Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ ba, ngày 28 tháng năm năm 2013
"Nếu trưng cầu, một câu trả lời gần như chắc chắn là đa số người dân vẫn tin tưởng vào Đảng, chúng ta sẽ có kết quả tích cực về điều 4. Những xu hướng, tư tưởng khác sẽ không còn lý gì để tranh luận".
Khẳng định vai trò của Đảng
Thảo luận tổ dự thảo sửa đổi Hiến pháp chiều 27/5, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề xuất đưa điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng ra trưng cầu ý dân.
Ông dẫn dắt từ quan điểm “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” để nêu vấn đề: Quyền lập hiến thuộc về QH hay nhân dân.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng. Ảnh: Minh Thăng |
“Đưa bản Hiến pháp cho toàn dân bỏ phiếu là không khả thi, không phải mọi người dân đều có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu, hiểu thấu đáo để bỏ phiếu cho một bản Hiến pháp cụ thể. Có lẽ vẫn phải thảo luận ở nghị trường”, ông Hùng nói. “Thế nên về mặt hình thức, QH vẫn thảo luận và bỏ phiếu thông qua Hiến pháp. Nhưng có một cấp độ nữa là một số điểm trong Hiến pháp có thể trưng cầu ý kiến nhân dân”.
“Tiếp xúc cử tri nhiều nơi, từ các cán bộ lão thành cho đến sinh viên, nhiều ý kiến đề nghị QH nghiên cứu đưa điều 4 ra trưng cầu ý dân”, ĐB Thái Nguyên phản ánh.
“Phân tích của cử tri rất nên lắng nghe: Nếu trưng cầu, một câu trả lời gần như chắc chắn là đa số người dân vẫn tin tưởng vào Đảng và chúng ta sẽ có kết quả tích cực về điều 4. Khi ta đã lấy ý kiến dân rồi, những xu hướng, tư tưởng khác, chưa nói đến các thế lực thù địch, sẽ không còn lý gì để tranh luận nên hay không nên quy định điều này trong Hiến pháp, vì tối cao là người dân đã quyết định, không phải tranh luận nhiều”, ĐB Đỗ Mạnh Hùng phân tích.
Theo ông Hùng, lý lẽ mà UB sửa đổi Hiến pháp đang đưa ra, với 3 lý do là kế thừa Hiến pháp 1992, là tất yếu khách quan và là sự cần thiết của thực tế, chưa thật thuyết phục. “Trưng cầu để người dân quyết định sẽ khẳng định giá trị lịch sử của bản Hiến pháp này, sau này cũng không mất nhiều thời gian xử lý vấn đề này trong các văn bản pháp luật”, ĐB Thái Nguyên nói.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) và ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) chia sẻ ý kiến này: Nếu lấy được ý kiến toàn dân về điều 4 thì có thể một lần nữa khẳng định vai trò của Đảng, cũng là cơ hội gạn lọc để biết chỉ số niềm tin của dân đối với Đảng, để Đảng tiếp tục phấn đấu, nâng cao năng lực lãnh đạo của mình.
Chưa thể trưng cầu vì chưa có luật
Phó đoàn chuyên trách tỉnh Tuyên Quang, ĐB Hoàng Việt Phương, lại có ý kiến khác: “Khẳng định vai trò và sự lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là đang thực hiện và cụ thể hóa di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Theo ông Phương, không nên trưng cầu ý dân vì “ta đã lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, sau đó lấy ý kiến của ĐB, rồi lại lấy ý kiến dân. Khi QH thông qua rồi, nếu trưng cầu ý dân mà ý kiến không giống thì không đúng”.
Trưởng đoàn Gia Lai, ĐB Hà Sơn Nhin, cũng lưu ý hết sức thận trọng và cân nhắc việc trưng cầu ý dân vì thực tiễn diễn biến nhanh, khó lường hết các khả năng.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường góp ý: “Theo thông lệ quốc tế, nếu đem toàn dân phúc quyết một bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung như thế này thì chỉ hỏi một câu “đồng ý hay không đồng ý" với toàn văn bản Hiến pháp. Còn nhặt ra trong Hiến pháp vấn đề gì để trưng cầu thì không phù hợp lắm”.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Ta chưa sẵn sàng về mặt pháp lý... Ảnh: Lê Anh Dũng |
Chia sẻ ý kiến “nếu trưng cầu được thì tư thế sẽ rất đàng hoàng”, nhưng theo Bộ trưởng Tư pháp, lần này chưa thể trưng cầu vì chưa có luật về trưng cầu ý dân.
“Có ý kiến cho rằng QH có thể ra một nghị quyết về trưng cầu ý dân, nhưng tôi rất sợ rằng đó lại là một nghị quyết vội vàng như nghị quyết về lấy ý kiến nhân dân hay lấy phiếu tín nhiệm, đều thông qua 100% ở phiên họp cuối”, ông Cường nói.
“Tôi thiên về ý, một khi đã xác định Hiến pháp là nhân dân làm ra, QH có thông qua thì cũng chỉ thay mặt dân, cũng nên có trưng cầu ý dân, nhưng là cho những lần sau chứ chưa phải lần này, vì giờ ta chưa sẵn sàng về mặt pháp lý cho việc đó”, Bộ trưởng Tư pháp khẳng định.
(VNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét