Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ ba, ngày 28 tháng năm năm 2013
Nhận định về lãi suất của JPMorgan Chase và Standard Chartered có phần trái ngược với đánh giá của ANZ. Kịch bản dự báo chính mà ANZ đưa ra là Ngân hàng Nhà nước sẽ không cắt giảm thêm lãi suất trong năm nay. |
Trong các báo cáo vừa ra về tình hình kinh tế Việt Nam, các ngân hàng Standard Chartered và JPMorgan Chase cùng cho rằng, với xu hướng giảm của lạm phát, Ngân hàng Nhà nước sẽ còn cắt giảm thêm lãi suất cơ bản trong năm nay.
Quan điểm này trái với đánh giá mà một ngân hàng ngoại khác là ANZ đưa ra cách đây ít hôm.
Các dự báo lạm phát đều thấp
Tháng 5 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo 6,6% mà nhiều tổ chức dự báo nước ngoài, trong đó có JPMorgan Chase đưa ra trước đó.
Theo đánh giá của ngân hàng này, áp lực giá cả từ đầu năm đến nay đều thấp hơn dự báo. Lạm phát cả năm được JPMorgan Chase nhận định sẽ chỉ ở mức 6,1%, thấp nhất kể từ năm 2003 tới nay.
Cùng quan điểm về triển vọng lạm phát thấp trong năm nay, trong một báo cáo khác, Standard Chartered cũng hạ dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2013. Tuy nhiên, Standard Chartered nâng mức dự báo lạm phát cho năm sau. Bên cạnh đó, dự báo lạm phát năm 2013 mà ngân hàng này dành cho Việt Nam cũng cao hơn mức dự báo mà JPMorgan Chase đưa ra.
“Chúng tôi hạ dự báo lạm phát năm 2013 và nâng triển vọng năm 2014 nhằm phản ánh độ trễ kì vọng về thời điểm áp lực lạm phát sẽ quay trở lại. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi dự đoán lạm phát năm 2013 và 2014 đạt lần lượt 7,2% và 8,2%, so với mức dự báo 8% và 6% trước đó”, báo cáo của Standard Chartered viết.
Trong một báo cáo công bố cách đây ít hôm, ANZ dự báo, mức lạm phát trung bình của Việt Nam trong năm nay sẽ ở ngưỡng dưới của khoảng dự báo 6-8% mà ngân hàng này đưa ra. Mức tăng CPI có thể xuống dưới 5% vào cuối quý 3 hoặc đầu quý 4 trước khi kết thúc năm ở mức khoảng 5,5%.
Trong khi đó, báo cáo của Standard Chartered cho rằng, lạm phát sẽ tăng cao vào cuối năm. “Lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới và những rủi ro lạm phát sẽ quay trở lại vào quý 4/2013 trong bối cảnh giá thực phẩm, giá năng lượng và lương tối thiểu gia tăng. Dự kiến, đến cuối năm 2013, lạm phát CPI sẽ đạt 8,0% so với cùng kì năm ngoái”.
Các dự báo về lãi suất
Các chuyên gia của JPMorgan Chase tỏ rõ thái độ thận trọng khi đánh giá rằng, sự đi xuống của lạm phát có thể là một triệu chứng của những vấn đề mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, xuất phát từ tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và quá trình giảm nợ của các doanh nghiệp quốc doanh. Theo báo cáo, đó là lý do vì sao mà tăng trưởng GDP và tăng trưởng tín dụng hiện cùng ở mức thấp.
Tương tự, báo cáo của Standard Chartered nhận định số liệu kinh tế những tháng đầu năm “cho thấy một bước khởi đầu khá chậm chạp”.
Cả Standard Chartered, ANZ và JPMorgan Chase đều cho rằng, những vấn đề trong hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp quốc doanh đang là rào cản chính đối với tình trạng tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế chậm chạp hiện nay của Việt Nam. Theo số liệu đưa ra trong báo cáo của Standared Chartered, trong giai đoạn từ cuối năm 2012 đến tháng 4/2013, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,4%. Kết quả này dù cao hơn so với con số tính đến tháng 3 nhưng vẫn còn xa vời so với mục tiêu 12% mà Chính phủ đề ra cho năm 2013.
“Một số quan điểm cho rằng lãi suất cao chính là rào cản lớn nhất đối với đà phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo chúng tôi, để thúc đẩy hoạt động kinh doanh và củng cố đà tăng trưởng thì việc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc (bao gồm cả khối ngân hàng và khối doanh nghiệp nhà nước) và giải cứu thị trường bất động sản có vai trò quan trọng hơn so với nhiệm vụ nới lỏng tiền tệ”, Standard Chartered khuyến nghị.
Standard Chartered và JPMorgan Chase cùng chung quan điểm dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ còn cắt giảm thêm lãi suất điều hành trong thời gian từ nay tới cuối năm.
“Ngân hàng Nhà nước và các quan chức Chính phủ đều đã đưa ra những tuyên bố về sự cần thiết phải đề phòng áp lực giá cả gia tăng trở lại và Ngân hàng Nhà nước cần hạn chế nới lỏng thêm chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, ngay cả với việc Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đi vào hoạt động tháng tới, tất cả những dấu hiệu đều cho thấy một nền kinh tế yếu ớt sẽ không sớm tự “lành bệnh”. Những áp lực giảm giá tiêu dùng sâu hơn đang tồn tại. Bởi vậy, chúng tôi dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ thêm lãi suất 0,5-1% trong năm nay, nhưng việc nới lỏng thêm này có thể sẽ chỉ được thực hiện sau tháng 7 khi mà lạm phát được dự báo đã đạt đỉnh của cả năm ở ngưỡng khoảng 7%”, báo cáo của JPMorgan Chase viết.
Các chuyên gia của Standard Chartered cho hay, “chúng tôi dự đoán nhiều khả năng lãi suất sẽ được hạ thêm 50 điểm cơ bản [0,5%] trong quý 3 nếu các nhà chức trách tiếp tục lạc quan về triển vọng lạm phát và tăng trưởng tín dụng vẫn còn yếu ớt. Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ trần lãi suất huy động nếu sự phục hồi của hoạt động kinh doanh diễn ra quá chậm chạp”.
Các nhận định này của JPMorgan Chase và Standard Chartered có phần trái ngược với đánh giá của ANZ. Kịch bản dự báo chính mà ANZ đưa ra là Ngân hàng Nhà nước sẽ không cắt giảm thêm lãi suất trong năm nay.
Dù dự báo lãi suất sẽ còn hạ, nhưng Standard Chartered cũng cảnh báo rằng, lãi suất thấp hơn chưa chắc sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. “Liệu mức lãi suất được giảm xuống có thực sự làm giảm chi phí huy động vốn và thúc đẩy hoạt động cho vay của các ngân hàng hay không vẫn còn là dấu hỏi. Do quy mô của hoạt động tái cấp vốn còn khiêm tốn so với hoạt động cho vay, việc lãi suất hạ sẽ không trực tiếp giúp giảm thiểu chi phí huy động cho các ngân hàng”, báo cáo của ngân hàng này nhận định.
Bên cạnh đó, Standard Chartered nêu rõ, quan trọng hơn nữa, chi phí huy động giảm cũng không hẳn sẽ giúp hoạt động cho vay khởi sắc hơn. Tình trạng thanh khoản dư thừa trong hệ thống cho thấy việc các ngân hàng thiếu tự tin trong công tác quản trị và khả năng giải quyết nợ xấu còn là một vấn đề hóc búa hơn nữa đối với bài toán thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Tương tự, ANZ đánh giá rằng, “những đợt cắt giảm lãi suất vừa qua có thể sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu tín dụng, nhưng sẽ không giải quyết được tình trạng thắt chặt nguồn cung vốn vay. Sự thắt chặt này cần được khắc phục thông qua tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và giải quyết nợ xấu - những nhân tố tiếp tục là rào cản chính đối với tăng trưởng tín dụng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét