Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Dư âm sâu quanh một bài viết về Ngô Đình Diệm

Ngô Đình Diệm (1901- 1963)
Tháng 9 ở Texas trời đã đã vào thu mà chưa bớt nóng cháy. Rất lâu ở Houston không có mưa. Từ hồi bần tăng về sống ở đây, thấm thoát đã hơn mười sáu năm. Mười sáu năm ở Mỹ so với những người tỵ nạn Việt Nam khác thì chưa dài, nhưng thời gian sống ở một nơi chốn không phải là quê hương mình thì đó không phải là một thời gian ngắn. Ở tuổi năm mươi mà lưu lạc nơi đất khách quê người trong lúc bệnh hoạn, thì đó có phải là một cực hình không. Tùy bạn quan niệm. Song cuộc sống thì không có gì tuyệt đối. Giữa cái được và mất, giữa xấu và tốt luôn đi liền với nhau. Bần tăng luôn tự nhủ: Hãy cố gắng thích nghi. Hãy vui sống với cái mình đang có và chấp nhận nó, phải thế không.
Con người sinh ra vốn “Nhân vô thập toàn” là thế, như người xưa đã nói, phải không bạn? Nếu xấu và tốt là một phạm trù đúng sai tùy theo hoàn cảnh, tùy theo nhận xét của mỗi người, cách tích cực nhất là chúng ta nên tìm  cái tích cực, nghĩa là tìm cái tốt đẹp để xiển dương. Như thế đời sống mới có ý nghĩa vì lòng khoan dung và vị tha.
Bây giờ trời đã vào thu, chiều chiều ngồi ở vườn nhà ngắm hoàng hôn, đã nghe gió bay những xác lá khô xào xạc khi mặt trời xuống dần ở bên kia dãy núi. Bần tăng ngâm khe khẽ bài thơ làm đã lâu về Đà Lạt. Đọc bạn nghe nhá.
Em Đà Lạt có vui không nhỏ 

Anh bây giờ xa tít mù xa
Đến bao giờ lại đến với ta
Sương óng ánh mắt ngời mộng ước

Có những chiều đông nơi xứ lạ

Hồn đắm chìm trong những cơn say
Nhớ ngày lạnh rủ em xuống phố
Gió và mưa bước nhẹ thầm thì

Ở bên nhà em có xót xa

Chợ Hòa Bình chỉ mình dạo phố
Xưa từng lời nguyện ước trăm năm
Đến bây giờ duyên đã không thành

Cũng vậy thôi đời cũng thế thôi

Tình cho mật ong và trái đắng
Muốn nhận nhiều mà có là bao
Đà lạt ơi! Ta đã mất em rồi

Ngày ở đây buồn gặm nhấm ta

Tiếc tuổi trẻ sao chóng đi qua
Thời gian như là viên độc dược
Đêm lắng sâu nước mắt tuôn trào

Đà lạt ơi ngọt ngào hương hoa

Thành phố như ngập tràn thơ ca
Ở trong ta lúc nào quên được
Nghe chiều đông rụng lá sân nhà

Dốc Duy Tân con dốc tình yêu

Dốc nhà thờ tình sử dấu yêu
Nhà em như vòng một thế giới
Sáng tinh sương khu Hòa bình không đủ nắng
Sưởi ấm anh
Ngày từ  giã lên đường

Đà lạt ơi phút từ biệt em

Ta hốt hoảng
Như người trốn chạy
Nghẹn lời chát đắng đôi môi
Từ biệt nhá      Xuân Hương Đồi cù
Từ biệt Nhá     Datanla thác Prenn thơ mộng
Trường đại học và cô giáo ngoan
Ta đi thôi kẻo tắt thở với mi rồi.

(Trích trong thi phẩm Tên Em Là Hoa Kỳ )

Bạn ạ. Trong những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, dưới chế độ Đệ nhất Cộng hòa, bần tăng còn mài đũng quần trên ghế trường trung học. Những năm  đó trường học thường bãi khóa để học sinh, sinh viên bỏ học xuống đường biểu tình chống độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo.
Bần tăng cũng theo đám bạn bè trong nhóm thân Phật giáo Ấn Quang, bãi khóa đi biểu tình la hò hoan hô đả đảo. Đi biểu tình xuống đường vì ham vui, hay đua đòi do bạn bè rủ rê, chứ lúc đó còn non trẻ, chỉ  biết ăn rồi đi học chứ biết quái gì về chính trị mà biểu tình với lại cách mạng.
Tại sao bần tăng lại nói Phật giáo Ấn Quang? Xin thưa: Là vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam  lúc đó chia ra làm hai hệ phái. Hệ phái Phật giáo Thống nhất do Hòa Thượng Thích Tâm Châu lãnh đạo. Hệ phái này thân với chính quyền. Còn hệ Phái Phật gíao Ấn Quang do Thương tọa Thích Trí Quang và Thượng tọa Thích Thiện Minh cầm đầu, chống đối lại chính quyền Ngô Đình Diệm.
Cứ theo hiện tượng và dư luận báo chí thời đó cho rằng, những chùa chiền thuộc hệ phái Phật giáo Ấn Quang là cái nôi che chở và là chỗ dựa vững chắc cho Mặt trận Giải phóng Miền Nam (MTGPMN ) nương tựa. Nếu không muốn nói là nơi cất dầu an toàn những cán bộ nằm vùng, tài liệu và vũ khi cho MTGPMN và chính phủ Lâm thời Miền Nam Việt Nam.  Mà MTGPMN ai cũng biết là con đẻ của Cộng sản do Hà Nội dựng lên để chống phá chế độ Việt Nam Cộng Hòa do Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh Đạo.
Để chống lại lật đổ một chế độ no ấm, sống trong an bình được lòng dân, mà Việt cộng nghĩ ra mưu kế phải dùng đến tôn giáo mới có thể gây hận thù chia rẽ được khối đoàn kết dân tộc. Mưu kế đó đã thành công như mọi người đều thấy. Chúng rêu rao là Chính phủ Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo. Ưu đãi Công giáo rồi đàn áp Phật giáo. Chúng gây phân hóa chia rẽ hai tôn giáo lớn và có thế lực nhất miền Nam. Mục đích của chúng nhằm gây chia rẽ hiềm khích , hằn thù giữa những Phật tử và Giáo dân với nhau. Tuy hai tôn giáo cùng đang phục vụ trong một chế độ. Mưu kế thâm độc gây thù hận tôn giáo mà mọi người không cảnh giác đề phòng đã là nguyên nhân làm chế độ Ngô Đình Diệm bị xụp đổ. Kết quả là anh em nhà Ngô bị giết do ngoại bang nhúng tay vào mua chuộc hàng ngũ  các tướng lãnh cao cấp làm đảo chánh lật đổ chính phủ!
Câu biểu ngữ “Chống độc tài gia đình trị đàn áp tôn giáo “ là do những nhà sư tổ chức chống đối chế độ dựng lên nhằm hô hào kích động quần chúng tham gia biểu tình, làm cách mạng lật đổ chính phủ. Còn những người lính, người dân bình thường lúc đó đâu ai nghĩ tới. Nhưng hố sâu hận thù bên trong hai tôn giáo lớn ngày một sâu không có cơ hàn gắn. Nhất là thời gian Hòa Thượng Thích Quảng Đức xuống đường tự thiêu giữa thủ đô Sài Gòn của miền Nam. Cộng với những sai lầm to lớn của chính phủ  và anh em thân thích của Tổng Thống.
Những dư luận về sự lộng quyền của ông Cố vấn Chỉ đạo miền Trung Ngô Đình Cẩn, như ông Cố vấn tự quyền bổ nhiệm nhân sự phe phái của mình vào những chức vụ như Tỉnh Trưởng Quận trưởng cho phần đông những tướng tá  xu nịnh bất tài. Chung quanh ông được ví như một triều đình thu nhỏ mà ông được mệnh danh là một lãnh chúa lộng quyền ban phát chức tước, bắt bớ giam cầm theo ý mình. . . Hay Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục lơi dụng quyền thế để giúp xây dựng nhiều nhà thờ ở những khu tập trung dân di cư Công giáo. Vợ chồng ông Cố vấn Chính Trị Ngô Đình Nhu nắm nhiều quyền hành, quyết định trong Nội các chính phủ. Ai cũng biết Cố Vấn Ngô Đình Nhu là cha đẻ  ra đảng Cần Lao Nhân Vị. Những viên chức cao cấp trong chính quyền thường là đảng viên Đảng Cần  Lao. Nhiều Tướng tá trong quân đội còn phải lo chạy chọt đế được làm Đảng viên đảng cho mau thăng quan tiến chức. Còn bà Trần Lệ Xuân là Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Liên Đới Việt Nam, cũng lộng quyền không kém. Đó là những tin tức được tung ra trên báo chí đối lập mỗi ngày. Có ít xít ra nhiều, nhằm làm giảm đi uy tín của Chính phủ Ngô Đình Diệm với dân chúng miền Nam và thế giới.
Có những sai lầm không đáng có như  vụ cấm treo cờ Phật giáo trong khuông viên Chùa Từ Đàm ở Huế chẳng hạn, gây hiểu lầm là chính phủ đàn áp Phật giáo trong dư luận Phật tử. Và đó cũng là một phát pháo lệnh tạo ngọn lửa căm phẫn trong hàng ngũ Phật Giáo.
Trong bài “Tổng Thống Ngô Đình Diệm Lịch Sử Sẽ Trả Lại Danh Dự Và Công Bằng Cho ngài”, bần tăng chỉ muốn nói tới cái ưu việt của một nhà lãnh đạo vì nước vì dân, ông mới là người thực sự làm cuộc cách mạng tự do dân chủ đầu tiên cho đất nước, xóa bỏ nền Quân chủ phong kiến độc tài cả hàng ngàn năm đè lên đầu lên cổ dân tộc. Trong khi ông là nguyên quan đầu triều Thượng Thư Bộ Lại của triều đại nhà Nguyễn. Còn cha ông là Ngô Đình Khả trước đó cũng là quan đầu triều dưới thời vua Khải Định. Nếu lúc đó ông không có tinh thần cải cách quốc gia tự do dân chủ cho đất nước, muốn làm cho đất nước cường thịnh độc lập thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp,  thì sau này Việt Nam chúng ta làm gì có nền Đệ Nhất Cộng Hòa.
Trong bài viết trên của bần tăng, có người  phản hồi bài viết lại chê trách ông là kẻ vong ân bội tín, phản lại Bảo Đại là chủ cũ! Không phải là một người trung thành theo kiểu: ”Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” của Khổng Tử. Nếu muốn ông trung thành với Bảo Đại để làm tay sai cho Pháp, thì làm gì chúng ta có nền dân chủ đại nghị sau này.
Có người phản hồi ý kiến cho rằng: ”Tác giả là dân di cư 54 Catholic”. Ý nói là dân Công giáo nên viết bài bênh vực Ngô Đình Diệm! Bênh vực một chế độ độc tài gia đình trị thối nát. Người phản hồi này đúng trên khía cạnh hình thức, còn trên phương diện khác là có ác ý không mang tính khách quan.
Trong bài viết trên người viết nhấn mạnh đến đạo đức cá nhân của Tổng Thống Ngô Đình Diệm so sánh với đạo đức những vị lãnh đạo đất nước thời cận và đương đại của Việt Nam. Chứ không nhằm bênh vực những khuyết điểm của chế độ.
Bần tăng theo cha mẹ di cư 54 lúc mới 8, 9 tuổi đầu. Gia đình là người Công giáo. Nhưng không vì thế mà bần tăng toa rập giống như những người cuồng tín mù quáng khác để kỳ thị tôn giáo, kỳ thị đạo này đạo kia. Đạo này là chân chính còn những đạo khác là tà giáo. Không, không đời nào lại như vậy. Bởi trong thâm tâm bần tăng đạo nào cũng đáng kính, vì giáo lý đạo nào cũng dạy  người theo đạo làm lành tránh xa điều ác. Còn ngoài ra những điều khuyên răn khác, không nhất thiết phải tuân theo. Vì mỗi con người đều có tri thức để suy luận đúng sai, không đạo gíao nào áp đặt được.
Nói cho cùng, tôn giáo chỉ cần thiết khi tri thức con người còn nông cạn, loại người này cần tôn giáo chỉ bảo làm việc này việc nọ,  hay phải làm những việc thiện tránh việc dữ theo giáo lý quyết định đặt để, hay trong lòng họ lo sợ một hình phạt sau khi chết,  họ sẽ được thưởng công trên Thiên đàng hay niết bàn. . . do việc mà họ đã làm ra. Chứ ngoài ra sự an nghỉ được siêu thoát hay không là không phải do tâm họ quyết định.
Vấn nạn tôn giáo từ xưa đến nay in sâu trong lòng người. Nên đa số những người cuồng tín cứ cho là đạo của mình là đúng là chánh đạo, nên tâm lý thường hay bài bác người không cùng một tín ngưỡng và họ đã tuyên truyền đấu tranh theo phe nhóm, quốc gia.v.v… Do vậy chiến tranh thế giới không bao giờ ngừng được, hòa bình chỉ là một giấc mơ của nhân loại là như thế. Bạn ạ!
Vả lại nói của cùng, bần tăng là một người làm thơ, mà thường những kẻ đã theo “đạo” thơ rồi, thì hắn bất chấp luật lệ của thần thánh! Chẳng sợ Thiên đàng hay hỏa ngục gì sốt cả. Nhận thức việc gì đúng thì làm thì theo không thì thôi. Nói như vậy để vị nào còn gán ghép cho bần tăng có ý bênh vực phe nhóm là oan cho bần tăng tội nghiệp.
Lại có ý kiến ngầm cho rằng: ”dư đảng Cần Lao Nhân Vị của Ngô Đình Nhu” đang muốn ngóc đầu dậy!
Dầu sao thì bài viết trên vẫn còn tính thời sự, được nhiều người quan tâm. Vậy cũng là đủ rồi. Cám ơn bạn.
(Texas mùa thu 2011)
© Quỳnh Thi
© Đàn Chim Việt
http://www.danchimviet.info/archives/42370/d%C6%B0-am-sau-quanh-m%E1%BB%99t-bai-vi%E1%BA%BFt-v%E1%BB%81-ngo-dinh-di%E1%BB%87m-2/2011/09

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét