Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Bí ẩn quyết định 20 của Nhà nước Việt nam

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Chủ nhật, ngày 26 tháng năm năm 2013

Hình ông Tập Cận Bình trên CNN hôm 19/9/2012 khi ông không xuất hiện trước công chúng trong suốt hai tuần vì đau lưng
Hình ông Tập Cận Bình trên CNN hôm 19/9/2012 khi ông không xuất hiện trước công chúng trong suốt hai tuần vì đau lưng
Cả CNN và BBC đã biến mất khỏi các kênh truyền hình cáp trong một số ngày

Không hài lòng với việc phát chậm lại 30 phút chương trình của các đài truyền hình nước ngoài để kịp lọc tin, Việt Nam đã đưa ra quy định mới mà các nhà quan sát nói rằng buộc các hãng truyền thông như BBC hay CNN phải trả tiền để bị kiểm duyệt, AFP đưa tin trong bài viết mới hôm 26/5.

Bài của cây viết Cat Barton nói Quyết định 20 đòi hỏi các kênh truyền hình phải trả phí để đối tác địa phương được chính quyền phê duyệt biên tập và chạy phụ đề tiếng Việt cho các chương trình truyền hình.

AFP nói khoản chi phí này chưa được xác định rõ nhưng cũng có tin nói rằng nó có thể lên tới hàng trăm ngàn đô la một năm với một số kênh truyền hình ngoại quốc.

CNN và BBC đã phản đối chế độ kiểm duyệt mới khiến cả hai kênh này và một số đài khác bị bỏ khỏi các kênh truyền hình cáp hoạt động ở Việt Nam trong một thời gian ngắn.

AFP nói các chuyên gia đang phân vân về chuyện Quyết định 20 là sự tăng cường kiểm duyệt hay là cách kiếm tiền mới của Việt Nam.

Họ dẫn lời một nhà ngoại giao nói động cơ của Việt Nam "rõ như bùn".

Tác giả Cat Barton nhận xét rằng các nước trong vùng từ Singapore tới Trung Quốc đều kiểm duyệt truyền hình nước ngoài nhưng không có nước nào buộc các kênh truyền hình phải hợp tác với "biên tập viên" nhà nước và lại còn phải trả phí cho việc hợp tác bắt buộc này.

Thuê người kiểm duyệt

Một số nhà báo trong nước cũng đặt ra tình huống giả định là truyền hình Việt Nam bị các quốc gia khác yêu cầu phải dịch ra tiếng Anh toàn bộ nội dung phát ra nước ngoài để thấy sự phi lý của Quyết định 20.

    "Các kênh truyền hình sợ rằng [quy định] buộc họ phải ký hợp đồng thuê người kiểm duyệt thông tin của họ."

John Medeiros - Trưởng bộ phận chính sách của hội truyền hình trả tiền CASBAA

Người ta cũng nói cho tới giờ mới chỉ có Đài truyền hình Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam được quyền biên dịch và biên tập chương trình truyền hình của nước ngoài.

AFP nói mặc dù các chương trình tin tức và thời sự không nằm trong diện phải có phụ đề, các hãng truyền hình nước ngoài vẫn lo sợ.

"Các kênh truyền hình sợ rằng [quy định] buộc họ phải ký hợp đồng thuê người kiểm duyệt thông tin của họ," Trưởng bộ phận chính sách của hội truyền hình trả tiền CASBAA, ông John Medeiros, được AFP dẫn lời nói.

CASBAA cũng cho biết 16 kênh nước ngoài đã được cấp phép biên tập nhưng không có kênh tin tức nào nằm trong số này.

Cả CNN và BBC đều từ chối tiết lộ họ có làm đơn xin cấp phép không, theo AFP.

Không phải kiểm duyệt

Hãng tin Pháp này cũng dẫn lời ông Trịnh Long Vũ, người đứng đầu bộ phận truyền hình trả tiền của VTV nói quá trình biên tập nhằm đảm bảo "không [chương trình phát sóng nào] trái luật. Không nói xấu đất nước này. Không đi ngược lại văn hóa của chúng tôi."

Ông Lương Thanh Nghị nói quy định mới làm tăng độ hấp dẫn của các kênh truyền hình nước ngoài với khán giả nội địa

Ông này cũng nói: "Có những ý kiến chỉ trích từ nước ngoài rằng đây là kiểm duyệt nhưng tôi không nghĩ thế.

"Chúng tôi không hạn chế tự do báo chí."

Người phát ngôn Lương Thanh Nghị cũng nói với AFP rằng quy định mới giúp người Việt Nam hiểu nhiều hơn các chương trình truyền hình nước ngoài và tăng độ hấp dẫn của các kênh nước ngoài với người xem ở Việt Nam.

Mặc dù vậy ông Chris Hodges, phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội nói các quy định của Việt nam "giảm mạnh sức sống thương mại của các kênh truyền hình nước ngoài ở Việt Nam."

'Lúc làm lúc không'

Một nhà báo kỳ cựu của Việt Nam cũng hoài nghi sự cần thiết của Quyết định 20 và viết trên Facebook: "Kiểu luật lệ làm cho có, không thực thi nghiêm minh, lúc làm lúc không như thế này làm sút giảm hiệu lực quản lý nhà nước."

Một nhà báo viết trên Facebook

"Theo tôi thì không nên có yêu cầu biên dịch, biên tập gì các chương trình truyền hình nước ngoài cả. Chuyện biên dịch thì nếu có nhu cầu từ thị trường, ngay lập tức các đài phải tự lo mà biên dịch và chạy phụ đề như đã từng làm từ mấy năm nay rồi.

"Việc biên tập cũng vậy, báo chí trong nước không hề có chuyện kiểm duyệt trước thì truyền hình nước ngoài mà áp dụng cái cách kiểm duyệt này nó phản cảm lắm. Thử tưởng tượng các đài CNN hay BBC mà biết chương trình của họ bị “săm soi” để cắt bỏ những đoạn nhạy cảm như thế thì ai mà cho phát."

Ông cũng bình luận thêm: "Chỉ cần lập luận như thế này sẽ thấy không nên áp dụng quy định này. Hiện nay nội dung các chương trình truyền hình như thế đều có thể tiếp cận qua Internet. Tin từ CNN trên Internet làm sao ai mà bắt biên tập biên dịch được; vì sao lại phải loay hoay với chương trình phát trên sóng, ít người xem, chủ yếu là người nước ngoài và một số người Việt biết tiếng Anh.

"Cũng bởi thế nên có kênh làm đúng quy định, tức đợi cấp giấy phép biên tập rồi mới phát; có nơi phớt lờ quy định. Kiểu luật lệ làm cho có, không thực thi nghiêm minh, lúc làm lúc không như thế này làm sút giảm hiệu lực quản lý nhà nước."

(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét