Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Việt nam: Kiến nghị đổi tên nước có phải là tín hiệu cho thấy Đảng muốn đổi mới?

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Chủ nhật, ngày 26 tháng năm năm 2013

Đổi tên nước để đổi mới đảng?

Sau màn kịch vụng về lôi kéo toàn dân góp ý sửa đổi hiến pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) lại bày trò kiến nghị đổi tên nước thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có vẻ như ĐCSVN đang lo ngại về sự tồn vong của chế độ và trò đổi tên nước này thể hiện ĐCSVN ngầm mong muốn cải tổ hệ thống chính trị để tránh chịu chung số phận như Liên Xô hay các nước Đông Âu trước đây. Đó là nhận định trong loạt bài phân tích ngày 9 và 10/5/2013 của Stratfor Global Intelligence, một tổ chức tư nhân ở Mỹ chuyên nghiên cứu và phân tích tình hình địa chính trị trên toàn cầu. Bản dịch này gộp hai phần chung thành một bài.

(Ảnh: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Phần 1: Lịch sử Hiến pháp Việt Nam và lịch sử cải cách

Sau ba tháng công khai thảo luận sửa đổi Hiến pháp 1992, giới chóp bu chính trị ở của Việt Nam đang cân nhắc thông qua nhiều đề xuất với hy vọng khôi phục sức mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN)  giữa lúc bề bộn trăm mối thách thức kinh tế xã hội nghiêm trọng. Những đề xuất này được đệ trình để Quốc hội tranh luận vào tháng Năm và dự kiến sẽ được quyết định trước cuối năm 2013.

Trong số những thay đổi sắp được thảo luận có dự thảo kiến nghị đổi tên nước trở lại tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dùng trước đây. Nhìn bề ngoài, đây có vẻ chỉ là một nước cờ giả tạo nhằm tô son điểm phấn của chế độ cộng sản. Nhưng trong bối cảnh những kế hoạch cải cách đang diễn ra và lịch sử hiến pháp của Việt Nam, nước đi này cho thấy một nhu cầu căn bản và cấp bách hơn: đó là Việt Nam cần cân bằng nền tảng ý thức hệ của mình với nhu cầu cần phải thay đổi cho thích nghi với áp lực kinh tế và chính trị – và cả những cơ hội – trên trường quốc tế.

Không chỉ là nước cờ mang tính tượng trưng?

Hồ Chí Minh đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Cái tên này đã được khẳng định trong Hiến pháp 1946, hiến pháp đầu tiên – và được nhiều giới xem là có tinh thần dân chủ – của đất nước, để giúp cho nhà nước có một bộ mặt ít định hướng cộng sản hơn. Lúc đó, Việt Nam đang cố gắng hợp nhất tất cả các lực lượng ái quốc phi cộng sản để đoàn kết dân tộc và thử tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ nhanh chóng áp dụng một hiến pháp và chế độ chính trị có định hướng cộng sản nhiều hơn ở miền bắc (miền nam có những hiến pháp riêng của họ). Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1976, tên nước được đổi lại thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, củng cố mối liên hệ với khối cộng sản. Cái tên này cũng phản ánh thời kỳ đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với đặc trưng là nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, sản xuất công nông nghiệp tập thể hóa, và độc quyền của đảng đối với bộ máy nhà nước cả ở miền bắc lẫn ở miền nam trước kia phi xã hội chủ nghĩa.

Đảng phủ nhận [ý kiến cho] rằng việc đổi tên nước, nếu thực sự diễn ra, sẽ có tác động đối với ý thức hệ chủ nghĩa xã hội hay hệ thống chính trị của Việt Nam. Thay vì thế, đảng cho rằng việc đổi tên nước nên được hiểu là cách phản ánh tốt hơn về chế độ và về chủ quyền quốc gia – nói cách khác ưu tiên đặt chủ nghĩa dân tộc và bộ mặt dân chủ lên trên chủ nghĩa xã hội với đảng là trọng tâm. Tuy nhiên, trên công luận và thậm chí trong nội bộ đảng, trong nhiều năm qua ngày càng có nhiều đồn đoán về chuyện chủ nghĩa xã hội và hệ thống độc đảng có còn công hiệu trong việc lèo lái những cải cách chính trị và kinh tế theo định hướng thị trường của đất nước trong bối cảnh có nhiều biến đổi ở khu vực và quốc tế.

Việt Nam đang gặp nhiều thách thức nghiêm trọng về quản lý kinh tế, tinh trạng dân chúng ngày càng bất bình về sự lạm dụng quyền lực của giới quan chức và nạn áp bức chính trị, và những mối đe dọa địa chính trị mới xuất hiện trở lại từ phía Trung Quốc. Do vậy, ĐCSVN – trước đây từng là lực lượng hàng đầu trong việc xác định đường hướng và dẫn dắt quá trình biến đổi của đất nước – chịu áp lực rất lớn buộc phải đẩy nhanh chính quá trình biển đổi của chính mình.

Sửa đổi hiến pháp là trọng tâm của những nỗ lực của đảng. Đảng hy vọng dùng việc sửa đổi hiến pháp để chứng tỏ khả năng của mình trong việc đáp ứng được những ưu tiên đang thay đổi của quốc gia và quyết tâm của đảng trong việc thực hiện cải cách kinh tế theo định hướng thị trường để đáp lại áp lực chính trị từ phía công chúng. Đề xuất đổi tên nước có thể là một phần trong những nỗ lực của ĐCSVN.

Việt Nam trong thời kỳ quá độ: Cải cách và Thay đổi Hiến pháp

Trong hệ thống chính trị ở một chế độ cộng sản, những cải cách và biến đổi hoặc diễn ra bên trong nội bộ đảng và thượng tầng chính trị, hoặc bị tụt hậu so với cách mạng [nảy sinh] từ dưới đáy xã hội. Tuy ĐCSVN giữ được tính chính danh đáng kể trong cuộc đấu tranh dân tộc chủ nghĩa chống lại ách thống trị ngoại bang và duy trì di sản Hồ Chí Minh, giới chóp bu chính trị của đảng thường xuyên chịu áp lực để bảo vệ sự tồn tại của chế độ khi đảng chuyển biến từ quân tiên phong cách mạng sang đảng cầm quyền. Điều này đặc biệt đúng sau khi khủng hoảng ý thức hệ diễn ra cùng lúc với sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Liên Xô và khối Đông Âu cũ, cùng với tình hình kinh tế xã hội bê bết của chính Việt Nam sau khi thống nhất.

Lịch sử của Hiến pháp Việt Nam – mặc dù văn bản này có thể không được thực thi nghiêm ngặt – cho thấy sự tự nhận thức và ý thức hệ của đảng thay đổi ra sao dựa trên các yếu tố bên ngoài và bên trong. Tính linh hoạt của hiến pháp thành văn trong một cơ cấu do ĐCSVN thống lĩnh cũng cho phép đất nước này thường xuyên dùng những lần sửa đổi hiến pháp như phương tiện đổi mới đảng.

Thay thế Hiến pháp 1946 dựa nhiều theo mô hình phương Tây, Hiến pháp 1959 được phác thảo trong bối cảnh chính thức chia cắt hai miền nam bắc và Mỹ chuyển sang ủng hộ thực dân Pháp, khiến miền bắc phải nương tựa sự ủng hộ của khối cộng sản. Hiến pháp 1959 đi chệch hẳn Hiến pháp 1946, lồng vào giáo điều và ngôn từ cộng sản để thể hiện việc chính thức áp dụng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc. Nhưng Hiến pháp 1959 vẫn còn giữ một khoảng cách nhất định với mô hình Liên Xô nhằm mục đích chiêu dụ miền nam.

Hiến pháp 1980 được phác thảo sau khi đất nước thống nhất, khi chủ trương quản lý tập trung hóa cao độ được ban hành để hợp nhất miền nam. Hơn nữa, lúc đó Việt Nam đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ Trung Quốc và bị phương Tây cô lập sau khi xâm lấn Cam Bốt. Hiến pháp này chứa đựng ý thức hệ cộng sản theo định hướng Liên Xô và nhấn mạnh việc Việt Nam giữ khoảng cách với Trung Quốc và phương Tây. Bằng cách quy định rằng quyền lực nhà nước và các hoạt động kinh tế gần như hoàn toàn dựa vào cách đảng cộng sản diễn giải luật pháp, hiến pháp này xác định các đường lối ý thức hệ và thực tiễn để chỉ đạo quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Nhưng đến lúc đảng ban hành hiến pháp này, chế độ đã lâm vào tình thế rất khó khăn do những khiếm khuyết trong các cơ cấu quyền lực độc tài và những thách thức kinh tế xã hội nảy sinh từ chủ trương quản lý kinh tế theo kiểu kế hoạch hóa tập trung.

Trong những năm trước khi Hiến pháp 1980 được áp dụng, sản lượng nông nghiệp của Việt Nam sụt giảm mạnh trong các chương trình tập thể hóa, cùng với tình trạng nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung gây mất ổn định trong công nghiệp và khiến lạm phát tăng vọt. Đến thập niên 1980, ĐCSVN đã nhận thấy rằng tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài và sự cô lập quốc tế rốt cuộc sẽ làm xói mòn tính chính danh của đảng. Để làm dịu bớt cuộc khủng hoảng này, chính quyền và các tổ chức cấp địa phương – đặc biệt là ở miền nam – đã cố gắng xé rào, thoát khỏi chuẩn mực xã hội chủ nghĩa được quy định ở miền bắc bằng cách lặng lẽ cho phép quyền sở hữu đất đai tư nhân và buôn bán hàng hóa ngoài ngoài tầm kiểm soát trên toàn quốc. Những hành động này về sau trở thành một xu hướng, buộc chính phủ phải ban hành các chính sách toàn quốc công nhận những hạn chế của cơ chế kế hoạch hóa tập trung và những lợi ích của một nền kinh tế hỗn hợp [đa thành phần] không phải do nhà nước kiểm soát toàn bộ. Điều này mở đường cho chủ trương giải phóng kinh tế toàn diện, tức Đổi Mới, vào năm 1986.

Đổi Mới chủ yếu theo gương các chính sách mở cửa năm 1978 của Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình. Chủ trương Đổi Mới lồng vào nỗ lực của Việt Nam thử theo đuổi “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” bằng cách cải tổ khuôn khổ chủ nghĩa xã hội, nhắm đến tự do hóa kinh tế, giảm sự tập trung hóa chính trị và mở cửa Việt Nam ra thị trường toàn cầu. Nền kinh tế tăng trưởng với tỉ lệ trung bình 8 phần trăm mỗi năm, với thành quả đáng kể về xóa đói giảm nghèo và lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào ngày càng nhiều, giúp Việt Nam có những triển vọng kinh tế sáng sủa.

Bước chuyển biến này dẫn tới Hiến pháp 1992, song hành với những suy tính nát óc trong nội bộ đảng sau khi Liên Xô sụp đổ. Chủ yếu bắt chước mô hình cải cách của Trung Quốc, ĐCSVN mong muốn tạo ra một chuyển biến chính trị bằng cách đổi mới học thuyết chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng. Điều này được thể hiện qua việc đảng dần dần từ bỏ quyền kiểm soát trực tiếp đối với các vấn đề kinh tế xã hội; tăng sự tự chủ và quyền lực cho chính phủ, quốc hội, các tổ chức xã hội không thuộc nhà nước và khu vực tư nhân; và áp dụng tam quyền phân lập ở mức độ cao hơn cho các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp. Những thay đổi này không giảm bớt quyền lực của đáng nhưng thực sự có tác dụng định hướng cho các cải cách chính trị trong suốt thập niên 1990 và 2000.

Phần 2: Những thay đổi gần đây và ước muốn duy trì cân bằng của ĐCSVN

Sau hai thập niên Đổi Mới, cải cách đã mang đặc tính Việt Nam rõ nét. Nhiều thay đổi đã được áp dụng với cách tiếp cận cải cách từ trên xuống do ĐCSVN dàn dựng, tập trung vào việc phi tập trung hóa chính trị và cạnh tranh bổ sung cho cải cách theo định hướng thị trường. Trong quá trình này, đảng duy trì vai trò lãnh đạo của mình, chứng tỏ khá vững vàng bằng nỗ lực thường xuyên nhằm đổi mới ý thức hệ chủ nghĩa xã hội và du nhập một thành tố của chủ nghĩa tư bản khi đảng tiếp tục công cuộc chuyển biến đất nước. Những cuộc cải cách đã đạt hiệu quả, mặc dù cải tổ có thể đã được thực hiện chủ yếu để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng sắp diễn ra và có thể bị xem là còn khiếm khuyết theo hầu hết các chuẩn mực phương Tây.

Duy trì quyền lực bằng cải cách

Trong nhiều năm, ĐCSVN đã tiến hành một số cải cách chính trị tập trung vào cơ chế trong nội bộ đảng và cơ chế quản lý nhà nước để tạo ra kiểu bộ mặt dân chủ cho chính phủ. Mặc dù đảng vẫn là đấu thủ thống lĩnh sân chơi, Quốc hội, theo quy định của Hiến pháp 1992, được phép có quyền lực lớn hơn trong tiến trình ra quyết định. Những cuộc bầu cử trực tiếp vào Quốc hội đã được thực hiện kể từ thập niên 1990 và thậm chí vươn đến hàng ngũ của đảng với đôi chút hình thức bầu cử có tính cạnh tranh cho các cán bộ đảng cấp tỉnh thành, ủy viên trung ương và thậm chí tổng bí thư. Mặc dù không thể so sánh được với bầu cử ở phương Tây, các cuộc bầu cử này giúp củng cố các phẩm chất đại điện và tính chính danh của đảng.

Để nâng cao tính minh bạch chính trị, đảng cũng đã cho phép chất vấn và giám sát trong nội bộ đảng hoặc Quốc hội về những quyết định chủ chốt và các lần bổ nhiệm chính trị. Những nỗ lực cải cách khác nhằm tái điều chỉnh chính phủ trung ương và địa phương để tăng đôi chút quyền tự chủ cho cấp tỉnh thành, khuyến khích địa phương đóng góp ý kiến vào việc hình thành chính sách quốc gia, và cho phép các tổ chức xã hội hoạt động.

Có lẽ thay đổi lớn nhất là việc chính thức cho phép các phe phái trong nội bộ đảng bày tỏ các quan điểm khác nhau và cân đối các lợi ích khác nhau theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Về cơ bản điều này tạo điều kiện để có cạnh tranh trong nội bộ đảng – một bước quan trọng để chế độ độc đảng thoát khỏi sự độc quyền của chính mình từ trong nội bộ. Ngoài ra, sau gần một thập niên tranh luận gay gắt về ý thức hệ, đảng chính thức cho phép tư nhân kinh doanh, chủ yếu để đối lập với chủ nghĩa xã hội, và điều này đã định hình một động lực mới cho những mối quan hệ giữa đảng và doanh nghiệp. Tuy khiến cho nạn tham nhũng trầm trọng hơn, chính sách mới này giúp đảng tự định vị mình là nhà lãnh đạo cho nền kinh tế tư nhân, tạo điều kiện tăng cường các cải cách tư nhân hóa và tự do hóa về sau.

Thực ra, tuy đảng dần dần từ bỏ thế thống lĩnh và cổ xúy cho bộ mặt dân chủ, những cải cách này chủ yếu nhằm để duy trì hệ thống độc đảng với ĐCSVN là lực lượng cơ bản đẩy mạnh những thay đổi này. Từ góc nhìn của đảng, sau những kinh nghiệm của Liên Xô và của Trung Quốc năm 1989, cải cách thường xuyên là yêu cầu bắt buộc khi đảng vẫn còn quyền lực và được dân chúng ủng hộ. Điều này cho phép đảng lèo lài các cuộc cải cách trong khi giảm khả năng bị lật đổ hay khả năng xảy bước chuyển tiếp đầy bạo lực mà không có một thể chế chính trị được sắp xếp trước để chiếm chỗ của chế độ.

Những nước khác cùng phe cộng sản xem quá trình cải cách của Việt Nam là một ví dụ về bước chuyển biến của một quốc gia giúp duy trì vai trò lãnh đạo kinh tế và chính trị của đảng mà không khiến dân chúng có ý muốn làm cách mạng. Những cải cách này đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc chú ý đặc biệt. ĐCS Trung Quốc vốn mong muốn tìm cách tạo ra chuyển biến chính trị ổn định mà không gây phương hại cho thế độc quyền của đảng nhưng ngày càng bị cản trở bởi các nhóm lợi ích áp đảo trong bộ máy nhà nước và nỗi lo sợ dân chúng bất bình; chính những điều đó rốt cuộc làm đảng suy yếu.

Những thách thức ý thức hệ và tương lai của Việt Nam

Bất chấp thành công của các cải cách, khi cải cách đã có tác dụng, đảng lại lâm vào thế mâu thuẫn giữa ý thức hệ chủ nghĩa xã hội và quyết tâm theo đuổi kinh tế thị trường của mình. Tình thế nan giải này trở nên đặc biệt trầm trọng trong ba năm vừa qua, khi tình trạng kinh tế rối ren với đủ vấn nạn bao gồm đồng tiền sụt giá thê thảm, lạm phát tăng mạnh, nợ nần chồng chất của các công ty quốc doanh và đầu tư nước ngoài giảm. ĐCSVN đang hứng chịu bao lời chỉ trích về cách quản lý kinh tế, ngày càng cảm thấy như thể tính chính danh của đảng đang gặp nguy cơ. Đảng nhận ra nhu cầu cần đẩy nhanh cải cách cơ cấu vì đảng thấy rằng quyết tâm duy trì chế độ cai trị độc đảng và một cơ chế độc tài cản trở tiến trình tự do hóa kinh tế hơn nữa.

Giới phê bình cách quản lý kinh tế của đảng tập trung mũi dùi chỉ trích vào hệ thống chính trị và cho rằng tình trạng bất ổn kinh tế là do ĐCSVN không thực hiện tự do hóa chính trị đủ mức và không muốn từ bỏ nhiều quyền lực hơn nữa để có một chế độ dân chủ hơn. Ngoài sự chỉ trích này, tình hình càng xấu hơn do công chúng bất bình với nạn tham nhũng của quan chức và sự đàn áp chính trị dẫn tới những bạo động thi thoảng xảy ra và làm nổi bật các yêu sách chính trị đòi chấm dứt độc quyền của đảng. Bãi bỏ sự thống lĩnh của đảng xưa nay đã là đề tài đối thoại lặp đi lặp lại trong giới bất đồng chính trị và những học giả ngoài đảng, nhưng đề tài này lại rộ lên khi ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi xóa bỏ hoàn toàn Điều 4 (khẳng định vai trò lãnh đạo của đảng) ra khỏi hiến pháp, mở đường cho một hệ thống đa đảng. Điều này tương ứng với sự đấu đá ngày lộ rõ trong nội bộ đảng về định hướng ý thức hệ và con đường cải cách.

Những hoàn cảnh này là bối cảnh cho đợt kiến nghị sửa đổi hiến pháp hiện nay của Việt Nam, trong đó có khả năng có thể đổi tên nước. Ngoài việc cổ xúy cho nhân quyền, quyền sở hữu đất đai và tự do chính trị, dự thảo hiến pháp dường như giảm bớt vai trò của đảng trong nhà nước và xã hội để giúp đảng chuẩn bị đương đầu với những thay đổi kinh tế xã hội sắp tới. Việc đổi tên nước thành Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tuy vẫn còn là đề xuất, có thể phản ánh ước muốn lâu dài của đảng là bớt gắn bó giáo điều với chủ nghĩa xã hội và tái thẩm định các học thuyết hay hệ thống khác để có thể biến đổi đất nước nhiều hơn nữa. Đồng thời, do Hà Nội nhận thức được mối đe dọa ngoại bang lâu dài từ phía Trung Quốc, khả năng có thể đổi tên nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ĐCSVN vận dụng chính sách đối ngoại thoát khỏi cội rễ xã hội chủ nghĩa của mình và rốt cuộc tranh thủ được sự ủng hộ của Mỹ và các nước phương Tây khác.

Khả năng có thể đổi tên nước không hề là dấu hiệu cho thấy đảng muốn từ bỏ vai trò thống lĩnh của mình và áp dụng một hệ thống đa đảng kiểu phương Tây, và việc đổi tên nước có thể không xoa dịu được những yêu sách chính trị của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, những cải cách được đề xuất phản ánh đảng hiểu rằng hệ thống chính trị của đảng phải chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng những thách thức của cải cách ngày càng nhiều và nhận thức ngày càng cao của công chúng. Trong chừng mực nào đó, do Việt Nam thiếu một truyền thống độc tài hữu hiệu và đảng có những nỗ lực đổi mới hệ thống chính trị của mình, tình hình có thể có đôi chút linh hoạt, nhưng có vẻ như đảng cảm thấy phải chạy đua để tăng tốc độ và phạm vi biến đổi chính trị của mình để giữ cân bằng.

Stratfor Global Intelligence

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Nguồn: Stratfor Global Intelligence, Vietnam: Could a Name Change Signal a Party Renewal?(Part 1Part 2), 9 & 10/5/2013.

(Bản dịch tiếng Việt đã đăng trên Thời Mới Canada, ngày 22/5/2013.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét