TPO-Ông Phạm Đức Bảo, chuyên gia nghiên cứu giảng dạy Luật Hiến pháp, Đại học Luật Hà Nội, cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp nên kéo dài ít nhất hết năm nay và nên đưa ra nhiều phương án cho người dân lựa chọn.
Ông Phạm Đức Bảo. |
Thưa ông, mới đây Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa ra hai phương án cho bản Hiến pháp sửa đổi. Ông có nhận định như thế nào về 2 phương án này?
Tôi thấy nhiều người đồng tình việc Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa ra 2 phương án như vừa rồi. Mặc dù chưa hoàn toàn được như ý nhưng đó là sự tiếp thu đáng được hoan nghênh.
Qua đó, có thể thấy Ủy ban dự thảo có lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp nhân sỹ, trí thức; thể hiện một tinh thần làm việc đã có sự cầu thị hơn.
Tôi cũng đồng tình với phương án mới bổ sung, gọi là phương án 2. Trong đó có những thay đổi rất đáng chú ý như phương án đổi tên nước, bỏ quy định thu hồi đất vì mục đích kinh tế xã hội và một số vấn đề khác…
Tuy nhiên, chúng ta vẫn mắc bệnh hình thức. Thể hiện qua phương thức lấy ý kiến nhân dân. Chẳng hạn, có nơi đưa 2 bản Hiến pháp hiện hành và dự thảo sửa đổi để dân góp ý nhưng chỉ đưa thời gian rất ngắn, từ sáng đến chiều, hoặc đưa hôm trước, hôm sau bảo người dân góp ý.
Đến chuyên gia, người nghiên cứu Hiến pháp còn mất thời gian cả vài tuần lễ để đọc, để suy nghĩ thì làm sao người dân thường không có kiến thức về Hiến pháp có thể góp ý được chỉ trong thời gian ngắn như vậy?
Có nơi lại phát phiếu góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tôi cũng nhận được một phiếu từ tổ dân phố, hỏi có đồng ý bản dự thảo Hiến pháp không, có góp ý gì không, góp ý cụ thể vấn đề gì?
Nhưng như đã nói, cần có cả thời gian và kiến thức nhất định thì mới góp ý được. Khó ở chỗ công tác tuyên truyền phổ biến Hiến pháp nói riêng và pháp luật nói chung của ta lâu nay chưa được quan tâm thấu đáo, nên sự hiểu biết của người dân về Hiến pháp và pháp luật còn hạn chế, do đó dẫn đến việc lấy ý kiến của người dân dễ trở nên hình thức.
Theo ông, kéo dài thời gian từ nay tới tháng 9 cho việc sửa đổi Hiến pháp liệu có khả thi?
Nếu đã công khai hàng triệu lượt ý kiến được tiếp thu thì cần xem xét cụ thể. Ví dụ mỗi ý kiến cần 5 phút đọc, thì cần bao nhiêu giờ, bao nhiêu người biên tập? Tính ra phải đến hàng năm trời, hàng nghìn người biên tập.
Thay đổi thời gian là cần thiết, nếu chậm đi vài tháng mà tốt hơn thì không nên vội vàng làm gì. Rõ ràng bản Hiến pháp sửa đổi tới nay đã khác xa Hiến pháp 1992 hiện hành. Ta có thể không gọi là Hiến pháp 1992 sửa đổi mà gọi là Hiến pháp 2013 nếu thông qua năm nay.
Đây là Hiến pháp mới, phải có tên gọi mới. Một bản Hiến pháp dùng vài ba chục năm không nên vội vàng, không nên xong nhiệm vụ theo kiểu chỉ tiêu, sẽ rất nguy hiểm nếu nó không thể hiện được ý nguyện của toàn thể nhân dân.
Do đó, Quốc hội cần thẳng thắn nhận thức rằng Hiến pháp là vấn đề hệ trọng, có thể là 1 bệ phóng của đất nước. Cần kéo dài thời gian để trang bị cho người dân kiến thức về Hiến pháp, rồi để nhân dân tìm hiểu, cho ý kiến. Ủy ban sửa đổi Hiến pháp cũng cần 1 quỹ thời gian để đưa ra nhiều phương án. Ta nên kéo dài tối thiểu hết năm 2013, để thông qua vào năm 2014 thì tốt hơn.
Việc các ý kiến trái chiều đã, đang và sẽ được tiếp thu như thế nào vẫn còn là mối quan tâm của nhiều người dân. Ông có ý kiến như thế nào?
Rõ ràng, phải tôn trọng cả những ý kiến trái chiều. Tất nhiên đội ngũ quyết định cho ra đời một bản Hiến pháp cuối cùng phải là người có hiểu biết, phải là tinh hoa trong tầng lớp nhân sỹ, trí thức. Nhưng cách làm nên là để người dân góp ý tất cả các vấn đề, và như Uỷ ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp nói, là “không có vùng cấm”.
Thậm chí người dân có thể đề xuất, đóng góp một bản Hiến pháp của mình nếu họ thấy cần thiết và Ban soạn thảo có quyền phản biện. Trong việc đưa dự thảo lần cuối cùng, cũng phải đưa ra nhiều phương án để người dân lựa chọn. Cần phải khuyến khích tự do sáng tạo và dân chủ. Nếu cần thì tranh luận công khai.
Tôi tham gia rất nhiều hội thảo về sửa đổi Hiến pháp và thấy ta cũng đã chủ trương cho đại diện các tầng lớp nhân sỹ, trí thức phát biểu. Đó là một biểu hiện dân chủ, rất tốt. Ta nên phát huy điều này trên các phương tiện truyền thông của nhà nước như truyền hình, báo, để cho đại diện của nhà nước và nhân sỹ trí thức cùng tranh luận.
Có thể có nhiều luồng ý kiến, quan điểm khác nhau để người dân cùng nghe, hiểu mà không bị quy chụp, áp đặt. Ý kiến bây giờ thấy trái chiều nhưng có thể 20 năm nữa mới thấy đúng.
Những bộ óc đi trước thời đại có thể khác những ý kiến chính thống nhưng nếu là những ý kiến tâm huyết vì sự phát triển của xã hội, của đất nước và vì lợi ích của dân tộc, nhân dân dù có thể gây bất đồng vì nó lạ, không giống ý kiến chung, nhưng nên trân trọng, tiếp thu. Như thế mới thể hiện được ý chí của toàn dân.
Cảm ơn ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét