Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ năm, ngày 30 tháng năm năm 2013
Bộ Y tế chính là cơ quan quản lý nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó có khám, chữa bệnh... Vì vậy khi nghe Bộ trưởng Bộ này, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, hôm 27-5 trả lời phỏng vấn báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, rằng "Thiếu giường bệnh thì... phải hỏi Nhà nước!”, nhiều người hơi bị choáng và đặt câu hỏi, vậy Nhà nước là ai?
Nhà nước là đại diện chính thức của toàn xã hội bảo vệ lợi ích cơ bản, lâu dài của quốc gia dân tộc và công dân mình. Nhà nước có quyền lực chính trị công đặc biệt, có các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bộ Y tế là cơ quan hành chính Nhà nước thuộc các cơ quan hành pháp.
ình trạng quá tải BV kéo dài nhiều năm khắc phục rất chậm,
3-4 bệnh nhân vẫn nằm ghép giường
Ảnh: Hoàng Long
|
Điều sơ đẳng đó với một vị Bộ trưởng sao có thể quên, sao nỡ "đá bóng” trách nhiệm về tình trạng thiếu giường bệnh, bệnh viện (BV) cho một "Nhà nước” mơ hồ; nỡ đánh đố báo chí và thách thức người dân - "đi mà hỏi Nhà nước”! Vậy theo Bộ trưởng, hỏi Nhà nước là hỏi ai?
Tình trạng quá tải BV kéo dài nhiều năm khắc phục rất chậm, 3-4 bệnh nhân vẫn nằm ghép giường, Bộ trưởng cho rằng muốn giảm tải phải xây mới BV, phòng khám, trạm xá… Hà Nội từ 1975 đến nay mới chỉ xây thêm BV Thanh Nhàn và Phụ sản Hà Nội. Trong khi đó dân số tăng gấp đôi. Nhà báo đặt vấn đề, nếu cử tri, đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn vấn đề quá tải để Bộ Y tế đưa ra thời điểm cụ thể giải quyết thì sao? Bộ trưởng bảo "câu hỏi này cũng phải dành cho Nhà nước, vì Bộ Y tế không thể xây nhà được và cũng không có tiền làm nhà, xây BV hay mua trang thiết bị”.
Có thể hiểu Bộ trưởng muốn nói Nhà nước là cả hệ thống chính trị chăng? Vậy vai trò cá nhân của vị Bộ trưởng ở đâu? Đối thoại với báo chí là cơ hội để Bộ giải trình với cử tri cả nước những vấn đề cụ thể liên quan đến trách nhiệm ngành mình. Như việc ngành y tế kêu thiếu vốn đầu tư nhưng quyết toán ngân sách 2011 chỉ giải ngân đạt 89,1%. Trả lời điều này, Bộ trưởng bảo "phần không chi đạt nằm trong bảo hiểm y tế, phần kết dư. Ðầu tư cơ sở hạ tầng của ngành y tế gần như quyết toán hết”. Cách nói cho xong thiếu số liệu cụ thể, quá mơ hồ chung chung như vậy của Tư lệnh ngành quả là cách thoái thác trách nhiệm.
Những tiến bộ và triển vọng cải cách quản lý ngành, nếu có, nếu đáng tin cậy, phải được thể hiện ở việc tăng cường trách nhiệm giải trình và đề cao tính minh bạch, tăng cường giúp mọi đối tượng tiếp cận thông tin ngành mình quản lý, góp phần giải quyết tận gốc những yếu kém, không tạo điều kiện phát sinh tham nhũng.
Trong một hệ thống phụ thuộc hoàn toàn vào kiểm soát hành chính, trách nhiệm giải trình phải cố gắng tránh vòng vo. Nhưng trường hợp này, bà Bộ trưởng lại né bằng cách "đá trách nhiệm đi”, là kêu gọi "cả hệ thống chính trị vào cuộc” sáo mòn, thay vì cố gắng đổi mới, tái cấu trúc ngành, không chỉ dừng ở Đề án BV vệ tinh hay luân chuyển bác sĩ...
Trách nhiệm giải trình còn có nghĩa để làm tốt thì được khen, thưởng, và làm không tốt thì dám chịu trách nhiệm, hậu quả. Các câu hỏi thực sự của dân giúp người đứng đầu ngành ý thức hơn mình "chịu trách nhiệm trước ai” và "chịu trách nhiệm về cái gì”.
Sao Bộ trưởng không chủ động chỉ thẳng ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư của ngành, như kết quả Kiểm toán Nhà nước năm 2011 vừa cho biết. Đó là một số dự án Bộ Y tế phê duyệt điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, làm tăng quy mô đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện. Vì sao những điều này đã được Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị từ những năm trước mà chậm được khắc phục?
Quốc hội và HĐND các cấp đã và đang đóng vai trò ngày càng tích cực trong việc giám sát hoạt động các cơ quan nhà nước. Mở rộng và củng cố cơ chế trách nhiệm giải trình giúp Chính phủ đáp ứng tốt hơn nhu cầu cũng như mối quan tâm của công dân và doanh nghiệp. Nâng cao trách nhiệm giải trình của các vị bộ trưởng, nhất là y tế và giáo dục, cần trở thành xu thế chủ đạo.
Hiện một số người dân nhận thức về các quyền pháp lý có hạn, lại thiếu cơ chế hiệu quả để đòi hỏi có dịch vụ tốt hơn, nên người dân chưa được đặt đúng vị trí để tạo áp lực từ dưới. Các phương tiện truyền thông trở thành kênh thông tin - chất vấn hiệu quả, tin cậy. Việc báo chí nhận được câu trả lời "như đùa” nói trên cho thấy Bộ Y tế còn khá nhiều thách thức, phải rất nỗ lực mới đạt được tiến bộ nâng cao tính minh bạch điều hành quản lý, dù giờ đây mức độ thâm nhập của Internet và các phương tiện truyền thông gia tăng, thông tin chính sách nhà nước ngày càng được phổ biến rộng rãi hơn bao giờ hết.
Bộ trưởng có hay, một bệnh nhân đã chua chát đánh giá cao nhất Bộ Y tế thời gian qua chính là chính sách tăng khung giá điều trị. "Ngay cả người có BHYT cũng khiếp vía không dám nhập viện điều trị”. Chẳng hạn khâu ép sụn vành tai do một điều dưỡng thực hiện trong khoảng 5 phút, giá một triệu ba trăm ngàn đồng, chưa kể tiền giường 1-2 ngày tính riêng, do bị bắt buộc nhập viện. Nhiều người nhận giấy đóng tiền xong là lặng im ra về để giảm tải cho BV. Về nhà mua thuốc nam mà uống.
Bản chất Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ XHCN. Cơ quan hành chính và đội ngũ công chức không được quan liêu, hách dịch, không được gây phiền hà cho người dân khi thi hành công vụ. Nền hành chính nhà nước ta có định chế tổ chức theo thứ bậc chặt chẽ, thông suốt từ trung ương tới các địa phương. Năng lực chuyên môn và trình độ quản lý của những người đứng đầu trong các cơ quan nhà nước ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công việc thực hiện. Điều này phải được coi là tiêu chuẩn số một trong nền hành chính phát triển theo hướng hiện đại.
Nâng cao năng lực, ý thức chịu trách nhiệm của các vị bộ trưởng, nhất là y tế và giáo dục – lĩnh vực trực tiếp liên quan đến mọi thế hệ, mọi nhà, cần trở thành xu thế chủ đạo. Tại sao đã xã hội hóa hai lĩnh vực này bao năm qua, mà chất lượng dịch vụ công không cao, lại luôn quá tải? Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm của ai cần phải làm rõ, quy hoạch ở đâu, tầm nhìn ở đâu đối với các cơ quan có trách nhiệm và các cá nhân có trách nhiệm cao nhất? Ai phải chịu trách nhiệm trước tình trạng thiếu trường lớp, thiếu BV triền miên? Sao năm nào trẻ em ở các thành phố lớn đều phải bốc thăm vào mẫu giáo công, và mới đây tại Kon Tum, tuyển chọn học sinh vào lớp 1 công cũng phải bốc thăm? Và BV cứ như trại tỵ nạn?
Một khi nhà báo cũng bó tay trước cách trả lời "đi hỏi Nhà nước” của Bộ trưởng, trách gì người dân vẫn còn quá khó trong tiếp cận thông tin từ phía các cơ quan nhà nước. Điều này đang hạn chế vai trò giám sát của người dân đối với các dịch vụ và chức năng do Chính phủ cung cấp.
… Không biết một khi, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tiến về tình trạng quá tải BV, thiếu BV, Bộ trưởng có "xui” các vị này đi hỏi Nhà nước không nhỉ?
Thanh Như
(Đại đoàn kết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét