Báo Việt Nam đòi 'để dân lựa chọn Hiến pháp'
Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ ba, ngày 14 tháng năm năm 2013
Nên kéo dài thời gian chuẩn bị cho việc sửa đổi Hiến pháp, ít nhất là tới hết năm nay và nên đưa ra nhiều phương án để dân lựa chọn.
Đó là ý kiến của ông Phạm Đức Bảo, giảng viên môn Luật Hiến pháp ở Đại học Luật Hà Nội.
Điểm đáng chú ý là ý kiến này được giới thiệu trên tờ Tiền Phong, một cơ quan ngôn luận thuộc hệ thống truyền thông của chính quyền CSVN. Ý kiến của ông Bảo khác hoàn toàn với những chỉ đạo của Đảng CSVN về chuyện sửa đổi Hiến pháp hiện hành.
Lãnh đạo Đảng CSVN muốn việc sửa đổi Hiến pháp kết thúc trong năm nay. Hồi đầu năm, khi chính thức phát lời kêu gọi “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân” góp ý cho việc sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội CSVN ấn định hạn chót để mọi người đóng góp ý kiến là cuối tháng 3. Do phản ứng của nhiều người, nhiều giới, thời gian đóng góp ý kiến được “gia hạn” thêm đến tháng 9 – thời điểm Quốc hội CSVN dự trù sẽ bàn bạc về Hiến pháp mới.
Ông Nguyễn Đình Lộc – cựu Bộ trưởng Tư pháp của nhà cầm quyền CSVN (phải), trao “Kiến nghị 72” cho đại diện Ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới của Quốc hội CSVN . (Hình: Dân Trí) |
Lời kêu gọi “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân” đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi Hiến pháp đã được nhiều người, nhiều giới hưởng ứng. Một kiến nghị do 72 nhân sĩ, trí thức khởi thảo, quen gọi là “Kiến nghị 72”, đề nghị xóa bỏ vai trò độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng CSVN trong Hiến pháp, đã thu được hàng chục ngàn ý kiến ủng hộ.
Sau “Kiến nghị 72” là Thư ngỏ của Hội đồng Giám mục Việt Nam, cũng có đề nghị tương tự. Ngoài ra còn có thêm nhiều kiến nghị cá nhân, gần nhất là “Tuyên bố của nhóm Công dân Tự do”, công khai phản đối việc Hiến pháp mới ghi nhận Đảng CSVN là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Sự hưởng ứng theo hướng vừa kể khiến Đảng CSVN bất ngờ và lo ngại. Tổng Bí thư Đảng CSVN vội vàng lên hệ thống truyền hình quốc gia, gọi những người đưa ra những ý kiến như vậy là “suy thoái đạo đức”. Song ông ta không dập tắt được dư luận.
Để đối phó, một mặt, nhóm chịu trách nhiệm soạn thảo hiến pháp mới, đệ trình Ủy ban Thường vụ của Quốc hội CSVN hai phương án, được cho là hình thành từ “kết quả thu thập ý kiến, đóng góp cho việc sửa đổi hiến pháp”. Một trong hai phương án này có đề nghị thay đổi quốc hiệu từ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thành “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Mặt khác, nhà cầm quyền CSVN tổ chức phân phát rộng rãi các bản góp ý sửa đổi Hiến pháp được soạn sẵn, để các địa phương ép dân chúng ký tên, xác định ủng hộ sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN.
Trả lời tờ Tiền Phong, ông Phạm Đức Bảo công khai gọi nỗ lực “lấy ý kiến nhân dân” như vừa kể là “bệnh hình thức”. Ông này cho rằng, ngay cả chuyên gia nghiên cứu Hiến pháp cũng phải mất vài tuần để đọc, để suy nghĩ thì làm sao người dân bình thường không có kiến thức về Hiến pháp, có thể góp ý theo kiểu sáng đưa chiều lấy hoặc đưa hôm trước, hôm sau thu lại.
Nhân vật hiện là giảng viên môn Luật Hiến pháp ở Đại học Luật Hà Nội, nói thêm rằng, ông ta ủng hộ phương án 2 (phương án hình thành sau khi các đề nghị gạt bỏ vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN ra khỏi Hiến pháp được hưởng ứng rộng rãi). Đó là đổi quốc hiệu và bỏ quy định thu hồi đất vì mục đích kinh tế xã hội…
Ông giảng viên đại học này cũng tin rằng, khi Đảng CSVN loan báo đã thu được hàng triệu ý kiến đóng góp cho Hiến pháp thì cần nhiều thời gian hơn để xem xét, ngẫm nghĩ, do đó “không nên vội vàng” và “không nên làm theo kiểu chỉ tiêu” vì điều đó sẽ “không thể hiện được ý nguyện của toàn dân”. Ông khuyến cáo “Quốc hội cần thẳng thắn nhận thức rằng Hiến pháp là vấn đề hệ trọng”, có thể là “bệ phóng” cho quốc gia nên cần kéo dài thời gian, để dân chúng trang bị kiến thức về Hiến pháp, rồi tìm hiểu và cho ý kiến.
Ông Bảo còn những lời khuyên khác, chẳng hạn, “nên tôn trọng các ý kiến trái chiều”, chứng tỏ “không có vùng cấm” như Quốc hội CSVN đã từng khẳng định. Hoặc “đội ngũ quyết định việc cho ra đời bản Hiến pháp phải là những người có hiểu biết, phải là tinh hoa trong tầng lớp nhân sĩ, trí thức”. Hoặc “dân chúng có thể đề nghị bản Hiến pháp của họ nếu họ thấy cần thiết và bộ phận soạn thảo Hiến pháp có quyền phản biện. Nếu cần thì tổ chức tranh luận công khai”.
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét