Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Cuộc chiến vỉa hè Sài gòn thời khốn khó

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ hai, ngày 27 tháng năm năm 2013

Bao nhiêu năm qua cuộc chiến tại vỉa hè Sài Gòn hầu như vẫn chưa có ngày nào ngơi nghỉ giữa một bên là lực lượng trật tự dọn dẹp lòng lề đường của “nhà đương cuộc” và bên kia là phía những người dân thấp cổ bé họng phải sống chết bám víu vào vỉa hè để mưu sinh.

Cuộc chiến vỉa hè càng trở nên gay gắt, phức tạp khi những người nông dân mất ruộng đất phải đổ về thành phố để mưu sinh, càng khó khăn hơn khi chính quyền thành phố lớn nhất miền Trung là Đà Nẵng ra “sắc lệnh” tuyệt diệt hết những người bán hàng rong và ăn xin trên đường phố, họ đành chạy vô Sài Gòn.

Kinh tế khó khăn nên nhân viên văn phòng ở khu trung tâm Sài Gòn cũng thích ngồi ăn uống nơi công viên, vỉa hè. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Rồi làn sóng thất nghiệp từ 2008 tới nay mỗi năm mỗi dâng cao, hàng trăm ngàn xí-nghiệp phá sản, hàng triệu người lao động không biết đi về đâu…

Vỉa hè Sài Gòn là nơi cuối cùng để người ta giành giật chút“thị phần”để kiếm sống, đồng thời là “cứu cánh” luôn cho cả những ai đang còn có việc làm.

Gặp một chị bán phá lấu “mồ côi” ngay phía trước trường trung học chuyên Trần Đại Nghĩa, đường Lý Tự Trọng (Gia Long cũ), ngạc nhiên quá nên thắc mắc: 'Chị ơi! Trường này toàn con nhà giàu, ra cái là người nhà họ rước về luôn, tụi nó không có ăn phá lấu vỉa hè đâu”.

Chị bán phá lấu cười hiền:”Dạ, em biết! Nhưng đang bán bên Lê Thánh Tôn bị trật tự rượt đuổi quá, đành qua đây lánh nạn, chút họ đi em lại qua bển bán tiếp!”.

Hỏi thăm, chị cho biết là cư dân bên quận 4, ngày nào cũng qua quận 1 bán phá lấu, từ chiều cho tới tối, khi nào hết thì về. Chị cũng cho biết bán như vậy ngày cũng kiếm được khoảng 150 ngàn đồng, nhưng nếu ngày nào không may bị trật tự bắt thì ngày đó coi như trắng tay, vì có năn nỉ cỡ nào thì họ cũng nhất định tịch thu nồi phá lấu cùng với giỏ bánh mì của chị.

Đang trò chuyện thì có một cậu thanh niên, có lẽ nhà gần đó đem một cái chén tới mua phá lấu, chị bán hàng nhanh tay cắt phá lấu vô chén, thêm tiêu, ớt, chanh rồi đưa một ổ bánh mì, tất cả chị lấy 18 ngàn đồng.

Chúng tôi hỏi thăm là đi bán thường ngày như vậy có lẽ là ông xã chị phải đưa rước? Chị lắc đầu :”Không! Ông xã em bận đi làm tuốt bên Bình Dương, nên ngày nào em cũng phải tốn mấy chục ngàn tiền Honda ôm”.

Món xôi vỉa hè là món ăn chắc bụng cho nhân viên khu trung tâm Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
“Mấy chục ngàn, số tiền đâu có nhỏ, hàng tháng cộng lại cũng bộn à nghen?” – Chúng tôi tỏ ý tiếc dùm chị, chị chỉ cười :”Đành chịu thôi, hơn nữa cũng phải để cho ngưới khác sống nữa chớ!”.

Ông Honda ôm đậu xe đón khách sát đó, đang ngủ gà ngủ gật vì bị ế, nghe tiếng cười chợt giật mình thức giấc,buông miệng góp ý:”Phải tiết kiệm thôi! Xăng lên, cái gì cũng lên, không tiết kiệm là chết!”.Giọng ông rền rĩ nghe như là người bị nhức răng lâu ngày mà vẫn chưa nhổ được.

Nhu cầu buôn bán tại vỉa hè Sài Gòn không những giúp cho những người nghèo buôn gánh bán bưng sống qua cơn bỉ cực mà còn giúp cho những người lao động khác có cái “bỏ bụng” cũng như giải được cơn khát cồn cào khi có nhu cầu mà túi tiền eo hẹp cũng như thời gian gấp gáp không cho phép họ đặt chân lên những quán xá ở khu trung tâm quận 1.

Vì như cô N, một nhân viên văn phòng làm tại khu trung tâm quận 1 đã từng than như bọng: 'Khu trung tâm Sài Gòn này cái gì cũng mắc, tiền ở đâu mà ăn”.

Chính những gánh hàng rong là nơi giải quyết nhu cầu ăn uống cho mấy cô nhân viên với đồng lương khiêm tốn, mấy anh phụ hồ quanh mấy công trình gần đó cũng tranh thủ ra làm ly cà-phê đá bán dạo vỉa hè, đốt điếu thuốc trong giờ nghỉ trưa vội vàng sau khi đã “lùa” vội lon cơm mang theo từ sáng…

Ác một cái là cứ tầm khoảng 4 rưỡi, 5 giờ chiều, giờ người lao động tan ca hoặc đổi ca, nhu cầu ăn vặt, ăn một cái gì đó cho đỡ đói trước khi trở lại công việc hoặc trở về nhà (xa).

Khi những người bán hàng rong kéo tới nơi nhiều khách có nhu cầu thì cũng là lúc lực lượng “trật tự đô thị” bắt đầu xuất quân, hoặc xua đuổi người bán hoặc “chốt” luôn tại chỗ, khiến người bán phải dạt đi nơi khác…

Khi lực lượng này rút đi, thì “giờ vàng” của người bán cũng đã hết.

Nhân viên đổi ca đã trở lại công việc nếu như phải làm tới tối, còn người hết ca thì cũng đã vội vã trở về nhà. Chính vì vậy mà nhiều người bán phải liều mình, vừa bán vừa canh chừng để chạy, còn người mua cũng phải “tinh mắt” xem người bán “dạt” ra đâu gần chỗ cũ để biết tới mà mua, cảnh “cút bắt” lâu ngày này riết cũng thành quen. Nhưng đôi khi đang ăn, bị đuổi quá, có cô nhân viên bận áo dài, chạy mà than trong nỗi bực dọc:”Đến ăn mà cũng không được yên!”.

Một chiếc xe bán nước 'lưu động' trên đường phố. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Trò chuyện với một chàng thanh niên bận đồng phục điều hành của một hãng taxi đang tranh thủ ngồi ăn tô canh bún trên vỉa hè quận 1. Anh chàng cho biết, tô canh bún mua 16 ngàn đồng tại nơi vỉa hè đầu đường Lê Thánh Tôn này ăn rất ngon, tranh thủ “dằn bụng” rồi lại phải quay về với công việc, tới khuya mới tan ca (ngày làm việc 11 tiếng), lúc đó về nhà mới được ăn cơm.

Anh cho biết lương tháng được 3 triệu rưởi, còn nói thêm :”Xăng nhớt, xe cộ, cà-phê cà pháo…đủ thứ hầm bà-lằng, không ăn ‘bụi’ vỉa hè thì tiền tháng sao mà đủ xài?”.

Tương tự, cô T, nhân viên bán hàng mắt kiếng thời trang cao cấp của ngoại quốc cho một công ty độc quyền tại siêu thị Parkson, cũng là dân “chuyên” ăn vỉa hè cho biết. Lương cô tháng được 4 triệu, cộng thêm tiền thưởng nếu bán trên doanh số, mà lúc này kinh tế khó khăn, đạt doanh số đã khó có đâu mà vượt để lãnh thưởng. Cô quê miền Tây, ở trọ, tan ca ăn vội nơi vỉa hè rồi cô còn tranh thủ chạy tới lớp học đêm, với hy vọng có được thêm mảnh bằng Anh văn, cũng như khóa “huấn nghiệp” về kinh doanh sẽ giúp cô “đổi đời”.

Cô cho biết phải rất “hà tiện” vì Ba Mẹ ở quê rất nghèo, còn mấy đứa em đang đi học, tháng nào cô cũng cố gắng gời về quê một triệu rưởi…

Câu chuyện mưu sinh, kiếm sống nơi vỉa hè Sài Gòn thì còn rất nhiều, nhưng khi tiếp xúc với những người lao động chân chất nơi vỉa hè không hiểu sao chúng tôi tự nhiên thấy giận những kẻ “ác nhơn, thất đức” không hiểu sao họ lại đi ca ngợi Đà Nẵng là một thành phố sạch, đẹp không có ăn xin, không có bán hàng rong…Họ thực sự hiểu gì về đời sống, hay là muốn theo tấm gương của Bắc Hàn?!

Văn Lang

(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét