Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Damascus chấp nhận tham gia Hội nghị Quốc tế về Syria

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ ba, ngày 28 tháng năm năm 2013


Quân chính phủ tại thành phố Alep, ngày 26/05/2013. (REUTERS/George Ourfalian)

Vào lúc cuộc xung đột tại Syria kéo dài và có nguy cơ lan ra toàn khu vực, có một tín hiệu tích cực là chính quyền Damas đã chấp nhận về nguyên tắc tham gia Hội nghị quốc tế Genève - 2 nhắm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở nước này.

Ngoại trưởng Syria Walid Mouallem đã thông báo như trên trong chuyến công du Irak. Lãnh đạo ngành ngoại giao Syria nhận định Hội nghị quốc tế ở Genève là « cơ hội tốt để đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria ».

Hôm qua, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tỏ ý hy vọng là dự án tổ chức hội nghị quốc tế sẽ tiến triển. Ông nói: « Dường như về phía chính quyền Bachar Al Assad, tên của một số người (sẽ tham dự hội nghị) đã được đưa ra ». Tối nay, Ngoại trưởng ba nước Pháp, Mỹ và Nga gặp nhau tại Paris để thảo luận và chuẩn bị cho sự kiện này.

Theo sáng kiến của Matxcơva, ngày 30/06/2012, Hội nghị Quốc tế về Syria đã được tổ chức tại Genève, Thụy Sĩ, với sự tham dự của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo Aan Liên Hiệp Quốc (Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh), đại diện Liên đoàn Ả Rập, Irak, Koweit, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, đại diện Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, một năm đã trôi qua, xung đột vẫn tiếp tục tại Syria, khoảng 94.000 người thiệt mạng. Do vậy, Nga – đồng minh chủ chốt của chế độ Assad và Hoa Kỳ cố gắng tổ chức Hội nghị quốc tế về Syria – được gọi là Hội nghị Genève 2 vào đầu tháng Sáu tới, thúc đẩy chính quyền Damas và phe đối lập đối thoại với nhau.

Triển vọng tổ chức Hội nghị Genève 2 tạo hy vọng cho một giải pháp chính trị tại Syria. Bởi vì, cộng đồng quốc tế lo ngại cuộc khủng hoảng này lan sang các nước láng giềng.

Liban đang ngày càng bị lôi kéo vào cuộc chiến tại Syria. Từ hơn một tuần nay, lực lượng Hồi giáo Hezbollah tại Liban đứng về phía quân đội chính quyền Damas tấn công chiếm lại thành phố chiến lược Qousseir, ở miền trung Syria. Chính trường Liban bị chia rẽ nặng nề giữa hai phe chống và ủng hộ chế độ Damas.

Jordani, láng giềng của Syria, thông báo là đang đàm phán về việc cho phép một số nước triển khai tên lửa Patriot trên lãnh thổ của mình, phòng ngừa xung đột từ Syria tràn sang.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định xây hàng rào trên một phần đường biên giới chung với Syria sau khi xẩy ra vụ khủng bố ở Reyhanli, ngày 11/05 vừa qua, làm 51 người thiệt mạng. Ankara hiện đang cưu mang khoảng 400.000 người tị nạn Syria.

Đã đến lúc, chính quyền của Tổng thống Bachar al Assad phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, bởi vì đây là ý muốn của Nga, đồng minh trụ cột của chế độ Damas. Còn Trung Quốc, một trong năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, với thái độ thực dụng, tuyên bố ủng hộ mọi giải pháp hòa bình cho Syria.

Trái bóng hiện nay đang ở trên sân của phe đối lập Syria. Phát ngôn viên của Liên minh đối lập Syria, ông Louay Safi cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Walid Mouallem là chưa đủ, bởi vì «chế độ Damas vẫn chưa nói là liệu ông Assad có sẵn sàng ra đi hay không? », nhưng từ bốn ngày qua, phe đối lập họp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, không đạt được đồng thuận về việc lựa chọn thêm 22 thành viên tham gia ban lãnh đạo Liên minh.

Nhiều nhân vật đối lập lo ngại về hậu quả của sự chia rẽ bên trong Liên minh. Song song với cuộc gặp của ba Ngoại trưởng Pháp, Mỹ, Nga tại Paris, tối nay, một cuộc họp khác của châu Âu cũng được tổ chức tại Bruxelles. Ngoài việc thảo luận về khả năng triển hạn các biện pháp trừng phạt chế độ Damas (kể từ ngày 31/05), cuộc họp ở Bruxelles còn đề cập đến vấn đề cung cấp vũ khí cho phe đối lập. Từ nhiều tháng qua, các nước châu Âu bất đồng trong hồ sơ này.

Đức Tâm (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét