Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Chí sỹ Ngô Đình Diệm đã nói gì?

Lược trích vài phát biểu của cố TT Ngô Đình Diệm

Vũ Thế Phan (Danlambao) - "Trước khi hô hào dân chúng tương thân, tương ái và đồng tâm nhất trí, các bạn hãy sống với dân chúng, thành thực yêu đồng bào và hợp lực với họ trong mọi công việc. Trước những hy sinh không bờ bến của toàn dân Việt Nam trong ba năm nay, một chủ nghĩa hay một cá nhân dù đáng tôn trọng đến bực nào đi nữa, suy cho kỹ, cũng không đáng kể vào đâu." (TT Ngô Đình Diệm).

*

Lời nói đầu: Những phát biểu của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm trong bài này vốn được lược dẫn đó đây- không theo thứ tự thời gian- trong cuốn "Sách Chỉ Nam của người cán bộ Hợp tác xã và Nông tín", do Phủ Tổng Ủy Hợp Tác Xã và Nông Tín trực thuộc Tổng Thống Phủ xuất bản tại Sài Gòn năm 1959. Người soạn chỉ gõ lại nguyên văn kể cả chữ Hoa, chữ thường với chút sắp xếp theo ý riêng và cho phổ biến thay nén hương lòng nhân Ngày giỗ lần thứ 51 của Ngô Tổng thống.


1- Chắc có người thắc mắc tự hỏi: Chủ trương của Chính phủ là gì? Là Kinh tế chỉ huy hay Kinh tế tự do? Là Kinh tế tư bản hay Kinh tế xã hội? Theo ý tôi, trong hiện tình của nước nhà, những nỗi thắc mắc về chủ nghĩa ấy chỉ có tính cách hoàn toàn lý thuyết: Nó không ích lợi gì trong thực tế… Thực ra, Chính phủ do tôi lãnh đạo chỉ có một mục đích là bảo vệ nền độc lập của giang sơn và tăng gia hạnh phúc của toàn thể dân chúng. (Trích Diễn văn khánh thành đập Đồng Cam tại Tuy Hòa, ngày 17/09/1955);

2- Nên biết rằng cuộc tranh đấu hiện tại không phải chỉ là một cuộc chiến đấu cho độc lập Tổ Quốc về phương diện chính trị mà thôi, mà còn là một cách mạng xã hội để đem lại độc lập cho nông dân và thợ thuyền Việt Nam. Để cho tất cả mọi người trong nước Việt Nam mới có đủ phương tiện để sống xứng đáng với phẩm cách con người, con người tự do thực sự, tôi chủ trương những sự cải cách xã hội hết sức tân tiến và mạnh bạo, miễn là phẩm cách con người vẫn luôn được tôn trọng và được tự do nẩy nở… (Trích Tuyên bố ngày 16/06/1949);

3- Tôi chủ trương võ trang tinh thần cho con người Việt Nam, phân biệt rõ kháng chiến với cộng sản, đề xướng bài phong, đả thực, diệt cộng, xây dựng lý tưởng Nhân vị, Cộng đồng, Đồng tiến xã hội.

Đồng thời tôi cũng chủ trương võ trang cơ sở vật chất cho con người Việt Nam, gây cơ hội cho đồng bào vô sản được tư hữu cơ bản tại các dinh điền hay bằng cải cách điền địa, nông tín và phát triển cộng đồng giúp đỡ nông dân xây dựng một vùng kinh tế thịnh vượng cơ bản chung quanh cái tư hữu tối thiểu ấy. Các tầng lớp tiểu thương, tiểu công cũng được Thương tín, Trung tâm khuếch trương công kỹ nghệ, Doanh tế cuộc giúp đỡ.

Mục đích của tôi là lập một cơ cấu xã hội và kỹ thuật thích hợp với thực trạng nước ta, thực lực dân ta, để khắc phục các nhược điểm do Thực- Cộng gây nên, rồi từ đó tiến lên kỹ nghệ hóa nền kinh tế quốc gia, nghĩa là thực hiện một cuộc cách mạng kỹ nghệ.

Trong những năm qua, trung thành với chủ trương đồng tiến xã hội, Chính phủ chú trọng kiến thiết hương thôn bị chiến tranh tàn phá, bằng các công tác Khuyến nông, Cải cách điền địa, Dinh điền, Nông tín, Hợp tác xã và Hiệp hội Nông dân. Năm nay, tôi đề ra công tác lập các khu trù mật tại thôn quê ở những nơi giao thông tiện lợi, hợp vệ sinh, có những tiện nghi tối thiểu để tập hợp những nông dân sống lẻ tẻ, thiếu thốn. Những khu trù mật ấy không những sẽ cải thiện đời sống dân quê, mà sẽ là những đơn vị kinh tế sau này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế quốc gia. (Trích Lời hiệu triệu nhân ngày Song Thất, 07/07/1959);

4- Mục đích của cuộc cách mạng quốc gia là giải phóng con người. Giải phóng con người, cần phải giải phóng về tinh thần cũng như về vật chất.

Con người không phải là hoàn toàn tinh thần, con người còn cần phải được nâng đỡ về thể xác. Một người công dân không có một tư hữu cơ bản, không chắc ngày mai sẽ có gạo để nuôi gia đình thì tinh thần của người công dân đó tất phải bị lay chuyển và dễ bị nô lệ hóa. (Trích Phát biểu ngày 04/07/1958)

5- Theo đúng với tinh thần Hiến pháp, tích cực tôn trọng nhân vị, đề cao tinh thần công thiện và chủ trương đồng tiến xã hội, Chính phủ cố gắng đưa nước nhà sớm ra khỏi tình trạng của một nước kém khai thác… (Trích Phát biểu ngày 06/10/1958);

6- Chúng ta cần thấu hiểu rằng đấy là cả một cuộc thay đổi chế độ, một cuộc cách mạng, không phải một cuộc đấu tranh thông thường, đơn giản. Một cuộc cách mạng, cho dầu được thực hiện theo phương pháp Hòa Bình, cũng đòi hỏi đấu tranh bền bỉ và gian khổ. Đó là quy luật chung của tất cả mọi đấu tranh cách mạng. Nhưng ta có chính nghĩa, ta có phương hướng đúng, thắng lợi sẽ về ta.

Công cuộc kiến quốc, cũng như công cuộc cứu quốc, không khỏi động chạm đến quyền lợi một số người. Nhưng thực hiện dân chủ kinh tế và xã hội tức là lấy quyền lợi và nguyện vọng của toàn dân làm mục đích hoạt động quốc gia. Hãy từ bỏ những Độc Quyền, những lợi tức không chính đáng để cùng hòa vui với toàn dân trong cảnh Đồng Tiến Xã Hội.

Để đối phó gấp rút và tạm thời, chúng ta phải tạm nhận viện trợ của các nước bạn. Muốn thoát khỏi sự vay mượn, muốn độc lập kinh tế, chúng ta phải huy động cái vốn quí nhất và dồi dào nhất, đó là bàn tay cần mẫn của các tầng lớp đồng bào. Để chúng tỏ khả năng dồi dào của nhân dân không cần đến vốn, tôi đặc biệt nhắc tới Phong trào phát triển cộng đồng tại hương thôn. (Trích Phát biểu ngày 07/07/1957);

7- Dĩ nhiên việc phát động kinh tế không thể không nêu nhiều khó khăn, nhưng ta phải nỗ lực để thích ứng với hoàn cảnh; thà là làm việc vất vả để đạt một tương lai bền vững còn hơn là sống trong sự phát triển xem như dễ dàng nhưng giả tạo có thể sụp đổ nay mai.

Nhiều người tin tưởng một cách thật thà rằng chỉ cần đề ra một kế hoạch kinh tế quốc gia thật hoàn hảo là có thể thay đổi tình thế. Những phép lạ này không hề xảy ra trong địa hạt kinh tế. Một kế hoạch quốc gia chỉ có thể thành công khi động viên được tất cả sinh lực đã sẵn có của dân chúng.

Dưới chính thể tự do mà chúng ta đang sống trên lý thuyết cũng như trên thực tế, tất cả các sáng kiến phải phát khởi do tư nhân, Chính phủ có thể dìu dắt, kiểm soát, nâng đỡ, chớ làm sao thay thế các xí nghiệp tư trong tất cả các ngành hoạt động?

Thành công cá nhân và dân tộc chỉ có thể thực hiện trong sự tôn trọng kỷ luật quốc gia. Chính trong các nước tự do, kỷ luật ấy lại càng cần thiết. (Trích Phát biểu ngày 07/10/1957);

8- Chúng ta tranh đấu chống sự tập trung kinh tế và chính trị trong tay một thiểu số, vì rằng gạt bỏ đa số ra ngoài là gạt bỏ hy vọng tiến bộ liên tục và quan trọng mà chỉ có sự tham gia của toàn dân mới thực hiện được.

Những cố gắng của chúng ta để thực hiện dân chủ chính trị kinh tế và xã hội, sẽ là nguồn cảm hứng cho đồng bào Bắc Phần khỏi ách cộng sản và mỗi cố gắng của bản thân công dân Việt Nam trên con đường giải phóng dân tộc để giải phóng con người sẽ góp phần đắc lực để chúng ta thực hiện cuộc Thống Nhất giang sơn trong Tự Do, Dân Chủ, Hòa Bình. (Trích phát biểu ngày 06/10/1958);

9- Cuộc giải phóng chính trị mà dân tộc ta đang hoàn thành ở miền Nam tự do ngày nay, sẽ mất hết ý nghĩa nếu không đi đôi cùng một cuộc giải phóng về kinh tế, nhất là giải phóng nông dân, thành phần căn bản của Dân tộc. (Trích Diễn văn trong dịp khánh thành Trường Quốc Gia Lâm Mục Blao, ngày 03/01/1956);

10- Trong công cuộc xây dựng nền Cộng Hòa của chúng ta, những vấn đề quan trọng nhất sẽ là những vấn đề kinh tế và xã hội… Nhưng trong khi giải quyết những vấn đề kinh té xã hội, chúng ta không nên quên rằng đó là những vấn đề thuộc phạm vi dân sinh, cần phải giải quyết đúng theo con đường của nhân vị. (Trích Điệp văn gửi Đại Hội Thanh Thương Hội Việt Nam, ngày 19/07/1956)

11- Tình thần của người công chức mới, còn phải là một tinh thần thân dân, không phải thân dân hiểu theo một quan niệm gia trưởng lỗi thời, nhưng là gần dân, tôn trọng quyền lợi của nhân dân…, phải luôn luôn thông cảm với dân chúng, không để cho thủ tục phức tạp trở nên một rào cách bức, khiến công chức xa dần người dân mà biến thành một đẳng cấp biệt lập và vị kỷ. (Trích Huấn từ trong dịp khánh thành Học Viện Quốc Gia Hành Chính, ngày 12/04/1956);

Ngô chí sĩ chấp chánh

12- Đời tôi, cũng như những cố gắng hằng ngày của tôi, chỉ nhằm một mục đích, là cải thiện đời sống của đồng bào… (Trích Lời hiệu triệu quốc dân, ngày 17/11/1954);

13- Trước khi hô hào dân chúng tương thân, tương ái và đồng tâm nhất trí, các bạn hãy sống với dân chúng, thành thực yêu đồng bào và hợp lực với họ trong mọi công việc. (Trích Phát biểu với các cán bộ Công Dân Vụ, ngày 05/09/1955);

14- Đã đến giờ phút phải chấm dứt bao nỗi thống khổ của cả một dân tộc… Hể chúng ta bỏ óc tư kỷ, quyết chí hy sinh mà hành động để dân tộc ta được hưởng sự đối đãi theo công lý và bình đẳng về mặt quốc tế, về phương diện xã hội và về sự phân phó nhiệm vụ, thì chúng ta thật đã góp nhiều vào công cuộc gây dựng hạnh phúc cho dân tộc…

Trước những hy sinh không bờ bến của toàn dân Việt Nam trong ba năm nay, một chủ nghĩa hay một cá nhân dù đáng tôn trọng đến bực nào đi nữa, suy cho kỹ, cũng không đáng kể vào đâu. (Tuyên bố ngày 16/06/1949).

Kính bái,


http://danlambaovn.blogspot.com/2014/11/luoc-trich-vai-phat-bieu-cua-co-tt-ngo.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét