Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Á châu sẽ bình yên hay bão tố?

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ ba, ngày 28 tháng năm năm 2013

SGTT.VN - Xuất phát từ thực tế, bên cạnh giao thiệp song phương, Việt Nam ngày càng coi trọng các diễn đàn đa quốc gia và tránh được cái bẫy đại cục. “Đối thoại Shangri-La” (SLD) không còn là một ẩn dụ, nó là diễn đàn đa phương có uy tín về an ninh khu vực.

Ngày 31.5 tới, Hội nghị cấp cao an ninh châu Á lần thứ (SLD-12) khai mạc tại Singapore. Trước đó, Hội nghị tương lai khu vực lần thứ 19 vừa kết thúc ở Tokyo. Các diễn đàn thường niên bàn về chiến tranh và hòa bình diễn ra trong bối cảnh đặc biệt!

Chưa bao giờ các tuyên bố/hành động của Trung Quốc lại sặc mùi súng đạn như hiện nay.

Ngày 27.5, trước cách hành xử bạo ngược của Trung Quốc đối với ngư dân ta, người phát ngôn bộ Ngoại giao ta khẳng định, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam.

Những hành động của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử (DOC).

Từ “cải bắp” đến “xoay trục”…

Rõ ràng, chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Trung Quốc đang gây hỗn loạn trên Biển Đông.

Ngày 27.5, tướng Trương Triệu Trung vừa công khai trên đài truyền hình quốc gia: Trung Quốc sẽ dùng "chiến lược cải bắp" để đánh chiếm các đảo, bãi đá, rặng san hô ở Trường Sa trên Biển Đông.

"Chiến lược cải bắp" được tướng Trương lý giải: lớp đầu sẽ cho tàu cá xâm nhập, lớp thứ hai là hải giám, ngư chính tuần tra, giám sát, hộ tống và lớp trong cùng là tàu hải quân xuất trận.

Với chiến lược này, tướng Trương cho hay các nước trong khu vực không có cách nào đối phó nổi. Chiếm xong các đảo, bãi đá, rặng san hô, theo ông Trương, Bắc Kinh sẽ cho tuần tra và đẩy mạnh tận thu tài nguyên, kết hợp du lịch với các hoạt động quân sự.

Tàu sân bay USS Nimitz “xoay trục” sang biển Đông
Áp lực chính trị trong mỗi nước cũng có thể là nguồn gốc gây căng thẳng, ngay giữa các đối tác cùng là đồng minh của Mỹ. Chuyện ầm ĩ hiện nay giữa Đài Loan và Philippines là một ví dụ.

Tổng thống Mã Anh Cửu bị chỉ trích yếu kém trong đối ngoại, nên buộc phải làm rắn với Philippines để không mất lòng dân.

Còn tại Philippines, đảng của Tổng thống Benigno Aquino đang đối mặt với cuộc bầu cử giữa kỳ. Việc “xuống nước” với Đài Loan sẽ khiến đảng của ông trả giá khi ganh đua để giành hàng trăm ghế tại lập pháp.

Ông Aquino được coi là người cứng rắn hơn về chính sách đối ngoại so với người tiền nhiệm. Ông đã nhiều lần dám lên tiếng bảo vệ lợi ích quốc gia mỗi khí xẩy ra tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.

Tàu sân bay USS Nimitz “xoay trục” sang Biển Đông trong khi Trung Quốc đang “vờn” Philippines tại bãi Cỏ Mây là biểu hiện mới nhất của việc Mỹ tăng cường hợp tác hải quân với Đông Nam Á nhằm quyết tâm bảo vệ lợi ích của các đồng minh.

Tờ Hoàn cầu thời báo trích dẫn ý kiến chuyên gia: “Tàu sân bay này đã hoạt động tại khu vực mà Philippines gọi là biển Tây Philippines, hơn nữa, sau khi vào khu vực này, máy bay do thám E-2C thường xuyên cất cánh, một mặt là luyện tập, mặt khác lại là do thám các hoạt động các tàu Trung Quốc/Đài Loan.

“Mỹ vừa bảo vệ các tàu vận tải, vừa chi viện trên không/trên biển cho việc giữ đảo, chống đột nhập, đây rõ ràng thể hiện quyết tâm bảo vệ Philippines của Mỹ”.

Trên Biển Đông những ngày qua, hải quân Trung Quốc vừa tiến hành một cuộc tập trận hiếm hoi và bất thường với sự tham gia cùng lúc của cả ba hạm đội Bắc hải, Đông hải và Nam hải.

Đây là hành động mới nhất trong hàng loạt màn diễu võ dương oai của Bắc Kinh trên bối cảnh tranh chấp khu vực leo thang một cách đáng ngại.

Mặc dù Bắc Kinh đã kêu gọi New Delhi tránh xa cuộc ganh đua do “chính sách ăn hiếp” của Trung Quốc gây ra, Ấn Độ và Nhật Bản vẫn thông qua thỏa thuận cho phép hải quân hai nước thường xuyên thực hiện các cuộc tập trận chung.

Úc cũng sẽ hạ thủy thêm 12 tàu ngầm để làm nhiệm vụ tuần tra trên khu vực rộng lớn kéo dài từ vùng Top End của nước này qua Melanesia, Indonesia và Biển Đông.

Những sáng kiến của Việt Nam

Để góp phần xây dựng châu Á thành khu vực ổn định/thịnh vượng, tránh những bùng nổ tiềm tàng, Việt Nam đã đưa ra đề nghị tăng cường hợp tác và liên kết trên nhiều lĩnh vực, từ tự do hóa thương mại/đầu tư đến phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa và bảo đảm an ninh hàng hải...

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị tương lai châu Á đã đề xuất sáu lĩnh vực gồm các diễn đàn hợp tác về giảm thiểu ô nhiễm môi trường/ứng phó biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh, tự do hàng hải/dịch vụ vận tải đường biển; bảo tồn/sử dụng hợp lý nguồn nước; đảm bảo an toàn không gian mạng; phát triển nhân lực/việc làm ở nước ngoài; và minh bạch hóa thị trường tài chính.

Tại “Đối thoại Shangri-La”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình bày một cách tổng quan về chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng của Việt Nam.

Trước đến nay, chưa một lãnh đạo cấp cao Việt Nam nào đề cập đến cả ba lĩnh vực có tác động qua lại lẫn nhau này tại một hội nghị an ninh thường niên quan trọng bậc nhất châu Á, quy tụ các quan chức cấp cao về an ninh của 27 quốc gia.

Theo các chuyên gia quốc tế, dư luận đón đợi Thủ tướng Việt Nam phát biểu về các chủ đề như thành công/thách thức trong chính sách của Việt Nam và các chính sách này sẽ ảnh hưởng ra sao đến tương lai đất nước, Việt Nam đóng góp như thế nào cho hòa bình khu vực/thế giới, Việt Nam đóng góp như thế nào cho an ninh, hợp tác quốc phòng và sự phát triển khu vực.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết thêm: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đề xuất các biện pháp cụ thể về xây dựng lòng tin dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời đề xuất phương hướng xử lý các vấn đề liên quan đến duy trì hòa bình ổn định ở khu vực, trong đó có vấn đề an ninh-an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Trong các cuộc thảo luận nhóm, sẽ có những đánh giá đặc biệt về các chủ đề như tránh các sự cố trên biển đảo, phòng thủ tên lửa tại châu Á-Thái Bình Dương, tác động của học thuyết/công nghệ quân sự mới, chính sách quốc phòng/giải quyết xung đột và vấn đề tin học trong hồ sơ an ninh châu Á.

Theo đại sứ Việt Nam tại Singapore Trần Hải Hậu, việc nước chủ nhà Singapore và ban tổ chức “Đối thoại Shangri-La” mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự với tư cách là khách mời đặc biệt và là diễn giả chính khai mạc diễn đàn thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao vai trò của Việt Nam đối với an ninh khu vực.

Sự tham gia của Thủ tướng Việt Nam vào “Đối thoại Shangri-La” còn có ý nghĩa đối với nỗ lực chung của ASEAN nhằm duy trì hòa bình và an ninh trên biển Đông, nhất là trong bối cảnh tất cả các nước thành viên ASEAN đều thống nhất sớm khởi động đàm phán Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với Trung Quốc.

HẢI ĐĂNG
(SGTT)
http://www.tintuchangngayonline.com/2013/05/chau-se-binh-yen-hay-bao-to_28.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét