Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

6.000 tỉ đồng nâng chiều cao người Việt

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ bảy, ngày 25 tháng năm năm 2013


Đây là đề án đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 28-4-2011. Mục tiêu của đề án là nâng chiều cao của nam thanh niên VN lên 168,5cm vào năm 2030 và nữ là 157,5cm ở độ tuổi 18.

Tại hội nghị trực tuyến phổ biến và triển khai đề án “Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt giai đoạn 2011-2030” do Bộ VH-TT&DL tổ chức sáng 24-5, PGS Lâm Quang Thành - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, viện trưởng Viện Khoa học TDTT - cho biết chi phí thực hiện toàn bộ đề án vào khoảng 6.000 tỉ đồng.

Tầm vóc nhỏ bé khiến các tuyển thủ bóng đá nữ VN (áo trắng) luôn gặp bất lợi trước các đối thủ to, cao - Ảnh: N.K.

Đây là đề án đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 28-4-2011. Mục tiêu của đề án là nâng chiều cao của nam thanh niên VN lên 168,5cm vào năm 2030 và nữ là 157,5cm ở độ tuổi 18.

Đây là đề án đầu tiên nhằm phát triển thể lực, tầm vóc người VN trong 20 năm tới. Mục tiêu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người VN.

Mục tiêu cụ thể của đề án

* Đối với nam 18 tuổi: năm 2020 chiều cao trung bình 167cm, năm 2030 chiều cao trung bình 168,5cm.

* Đối với nữ 18 tuổi: năm 2020 chiều cao trung bình 156cm, năm 2030 chiều cao trung bình 157,5cm.

Đối tượng của đề án là: bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi. Đề án được thực hiện trong 20 năm và chia làm hai giai đoạn từ 2011-2020 và 2020-2030.

Các chương trình của đề án chủ yếu thực hiện hai nhiệm vụ: nghiên cứu và ứng dụng tác động đến thể lực, tầm vóc, trên cơ sở đó chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe để phát triển thể chất; phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất cho học sinh từ 3-18 tuổi, kết hợp tuyên truyền thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của thể lực, tầm vóc.

Ông Lâm Quang Thành cho biết 6.000 tỉ đồng là toàn bộ chi phí cho đề án, bao gồm cả kinh phí nhà nước và nguồn thu xã hội hóa.

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải cho biết: “Để thực hiện thành công đề án không phải chỉ một vài yếu tố mà đòi hỏi xã hội phải dốc lòng dốc sức huy động các nguồn ngân sách từ trung ương, địa phương và xã hội hóa (trong đó ngân sách trung ương chỉ mang tính kích cầu).

Do đề án có ảnh hưởng và tác động đối với mọi người vì liên quan đến thể chất, sức khỏe con người nên Bộ VH-TT&DL hi vọng sẽ huy động được nguồn kinh phí xã hội lớn”.

Theo TS Đàm Quốc Chính - chủ nhiệm chương trình thứ tư của đề án, hiện trên thế giới có ít nhất 46 quốc gia có đề án nhằm phát triển thể chất, nòi giống dân tộc. Bên cạnh VN, các quốc gia như Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia đều có đề án quốc gia để phát triển thể chất, chiều cao con người.

Ở Trung Quốc thậm chí có gần 20 đề án phát triển nòi giống. Chiều cao và thể chất của người Việt đã hạn chế hơn các quốc gia phát triển. Vì vậy nếu ngay lúc này chúng ta không bắt tay vào thay đổi nhận thức, hành động để nâng cao thể chất, tầm vóc con người thì sẽ còn tụt hậu xa nữa so với ngay các quốc gia khu vực.

Theo PGS Lâm Quang Thành, dinh dưỡng có vai trò quan trọng nhất đối với quá trình phát triển thể chất của một con người.

Vì vậy để nâng cao thể chất, tầm vóc thì yếu tố đầu tiên là đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ từ trong bào thai đến 18 tuổi. Bên cạnh đó phải có sự tác động của giáo dục thể chất từ các trường học.

Theo nghiên cứu của nhiều quốc gia về những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến thể lực và tầm vóc của con người: dinh dưỡng chiếm 31%, di truyền 23%, thể thao 20%, môi trường và tâm lý xã hội chiếm 26%.

K.XUÂN

( Tuổi trẻ )
http://www.tintuchangngayonline.com/2013/05/6000-ti-ong-nang-chieu-cao-nguoi-viet.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét