Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Lần đầu tiên Việt nam xác định rõ 3 quyền phân lập cho Nhà nước ?

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Chủ nhật, ngày 26 tháng năm năm 2013

“Đây là lần đầu tiên Việt Nam xác định 3 quyền lập, hành pháp, tư pháp, đó là nguyên tắc hoạt động của bất kỳ nhà nước nào”, ông Thảo nhấn mạnh.

Trao đổi với PV báo điện tử Infonet bên lề Quốc hội chiều 25/5 về những nét mới của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho biết, dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã có nhiều nội dung rất mới, nhưng cái rõ nét nhất là vấn đề xác định rõ quyền của nhân dân, nhân dân là chủ thể quyền lực tối cao, điều đó thể hiện qua việc lấy ý kiến dân để xây dựng Hiến pháp, Quốc hội chỉ là đại diện thay mặt dân chủ trì.

Điều 2 của dự thảo Hiến pháp lần này đã nói rõ tất cả quyền lực thuộc về nhân dân và nhân dân thể hiện quyền lực như thế nào thì ở Điều 6 đã thể hiện rõ, nhân dân sử dụng quyền lực trực tiếp, tự mình trực tiếp tham gia điều hành xã hội và sau đó là gián tiếp thông qua đại diện đó là Quốc hội, HĐND và các cơ quan Nhà nước khác. Điều đó mở ra cái mới thể hiện cốt lõi việc thể chế hoá cương lĩnh Đại hội  11 của Đảng và tinh thần dân chủ.

Ông Đinh Xuân Thảo. Ảnh. Xuân Hải.
Một cái mới và rất quan trọng, Điều 2 so với trước đây ngoài sự bổ sung thống nhất thì còn thêm sự phân công, phối hợp, kiểm soát 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Thưa ông, sự phân công chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan Nhà nước về lập pháp, hành pháp, tư pháp được thể hiện cụ thể như thế nào trong sửa đổi Hiến pháp lần này?

Với nguyên tắc của Điều 2 thì các Chương Quốc hội, Chính phủ, Viện kiểm sát, Toà án trước đây chỉ nói công việc của các cơ quan này thôi chứ không nói cụ thể cơ quan nào là lập pháp, hành pháp, tư pháp thì lần này nói rõ Quốc hội là cơ quan lập hiến, lập pháp. Trước đây Hiến pháp ghi rõ “Quốc hội là cơ quan lập hiến, lập pháp duy nhất” thì nay bỏ từ “duy nhất” đi thì điều đó chứng tỏ thì ngoài Quốc hội còn có nhân dân có quyền lập hiến, lập pháp. Còn đối với Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, thực hiện quyền hành pháp. Đối với Toà án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xác định 3 quyền lập, hành pháp, tư pháp, đó là nguyên tắc hoạt động của bất kỳ nhà nước nào.

Với chức năng như thế thì Hiến pháp cũng có điều chỉnh một số nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, để thể hiện rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan nhà nước. Ví dụ Chính phủ là cơ quan hành pháp thì sẽ nắm hết quyền năng hành pháp, Quốc hội chủ lập pháp, lập hiến và tòa án là tư pháp thì quyền năng của từng cơ quan được phân định rõ ràng. Như vậy quyền lực của Nhà nước đã được phân công rõ ràng rành mạch để kiểm soát, và kiểm soát bên ngoài rộng nhất, cao nhất và mạnh nhất là của nhân dân.

Như vậy quyền lực cao nhất của Nhà nước thuộc về nhân dân?

Đúng, không chỉ có vậy, một vấn đề nữa có thể nói là cái được của việc sửa đổi Hiến pháp lần này xuất phát từ quyền lực của nhân dân được thể hiện ở Chương II. Đây là cái được nhân dân hoan nghênh đồng tình ủng hộ và thế giới đánh giá cao, điều đó thể hiện ở việc đưa quyền và nghĩa vụ của người dân lên Chương 2.

Trong giao lưu, mở rộng hợp tác quốc tế với các nước thì chúng ta đưa vào trong Hiến pháp lần này là tiếp tục khẳng định chủ quyền nhân dân, nên cái đáng quan tâm nhất là vấn đề xác lập chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp và tạo ra một cơ chế để luật hoá chủ quyền nhân dân.

Thưa ông sửa đổi hiến pháp lần này, vấn đề đất đai luôn được người dân quan tâm, nhất là vấn đề thu hồi đất, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Nói về đất đai thì thống nhất cao đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước đại diện chủ sở hữu. Trong sửa đổi Hiếp pháp lần này về vấn đề đất đai có nội dung thu hồi đất, cái mới là ở Điều 57, 58 là thừa nhận quyền sử dụng đất, cái quyền này là quyền tài sản. Chính vì vậy đất đai được pháp luật bảo hộ và phải tôn trọng, nếu anh bị thu hồi thì phải xử sự đúng là quyền tài sản.

Theo dự thảo ban đầu là có 4 trường hợp thu hồi thì nay thêm trường hợp 5, đó là thu hồi  đất phục vụ dự án phát triển kinh tế xã hội thì quan điểm của tôi nó phải áp loại giá khác, phải sát với giá thị trường. 4 trường hợp thu hồi đất quy định trong Hiến pháp trên là bồi thường theo giá của Nhà nước còn thu hồi đất thuộc trường hợp 5 để phục vụ dự án phát triển kinh tế xã hội thì phải thoả thuận với dân và bồi thường sát với giá thị trường.

Bây giờ vấn đề là nếu trong Hiến pháp không đưa vào cụ thể trường hợp 5 là thu hồi đất phục vụ cho dự án phát triển kinh tế xã hội để thể hiện rõ những dự án kinh tế nào mang lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng thì được áp giá đúng theo quy định của lợi ích đó. Còn doanh nghiệp sử dụng đất để kinh doanh, làm nhà thì phải tính theo giá thị trường và phải thỏa thuận với người dân.

Nếu chúng ta đưa trường hợp thu hồi đất thứ 5, vì mục đích phát triển kinh tế xã hội, liệu có xảy ra trường hợp các doanh nghiệp thu hồi đất tràn làn không, thưa ông?

Đây cũng là cái mà Quốc hội phải thảo luận kỹ. Bên Chính phủ cũng có nhiều ý kiến là trường hợp thu hồi để phát triển dự án kinh tế xã hội nào thì ở tầm lợi ích quốc gia, công cộng, còn loại bình thường vẫn thu hồi nhưng phải đảm bảo quyền lợi của người có quyền sử dụng đất. ví dụ 1 tỷ đồng/m2 đất ở Hà Nội là đúng nhưng khi đó chưa có quy định đất đai là quyền tài sản, giờ có rồi thì họ bảo giá đất của tôi 1,2 tỷ đồng/m2  thì anh cũng phải chấp nhận thôi.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Hải thực hiện

(Infonet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét