Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Nâng niu những thành phố của ta

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Chủ nhật, ngày 26 tháng năm năm 2013

Chúng ta đã trải qua giai đoạn gần 20 năm bùng nổ việc chỉnh trang, cơi nới những đô thị. Có nhiều cái được và cũng lắm cái đáng tiếc trong giai đoạn này. Giờ đây có lẽ đã đến lúc tĩnh tâm ngồi lại và suy ngẫm về việc này để làm tốt hơn trong tương lai.

Trước tiên, bài này ngẫm nghĩ về một thành phần quan trọng tưởng chỉ có chức năng giao thông: đó là đường sá, nhưng khi đặt vào đô thị nó lại có thêm chức năng giao thương (buôn bán, trao đổi), rồi dần trở thành giao thoa (gặp gỡ giữa người và người, giữa các nền văn hóa và giữa quá khứ với hiện tại lẫn tương lai).

Giữ lấy những tỉ lệ đã được thời gian chứng thực

Quy hoạch một thành phố không bao giờ nên bắt đầu từ tính thực dụng. Người ta nói một thành phố được sinh ra chứ không phải được làm ra. Vì cũng như một con người, để ra đời cần có gặp gỡ, có tình yêu, có hoài thai, có sinh nở, trưởng thành, đau khổ, hạnh phúc và chín chắn. Như một sinh linh, thành phố tiến hóa chứ không chỉ là phát triển.

Tiếng Việt miền Bắc có một từ hay để chỉ về những con đường đô thị, đó là từ phố (không hiểu sao miền Nam không có từ này). Theo từ điển tiếng Việt, Phố: là con đường trong đô thị hai bên có nhà, Phố: còn có nghĩa là cửa hàng, và Phố phường: thường dùng để chỉ nơi thành thị.

Ba định nghĩa này cho thấy hình dung cơ bản về các con đường trong nội ô thành phố Việt từ xưa đến nay: con đường có độ rộng vừa phải, cân đối với tỉ lệ con người, thân tình và hai bên có các căn nhà phố nhỏ để buôn bán hay để ở.

Rất nhiều hồn phách của các đô thị Việt nằm ở các con phố có các tỉ lệ thân tình này. Phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An, phố cổ Sài Gòn (khu vực quanh đường Đồng Khởi, chợ cũ hay Chợ Lớn, khu Gia Định, Gò Vấp...) hay những con đường đã từng là cổ của Đà Nẵng (đường Bạch Đằng đoạn ngang qua chợ Hàn nơi có nhiều căn phố cổ từng là các chành hàng của các hãng buôn giao thương trực tiếp với Hong Kong bằng đường biển, hay đường Hoàng Diệu với nhiều biệt thự cổ có kiến trúc đặc thù phối hợp giữa kiểu biệt thự Đông Dương với kiến trúc Hội An...).

Hiệu quả của các con phố đó đến nay vẫn cho thấy ưu thế rõ nét của nó: ví dụ tại Đà Nẵng, dù đã xây dựng và phát triển rất nhanh, rất rộng, rất nhiều quảng trường, đại lộ mới, nhưng không nơi nào toát lên cái chất Đà Nẵng bằng con đường nhỏ cổ xưa dọc theo sông Hàn này, đặc biệt là đoạn đi ngang qua trước “tòa thị chính” tức ủy ban tỉnh hiện nay. Cho đến tận bây giờ, hầu như các lễ hội quan trọng của thành phố như đường hoa xuân, lễ hội du lịch... đều diễn ra trên con đường này.

Cũng nói về tỉ lệ của con đường với con người và hồn phách phố thị, người viết bài đã bị bất ngờ khi ngay tại một thành phố được bảo tồn rất kỹ như Huế không hiểu sao người ta cho mở rộng đoạn đường chỉ dài hơn một cây số nối từ Thành Nội đến chùa Thiên Mụ, nghe đâu lý do là để xe khách lớn có đường đưa du khách đến tham quan chùa.

Từ cuối những năm 1960, tôi đã được đi bộ lang thang trên con đường thâm nghiêm, thơ mộng và đầy chất Huế này: một con đường nho nhỏ nằm trên một sườn đồi men theo dòng sông Hương, với một bên là sông, một bên là triền đồi nhỏ hoang sơ tọa lạc nào là tu viện, chùa chiền, làng mạc và điểm xuyết dọc đường là các cây phượng vỹ đỏ rực nghiêng bóng xuống dòng sông Hương. Đến một khúc cong hiền hòa, con đường bẻ ngoặt về bên phải và bỗng nhiên chùa Thiên Mụ xuất hiện vừa nên thơ, vừa trầm ngâm, từ tốn.

Toàn bộ cái hồn phách của ngôi chùa gắn liền với dòng sông và con đường nho nhỏ len giữa cảnh quan đặc thù đó, giờ đây bỗng là một đại lộ rộng thênh thang chạy thẳng đến sát cửa chùa... rồi hết. Cái tỉ lệ to lớn ngang tầm đại lộ của đoạn đường bỗng nhiên làm ngôi chùa nhỏ lại, và con đường nối tiếp trở thành như một... ngõ hẻm.

Thật lòng thấy tiếc cho du khách, nếu họ được đi bộ hay được đạp xe thong thả một cây số trong không khí êm đềm để đến thăm Thiên Mụ thì họ sẽ biết đích thực Huế là gì và sẽ nhớ Huế nhiều hơn.

http://mw2.google.com/mw-panoramio/photos/medium/28891941.jpg
Bưu Điện Sài gòn
Đâu những con đường Sài Gòn...

Sài Gòn là một “thành phố ngã ba đường” - một khái niệm thành phố giao thoa của các luồng văn hóa do UNESCO đưa ra. Ta có thể tìm thấy các con phố mang âm hưởng Pháp - Viễn Đông ở khu vực quận 1, các con phố đầy mùi vị Trung Hoa ở các con đường Triệu Quang Phục - Lương Nhữ Học tại quận 5...

Ngoài ra, còn có những “con đường tình ta đi” mà dân Sài thành cứ nhớ tới là ngẩn ngơ như: các con đường biệt thự lặng lẽ lá me bay ở quận 3 mà tiêu biểu là đường “Duy Tân cây dài bóng mát”, hay con đường đến nay vẫn còn nguyên vẹn từng được mệnh danh “Trưng Vương khung cửa mùa thu” tức đường Nguyễn Bỉnh Khiêm trước Sở thú nơi có hai ngôi trường rất dễ thương là Trưng Vương và Võ Trường Toản...

Nhưng không thể không kể đến hai con đường cổ điển hình cho đô thị Việt - Nam bộ: đó là trục đường Lê Quang Định - Phan Văn Trị nối Bình Thạnh với Gò Vấp mà trước năm 1975 thuộc tỉnh Gia Định.

Nếu các con phố của quận 1 hay con đường biệt thự của quận 3 từng là đại diện cho một kiểu đô thị Việt mang âm hưởng Đông Dương thuộc địa thì trục đường Lê Quang Định - Phan Văn Trị là thuần đô thị Việt - Nam bộ ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Nhà văn Sơn Nam sinh thời từng viết đại ý: đường Lê Quang Định như một con đường làng quê Việt phát triển dần lên, nên nó cong cong chứ không ngang ngay xổ thẳng như các khu phố được quy hoạch kia.

Và chỉ mới 10 năm trước đây thôi, mỗi lần đi vào những con đường này là tôi lại ngẩn ngơ như đang đi vào một đô thành khác hẳn Sài Gòn, nó đích thị có “mùi Gia Định”: con đường cong cong hiền hòa, hai bên là các căn phố nhỏ thấp, các tòa nhà cổ, các dinh thự cổ có kiến trúc khác hẳn với quận 3, vì nó mang dáng dấp ba gian hai chái truyền thống nhưng xây bằng gạch, lợp ngói và có cố gắng thời thượng chút Tây hóa. Có khi nó tọa lạc giữa một thửa đất rộng bao la, có khi lại nằm ngay bên chợ vừa ở, vừa buôn bán...

Đi thêm một đoạn ta gặp cái đình, xa chút nữa thấy ngôi chùa kiểu Nam bộ, đi thêm nữa lại gặp cái hội quán của người Triều, người Quảng sống cộng cư hài hòa. Khi đi băng qua một ngôi chợ nhỏ mà một bên là dãy phố cổ bán tạp hóa có cảm giác ta đã gặp cảnh điển hình này đâu đó ở khu phố chợ miệt Sa Đéc, Gò Công, Thủ Đức...

Chính vì say đắm đó mà hồi năm 1999 tôi và nhà nhiếp ảnh Hải Đông đã lùng sục từ Bình Thạnh, qua Gò Vấp đến tận Hóc Môn để chụp hàng trăm ngôi nhà cổ (cả cổ thuần Việt bằng gỗ như nhà của cụ Vương Hồng Sển lẫn nhà cổ xây gạch). Loạt ảnh đã gây bất ngờ (*) vì chính tại vùng đất mới này lại lưu giữ được nhiều nhà cổ Việt hơn cả các vùng đất cổ như Huế hay Hà Nội.

Ta không ngạc nhiên về điều này khi biết rằng vào thời thuộc Pháp, vùng quận 3 là nơi cư ngụ của người Pháp, tiếp đến có khu Đa Kao là vùng đệm nơi dành cho giới Hoa kiều buôn bán và vượt qua bên kia cầu Bông là tỉnh Gia Định, nơi dành cho người Việt với nhiều giới giàu có, vọng tộc sống tập trung theo truyền thống lâu đời của mình.

Bây giờ, trở lại nơi đây, thấy đó chỉ còn là một con phố buôn bán như mọi con phố Sài Gòn khác. Cái hồn phách cũ ấy, “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo” ấy, vốn là một tài sản phi vật thể quý giá của hai con đường này, hầu như không còn nữa!

Phố nối con người, đại lộ lại làm chia xa

Quy hoạch một thành phố không bao giờ nên bắt đầu từ tính thực dụng. Người ta nói một thành phố được sinh ra chứ không phải được làm ra. Vì cũng như một con người, để ra đời cần có gặp gỡ, có tình yêu, có hoài thai, có sinh nở, trưởng thành, đau khổ, hạnh phúc và chín chắn. Như một sinh linh, thành phố tiến hóa chứ không chỉ là phát triển. Do đó, chúng ta cần nâng niu cho thành phố lớn lên chứ không phải đơn thuần xây một thành phố mới chồng lên trên.

Nhưng cũng như con người, có những điều không thể buộc tiến hóa được nữa mà phải bảo tồn và giữ gìn, chẳng hạn những phần của đô thị đã gắn bó với các con phố hay đường nhỏ kiểu “phố trong rừng, rừng trong phố” của Huế, Đà Lạt, hay các con phố cổ đã nêu trên. Không nên đại lộ hóa mọi thứ.

Trong tiếng Pháp - ngôn ngữ của nền văn hóa góp phần tạo ra các đô thị Việt - thì rue là đường nhỏ có nhà xung quanh (tương đương với phố), rồi boulevard là đường rộng hơn có trồng hai hàng cây hai bên (tương đương vài con đường ở khu trung tâm như đường Lê Lợi, Sài Gòn), và avenue là đại lộ thẳng tắp, rất rộng, nhiều làn xe nối tới các dinh thự lớn, các trung tâm mua sắm lớn (như đường Lê Duẩn nối thẳng đến dinh Thống Nhất chẳng hạn).

Hiện nay, nhiều thành phố trung bình của ta đang xây các kiểu avenue này giữa lòng “đô thị phố” với con đường lớn 6-8 làn xe mà hai bên lại chia lô làm nhà phố hoặc cửa hàng. Kiểu giao thông và buôn bán này mâu thuẫn với nhau, tạo ra một cảm giác rất bất ổn cho một sinh quyển sống mang tỉ lệ con người, đến nỗi trong tác phẩm chọn lọc Tour De France des Écrivains, các nhà viết du ký người Pháp đã phải buộc miệng ví von: Phố thì dễ nối con người, còn đại lộ thì làm chia xa.

Lưu Vĩ Lân

(Tuổi trẻ)
http://www.tintuchangngayonline.com/2013/05/nang-niu-nhung-thanh-pho-cua-ta.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét