Đăng bởi Hai Hoang Van vào Chủ nhật, ngày 26 tháng năm năm 2013
Lời người dịch: Không riêng ở Việt Nam, việc đòi hỏi quyền hiến pháp cũng đang là vấn đề nóng bỏng ở Trung Quốc với cùng một câu hỏi về vị trí của Đảng CS trong một nhà nước hợp hiến. Quốc gia này cũng đang xuất hiện một phong trào về việc đòi hỏi chính quyền phải đi theo hiến pháp và lực đẩy từ giới lãnh đạo đang ra sức bảo vệ quyền lực của mình. Tình hình của phong trào hiến pháp và phản ứng từ Đảng Cộng sản của hai quốc gia thật ngạc nhiên (hay không) lại rất giống nhau. Kết quả của cuộc tranh chấp này ở Trung Quốc chắc chắn ít nhiều sẽ có ảnh hưởng đến vấn đề sửa đổi và thực thi hiến pháp tại Việt Nam.
Một phong trào đang xảy ra ở Trung Quốc nhằm đòi hỏi Đảng Cộng sản phải tuân thủ hiến pháp quốc gia khiến cho giới bảo thủ phản ứng.
Thật khó mà tưởng tượng được được những người viết blog và tweeter trên hầu hết cả thế giới cùng nhau tham gia vào một thảo luận hàn lâm đầy hào hứng về “nhà nước hợp hiến.”
Nhưng vào thứ Tư vừa rồi ở Trung Quốc, đấy lại là cụm từ được tìm kiếm phổ biến trên mạng xã hội nổi tiếng nhất quốc gia là Sina Weibo (Tân Lang Vi Bác), với hơn 6 triệu kết quả. Đến hôm thứ Sáu, ngành kiểm duyệt của nhà nước xoá đi gần ba phần tư những ý kiến này, báo hiệu rằng chủ đề trên không chỉ đơn giản là một quan tâm thuần tuý về học thuật.
Thật thế, nó đã đặt ra một câu hỏi trọng tâm đối với tương lai Trung Quốc: Liệu Đảng Cộng sản cầm quyền có thể tiếp tục nắm giữ quyền lực nếu nó phải tôn trọng Hiến pháp quốc gia?
“Chủ nghĩa Hiến pháp” đã trở thành từ khoá tại Trung Quốc trong quá trình cải cách chính trị rộng khắp, bao gồm nhà nước pháp trị. Khái niệm này là trận chiến giữa hai phe cấp tiến và bảo thủ nhằm tranh giành ảnh hưởng trong giới lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản khi chính quyền mới đang tìm chỗ đứng cho mình ở Bắc Kinh.
Tuần này, trong một loạt những bài viết từ báo chí nhà nước với ngôn từ mạnh mẽ, giới bảo thủ đã phát động một cuộc tấn công mới chống lại quan điểm về nhà nước hiến pháp. Phe cấp tiến phải thoái bộ và mạng Internet bùng nổ với những phản hồi giận dữ.
“Sau những từ ngữ ‘chính phủ hợp hiến’ ẩn chứa một kế hoạch nhằm biến chuyển nền chính trị và thể chế Trung Quốc,” Stephanie Balme, giáo sư luật tại Học viện Nghiên cứu Chính trị ở Paris nói. “Đó là phương pháp duy nhất để người dân có thể bàn thảo về chính trị.”
Cảnh báo
Tạp chí bán nguyệt san Hồng Kỳ của Đảng Cộng sản hôm thứ Ba đã phản công bằng một bài báo mang tính lý thuyết nhằm bác bỏ hình thức nhà nước hiến pháp vì nó “không phù hợp với các quốc gia xã hội chủ nghĩa.” Hệ thống này “là của chủ nghĩa tư bản và chế độ độc tài tư sản chứ không phải là thể chế dân chủ nhân dân của Trung Quốc.” giáo sư luật Yang Xiaoqing (Dương Tiểu Thanh) thuộc Đại học Nhân Dân lập luận.
Ngày hôm sau, Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo lá cải của Đảng Cộng sản lại bồi thêm. Chủ nghĩa Hiến pháp chỉ đơn giản là “một phương pháp mới nhằm ép buộc Trung Quốc đi theo các hệ thống chính trị phương Tây,” bài xã luận trên tờ báo viết. “Những đòi hỏi của Chủ nghĩa Hiến pháp mâu thuẫn sâu sắc với Hiến pháp hiện tại của Trung Quốc,” bài báo bổ sung.
Những chỉ trích mang tính quyền hành này khiến cho giới cải cách ngạc nhiên. Tân chủ tịch và bí thư Đảng Cộng sản Tập Cận Bình đã từng khiến họ hi vọng với bài phát biểu vào tháng Chạp năm trước trong đó ông xem Hiến pháp là “vũ khí pháp lý để người dân bảo vệ quyền lợi của chính mình.” Ông nói văn bản này phải được áp dụng như thể nó có “đời sống và quyền lực”.
Rồi ba tháng trước đây, chỉ trước khi ông nắm giữ chức chủ tịch nưóc, ông Tập đã phát biểu tại một hội nghị cấp cao của Đảng rằng “không một tổ chức hoặc cá nhân nào được đặt lên trên Hiến pháp hoặc pháp luật,” theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã.
“Mọi việc dường như đã thay đổi một cách đường đột,” kể từ sau hội nghị ấy, Zhang Qianfan (Trương Thiên Phàm), một chuyên gia về luật hiến pháp thuộc Đại học Bắc Kinh nói, ông cũng là một trong những người lãnh đạo phong trào hiến pháp ở đây. “Họ đã quyết định chống trả lại chủ nghĩa hiến pháp, và điều này đánh dấu sự chết yểu của quá trình cải cách chính trị” trong chính quyền mới, ông buồn rầu nói.
Tuy nhiên theo những nhà quan sát khác thì trận chiến này vẫn chưa chấm dứt. “Hiện đang có một làn sóng to lớn quan tâm đến vấn đề này” trong giới thường dân Trung Quốc về “khái niệm của một Hiến pháp nhằm giới hạn quyền lực của nhà nước,” David Kelly, nhà sáng lập cơ quan tham vấn China Policy ở Bắc Kinh. “Và có những người trong giới lãnh đạo cao cấp đang thấy được điềm báo này.”
Các nhà phân tích nói rằng vấn đề Hiến pháp đã trở thành một điểm nóng vì nó là một tài liệu dân chủ nổi bật. Nó chỉ không được thực thi kể từ khi được thông qua vào năm 1982.
’Quyền công dân?’ Không hẳn vậy.
Có hàng loạt các điều khoản trong Hiến pháp nhằm bảo vệ các quyền lợi công dân như tự do ngôn luận và lập hội - những quyền lợi vốn thường xuyên bị vi phạm. Các nhà cải cách nói rằng họ không muốn gì hơn là lời nói của chính quyền phải đi đôi với việc làm. “Chủ nghĩa Hiến pháp chẳng mang ý nghĩa gì hơn ngoài việc thực thi Hiến pháp,” Giáo sư Zhang nói.
Trọng tâm trong những đòi hỏi của ông là nhà nước phải chấp hành Điều 5 của Hiến pháp, trong đó có phần nói rằng, “không một tổ chức hoặc cá nhân nào được quyền ưu tiên đứng trên Hiến pháp và pháp luật.”
Hôm thứ Sáu, nhà đầu tư địa ốc nổi tiếng Ren Zhiqiang (Nhậm Chí Cường) và cũng là một blogger được rất nhiều người theo đọc đã đúc kết một cách ngắn gọn trên tài khoản Weibo của mình rằng “Chủ nghĩa Hiến pháp rất đơn giản,” ông viết. “Nó có nghĩa là đặt quyền lực vào một cái chuồng và trao chìa khoá cho nhân dân.”
Tuy nhiên, đối với những người bảo thủ thì điều này là không tưởng. Theo quan điểm của giáo sư Yang thì “Hiến pháp tạo nền tảng căn bản để bảo vệ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản,” vì thế, đã đặt đảng lên trên Hiến pháp, bà viết trên tờ Hồng Kỳ.
“Đảng Cộng sản tại vị với quan điểm rằng không ai có thể giới hạn quyền lực của nó,” Tiến sĩ Kelly nói. “Khi họ nói rằng không ai đứng trên pháp luật, họ không có ý nói đến quyền lực cốt lõi của đảng,” ngay cả nếu điều này vi phạm những điều khoản của Hiến pháp.
“Mọi thứ đang biến chuyển,” Keith Hand, một chuyên gia về luật pháp Trung Quốc tại Phân viện Luật Hastings thuộc Đại học California ở San Francisco cho biết. “Hiện đang có xáo động và tranh cãi lớn tại Trung Quốc về việc làm sao cân bằng được sự lãnh đạo của đảng căn cứ theo luật pháp xã hội chủ nghĩa và làm cách nào để tạo chút ý nghĩa cho các quyền lợi mà Hiến pháp đã đặt ra. Những vấn đề chính trị cơ bản này vẫn chưa được giải quyết.”
Peter Ford
24.05.2013
Diên Vỹ chuyển ngữ
Theo The Chistian Science Monitor
(Dân luận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét