Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Báo động đỏ về suy giảm kinh tế

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ bảy, ngày 25 tháng năm năm 2013

Một nhóm đại biểu Quốc hội cảnh báo tình trạng suy giảm kinh tế đang ở mức báo động và kiến nghị sớm thành lập một Uỷ ban Quốc gia để đối phó. GSTS Trần Hoàng Ngân, đại biểu thành viên Ủy ban kinh tế Quốc hội đã nói với báo chí như vậy, ngay sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vào sáng 20/5 tại Thủ đô Việt Nam.

Nhiểu công trình xây dựng phải bỏ dở dang vì cụt vốn
Nhiểu công trình xây dựng phải bỏ dở dang vì cụt vốn
RFA
Cứu doanh nghiệp phải song hành cứu nông thôn

Đề xuất vừa nêu đã như tô đậm thêm nhận định của Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan trước đó một tuần:“Tình hình kinh tế gay go lắm rồi.”

Mạng tin Dân Trí Online trích phát biểu của đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, tình hình suy giảm kinh tế hiện nay là vô cùng lo ngại khi doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động đã trở thành “đại dịch”. Theo lời vị đại biểu, báo cáo của Chính phủ cho thấy 69% doanh nghiệp kinh doanh lỗ trong năm 2012 và cần phải có một Ủy ban mang tầm Quốc gia để cứu vãn tình trạng này.

Tuy vậy, vị đại biểu cũng là Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM còn nêu ra một vấn đề đáng chú ý hơn. Đó là sự cần thiết phải giải bài toán cho nông dân. Những người được mô tả là bị thiệt hại kép, thứ nhất thu nhập giảm vì giá lương thực giảm, trong khi chi phí tăng cao. GSTS Trần Hoàng Ngân cho rằng, cứu doanh nghiệp phải song hành cứu nông thôn, nông nghiệp vì 67% dân số sống ở nông thôn; 47% dân số làm nông nghiệp.

Những gì vị đại biểu Quốc hội nói với báo chí có thể chưa diễn tả thực trạng ở nông thôn miền Trung trong thời kỳ suy giảm hiện nay. Ông Hai một nông dân ở Phú Yên một tỉnh ở nam Trung bộ cho biết, đất ít người đông nên nông dân mỗi người được chia khoảng 650 m2 đất canh tác. Lợi tức bình quân đầu người khoảng 250.000 đ/tháng, mức lợi tức này chưa được một nửa so với đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, lúc nông nhàn nông dân phải kiếm thêm thu nhập, người thì bắt cá, mò cua, người thì đi bán vé số, buôn gánh bán bưng, chạy xe ôm, phổ biến nhất là làm lao động thời vụ cho nhà máy xí nghiệp, hay làm thợ hồ. Tuy vậy mấy năm nay kinh tế khó khăn việc kiếm thêm việc làm lúc nông nhàn không thuận lợi như trước.

“ Điển hình tại tỉnh Phú Yên lúc bình thường có khoảng 13.000 công nhân làm hạt đào (hạt điều) tức là tách vỏ chín lấy hạt đào. Nhưng hiện nay công ty hạt đào nợ nần gặp khó khăn chỉ còn hoạt động cầm chừng khoảng 15%. Làm công nhân hạt đào thu nhập không cao chỉ khoảng 1,1 triệu đồng/tháng tức 30.000đ/ngày nhưng cũng không còn việc để làm nữa, tình hình rất bấp bênh. Còn làm thợ hồ ở Phú Yên được 160-170 ngàn đồng/ ngày nhưng vì tình hình bất động sản đóng băng thì thợ hồ bây giờ rất khó kiếm việc. Ngay cả phụ hồ việc quá nặng nhọc không ai muốn làm, thì bây giờ muốn kiếm việc cũng không còn ai mướn.”

Từng có 10 năm phục vụ Nhà nước trong vai trò cán bộ công chức ở địa phương nay trở về với đồng ruộng, ông Hai mô tả rõ nét hơn về tình trạng suy thoái tấn công trực diện vào mỗi gia đình nông dân miền Trung. Ông nói:

“Mức sống, mức kinh tế tôi thấy rất là suy sụp, chẳng hạn như hồi xưa thí dụ 2 vợ chồng 2 đứa con một ngày đi chợ 50.000đ bây giờ giảm chỉ còn 30.000đ coi như giảm 30%-40%. Cuộc sống coi như cố gắng lắm, mới bảo đảm được cái dinh dưỡng.”

Suy giảm nhưng đừng để suy thái

GSTS Trần Hoàng Ngân đã trở thành người tạo thời cuộc với đề xuất phải có Ủy ban Quốc gia đối phó với suy giảm kinh tế. Ngày 23/5 Thời báo kinh tế Việt Nam dành cơ hội cho ông làm rõ hơn tình hình suy giảm kinh tế mà ông nói là những dấu hiệu đã quá rõ ràng. Theo lời ông, nếu như năm 2012 kinh tế Việt Nam là khó khăn đáng lo ngại, thì hiện nay có thể xác định là vô cùng khó khăn và vô cùng đáng lo ngại. Dấu hiệu suy giảm đã rất rõ ràng, không còn gì phải bàn cãi, doanh nghiệp phá sản ngày một nhiều.

Theo nhận định của GSTS Trần Hoàng Ngân, Chính phủ cần phải làm quyết liệt hơn nữa trong việc tạo dựng niềm tin cho dù cũng có một hai điểm sáng xuất hiện trong những tháng đầu năm nay. Cùng về vấn đề này, trả lời Nam Nguyên, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh từ Hà Nội nhận định:

“Sau 4 tháng đầu năm thì có một số những chỉ dấu về sự khởi sắc nhất định. Thí dụ chỉ số giá có tăng chậm lại, rồi đầu tư nước ngoài thì có những dự án rất lớn đã được cam kết như là Samsung ở Thái Nguyên, rồi có những dự án lớn vào miền Trung, đấy là những tiến bộ nhất định. Xuất khẩu đã dựa chủ yếu vào xuất khẩu của đầu tư nước ngoài, trong đó thì điện thoại di động Galaxy của Samsung vượt lên cả dệt may rồi…

Nhưng mặt khác, các biện pháp cải cách tái cấu trúc cơ bản hiện nay chưa được thực hiện một cách hiệu quả và chưa đem lại các kết quả mà người dân mong đợi. Tình hình đó dẫn tới tình trạng ngân hàng thừa vốn mà doanh nghiệp thì không vay được và cũng không dám vay, dẫn đến việc các doanh nghiệp tư nhân tiếp tục hoạt động kém hoặc phải đóng cửa, phải xin phá sản và tình hình công ăn việc làm của thanh niên là hết sức khó khăn.”

TS Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội đơn vị TP.HCM được Dân Trí Online xếp vào nhóm các đại diện dân cử có những âu lo về sự suy giảm kinh tế đã quá rõ rệt. TS Lịch cho rằng, thời điểm hiện nay lãi suất ngân hàng không còn là chiếc đũa thần, nhiều doanh nghiệp được vay vốn với mức 8%-9% mà cũng không vay. Theo lời ông, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là điểm nghẽn của nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Giờ đây không chỉ là vấn đề nợ xấu nữa, mà suy giảm thị trường, suy giảm đầu tư và niềm tin thị trường. TS Trần Du Lịch khuyến cáo đừng nên bàn quá nhiều giải pháp mà phải tập trung thực hiện những giải pháp đã đưa ra trước đây.

Trong tư liệu của chúng tôi, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nhận định rằng việc chậm trễ giải quyết những vấn nạn của nền kinh tế, điển hình là nợ xấu đang gây ra những hậu quả khó lường.

“Tôi cho là phải cố gắng sớm và minh bạch đưa ra một giải pháp đầy đủ hơn thì mới có thể làm được và phải làm càng sớm càng tốt, càng kéo dài thì càng bất lợi vì rõ ràng là bây giờ nền kinh tế đứng trước những cản trở như về nợ xấu trong các công việc với ngân hàng rồi sự tắc nghẽn của các doanh nghiệp trong phát triển, bao nhiêu thứ nó đang đè nặng lên nền kinh tế.”

Theo Dân Trí Online, Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quan ngại về mức tăng trưởng kinh tế khó đạt trong những tháng còn lại của năm 2013. Ông đánh giá các biện pháp của Chính phủ triển khai rất chậm thậm chí chỉ mới đề ra các giải pháp, trong đó có việc kích cầu, tăng sức mua, xử lý nợ xấu, phá băng bất động sản.

Chúng tôi xin trích lời TS Lê Đăng Doanh về vấn đề liên quan:

“Quĩ Tiền tệ Quốc tế có lưu ý là các cải cách của Việt Nam như vậy là chậm. Nếu như không giải quyết sớm các cải cách ngân hàng và giải quyết nợ xấu thì nền kinh tế Việt Nam khó có thể lấy lại được đà tăng trưởng trước đây.”

“Tình hình kinh tế gay go lắm rồi” như cảnh báo của Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan, hoặc kiến nghị sớm thành lập ủy ban đối phó suy giảm kinh tế của Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân được xem là tín hiệu báo động đỏ.

Các chuyên gia cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam không thể không nhận thức tình trạng này. Nhưng cũng có thể có những vướng mắc từ đâu đó như lời ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt trên VnEconomy ngày 21/5/2013. Doanh nhân ngân hàng này nhận định: “Liều thuốc chính hiện nay là kích cầu cứu nền kinh tế. Phải chấp nhận là chúng ta đang suy giảm rồi. Sao không dám công nhận? Chúng ta đang suy giảm, đừng để nó vào ngưỡng cửa suy thoái.”

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-05-24

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét