xã
hội khoa học. Hoặc nói đúng hơn, các xã hội thuộc mô hình soviet bị tiêu
vong đã làm cho chủ nghĩa xã hội khoa học cũng như chủ nghĩa xã hội dân chủ
chiến thắng cả chủ nghĩa xã hội tư biện lẫn chủ nghĩa xã hội chuyên chế. Sự
thất bại không đến với chủ nghĩa xã hội khoa học mà chỉ đến với các quan niệm sai lầm về chủ nghĩa xã
hội nói chung (the general socialism).
Tóm lại, chủ nghĩa xã
hội có thể có nhiều loại khác nhau nhưng chỉ có thể được phân chia thành hai loại cơ bản: chủ nghĩa xã hội dã man và chủ
nghĩa xã hội văn minh. Chủ nghĩa xã hội dã man chủ trương dùng bạo lực để xoá bỏ áp bức bóc lột hoặc
xây dựng một nhà nước chuyên chế kiểu mới,
từ đó không bao giờ thực hiện được ước muốn tốt đẹp của nó. Còn chủ nghĩa xã
hội văn minh lại chủ trương dùng ý chí
(khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, v. v., tóm lại tất cả các giá trị văn hoá) để xoá bỏ áp bức bóc lột hoặc thiết lập
nhà nước dân chủ bảo đảm tự do cho mọi cá nhân, từ đó thực hiện
được lý tưởng nhân đạo của nó.
1) Xin hãy xem Kazuo Shii: Chủ nghĩa xã hội là gì? (với tư cách là một lý thuyết, một phong trào
và một chế độ). Việt ngữ. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà nội 1994.
Trong đó, tác giả đã quy chủ nghĩa xã hội thành một lý thuyết cách mạng, một
phong trào giải phóng và một chế độ xã
hội. Từ đó, tác giả đã giải thích sai lầm các hiện tượng thuộc về mô hình
soviet cũng như các hiện tượng lịch sử gần đây.
2) Karl Marx: Phê phán Cương lĩnh Gothaer. Trong đó, tác giả đã phủ nhận kinh tế
hàng hoá trong xã hội cộng sản chủ nghĩa,
vốn được giả định sẽ thay thế xã hội tư bản chủ nghĩa. Hoặc Friedrich Engels: Chống Dühring. Việt ngữ. Nhà xuất bản Sự
thật, Hà nội 1984, trang 475.
3) Xin quý độc giả hãy xem: “Kinh tế Trung quốc Đại Luận chiến”. Nhà
xuất bản Quản lý Kinh tế, Bắc kinh 1996. Bản dịch Việt ngữ của Viện Kinh tế
học, Việt nam. Tập II, từ trang 239 đến trang 261. Hoặc: “Giao phong”. Nhà xuất bản Trung quốc Ngày nay, Bắc kinh 1997. Bản
dịch Việt ngữ, từ trang 324 đến trang 329 và từ trang 363 đến trang 366.
4) Sự thật này đã được chứng minh tự phát
nhưng rất đúng đắn bởi một tập thể tác giả xuất sắc: Đỗ Tư, Trịnh Quốc Tuấn, Nguyễn Đức Bách, v. v., với “Luợc khảo lịch sử
tư tưỏng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”. Nhà xuất bản Chính trị
Quốc gia, Hà nội 1994. Công trình này tuy rất non nớt về hình thức văn chương
nhưng lại tỏ ra rất sâu sắc về nội dung tư tưởng. Chỉ với cái đó thôi, nó cũng
đã xứng đáng được liệt vào loại sách báo xuất sắc nhất của chủ nghĩa xã hội
hiện đại.
5) Cần phân biệt chủ nghĩa tư bản tập quyền với chủ
nghĩa tư bản phân quyền. Chủ nghĩa tư bản tập quyền là xã hội dựa trên nền
sản xuất tư bản chủ nghĩa được thực hiện bởi nhà nước chuyên chế, theo đó nhà nước chuyên chế điều khiển toàn bộ
nền sản xuất tư bản chủ nghĩa nhờ thâu tóm toàn
bộ tư bản làm cho toàn bộ tư bản phải làm công cụ kinh tế cho nhà nước đó đồng thời làm cho nhà nước đó trở
thành nhà tư bản duy nhất. Với chủ
nghĩa tư bản tập quyền, tư bản đã được tập trung ở mức độ cao nhất thành một tư
bản duy nhất dẫn đến thủ tiêu cạnh
tranh. Chủ nghĩa tư bản tập quyền chỉ tồn tại được với nền chuyên chế tập quyền biểu hiện thành chế độ độc tài với mọi hình
thức (kể cả chế độ phong kiến).
Còn chủ nghĩa tư bản phân quyền lại là xã hội dựa trên nền sản xuất tư bản chủ
nghĩa được thực hiện bởi các tập đoàn tư
bản, theo đó các tập đoàn tư bản chi phối toàn bộ nền sản xuất tư bản chủ
nghĩa làm cho ngay cả nhà nước chuyên chế cũng trở thành người làm thuê cho
chúng, tức là nhà nước chuyên chế phải
làm công cụ kinh tế cho tư bản chứ không
phải ngược lại. Với chủ nghĩa tư bản phân quyền, tư bản tuy đã được tập
trung ở mức độ cao nhưng vẫn bị phân tán thành nhiều tập đoàn khác
nhau khiến chúng vẫn phải cạnh tranh
với nhau để phát triển. Chủ nghĩa tư bản phân quyền chỉ tồn tại được với nền chuyên chế phân quyền biểu hiện
thành nền chuyên chế giai cấp, nền
chuyên chế này biểu hiện thành nền dân
chủ chủ nô ở cả Hy lạp lẫn La mã vào thời đại cổ xưa rồi sau đó lại biểu hiện thành nền dân chủ tư sản ở một số
nước thuộc cả Tây Âu châu lẫn Bắc Mỹ châu, như Anh cũng như Mỹ, từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX (Xin hãy xem xét cẩn thận
cả các tiểu luận khác để hiểu biết
được chính xác về chính thể chuyên chế,
bao gồm cả nền chuyên chế tập quyền
biểu hiện thành chế độ độc tài với mọi hình thức (kể cả chế độ phong kiến) lẫn nền chuyên chế phân quyền biểu hiện
thành nền chuyên chế giai cấp hoặc nền dân chủ giai cấp, như nền dân chủ tư sản cũng như nền dân chủ chủ nô, v. v.).
6) Điều này cho thấy rằng, giá trị thặng dư không chỉ có một hình
thái duy nhất đã được trình bày trong
“Tư bản” được tạo tác bởi K. Marx,
tức là giá trị thặng dư được thực hiện bởi từng
nhà tư bản tư nhân hoặc từng nhóm tư
bản độc lập, mà còn có những hình
thái mới lạ không thể hình dung được đối với K. Marx, như thuế khoá cùng các khoản thu nhập ngân sách thu được từ các xí nghiệp quốc doanh, v. v.. Mặc dù
bản thân thuế khóa cùng các khoản thu nhập đó đã được phát minh ngay từ buổi đầu lịch sử, thế nhưng chỉ đến thế
kỷ XX, ở các nước chuyên chế thuộc mô hình soviet, chúng mới cấu thành hình thái tuyệt đối cho giá trị thặng dư được thực hiện phổ biến
bởi nhà nước chuyên chế.
J. B. Hàvăn Huytoàn
(Viêt vào Tháng Tám 1999).
(Viêt vào Tháng Tám 1999).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét