Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Cơ quan tuyên truyền bị tâm thần nặng

Tuyên giáo CSVN mắc bệnh tâm thần nặng

Phạm Trần (Danlambao) - Quân đội Nhân dân của đảng Cộng sản kỷ niệm 70 năm thành lập (22/12/1944 - 22/12/2014) là chuyện bình thường, nhưng Ban Tuyên giáo Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh đứng đầu đãngụy tạo thành tích cho là cờ Đỏ Sao Vàng để tuyên truyền và che giấu tội ác của quân đội CSVN đã gây cho nhân dân miền Nam trong 20 năm chiến tranh.

Tất cả những việc này đã thể hiện trong “Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam” ngày 07/11/2014 nhằm mục đích đề cao vai trò bảo vệ đảng, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân của Quân đội qua các thời kỳ lịch sử, nhưng lại không dám nói đến những thành tích chống Tàu cộng trong hai cuộc chiến biên giới 1979-1989, cuộc chiến ở Trường Sa tháng 3/1988 và làm ngơ chủ quyền biển đảo.

Chuyện lá cờ ngày 30-4-1975 

Trước hết, khi nói về biến cố ngày 30/04/1975 tại Dinh Độc Lập ở Sài Gòn, Đề cương viết: “5 giờ sáng ngày 30/4/1975, quân ta mở đợt tiến công cuối cùng. Vào lúc 10 giờ 45 phút, phân đội xe tăng thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc Lập. Quân ta bắt toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Cờ Tổ quốc tung bay trước tòa nhà chính của dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút.”

Nhưng “Cờ Tổ quốc” nào? 


Riêng chuyện nhỏ bé này thôi cũng đủ để vạch ra tính ngụy tạo lịch sử của Chính phủ Cộng sản miền Bắc mang tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với cái gọi là “quân đội giải phóng” ở miền Nam Việt Nam sau Hiệp định đình chiến Geneve 1954 chia đôi đất nước. 

Theo Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thời Tổng thống Ngô Đình Diệm thì có khoảng 35000 quân đội chính quy của Cộng sản vẫn ở lại miền Nam sau Hiệp định Geneve, nhưng không có tài liệu nào xác minh số quân thật sự của miền Bắc đã rời miền Nam. 

Theo bài viết của Lê Liên (Phòng GDCC, Bảo tàng Lịch sử quốc gia) ngày 31/10/2014 nhân kỷ niệm “60 năm ngày tập kết ra Bắc - Cuộc chuyển quân lịch sử” (1954-2014) thì: 

“Trong điều khoản của Hiệp định Genève đã quy định lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời để lực lượng hai bên tập kết, quân đội nhân dân Việt Nam tập kết ra phía Bắc, quân đội liên hiệp Pháp ở phía Nam. Giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, không có giá trị ranh giới hay lãnh thổ.

Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã có quyết định mang tầm chiến lược là đưa một số lượng không nhỏ con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng. Đợt chuyển quân tập kết ra Bắc này đã bắt đầu từ ngày 06/10/1954 và kết thúc 29/10/1954. Đây không chỉ là đợt chuyển quân thông thường mà còn là đợt chuyển quân mang trong đó những chủ trương, chính sách về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và bồi dưỡng - đào tạo một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sau này.”

Nhưng thành phần nào đã ra Bắc và người nào ở lại miền Nam? 

Lê Liên tiết lộ: 

“Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, chỉ tập kết lực lượng quân sự, vì vậy để hợp lý hóa,cán bộ, học sinh và con em gia đình cách mạng đều phải mang quân trang, quân phục khi xuống tàu ra Bắc. Hiệp định cũng đã quy định rõ ba khu tập kết: 

- Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân (Bình Thuận), Xuyên Mộc Bà Rịa-Vũng Tàu). 

- Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười (tỉnh Long Châu Sa) nay là tỉnh Đồng Tháp). 

- Khu tập kết 200 ngày ở Chắc Băng, Cà Mau.

Tổng kết về việc thực hiện nhiệm vụ đón tiếp trao trả tù binh và cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam ra tập kết, Thanh Hóa đã đón nhận 1.869 thương, bệnh binh, 47.346 cán bộ, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ tập kết ra Bắc. Không kể số quân đội do Bộ Tư lệnh nhận, Thanh Hóa đã tiếp nhận ở Sầm Sơn 16.191 đồng bào và cán bộ bị giặc bắt và tù đày. Trong số này có 15.066 người thuộc miền Bắc vĩ tuyến và 1.125 người thuộc miền Nam vĩ tuyến.” 

Như vậy rõ ràng số quân đội Cộng sản ở miền Nam đã không được thống kê đã thể hiện âm mưu đánh phá miền Nam sau này của Chính phủ Hồ Chí Minh. 

Tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo ghi trong Đề Cương (đã dẫn ở trên) xác nhận: 

“Ở miền Nam, tháng 6/1954, Mỹ dựng chính phủ Ngô Đình Diệm và ráo riết thực hiện chính sách khủng bố tàn bạo, gây ra những tổn thất nặng nề cho cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, tháng 1/1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) mở rộng đã xác định hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam và vạch rõ con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng. 

Ngày 28/8/1959 nhân dân nhiều xã trong huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) nổi dậy giành chính quyền. Ngày 17/1/1960, nhân dân các huyện Mỏ Cày, Minh Tân, Thạnh Phú tỉnh Bến Tre nhất loạt nổi dậy, phá thế kìm kẹp, tạo nên phong trào “Đồng khởi” lan rộng ra nhiều tỉnh ở Nam Bộ, Khu 5. Từ phong trào “Đồng khởi”, lực lượng vũ trang và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp của ta từng bước hình thành. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ngày 15/2/1961, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, bộ phận trực tiếp của Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở miền Nam.”

Vậy mà trong các cuộc đàm phán với Mỹ và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tại Hội nghị Paris từ 1968 đến 1973, phía Bắc Việt (Chính phủ VNDCCH) vẫn chối bai bải không có quân đội miền Bắc xâm lăng miền Nam và đòi cho bằng được quân Mỹ và quân đội đồng minh phải rút hết toàn bộ lực lượng ra khỏi miền Nam Việt Nam. 

Sau khi Hiệp định “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được 4 bên ký kết tại Paris ngày 27/01/1973 (Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc) và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Mặt trận Giải phóng miền Nam, Việt Cộng) thì khoảng 300, 000 quân miền Bắc và Cộng sản miền Nam (du kích miền Nam) vẫn đóng quân ở miền Nam.

Ngụy tạo danh nghĩa

Nhưng trong suốt 20 năm chiến tranh xâm lăng VNCH thì lá cờ Đỏ Sao Vàng của miền Bắc không hề được trưng ra ở miền Nam. Quân lính Cộng sản chỉ mang lá cờ được “chế ra” gọi là của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (MTDTGPMN ra đời ngày 20/12/1960 và đã bị đảng CSVN giải thể ngày 31/1/1977 để nhập vào Mặt trận Tổ quốc do đảng CSVN lãnh đạo). 

Cờ của MTGP hình chữ nhật, chia đôi với phần trên mầu đỏ và phần dưới mầu xanh, ở giữa là ngôi sao 5 cánh mầu vàng. 

Khi quân Cộng sản tấn công vào Sài Gòn thì trên nhiều xe tăng và xe chở lính đều có cắm cờ được gọi nôm na là “cờ Việt Cộng”, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng lá cờ Đỏ Sao Vàng của miền Bắc.

Vì vậy không làm gì có chuyện “Cờ Tổ quốc tung bay trước tòa nhà chính của dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút.”

Hãy đọc Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Bùi Quang Thận (1948-2012) là người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam đầu tiên cắm lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc dinh Độc Lập vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975.”

Trong số ra ngày Thứ Hai, 25/06/2012 báo Dân trí đưa tin: 

“Ngày 24/6/2012, Đại tá Bùi Quang Thận, người cắm cờ trên Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975 lịch sử, đã đột ngột qua đời tại quê nhà xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình...

...Trưa ngày 30/4/1975, ông chỉ huy xe tăng T54 mang số 843 đi đầu đội hình tiến vào Dinh Độc Lập. Khi xe tăng 843 bị kẹt lại tại cổng phụ và xe tăng 390 húc đổ cổng chính, Bùi Quang Thận nhảy xuống, mang cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cắm trên nóc Dinh Độc Lập. 

“Khi lên đến nơi, tôi hạ cờ ngụy xuống. Nhưng do cờ được buộc chắc chắn nên phải cắn bằng răng, sau đó treo cờ giải phóng vào. Kéo cờ mình lên, tôi lại hạ xuống, đưa tay xem đồng hồ. Tôi thận trọng ghi: 11h30 ngày 30/4 và ký tên Thận lên góc lá cờ Tổ quốc. Song, kéo cờ lên lại. Tôi quay đầu bước đi, rồi lại quay lại nhặt lá cờ của ngụy với ý định làm vật kỷ niệm trong cuộc đời chiến đấu”. 

Theo lời kể này thì chính ông Thận cũng lầm tưởng lá cờ MTGPMN là “lá cờ Tổ quốc” vì nó đã được Chính ủy của đơn vị dậy lính như thế. Cũng như nếu có bị bắt thì cứ khai ngang là bộ đội quân “giải phóng”!

Tiếc thay cho “lá cờ Tổ quốc” trá hình của ông Thận và hàng ngũ người miền Nam trong đoàn quân du kích tay sai và Chính phủ bù nhìn Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời ngày 8/06/1969 (lãnh đạo then chốt: Nguyễn Hữu Thọ (Chủ tịch Mặt trận) - Huỳnh Tấn Phát (Thủ tướng) - Nguyễn Thị Bình (Bộ trưởng Ngoại giao), Trần Nam Trung (Bộ trường Quốc phòng), cùng với lá cờ hình chữ nhật “đỏ, xanh và ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa” đã bị “chôn sống tức tưởi” không kèn không trống khi Việt Nam chính thức chỉ còn một lá cờ “Đỏ Sao Vàng” duy nhất từ ngày Quốc hội bỏ phiếu thống ngày 02/07/1976.

Như vậy rõ ràng Ban Tuyên giáo Trung ương đã bịa ra chuyện “Cờ Tổ quốc tung bay trước tòa nhà chính của dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút”, khi trong thực tế bộ đội Cộng sản miền Bắc đã núp dưới lá cờ Việt Cộng để đánh phá và giết hại hàng triệu đồng bào miền Nam từ 1959 đến 30/4/1975. 

Có lẽ cũng muốn tránh mang tiếng viết sai sự kiện lịch sử xâm lăng miền Nam không chối cãi được nên Nhà Thơ nổi tiếng Trần Đăng Khoa của Đài Tiếng nói Việt Nam mới nhập nhằng viết “Chuyện đời thường - Người cắm cờ trên Dinh Độc Lập” ngày 01 Tháng Năm 2013: 

“Có lẽ trong chúng ta, ai cũng biết anh Đại Đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận, người đã cắm lá cờ trận mạc trên nóc Dinh Độc Lập buổi trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nhưng xung quanh việc cắm cờ này, còn có khối điều thú vị mà không phải ai cũng có thể biết hết. Chính Bùi Quang Thận cũng không thể ngờ được mình đã làm nên kỳ tích lịch sử chỉ bằng có... hai bàn tay không...

...Trước mặt anh, lố nhố những xe tăng, xe bọc thép tuyến phòng ngự cuối cùng của địch bảo vệ Dinh với bao nhiêu súng ống đạn dược tối tân, còn anh, chỉ có hai tay trắng và chiếc xe tăng lổng nhổng vỏ đạn. Bùi Quang Thận giật phắt lá cờ trận mạc cắm trên xe tăng, quay lại bảo lái xe Lữ Văn Hóa, pháo thủ Thái Bá Minh:

- Các cậu ở lại, mình vào Dinh nhé. Nếu không thấy mình quay ra, cũng không thấy lá cờ này nhô lên, thì tức là mình đã chết ở trong Dinh rồi! 

Thế rồi, với hai bàn tay trắng, chỉ có lá cờ trận mạc ố xuộm khói đạn làm vũ khí, Bùi Quang Thận xông thẳng vào sào huyệt cuối cùng của kẻ thù.

Lên tầng thượng, hắn dẫn tôi đến cột cờ. Hóa ra cờ mình bé quá. Nó là cờ hiệu cắm trên nóc xe tăng. Trong không gian, ở trên đỉnh cái Dinh lồng lộng này, nó chỉ như cái mắt muỗi. Còn cờ địch to lắm, rộng đến mấy chục mét chứ chẳng ít, lại chằng buộc rất kỳ công bằng các nút dây thép, chừng hai mươi phân một nút. Tôi gỡ mãi mới được hai nút. Nhìn xuống dưới sân Dinh, xe tăng và quân ta bắt đầu tiến vào. Thế là tôi xé luôn lá cờ ấy, thay lá cờ của ta rồi kéo lên. Lúc bấy giờ là 11giờ 30 phút.”

Nhà Thơ nổi tiếng là “thần đồng” khi còn thơ ấu Trần Đăng Khoa mà cũng biết mánh mung không dám viết “lá cờ Tổ quốc” thì cũng đáng ghi thêm một nét ẩn ý với cái tên “lá cờ trận mạc” trong vụ treo cờ “của Việt Cộng miền Nam” trên dinh Độc Lập ngày 30/04/1975. 

Mậu Thân 1968 - Việt-Tàu 1979-1989 

Đến cái gọi là “thành tích” của Quân đội nhân dân (QĐND) trong cuộc tấn công đẫm máu Tết Mậu Thân 1968 ở miền Nam, Ban Tuyến giáo ba hoa: “Giữa lúc cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ đến đỉnh cao nhất, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) nhằm tạo bước ngoặt lớn, chuyển chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Chỉ trong một thời gian ngắn, quân và dân ta đã giành chiến thắng. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn chiến trường miền Nam, cùng với việc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.” 

Đúng là Hoa Kỳ đã tìm cách kết thúc cuộc chiến sau vụ Mậu Thân, nhưng lịch sử đã chứng minh Mậu Thân không phải là lý do duy nhất. Lịch sử cũng đã ghi đậm nét tội ác của quân đội CSVN đã gây ra cho nhân dân miền Nam trong nhiều vụ tàn sát người dân vô tội, trong đó bi thảm và tàn bạo nhất là cuộc hạ sát tập thể trên 5, 000 thường dân và các viên chức chính phủ, đảng phái và tôn giáo tại cố đô Huế. 


Vết đen này của QĐNDVN sẽ không bao giờ rửa được, cũng như Ban Tuyên giáo sẽ không chạy được tội tại sao chỉ biết lên án quân Khmer đỏ đã “gây ra nhiều cuộc thảm sát man rợ” khi “tập đoàn Pôn Pốt - Iêngxari phát động cuộc chiến tranh xâm lược vùng biên giới Tây Nam” trong tháng 4/1977. 

Trong khi đó thì trong toàn Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân đội không thấy, dù chỉ 1 chữ, lên án quân xâm lược Tàu cộng đã tàn ác giết hại hàng ngàn dân vô tội, kể cả phụ nữ, cụ già và trẻ em khi chúng tràn qua biên giới đánh vào 6 tỉnh trong 2 cuộc chiến từ 1979 đến 1989? 

Tuyên giáo viết: “Ở biên giới phía Bắc, ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động 60 vạn (600000) quân tiến công trên toàn tuyến biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta. Các lực lượng vũ trang địa phương, dân quân tự vệ đã phối hợp với một bộ phận bộ đội chủ lực cùng đồng bào các dân tộc vùng biên giới anh dũng chiến đấu, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, buộc Trung Quốc phải rút hết quân vào ngày 16 tháng 3 năm 1979.”

Viết sơ sài như thế có ngụ ý gì là thắc mắc muốn hỏi ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyến giáo Trung ương? 

Bởi vì Đề Cương đã không điếm xỉa gì đến tội ác “muôn đời không thể quên được” của nhân dân tại các mặt trận Lạng Sơn, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên và Quảng Ninh. 

Hãy đọc một số đoạn trích từ tài liệu của Việt Nam về cuộc chiến này: 

“Mặc dù Trung Quốc tuyên bố rút quân, chiến sự vẫn tiếp diễn ở một số nơi. Dân thường Việt Nam vẫn tiếp tục bị giết, chẳng hạn như vụ thảm sát ngày 9 tháng 3tại thôn Đổng Chúc, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, khi quân Trung Quốc đã dùng búa và dao giết 43 người, gồm 21 phụ nữ và 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai, rồi ném xác xuống giếng hoặc chặt ra nhiều khúc rồi vứt hai bên bờ suối. Trong thời gian chuẩn bị rút quân, Trung Quốc còn phá hủy một cách có hệ thống toàn bộ các công trình xây dựng, từ nhà dân hay cột điện, tại các thị xã thị trấn Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn...” 

“...Tuy nhiên, quân Trung Quốc đã thực hiện nhiều hành động như giết chóc, đốt phá, ngay cả sau khi đã tuyên bố rút quân. Hầu hết các thị xã thị trấn mà Trung Quốc chiếm được đều bị phá hủy một cách có hệ thống. Tại thị xã Cao Bằng, quân Trung Quốc dùng thuốc nổ phá sập bất cứ công trình gì từ công sở đến bưu điện, từ bệnh viện đến trường học, từ chợ đến cầu. Tại Đồng Đăng, quân Trung Quốc lấy đi tất cả những gì có thể mang theo, từ xe đạp cho đến thanh ray tàu hỏa, những gì không mang được đều bị đập phá. Tại thị xã Cam Đường trên bờ sông Hồng, cách biên giới khoảng 10 km, ngoài việc phá hủy thị xã, quân Trung Quốc còn cho đốt cả mỏ apatit...” 

“...Cuộc chiến cũng đã gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế cho Việt Nam: các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị hủy diệt hoàn toàn, 320/320 xã, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện, bệnh xá, 41/41 nông trường, 38/42 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 80.000 ha hoa màu bị tàn phá, 400.000 gia súc bị giết và bị cướp. Khoảng một nửa trong số 3, 5 triệu dân bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống.” 

Và ông Đinh Thế Huynh cũng phải trả lời tại sao tài liệu tuyên truyền đã không dám viết gì về cuộc kháng cự oanh liệt của bộ đội Việt Nam chống quân Tàu Cộng xâm lược chiếm 8 đảo và đá ngầm của Việt Nam ở Trường Sa tháng 3/1988? 

Đã có ít nhất 64 lính Hải quân Việt Nam hy sinh ở đó.

Thiếu tướng Lê Mã Lương là cựu giám đốc bảo tàng Lịch sử quân sự CSVN, từng tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam, chiến tranh biên giới Việt-Tàu. 

Ông tiết lộ tại cuộc hội thảo của Minh Triết Biển Đông hôm 14/6/2014: “Trước khi xảy ra trận Hải chiến Trường Sa năm 1988, quân đội Việt Nam đã phải phải nhận lệnh ‘không được nổ súng’ trong trường hợp Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma hay bất kỳ một đảo nào ở Trường Sa.”

Ông nói: “Chính vì thế khi Trung Quốc tấn công vào đảo Gạc Ma, nó chỉ có hơn 40 lính với mấy cái xuồng bằng hợp kim nhôm đổ bộ vào. Trong khi bộ đội ta, trong đấy có một người sau này được truy tặng anh hùng là thiếu úy Trần Văn Phương chỉ có mỗi tay không và giữ chặt lá cờ trên đảo Gạc Ma. Không có súng. 

Và rồi lính Trung Quốc bắn, nó đâm. Nó đâm hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh nhiều nhát trọng thương. Anh em cứ quần lộn với lính Trung Quốc như vậy.” 

Ông Lương không nói tên, nhưng Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh đã chỉ đích danh Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh thời kỳ này là thủ phạm đã ra lệnh “không được nổ súng” chống lại quân Trung Cộng. 

Nhưng trên Lê Đức Anh còn có Tổng Bí thư đảng Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Đỗ Mười, hai người sau này đã dự Hội nghị bí mật đem bất lợi về cho Việt Nam ở Thành Đô (Trung Cộng) năm 1990. 

Vậy chẳng lẽ Ban Tuyên giáo khi ra công tô son điểm phấn cho ngày kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân cũng đồng thời tạo dịp để xuyên tạc lịch sử về“lá cờ Tổ quốc” treo trên nóc dinh Độc lập ngày 30/04/1975 và chạy tội cho nước láng giềng Trung Cộng? 

(11/014) 


http://danlambaovn.blogspot.com/2014/11/tuyen-giao-csvn-mac-benh-tam-than-nang.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét