Nợ công - cơn ác mộng lạc quan mang tên Chính phủ
Lê Trân Ký
* Tác giả gửi bài cho VNTB
Vấn đề nợ công làm nóng diễn đàn Quốc hội trong nhiều tuần qua. Khi mà giữa tính an toàn do chính phủ đứng đầu là ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra vẫn không thể nào xoa dịu được nỗi lo vỡ nợ, bởi tính minh bạch về nợ công, cách tính nợ công không giống ai của Việt Nam…
Mặc dù, “báo cáo” chính phủ luôn nhấn mạnh sự “cam kết, quyết liệt, đảm bảo”.
Sự quyết liệt không được cam kết ấy cho thấy một cơn ác mộng thực sự, một sự mâu thuẫn nội bộ, và tính chóng vánh của trách nhiệm lãnh đạo.
“Cơn ác mộng lạc quan”?
Phải đến ngày 4/10/2013, hai chữ “nợ công” xuất hiện lần đầu trong nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ (9/2013).
Tháng 3/2014, đồng hồ nợ công thế giới đã đưa nợ công Việt Nam vượt con số 80 tỷ USD, với tổng dư nợ tăng 11,2%, chiếm 48% GDP, khiến an ninh tài chính quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng, dẫn đến những phản ứng gay gắt của ĐBQH khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vào đầu tháng 6/2014.
Về phía chính phủ, tại Đà Nẵng (8/2014), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trấn an: “Việt Nam dứt khoát không để vỡ nợ.”
Nhưng chỉ một tháng sau (09/10/2014), Chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Sinh Hùng nhận xét cơ cấu chi ngân sách hiện nay rất xấu khi 72% ngân sách chi thường xuyên, chỉ 30% là vừa trả nợ vừa đầu tư phát triển.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014, dù Chính phủ đã nhìn nhận, “nợ công có xu hướng gia tăng”. Nhưng trong tuyên bố về nợ công gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn lạc quan tuyên bố “nợ công của Việt Nam trong giới hạn cho phép”, đồng thời “chịu trách nhiệm trước nhân dân”.
Ông đã dựa dẫm vào báo cáo của Bộ Tài chính để dẫn chứng. Trong đó, tổng nợ công Việt Nam đã lên đến 475.000 tỷ đồng, và theo đó, giới hạn nợ (bao gồm nợ Chính phủ vay, nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương) vẫn nằm dưới ngưỡng 65% vào năm 2016 và theo xu hướng giảm dần, 2016 (64,9%), 2020 (60.2%).
Đồng thời ông cũng khẳng định sẽ ban hành chỉ thị về kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài, cơ cấu lại nợ theo hướng lành mạnh hơn. Đảm bảo nguồn ngân sách để trả nợ theo quy định (không quá 25% tổng chi ngân sách) và đến năm 2020 tỷ lệ huy động ngân sách để trả nợ là khoảng 19,5%. Kiểm soát chặt chẽ nợ nước ngoài, bảo đảm nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu trong giới hạn cho phép (25% GDP)…
Nhưng rõ ràng, không ai có được sự lạc quan, niềm tin tươi sáng đến thế khi nhìn vào cách tính nợ công cũng như cách xử lý vấn đề nợ công của Chính phủ.
Theo TS Vũ Quang Việt, cách tính đúng của nợ công phải bao gồm nợ trong nước và nợ nước ngoài của Chính phủ (cả trung ương, địa phương và DNNN); nợ để chi và nợ bảo lãnh; nợ ngân hàng, nợ qua phát hành giấy nợ như trái phiếu… Trong khi đó, Khoản 2 - Điều 1, Luật Quản lý nợ công năm 2009, nợ công ở Việt Nam lại quy định: “Nợ công được quy định trong luật này bao gồm: Nợ chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; nợ chính quyền địa phương”.
Do đó, tỷ lệ nợ có thể vượt trên 100% GDP, so với cái ngưỡng 65% mà chính phủ Việt Nam đề ra trong chiến lược phát triển tài chính năm 2020. Ông Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phùng Quốc Hiển, cho biết thêm: “Hơn nữa, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 ước đạt 25,9% và sang 2015 dự kiến ở mức 31,9%. Điều này hàm ý rằng, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đã vượt mức quy định là 25%.”
Có lẽ, sự lạc quan đó của chính phủ đến từ “xu hướng đánh giá thấp nguy cơ của nợ công hơn thực tế, khiến nền tài chính quốc gia bị đẩy sát mép bờ vực.
Sát mép bờ vực
Nhìn chung, vấn đề nợ công không phải là dị biệt, nhưng đối với các nước khác, đặc biệt là các nước lớn – họ vừa là con nợ vừa là chủ nợ lớn, chỉ có Việt Nam là con nợ thuần chủng.
Chính phủ do ông Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu vẫn tiếp tục vay 872.000 tỷ đồng để bù bội chi ngân sách, đồng thời phát hành 395.000 tỷ đồng qua trái phiếu để đầu tư cơ bản từ năm 2011-2015, riêng năm 2014, phải vay tới 70.000 tỷ đồng để đảo nợ là một điều thực sự đáng lo ngại. Nhất là năm tới, nợ trả lên đến 280.000 tỷ, nhưng chỉ cân đối được 150.000 tỷ, buộc phải vay 130.000 tỷ tiếp theo để đảo. Số nợ của năm sau sẽ chiếm 28,3% ngân sách, vượt ngưỡng 25%.
Sự ảo tưởng về cách tính nợ công cùng với tình trạng DNNN làm ăn thua lỗ (hơn 47.000 doanh nghiệp phá sản, 70% doanh nghiệp không có lãi, 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ) dẫn đến đà kinh tế tăng trưởng thấp, tỷ lệ thu ngân sách giả. Tham nhũng, thất thoát trong các dự án công, đầu tư sai mục đích đã đẩy nợ công đi đến sát mép bờ vực.
DNNN dù được chính phủ “cưng chiều” nhưng hoạt động kinh doanh lãi thì ít trong khi vay nợ thì nhiều (lên đến 1,6 triệu tỷ USD). Trong đó, vay nợ nước ngoài có sự bảo lãnh của chính phủ chiếm 7%, nhưng vay nợ trong nước theo hình thức tự trả lớn hơn rất nhiều. Ông Trịnh Tiến Dũng trong một tham luận ở hội thảo về nợ công vào tháng 7/2014 đã cho biết: “Nếu tính cả 86.000 tỷ đồng của Vinashin thì ngay từ cuối năm 2009 nợ của doanh nghiệp nhà nước đã lên tới 54,2% GDP của năm này.”
Chưa kể, gánh nặng về lương, chính sách của 8 triệu người… nợ xây dựng cơ bản, nợ quỹ bảo hiểm, nợ chi ứng trước của ngân sách T.Ư, và khoản vay nợ thông qua nguồn trái phiếu chính phủ với tổng phát hành lên đến 680.000 tỷ (tương đương 18% GDP)...
Tình trạng bội chi ngân sách lại tiếp tục tăng không ngừng. Báo cáo 9 tháng đầu năm 2014 của Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu ngân sách chỉ đạt 636 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng chi lại lên đến 718,6 nghìn tỷ đồng. Trước đó, bội chi 5 năm (2011-2013) lên đến 872.000 tỷ đồng.
Giải pháp tối ưu mà chính phủ nêu ra để vớt vát là tái đầu tư công cũng gặp vấn đề với cơ chế phân cấp đầu tư “theo kiểu khoán trắng” cho địa phương; khiến “chính quyền Trung ương không kiểm soát được phần ngân sách trong phân cấp cho địa phương. Ví dụ điển hình là Bộ Giáo dục chỉ kiểm soát được 2,8% tổng đầu tư cho ngành này, dẫn đến việc tái đầu tư công trở nên vô vọng, không giải quyết được gốc vấn đề” - TS Trần Du Lịch cho biết.
Tất cả đã vượt qua khỏi tầm kiểm soát, chứ không còn dừng ở mức “suýt soát 64% GDP” như cách Phó chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ.
Và như thế, dù có tính tới phương án thắt lưng buộc bụng, tăng cường thu phí chồng phí, thì với cách tính, quản lý, kiểm soát đầu tư công như hiện nay của Chính phủ nợ công vẫn là “cơn ác mộng lạc quan”.
Do đó, 20 triệu đồng trên đầu mỗi người dân Việt Nam vẫn tiếp tục có khả năng tăng vào thời gian tới. Ít nhất đến năm 2016.
Yếu tố X - Mâu thuẫn nội bộ
Nền tài chính quốc gia bị tổn hại nghiêm trọng bởi tình trạng bội chi ngân sách. Dẫn đến mâu thuẫn nội bộ trong giới lãnh đạo Đảng và nhà nước.
Trong phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (9/10), ông chủ tịch quốc hội nhắc nhở “đồng chí” của mình: “Thu được đồng nào các đồng chí đem xài hết. Chi đầu tư các đồng chí hãm lại, rồi cứ vay nợ ào ào. Như vậy làm sao phát triển được đất nước. Rồi trả nợ không được thì sụp đổ. Bài học này phải tính ngay trong năm 2016”.
Ngày 15/10/2014, phát biểu trước cử tri, ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gay gắt khẳng định: “Nếu cái đà này còn lên nữa. Như thế, phần còn lại không đủ trả nợ đến hạn và phải vay để trả nợ… Nó nguy cỡ đó đó, chứ không phải đơn giản đâu. Không thể rủng rỉnh được, không phải đơn giản được, không thể thoải mái được lúc này”.
Nhưng ngày 29/10, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại tuyên bố: Nợ công vẫn đang trong giới hạn cho phép và “chịu trách nhiệm trước nhân dân” về vấn đề này.
Nhưng ngay cả con số 98% dành cho đầu tư phát triển mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố cũng là sự thiếu thống nhất và đây nghi hoặc. Ít nhất đối chọi với con số “30% còn lại để đầu tư phát triển” của ông Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng.
Sự thống nhất từ lâu luôn được nhấn mạnh trong đội ngũ lãnh đạo Đảng Cộng Sản. Dù rằng, đôi lúc nó bị chèn ép quá mức như trong thời kỳ lấy phiếu tín nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nhưng lần này, một lần nữa, nợ công lại gây chia rẽ, mâu thuẫn trong nội bộ.
Sự phá sản, sụp đổ thể chế là điều mà ông Trương Tấn Sang, hay Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Phú Trọng lo lắng…
Nhưng tại sao ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại “bình thản”, và quyết giấu nhẹm nợ công, khẳng định chu kỳ giảm sốc theo hướng 2016-2020?
Khó ai biết yếu tố bí ẩn X đang nghĩ gì. Nếu tình trạng “mâu thuẫn” này tiếp tục kéo dài đến năm 2016 và Chính phủ vẫn “quyết liệt”, thì có lẽ, quyền lực của cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng & “tư duy nhiệm kỳ”* lại một lần nữa thắng thế.
Qua đó, cho thấy sự bất lực của Quốc Hội – cơ quan quyền lực nhất nước.
Tất nhiên, điều đó không thực sự tốt lành. Vì suy cho cùng, nhân dân là đối tượng… lãnh đủ. Và “trách nhiệm” mà mấy vị lãnh đạo thường hay nhấn mạnh cũng chỉ là lời nói tạm biệt nhẹ nhàng trước khi hạ cánh an toàn.
---
* Nhiệm kỳ thứ hai của ông Nguyễn Tấn Dũng kết thúc vào năm 2016 (2011-2016).
http://www.ijavn.org/2014/11/no-cong-con-ac-mong-lac-quan-mang-ten.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét