Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ hai, ngày 27 tháng năm năm 2013
Chiều 26 tháng 5, Công an CSVN đã 'thực hiện lệnh bắt khẩn cấp' ông Trương Duy Nhất, 49 tuổi, người chủ trương trang blog có tên “Một góc nhìn khác” khá nổi tiếng.
Báo chí Việt Nam cho biết, Cục An ninh Điều tra của Bộ Công an CSVN đã phối hợp với Công an thành phố Đà Nẵng, khám xét nhà ông Nhất trong nhiều giờ, sau đó đưa blogger này và các “tang vật” ra Hà Nội.
Theo các nguồn tin này, ông Nhất bị khởi tố vì có hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước Việt Nam, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Blog “Một góc nhìn khác” của ông Nhất đã bị đóng. Người đọc không thể truy cập vào blog này để xem các bài ông Nhất đã viết.
Ông Trương Duy Nhất trên đường ra phi trường cùng Công an đi Hà Nội để bị giam và điều tra tiếp hôm Chủ Nhật 25/5/2013. (Hình: Tuổi Trẻ) |
Nếu bị lôi ra tòa, ông có thể bị kết án từ “cảnh cáo không giam giữ đến 3 năm” hoặc nếu bị coi là “nghiêm trọng” thì có thể bị tù đến 7 năm theo điều 258 Luật Hình Sự CSVN.
Ông Trương Duy Nhất từng là phóng viên của báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng, sau đó chuyển qua làm phóng viên thường trú của báo Đại Đoàn kết tại miền Trung. Cách nay khoảng ba năm, ông Nhất tuyên bố rời bỏ làng báo Việt Nam để dành thời gian cho việc viết blog.
Theo tường thuật của chính ông Trương Duy Nhất trên blog “Một góc nhìn khác”, hồi tháng 10 năm ngoái, ông Nhất đã từng bị Công an CSVN cảnh cáo về “thái độ tiêu cực, thiếu ý thức xây dựng, thậm chí kích động dư luận xã hội”.
Sau đó bị “thẩm tra lý lịch”, ba lần bị thẩm vấn, nhiều lần bị mời đến các quán cà phê để “trao đổi” cho đến khi ông cương quyết từ chối vì bị quấy rầy thái quá.
Khi tường thuật lại trên blog, ông Nhất khẳng định “nếu chỉ đọc thấy trên trang này ‘thái độ tiêu cực, thiếu ý thức xây dựng, thậm chí kích động dư luận xã hội’ thì chính quí vị mới là kẻ tiêu cực, thiếu ý thức và kích động, thậm chí là… phản động!”.
Trong bài “Viết sau 3 cuộc làm việc với công an”, ông Nhất cho rằng: “Tôi không phải tội phạm. Những bài viết trên trang blog Trương Duy Nhất - Một góc nhìn khác cũng không đả phá, không phản động. Những loại giấy mời, triệu tập và hình thức khảo tra đó hãy dành cho những thằng phản động đang ‘cõng rắn cắn gà nhà, những ‘nhóm lợi ích’ đang thâu tóm hệ thống ngân hàng và tài sản quốc gia, những ‘bầy sâu ăn hết phần của dân’, những ‘bộ phận không nhỏ’ trong đảng đang đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ. Đấy mới là cách bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ. Bọn đó mới là tội phạm, là lũ trọng phạm đang đục khoét đe dọa đến sự tồn vong của đảng và chế độ, chứ không phải là trang blog của tôi. Bọn đó mới là lũ phải gửi ‘giấy mời’, phải triệu tập, phải bắt giam, phải... chém đầu bêu trước nhân dân! Đó mới đúng là chức phận của ngành công an. Cái còng và khẩu súng là để chĩa vào bọn vinh thân phì gia, những kẻ đang cài nhét con cháu vào ghế này chức nọ bất chấp nguyên tắc và đạo lý, đục khoét ăn hại tàn phá đất nước, chứ không phải chĩa về những cây bút dám vứt bỏ, hi sinh tất tật mọi quyền lợi để dốc lòng cạn tâm đêm ngày phản biện góp bàn cho sự chuyển thay tích cực của đảng và dân tộc như Trương Duy Nhất”
Một vài blogger kể rằng, khi trò chuyện với họ, ông Nhất nhận định, Công an CSVN không thể bắt ông vì ông nói thật. Vì không thể bắt ai đó chỉ vì người đó nêu chính kiến của họ, dẫu cho những ý kiến đó có thể làm người khác tức giận.
Cũng cần nói thêm rằng, vài tháng gần đây, trước những diễn biến đáng ngại về hiện tình chính trị - kinh tế - xã hội tại Việt Nam, ông Trương Duy Nhất liên tục bày tỏ nhiều suy nghĩ của ông. Chẳng hạn, hồi đầu tháng 4, đề cập về vụ án Đoàn Văn Vươn, trong bài “Từ Đồng Nọc Nạn đến Đoàn Văn Vươn”, ông Nhất viết: Một khi dân tình đã công khai ủng hộ hành động cài bom, chĩa súng bắn vào chính quyền của anh em nhà Đoàn Văn Vươn thì phải xem lại chính quyền đó đã làm gì, đã gây ra những hậu họa gì cho dân. Một cuộc trấn áp cướp đất của dân lại được gọi là ‘trận đánh đẹp’ thì phải xem lại quân đội đó, cảnh sát đó, chính quyền đó là của ai, phục vụ cho ai? Chắc chắn nó không phải ‘của dân, do dân, vì dân’. Tại sao một ‘tội phạm giết người’ lại được dân tình khắp nơi cổ vũ, ủng hộ đến vậy? Tại sao chính những nạn nhân trong vụ án cũng không ai dám đòi bồi thường thiệt hại và thương tổn? Tại sao đến những con chó nghiệp vụ cũng chần chừ cưỡng lại không muốn xông lên tấn công ‘tội phạm’?
Hồi cuối tháng 4, ông viết “Tổng Bí thư và Thủ tướng nên ra đi” vì: “Kinh tế tụt dốc, bấn loạn, nát bươm - trách nhiệm thuộc về Thủ tướng. Chính trị rối loạn, mất đoàn kết, chiến dịch ra quân tắm rửa rầm rộ với mục tiêu ‘bắt sâu’ diệt bầy ‘lợi ích nhóm’ của đảng chẳng đem lại kết quả gì - Trách nhiệm thuộc về Tổng Bí thư. Không làm được thì phải nghỉ. Cảm thấy bất lực thì tránh sang bên nhường cho người khác, đội ngũ khác. Không thể cứ mãi ra rả hô hào tái cấu trúc nhưng chẳng biết tái cái gì và tái ra sao. Không thể cứ mãi như ông già quê, vục đầu vào bếp thổi lửa nhóm lò mà mong xây dựng chỉnh đốn đảng được. Để cứu vãn tình hình kinh tế và chính trị lúc này, chỉ có một cách: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải ra đi. Đã đến lúc cần một Tổng Bí thư khác và một Thủ tướng khác”.
Tuần trước, ông Nhất viết “Sinh nhật cụ Hồ”, kể rằng, tự nhiên ông quên bẵng ngày 19 tháng 5 là “sinh nhật” ông Hồ Chí Minh. Theo ông thì “Cái sự quên đến một cách tự nhiên vậy. Giản đơn vậy thôi và cũng thường tình đương nhiên vậy thôi”.
Các điều luật hình sự CSVN dùng để bỏ tù các người bất đồng chính kiến bị các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng như các chính phủ tây phương lên án là không tương ứng với thông lệ luật pháp quốc tế,. Nó cũng đi ngược lại với Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà chế độ Hà Nội đặt bút ký cam kết tuân hành.
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét