Cập nhật: 10:33 GMT - thứ tư, 15 tháng 5, 2013
Các thống kê đưa ra trong buổi họp ngày 14/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Trong quý một năm nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam so với cùng kỳ năm 2012 ở mức 4,89%.
Mức này, theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là "cao hơn mức 4,75% của quý một năm 2012, tuy nhiên thấp hơn nhiều so với quý một năm 2011 và quý một năm 2010" (tăng trưởng lần lượt là 5,53% và 5,84%).
"Trong khi đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp quý một chỉ đạt 4,93%, mức thấp nhất từng thấy trong quý một giai đoạn 2010-2013", ông Giàu nói trong buổi họp. Đây cũng là mức thấp hơn nhiều so với mức 5,9% cùng kỳ năm 2012.
Thống kê của Ủy ban Kinh tế cũng cho thấy tăng trưởng dư nợ tín dụng ba tháng đầu năm chỉ đạt 0,03%.
Chỉ số tăng trưởng dư nợ tín dụng và sản xuất công nghiệp đều thấp đồng nghĩa với việc nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước tình trạng các doanh nghiệp hấp thụ vốn rất yếu và sản xuất kinh tế đang đình trệ.
Giải thích về tình trạng tăng trưởng tín dụng yếu kém, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng do các ngân hàng vẫn đang siết chặt cho vay mà không có biện pháp phân loại đối tượng một cách hữu hiệu, đồng thời do nợ xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để.
"Nếu các khó khăn nêu trên không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như Quốc hội đề ra cho năm 2013 là rất khó khăn," ông Vinh nói.
Số liệu do Ủy ban Tài chính - ngân sách công bố tại buổi họp cho thấy trong bốn tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước chỉ đạt khoảng 244 nghìn tỷ, bằng 29,9% dự toán.
Phá sản hàng loạt
"Nếu không có những cải cách triệt để để giải quyết nợ xấu khu vực ngân hàng thì những chính sách tiền tệ sẽ không thể làm tăng nhu cầu tín dụng nội địa"
HSBC
Theo thống kê của Ủy ban Kinh tế, trong quý một, đã có 15,3 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt đông và giải thể. Tăng 14,6% so với quý một năm 2012.
Thống kê của ủy ban này hồi tháng Tư cũng cho thấy trong thời điểm 2 năm từ 2011 đến hết 2012 đã có hơn 100 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể.
Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới là 15,7 nghìn doanh nghiệp, giảm 6,8% về số lượng. Lượng vốn cũng thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm trước, theo thống kê của Ủy ban Kinh tế.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Cường, phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương thì cho biết có đến 65% các doanh nghiệp báo lỗ và khả năng phục hồi kinh tế là rất "khó khăn".
Tuy nhiên ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Sinh Hùng cho rằng số doanh nghiệp báo lỗ có thể còn cao hơn có số này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển nhận xét dư nợ tín dụng trong bốn tháng đầu năm chỉ tăng 1,41% nhưng dư nợ hụy động tăng 5% cho thấy "ngân hàng đang nắm giữ một lượng tiền lớn, nhưng lại không chảy vào nền kinh tế."
Hạ lãi suất: có giúp ích?
Hồi cuối tuần trước, trang Financial Times cũng đã có bài nói về việc hạ lãi suất liên tục của Ngân hàng Nhà nước trong vòng một năm trở lại đây.
Bài viết của FT dẫn lời báo cáo của HSBC trong đó cho rằng việc hạ lãi suất không thực sự giúp ích cho nền kinh tế Việt Nam thời điểm hiện tại.
"Nếu không có những cải cách triệt để để giải quyết nợ xấu khu vực ngân hàng thì những chính sách tiền tệ sẽ không thể làm tăng nhu cầu tín dụng nội địa," ngân hàng này bình luận.
Trả lời phỏng vấn FT, ông Vincent Conti, một kinh tế gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của ANZ cho rằng lãi suất tiền gửi hiện gần như thực âm.
"Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế đình trệ như hiện nay, lãi suất tiền gửi thực âm thực ra lại có lý," ông này nói.
"Nếu như có lạm phát có dấu hiệu hạ thấp hơn 6,5%, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm khoảng trống để hạ lãi suất."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét