Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Hãy từ bỏ Chủ nghĩa xã hội – Phần II




Nguyễn Thiện Nhân
* Tác giả gửi bài cho VNTB

Một con đường mà cái đích không lượng định được khi nào sẽ tới thì giống như ta đi về phía cuối chân trời để tìm nơi tiếp giáp giữa bầu trời và trái đất! Cả dân tộc VN đang được dẫn dắt đi trên con đường như thế, lúc đầu họ đi trong sự hồ hởi, về sau họ hoang mang mang lo lắng không biết đi về đâu nhưng vẫn lầm lũi bước theo sự khẳng định “sẽ tới” của những nhà lãnh đạo.

Chủ nghĩa xã hội (CNXH) được cho là giai đoạn đầu của Chủ nghĩa cộng sản (CNCS). Cả CNXH và CNCS cho đến nay chưa hề trở thành thực tiễn, nó chỉ là một chủ nghĩa mà một số quốc gia muốn xây dựng! Đa số các quốc gia cộng sản đã thất bại trong công cuộc xây dựng to tác này, đó là Liên Xô và các nước Đông Âu.

Đảng CSVN cho rằng “Thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới”. Năm 2013, ông TBT đảng CSVN-Nguyễn Phú Trọng phát biểu mơ hồ rằng “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”! 

Nếu là một đảng có trách nhiệm thì phải định lượng thời gian và đưa ra lộ trình rõ ràng cho đường lối của mình trong công cuộc xây dựng CNXH chứ không thể chỉ định tính chung chung như thế được.
Trong phát triển kinh tế, đảng CSVN đưa ra chủ trương rất mù mờ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong một buổi nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vào cuối năm 2013, về câu hỏi “thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?”, ông nói: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”!

Đến nay, đảng CSVN vẫn xem chủ nghĩa Mac-Lenin là đúng đắn và lãnh đạo đất nước đi theo chủ nghĩa này. Đồng thời bắt buộc các trường đại học và cao đẳng phải dạy cho sinh viên bộ môn Chủ nghĩa Mac-Lenin; tệ hại hơn, ngoài những nội dung nguyên bản và diễn giải, ban biên soạn còn ‘viết thêm’ xen vào rải rác trong bộ sách khiến cho những cuốn sách dài lê thê, đầy những câu từ tự khẳng định và ca ngợi không đáng có.

Mac (Karl Marx) sinh ra và lớn lên trong thế kỷ XIX, thời kỳ này chế độ phong kiến vẫn còn hiện hữu ở nhiều nước. Cả Mac(1818-1883) và Lenin (1870-1924) đều sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chưa nổ ra cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại như chất bán dẫn, tia laser, năng lượng hạt nhân, chất phóng xạ, máy tính điện tử…và tất nhiên thời ấy chưa có điện thoại di động, internet! Nói như thế để thấy rằng không có gì ngạc nhiên khi học thuyết Mac-Lenin có những khiếm khuyết rất lớn mà đến cuối thế kỷ XX nhân loại mới có thể nhìn thấy rõ ràng.


Không thể nói tư bản “bóc lột” công nhân bằng giá trị thặng dư

Chủ nghĩa Mac-Lenin tuyên bố đấu tranh vì lợi ích giai cấp công nhân. Chủ nghĩa Mac-lenin cho rằng bản chất của kinh tế tư bản là bóc lột và cho rằng nhà tư bản bóc lột sức lao động của công nhân thông qua giá trị thặng dư.

Chủ nghĩa Mac-Lenin cho rằng T’ = T + m (trong đó m là giá trị thặng dư) và mức độ bóc lột được đo bằng công thức: m’ = m/v

Ngày nay, nếu đem cho những nhà chuyên môn độc lập phân tích đánh giá thì sẽ thấy phần (tiền) bóc lột không thể đo bằng giá trị thặng dư, nói cách khác phần bóc lột của nhà tư bản (nếu có) chỉ là một phần của giá trị thặng dư.

Theo tôi, nếu đặt phần bóc lột là e thì e = m – u (e ≤ m), trong đó u là giá trị tổng hợp những yếu tố mà nhà tư bản được hưởng một cách chính đáng như tổ chức sản xuất-quản lý điều hành, phát minh sáng chế khoa học, khả năng ứng dụng phát minh sáng chế khoa học, bí quyết công nghệ, tổ chức hệ thống phân phối, rủi ro…Nếu xét ở một doanh nghiệp cụ thể thì ngoài những yếu tố này, u còn gồm cả thiết kế mẫu mã hàng hóa, thương hiệu doanh nghiệp, khả năng dự đoán thị trường, thông tin riêng có…

Những người cộng sản vẫn ấu trĩ phủ nhận những giá trị chính đáng của nhà tư bản và xem phần bóc lột sức lao động là toàn bộ giá trị thặng dư, gồm cả giá trị cấu thành trong u. Xét từng yếu tố cụ thể:

+ Công nhân không thể tự tổ chức (và quản lý điều hành) sản xuất, bởi chỉ rất ít người có khả năng tổ chức sản xuất. Nếu nhà tư bản thuê người tổ chức giúp mình thì họ đã phải trả lương, lương này đã rất cao so với công nhân trực tiếp sản xuất, nếu nói nhà tư bản bóc lột thì họ chỉ bóc lột người tổ chức sản xuất cho mình chứ không phải bóc lột công nhân. Những người tổ chức sản xuất thuê đã được trả lương hậu hĩnh còn gì!

+ Nhà tư bản mua phát minh sáng chế (hoặc họ thuê người nghiên cứu ra), họ đã phải trả tiền. Nhà tư bản bóc lột (nếu có) thì bóc lột người phát minh sáng chế chứ đâu có bóc lột công nhân! Ngày nay, chính phủ các nước tư bản phát triển đều cố gắng bảo vệ quyền lợi của người phát minh sáng chế khoa học (tác quyền) bằng hệ thống luật pháp và khả năng thực thi pháp luật nghiêm khắc của họ. Việc này chính quyền các nước tư bản phát triển làm tốt gấp trăm lần các chính quyền cộng sản.

+ Bí quyết công nghệ của một doanh nghiệp làm sao có thể nói là do bóc lột? Bí quyết của công ty bia heineken, nước giải khát coca cola… trị giá hàng tỷ USD, không thể nói đó là của công nhân được. Nếu có bóc lột thì chắc chắn không phải là bóc lột công nhân.

+ Cũng như tổ chức sản xuất, việc tổ chức hệ thống phân phối tốt cũng làm nên giá trị thặng dư của doanh nghiệp, và chắc chắn không phải là bóc lột công nhân.

+ Mỗi doanh nghiệp phải tự chịu rủi ro khi bỏ vốn ra kinh doanh, rất nhiều rủi ro chực chờ và khó đoán trước được như thiên tai, chiến tranh, cháy nổ, bất ổn, bị cướp, bị trộm, bị hư hỏng, tai nạn, khủng hoảng kinh tế, dự toán sai… Hiện nay, ngay cả trong điều kiện bình thường, số doanh nghiệp lỗ lã cũng đã chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Khi khủng hoảng xảy ra, có khi đến quá nửa doanh nghiệp phải chịu lỗ lã và một loạt phải phá sản vì không còn sức chịu đựng, chủ doanh nghiệp phải chịu mất vốn. Chỉ trong 8 tháng của năm 2014, VN có 44.500 doanh nhiệp phá sản/giải thể chiếm 10% tổng số doanh nghiệp trong cả nước.


Trên đây là nhìn từ góc độ giá trị thặng dư. Còn nhìn từ góc độ lợi nhuận thì sao? Cũng tương tự như giá trị thặng dư, xét trên phạm vi toàn xã hội, tổng số lợi nhuận luôn ngang bằng tổng số giá trị thặng dư. Nếu xét chi tiết thì:

+ Nếu cung = cầu thì: giá cả = giá trị, lợi nhuận = giá trị thặng dư

+ Nếu cung < cầu thì: giá cả > giá trị, lợi nhuận > giá trị thặng dư

+ Nếu cung > cầu thì: giá cả < giá trị, lợi nhuận < giá trị thặng dư

Mac-Lenin đo mức độ bóc lột bằng công thức m’ = m/v (với v là tư bản khả biến). Hiện nay, tỷ suất lợi nhuận bình quân giảm nhiều so với những thế kỷ trước. Nếu áp dụng công thức tính mức độ bóc lột thì rất ngộ nghĩnh, một doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận 7%/năm có thể bị ‘mang tiếng’ là bóc lột đến 200%! hoặc cao hơn nữa!! Vắt óc suy nghĩ, bỏ vốn chịu rủi ro, bỏ công tổ chức sản xuất và điều hành doanh nghiệp một năm lời được 7% mà không đáng hay sao? Ngoài ra nhà tư bản còn đóng góp vào ngân sách và tạo việc làm cho công nhân giúp nền kinh tế phát triển, quốc gia hùng mạnh.

Sự bóc lột của nhà tư bản không đáng trách bằng nạn tham nhũng của quan chức VN. Quan chức VN không bỏ vốn, không tốn công, chỉ ký là có % tiền lót tay, có bao thư bỏ túi. GS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính của Học viện hành chính Quốc gia nói về thực trạng tham nhũng thực tế trong các dự án ở VN: “Qua nhiệm kỳ, vị nào cũng cố chạy cho mình vài dự án. Có dự án kiểu gì cũng được cắt 10-20%. Cho nên trước đã phá nhiều công trình như trạm máy kéo, nhà văn hóa… thấy rằng phá không biết bao nhiêu tiền của nhân dân”. Tổn thất từ tham nhũng không phải bằng số tiền tham nhũng mà nó cao gấp mấy lần do những hệ lụy của tham nhũng để lại.

Trước đây, hầu hết các nước cộng sản đều sai lầm khi phủ nhận kinh tế tư nhân, diệt tư sản. Sai lầm ấy vừa kéo lùi sự phát triển kinh tế vừa gây thảm họa về nhân quyền, những người bất đồng chính kiến đã bị giết, tù tội, trù dập, khinh khi trong các xã hội ‘chuyên chính’ của cộng sản.
Ngày nay, các nước cộng sản đang vẫn tiếp tục sai lầm khi cố níu giữ hệ thống DNNN thông qua chủ trương “kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo”. Hậu quả là các DNNN làm ăn kém hiệu quả, lãng phí vốn, xảy ra tham nhũng, bị rơi vào nhóm các quốc gia tham nhũng cao nhất thế giới…

Đảng CSVN một mặt vinh danh doanh nhân làm ăn giỏi, mặt khác lại than phiền họ bóc lột. Chiếu theo chủ nghĩa Mac-Lenin thì doanh nhân càng làm ăn giỏi thì càng bóc lột nhiều. Thế đấy, bóc lột nhiều lại được vinh danh, kể cũng lạ!


Xóa bỏ bóc lột sức lao động công nhân bằng cách nào?

Mac-Lenin đã thừa nhận hình thái kinh tế TBCN là hình thái KT-XH kế tiếp, liền sau hình thái KT-XH phong kiến. Thay vì đấu tranh để hạn chế mặt trái của CNTB thì Mac-Lenin lại chủ trương thành lập cái gọi là “đảng cộng sản” để “lãnh đạo” công nhân xóa bỏ CNTB, xây dựng CNXH! Tệ hơn, Lenin còn cho rằng một số quốc gia có thể “rút ngắn”, bỏ qua giai đoạn CNTB để tiến lên CNXH!

Nếu thành lập “đảng cộng sản” để cạnh tranh bình đẳng với các đảng phái khác thì không có gì đáng trách. Nhưng thực tế, cộng sản luôn có xu hướng tập quyền, chủ trương “chuyên chính”, từ đó dẫn đến vấn nạn độc tài cộng sản với một đảng duy nhất độc quyền lãnh đạo.

Tờ Tạp chí cộng sản của đảng CSVN viết rằng “chừng nào xã hội hiện đại vẫn là chế độ tư bản thì mọi quyền lực chi phối vẫn thuộc về giai cấp nào nắm giữ tư bản, đó là giai cấp tư sản chứ không có gì thay đổi. Giai cấp tư sản vẫn là giai cấp thống trị”. Nhận định này hết sức ấu trĩ với cái nhìn hẹp hòi, phiến diện. Thực tế phát triển của các nước tư bản trái ngược với nhận định này. Hiện nay, tại các nước tư bản phát triển, quyền lực đã hình thành thế kiềng ba chân “nhà tư bản-chính quyền-nhân dân”. Ở các nước tư bản phát triển, qua quá trình đấu tranh, nhân dân đã có trong tay công cụ làm chủ đất nước: thứ nhất, nhân dân được bầu cử trực tiếp nguyên thủ quốc gia gắn với sự cạnh tranh chính trị đa nguyên đa đảng, từ đó người dân được chọn lựa người lãnh đạo đất nước mình, thứ hai người dân được phép biểu tình bất bạo động kèm theo những quyền khác như quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận… tạo nên một sức mạnh lớn lao trong dân chúng mà bất cứ chính phủ nào cũng phải khuất phục. Các nhà tư bản chỉ là một lực lượng có tiền, họ chỉ có một phần quyền lực chứ không phải là “mọi quyền lực chi phối”. Nhìn vào chính quyền của tổng thống Obama hiện nay mà xem, không phải mọi quyền lực đều bị giai cấp nắm giữ tư bản chi phối đâu nhé!

Hoàn toàn có thể xây dựng một quốc gia tư bản phát triển giàu mạnh, an sinh tốt, đời sống người lao động nâng cao và mức độ bóc lột không đáng kể. Để đạt được điều đó, phải hội đủ 3 điều kiện:

- Thể chế chính trị đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, bầu cử tự do, nhân quyền được tôn trọng
- Thị trường cạnh tranh tự do (thị trường hàng hóa, thị trường lao động…)
- Công đoàn hoạt động độc lập

Sự cạnh tranh tự do trên thị trường lao động của hàng triệu doanh nghiệp trong một quốc gia đã giúp nâng cao tiền lương tối đa, giảm thiểu sự bóc lột sức lao động, tiến đến đưa bóc lột tiệm cận con số 0.

Ở Việt Nam, công ty phải chịu nhiều tiêu cực phí, bị quan chức chính quyền nhũng nhiễu, thủ tục hành chính phiền hà, cạnh tranh không lành mạnh, thực thi pháp luật yếu kém, phe nhóm lợi ích tung hoành… khiến doanh nghiệp tốn thêm chi phí và phải trả lương thấp hơn để bù lại những tổn thất đó. Hiện nay, lương công nhân ở VN rất thấp, nó thấp hơn mức mà công nhân đáng lẽ được hưởng, không phải do “bóc lột” mà do những tổn thất từ thể chế mang lại.

Công đoàn hoạt động độc lập là công đoàn đảm đương nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của công nhân, không chịu chi phối bất cứ đảng phái chính trị nào. Lãnh đạo công đoàn phải do chính công nhân bầu ra, công đoàn hoàn toàn có thể tổ chức đình công để đòi quyền lợi cho công nhân khi chủ không đáp ứng yêu cầu chính đáng của họ.

Các nước tư bản lấy kinh tế tư hữu làm nền tảng và lợi nhuận là động lực để phát triển kinh tế. Việt Nam xây dựng CNXH lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo, lãnh đạo DNNN lo tìm cách tư lợi bất chính, bỏ túi riêng hơn là chăm lo cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Hiện nay, ở VN kinh tế khó khăn, khủng hoảng ngân sách, lương công nhân không đủ nuôi sống gia đình… Cải cách thể chế đang là vấn đề bức thiết.


Kết luận

Các nước ở Châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore là những nước tư bản thành công điển hình với mô hình phát triển TBCN mà VN cần phải nghiêm túc nhìn nhận và học tập… CNTB phát triển đúng theo quy luật vận động của xã hội loài người. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đang đi theo con đường CNTB và là xu thế toàn cầu không thể đảo ngược. Những mặt trái của nền kinh tế tư bản cạnh tranh tự do cùng với những hạn chế của thể chế đa nguyên đa đảng, chúng ta hoàn toàn có thể có biện pháp điều tiết hoặc khắc chế mà không cần đến CNXH hay CNCS. 

Chủ nghĩa cộng sản bất khả thi, chỉ mới ở giai đoạn quá độ lên CNXH đã gây rất nhiều tổn thất và đẩy VN vào con đường bế tắc. Chấp nhận đau đớn để từ bỏ CNXH, xây dựng thể chế đa nguyên đa đảng cạnh tranh cả về chính trị lẫn kinh tế, chúng ta sẽ xây dựng được đất nước giàu mạnh, văn minh và dân chủ. Trong lâu dài, nền kinh tế giàu mạnh là một trong những điều kiện không thể thiếu để giữ vững chủ quyền biên giới cũng như biển đảo của Việt Nam.



Xem lại: Hãy từ bỏ Chủ nghĩa xã hội – Phần I

http://www.ijavn.org/2014/09/hay-tu-bo-chu-nghia-xa-hoi-phan-1.html



Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, không mang tính đại diện cho Việt Nam Thời Báo
http://www.ijavn.org/2014/11/hay-tu-bo-chu-nghia-xa-hoi-phan-ii_9.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét