2 chiếc "tàu công vụ nước ngoài" đã xông thẳng tới đội hình tàu cá Trung Quốc, có lúc chỉ cách 3 đến 4 mét buộc các tàu cá Trung Quốc phải vòng tránh.
Báo GDVN dẫn tin từ tờ Tân Kinh xuất bản tại Trung Quốc ngày 12/5 đưa tin, lúc 3 giờ sáng 11/5 khi 32 tàu cá Trung Quốc đã chính thức xâm nhập (trái phép) vùng biển quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) đã bị 2 "tàu công vụ nước ngoài" tập kích vào đội hình cơ động của 32 tàu cá Trung Quốc để kiểm tra khám xét.
Viên thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc biển số F8189, một trong 32 tàu cá Trung Quốc kéo ra Trường Sa đánh bắt trái phép nói với các phóng viên nước này, 2 chiếc "tàu công vụ nước ngoài" đã xông thẳng tới đội hình tàu cá Trung Quốc, có lúc chỉ cách 3 đến 4 mét buộc các tàu cá Trung Quốc phải vòng tránh.
Đèn pha từ "tàu công vụ nước ngoài" rọi thẳng vào đội hình tàu cá Trung Quốc xâm phạm Trường Sa của Việt Nam |
2 "tàu công vụ nước ngoài" đã bám theo đội hình tàu cá Trung Quốc suốt 2 giờ đồng hồ, đến 5 giờ sáng thì 2 tàu này rời khỏi khu vực sau khi đã quay phim, chụp ảnh. Truyền thông Trung Quốc cho hay do tối trời nên không nhìn rõ 2 tàu này thuộc quốc gia nào, nhưng khẳng định chúng dài khoảng 30 mét và chắc chắn không phải tàu cá.
Mặc dù không nhìn rõ "tàu công vụ" của quốc gia nào, nhưng những ngư dân và phóng viên Trung Quốc lại khẳng định rằng nhìn thấy 2 tàu này có trang bị...vũ khí!?
32 tàu cá Trung Quốc nói trên, trong đó có một tàu cỡ lớn 4.000 tấn và một tàu 1.500 tấn, rời Hải Nam từ ngày 6/5 và dự kiến đánh bắt cá trong vòng 40 ngày tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là chuyến đi với đông đảo tàu thuyền cỡ lớn nhất kể từ sau khi 30 tàu cá của tỉnh Hải Nam tới đánh cá ở Trường Sa hồi tháng 7/2012.
Trả lời về phản ứng của Việt Nam về việc 32 tàu cá Trung Quốc đánh bắt hải sản tại quần đảo Trường Sa, ngày 9/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị cho biết Việt Nam theo dõi sát sao các tàu cá này:
"Chúng tôi rất quan tâm tới thông tin trên và sẽ theo dõi giám sát các diễn biến liên quan tới vấn đề này. Chúng tôi cho rằng mọi hoạt động của các bên liên quan tại Biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan".
Ông Nghị cũng nhấn mạnh: "Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và mọi hoạt động của các bên ở khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam".
Ảnh: ’Tàu công vụ nước ngoài’ áp sát 32 tàu cá TQ
PV tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét