Minh Tâm
(VNTB) - “Bởi người Việt Nam am hiểu lịch sử dân tộc đều biết ngày 11-3-1945 Bảo Đại ký đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”, ra tuyên bố này khác,... là do sức ép của phát-xít Nhật, qua đó chấp nhận thay thế thế lực ngoại xâm đô hộ này (Pháp) bằng thế lực ngoại xâm đô hộ khác (phát-xít Nhật)”.
Trong bài viết “Sự tráo trở của một người từng là... luật sư!”, báo Nhân Dân đã có đoạn viết như trên, và cho rằng cựu luật sư (LS) Lê Công Định đã “tự chứng tỏ anh ta hoặc là người rất kém hiểu biết lịch sử, hoặc cố tình xuyên tạc lịch sử để phủ nhận một sự kiện, một giá trị quan trọng của đất nước Việt Nam”. Sự kiện “giá trị quan trọng” mà báo Nhân Dân muốn nói đến là ngày 02-09-1945.
Cựu LS Lê Công Định thì cho rằng, ngày 11-3-1945, Bảo Đại ký đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”, hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884 cùng các hiệp ước nhận bảo hộ và từ bỏ chủ quyền khác, khôi phục nền độc lập của đất nước, thống nhất Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ là thời điểm đáng lưu ý... xét về phương diện thực tế và pháp lý, Việt Nam đã thực sự độc lập từ ngày 11-3-1945.
Góc nhìn Phạm Cao Dương
Giáo sư Phạm Cao Dương, nguyên giáo sư ĐH Sư Phạm Sài Gòn trước 1975; hiện giảng dạy các lớp về Việt Nam tại Dại học University of California Los Angeles. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu sử học như: Thực Trạng Của Giới Nông Dân Việt Nam Dưới Thời Pháp Thuộc (VN: Khai Trí, 1967); Thượng Cổ Sử Tây Phương, tập I: Tây Á và Ai Cập. (VN: Trình Bày, 1967); Phi Châu Da Đen (VN: Trình Bày, 1969); Lịch Sử Các Nền Văn Minh Thế Giới, 3 tập (VN, Trình Bày, 1970, 1973); Lược Sử Dân Tộc Việt Nam, tập I (Hoa Kỳ: Truyền Thống Việt, 1987); Vietnamese Peasants under French Domination (Hoa Kỳ, University of Berkeley and University Press of America, 1985)…
Trong khảo luận “Những nỗ lực của cựu hoàng đế Bảo Đại”, GS Phạm Cao Dương, viết:
“Thần dân cũ của ông (tức Bảo Đại) không mấy ai để ý tới sự qua đời của ông, trái với cái chết của một quốc vương khác trẻ hơn ông nhưng đồng thời với ông và cũng phải đối phó với vấn đề độc lập của quốc gia giống như ông sau này. Tôi muốn nói tới Cựu Hoàng Norodom Sihanouk của xứ Căm Bốt.
Giống nhưng khác với Bảo Đại ở đường lối đấu tranh vì trong đời ông, Sihanouk đã có thời dùng bạo lực để đàn áp đối lập, đã cộng tác với Khmer Đỏ, tổ chức Cộng Sản Căm Bốt chịu ảnh hưởng của Trung Cộng của các lãnh tụ Pol Pot và Ieng Sary, một thời đã mang họa diệt chủng đến cho xứ Căm Bốt khiến cho hàng triệu người dân của xứ này bị tàn sát bằng đủ mọi phương tiện với hàng núi xương được phát hiện, cho đến nay vẫn được bảo tồn coi như di tích của một thời đen tối nhất trong lịch sử của dân tộc Khmer.
Còn Bảo Đại thì tuyệt đối không, kể cả việc ông đã từ chối không chấp nhận cho người Nhật đứng ra bảo vệ lãnh thổ, hoàng cung và an ninh cho chính ngôi vị và bản thân ông, chống lại cuộc nổi dậy của Việt Minh và những người cộng sản hồi tháng Tám năm 1945 theo trách nhiệm giữ gìn trật tự mà quốc tế giao cho họ. Lý do đơn giản là vì Bảo Đại không muốn dùng người ngoại quốc để chống lại người Việt Nam, đồng bào của ông và thần dân của ông”.
Tuyên cáo Việt Nam độc lập
Một nghiên cứu công bố của Dommen, Arthur. The Indochinese Experience of the French and the Americans. Bloomington, IN: Đại học Indiana Press, 2001, trang 83, cho biết:
Ngày 9-3-1945, khi tình hình chiến tranh Thái Bình Dương biến đổi bất lợi, Pháp chuẩn bị đón quân Đồng Minh đổ bộ vào Đông Dương, Đế quốc Nhật Bản đảo chính Pháp, tống giam nhiều quan chức và tước khí giới của quân đội Pháp tại Đông Dương.
Đại sứ Nhật tại Đông Dương là Matsumoto Shunichi giao cho đại diện Pháp là Toàn quyền Đông Dương Đô đốc Jean Decoux tối hậu thư đòi người Pháp phải chấp nhận vô điều kiện quyền chỉ huy của Nhật trên mọi phương diện. Tại Huế, Đại úy Kanebo Noburu trình báo hoàng đế Bảo Đại quyền lực của Pháp đã bị loại. Cùng chiều hướng đó Đế quốc Nhật Bản thỏa thuận trao trả độc lập cho Việt Nam trên danh nghĩa.
Hai ngày sau, 11-3-1945, hoàng đế Bảo Đại triệu cố vấn tối cao của Nhật là Đại sứ Yokoyama Masayuki vào điện Kiến Trung để chứng kiến việc tuyên bố Việt Nam độc lập. Cùng đi với Yokoyama là tổng lãnh sự Konagaya Akira và lãnh sự Watanabe Taizo. Bản tuyên cáo có chữ ký của sáu vị thượng thư trong Cơ mật Viện là Phạm Quỳnh, Hồ Đắc Khải, Nguyễn Phúc Ưng Úy, Bùi Bằng Đoàn, Trần Thanh Đạt, và Trương Như Đính.
Ngày 12-3-1945, hoàng đế Bảo Đại lại triệu tập Đại sứ Yokoyama Masayuki và trao cho ông bản tuyên cáo. Kể từ ngày hôm sau 13-3-1945, báo giới khắp Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ đồng loạt loan tin Việt Nam độc lập.
Với Dụ số 1 ra ngày 17-3, Hoàng đế nêu khẩu hiệu “Dân vi quý” (Hán-Việt: 民爲貴; lấy dân làm quý) làm phương châm trị quốc. Ông giải tán nội các cũ, các Thượng thư đồng loạt từ chức. Nhà sử học Trần Trọng Kim được Hoàng đế vời ra Huế trao nhiệm vụ thành lập tân nội các, trở thành Thủ tướng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam. Sau đó, vào ngày 18-8-1945, Hoàng đế Bảo Đại tái xác nhận nền độc lập của Việt Nam một lần nữa.
Chính Phủ Trần Trọng Kim đã được thành lập với các bộ trưởng đều là những nhà tân học có khả năng, và đạo đức nổi tiếng đương thời đứng đầu bởi nhà giáo kiêm học giả Trần Trọng Kim, tác giả của những bộ sách Giáo Khoa Thư và nhất là bộ Việt Nam Sử Lược hiện vẫn còn thông dụng, với sự cộng tác của những tên tuổi quen thuộc với học giới đương thời như GS Hoàng Xuân Hãn, LS Vũ Văn Hiền, LS kiêm nhà báo Phan Anh, LS Trần Văn Chương…
Hiệp định Élysée
GS Phạm Cao Dương cho rằng cần ghi nhận công lao của cựu Hoàng đế Bảo Đại về Hiệp định Élysée mà ông đã đạt được ngày 8-3-1949, sau một thời gian dài thương thuyết, dưới hình thức trao đổi văn kiện giữa ông và Tổng Thống Pháp Vincent Auriol.
Với Hiệp định Élysée, Quốc Gia Việt Nam đã hình thành để những ai không chấp nhận chính quyền cộng sản do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo có chỗ trở về trong danh nghĩa của những công dân của một nước Việt Nam độc lập.
Bắt đầu từ thời điểm 14-6-1949, khi Nam Kỳ trở về với lãnh thổ của Quốc Gia Việt Nam và cho đến khi Hiệp Định Genève được thông qua và trở thành có hiệu lực, Chính quyền Quốc Gia Việt Nam của Quốc Trưởng Bảo Đại đã chính thức và hợp pháp kiểm soát những miền đất phía trên vĩ tuyến này, từ Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái… cho tới Hà Tiên và mũi Cà Mau, từ đồng bằng cho tới các cao nguyên do người Pháp chiếm giữ trước đó và trao trả.
“Nên nhớ là với Thỏa Ước Sơ Bộ ngày 6-3-1946, ông Hồ Chí Minh ký với đại diện Cao Ủy Pháp ở Đông Dương Jean Sainteny và Tạm Ước 14 tháng 9 ký với Bộ Trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại Marius Moutet vấn đề thống nhất xứ Nam Kỳ chưa được giải quyết. Nói cách khác Nam kỳ cho tới ngày 14 tháng 6, trước khi được Bảo Đại thu hồi vẫn thuộc quyền cai quản của người Pháp theo các Hòa Ước 1862 và 1874. Sau ngày 14 tháng 6 năm 1954, xứ này mới thực sự trở về với lãnh thổ của Quốc Gia Việt Nam, sau này là Việt Nam Cộng Hòa và luôn luôn nằm ngoài lãnh thổ của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà cho mãi đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975”.
GS Phạm Cao Dương, phân tích.
“Tất nhiên, chân lý thuộc về kẻ mạnh, nên khi thắng cuộc người ta có thể diễn giải mọi sự kiện lịch sử theo ý riêng của mình…”, cựu LS Lê Công Định đã viết như vậy, và cũng chính điều này đã khiến ông bị nhiều công kích, trong đó có bài báo “Sự tráo trở của một người từng là... luật sư!” như đã nói ở trên.
---------------------
*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả
http://www.ijavn.org/2014/11/tuyen-cao-viet-nam-oc-lap-bao-nhan-dan.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét