Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ năm, ngày 30 tháng năm năm 2013
(GDVN) - Theo Thanh tra Chính phủ: Có hiện tượng những người, nhóm người khiếu nại “liên kết” với nhau để khiếu nại đông người nhằm tạo thêm sức ép lên các cơ quan Đảng và Nhà nước. Đáng chú ý là trong một số trường hợp có sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo những người đi khiếu nại liên kết đông người có những hành vi quá khích, gây rối.
Trong chương trình làm việc xung quanh Dự thảo Luật tiếp công dân được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5, Thanh tra Chính phủ đã công bố tổng kết công tác tiếp dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước trong việc tiếp công dân còn bộc lộ những hạn chế.
Ông Huỳnh Phong Tranh - Tổng Thanh tra Chính phủ |
Nguyên nhân cả ở hệ thống pháp luật và người thực thi
Thứ nhất: Công tác quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, đơn vị chưa tốt nên kết quả, hiệu quả giải quyết đạt chưa cao. Việc nắm tình hình khiếu nại, tố cáo chưa chắc; việc theo dõi, thống kê các vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa kịp thời, thực tế còn bị động, lúng túng trong chỉ đạo xử lý tình huống phức tạp xảy ra; kế hoạch giải quyết ở các cấp chưa cụ thể, từng cấp chưa làm đầy đủ trách nhiệm, còn bị động đối phó, chưa giải quyết các vấn đề cơ bản, nhất là cơ chế, chính sách và trong chỉ đạo điều hành. Số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng vẫn còn nhiều; những vụ việc phát sinh mới có nơi chưa giải quyết kịp thời.
Thứ hai: Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm nhiều đến công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiếp công dân trong phạm vi quản lý của mình hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chưa phù hợp với quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trên.
Thứ ba: Nội dung phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở nhiều nơi còn sơ sài, hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, chưa thu hút và tạo sự quan tâm của người dân. Ngoài ra, đa số địa phương đều gặp khó khăn trong vấn đề kinh phí tổ chức, do vậy số xã, phường, thị trấn được tổ chức tuyên truyền chưa được nhiều và hiệu quả tuyên truyền còn hạn chế.
Thứ tư: Việc bồi dưỡng nghiệp vụ tiếp công dân ở một số địa phương chưa được chú trọng. Hiện vẫn còn nhiều cán bộ tiếp công dân chưa được đào tạo nghiệp vụ tiếp công dân.
Thứ năm: Một số nơi công tác chỉ đạo hoạt động tiếp công dân còn thiếu quyết liệt, chưa toàn diện, có chỉ đạo nhưng thiếu đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nên hiệu quả chưa cao. Một số trường hợp cấp trên có chỉ đạo nhưng nội dung không rõ ràng hoặc hoặc thiếu thống nhất, dẫn đến cấp dưới lúng túng trong tổ chức thực hiện. Có những trường hợp cấp trên chỉ đạo nhưng cấp dưới không thực hiện nghiêm túc.
"Có hiện tượng những người, nhóm người khiếu nại “liên kết” với nhau để khiếu nại đông người nhằm tạo thêm sức ép lên các cơ quan Đảng và Nhà nước. Đáng chú ý là trong một số trường hợp có sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo những người đi khiếu nại liên kết đông người có những hành vi quá khích, gây rối...". Thanh tra Chính phủ
Thứ sáu: Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được làm ráo riết; qua thanh tra, kiểm tra mặc dù phát hiện ra nhiều vi phạm nhưng xử lý chưa nghiêm. Chính vì vậy, hiệu quả thanh tra trách nhiệm mới dừng ở mục đích phòng ngừa là chính (rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, đôn đốc), chưa thực sự có tác dụng “răn đe” (xử lý nghiêm các hành vi vi phạm).
Bên cạnh việc chỉ ra những hạn chế, yếu kém, Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ những nguyên nhân dẫn tới tình trạnh này, bao gồm: Nguyên nhân khách quan là do các quy định pháp luật về tiếp công dân ban hành chưa đầy đủ, chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, thậm chí còn mâu thuẫn; Nguyên nhân chủ quan do nhận thức của một số lãnh đạo bộ, ngành, địa phương chưa đầy đủ, chưa đúng mức, chưa thực sự coi công tác tiếp công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần ổn định chính trị, xã hội, phát huy quyền dân chủ của công dân.
hanh tra Chính phủ chỉ rõ 6 hạn chế, yếu kém trong công tác tiếp dân thời gian qua. Ảnh minh họa, nguồn internet. |
Xuất hiện “liên kết” để tạo sức ép lên cơ quan Đảng, Nhà nước
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, từ năm 2008 đến năm 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp hơn 1,5 triệu lượt người đến khiếu nại, tố cáo và tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư. Số lượng công dân khiếu nại, tố cáo ngày càng tăng cả về số đoàn đông người, số vụ việc (từ 187.037 vụ việc năm 2008 tăng lên 236.466 vụ việc năm 2011; từ 2.466 lượt đoàn năm 2008 tăng lên 4.056 lượt đoàn năm 2011).
Về tính chất, mức độ phức tạp mặc dù so với những năm 2006-2007 tình hình khiếu nại, tố cáo từ 2008 – 2011 ở một số địa bàn có giảm, nhưng về tổng quan thì tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp và bức xúc ở nhiều nơi, có lúc, có nơi đặc biệt phức tạp, gay gắt, biểu hiện rõ nhất là: số đoàn đông người tăng mạnh, thái độ khiếu kiện thiếu kiềm chế, khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên Trung ương gia tăng; tình trạng đơn thư gửi tràn lan mang tính phổ biến, nhất là trong các dịp có sự kiện chính trị (họp Trung ương, họp Quốc hội, Bầu cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại hội Đảng…).
Có nhiều vụ việc phát sinh từ những năm trước, đã được các cấp chính quyền xem xét, giải quyết nhưng công dân vẫn không nhất trí tiếp tục khiếu kiện kéo dài, nhất là các vụ việc khiếu nại về thu hồi đất để thực hiện dự án tại các địa phương như TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Đăk Lăk, Đắc Nông, Thanh Hóa, An Giang, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai…., các vụ việc đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân tại các địa phương như: Long An, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh...
Có hiện tượng những người, nhóm người khiếu nại “liên kết” với nhau để khiếu nại đông người nhằm tạo thêm sức ép lên các cơ quan Đảng và Nhà nước. Đáng chú ý là trong một số trường hợp có sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo những người đi khiếu nại liên kết đông người có những hành vi quá khích, gây rối. Tình hình khiếu nại, tố cáo nêu trên đã ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tiềm ẩn những nguy cơ làm mất ổn định chính trị - xã hội tại một số địa phương trong một số thời điểm.
Trong một số trường hợp đã xuất hiện những mâu thuẫn phát sinh giữa người dân với chính quyền, giữa người dân với nhà đầu tư. Trong nhiều dự án, do tác động của tình hình khiếu nại, tố cáo nên đã làm cho dự án bị chậm triển khai, kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế xã hội. Một số vụ việc khiếu kiện người dân thể hiện thái độ sẵn sàng đối đầu, bất phục tùng chính quyền, thậm chí hăm dọa cán bộ có trách nhiệm. Điều đáng lo ngại là tình hình khiếu nại, tố cáo đã tác động tiêu cực vào tâm lý, hành động của cán bộ, vào đời sống xã hội và niềm tin của một bộ phận không nhỏ nhân dân, cán bộ đối với chính quyền, đòi hỏi phải được quan tâm chỉ đạo quyết liệt.
Ngọc Quang
- (Giáo Dục)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét