Đăng lại:
Chính tổng thống Mỹ ủng hộ lật ông Diệm
- 4 tháng 10 một 2013
Các tài liệu giải mật gần đây cho thấy Tổng thống John F. Kennedy đồng ý phải lật đổ người tương nhiệm tại Sài Gòn, ông Ngô Đình Diệm, hồi năm 1963.
Mặc dù phản đối đảo chính ngay lập tức khi các tướng lĩnh ở Sài Gòn tiếp cận Hoa Kỳ hồi cuối tháng Tám năm 1963, ông Kennedy dần dần cảm thấy rằng không còn lựa chọn nào khác trong cố gắng mang lại thành công cho cuộc chiến chống cộng sản ở nam Việt Nam, theo dẫn chứng từ các băng ghi âm những cuộc họp của Tổng thống Kennedy với các quan chức Hoa Kỳ.
Những phân tích của trang Lưu trữ An ninh Quốc gia, trang của các nhà báo và học giả lập ra để đảm bảo độ minh bạch của các quyết định chính trị, cho thấy ông Kennedy thực sự quan tâm tới những diễn biến ở Sài Gòn vào thời điểm đó và cố gắng để có những thông tin đầy đủ nhất trước khi đi tới quyết định sẽ làm gì.
Tài liệu mang tên 'Cuộc đảo chính Diệm sau 50 năm, John F. Kennedy và miền Nam Việt Nam, 1963' dựa vào một loạt những băng ghi âm mà chính Tổng thống Kennedy ghi lại và được giải mật trong vài năm gần đây cùng với một số văn bản mật đã được công bố để kết luận ông Kennedy đã không phản đối đảo chính nhưng muốn đảm bảo đảo chính phải thành công.
Vị Tổng thống đã chủ trì nhiều cuộc họp để bàn về chuyện Hoa Kỳ cần ứng phó ra sao trước tình hình phức tạp ở Sài Gòn trong đó có cuộc tấn công của gia đình họ Ngô nhắm vào Phật giáo, phe quân đội muốn lật ông Diệm và cả tin tức Cố vấn Ngô Đình Nhu đã có những liên hệ bí mật với miền bắc cộng sản.
Ông Kennedy đóng vai trò điều phối thay vì áp đặt ý kiến cá nhân khi gặp gỡ các quan chức quốc phòng và ngoại giao hàng đầu để bàn về nam Việt Nam.
Loại bỏ ông Nhu
Cũng như các quan chức Hoa Kỳ khác, ông Kennedy đồng ý rằng cần phải loại bỏ Cố vấn Ngô Đình Nhu, người đứng đằng sau nhiều quyết định bị xem là tai hại của Tổng thống Diệm.
Ngay cả sau khi đã có tin các tướng lĩnh Sài Gòn đang mưu lật ông Diệm, Tổng thống Kennedy vẫn muốn có những hoạt động ngoại giao nhằm thuyết phục ông Diệm gạt bỏ ông Nhu và bà Trần Lệ Xuân, vợ của ông cố vấn.
Nhưng vào thời điểm cuối tháng Tám năm 1963, hai tháng trước cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, ông Kennedy cũng biết rằng tương quan lực lượng giữa phe toan đảo chính và phe trung thành với ông Diệm nghiêng về phía quân ủng hộ gia đình họ Ngô.
Khi đó ông Kennedy cũng nhận thấy Mỹ, theo chính lời ông, đang "ngập tới hông" ở Việt Nam và cuộc chiến chống cộng sản sẽ không đi tới đâu nếu ông Diệm và các ủng hộ viên của ông tiếp tục tại nhiệm.
Vị Tổng thống cũng ý thức được rằng Quốc hội Hoa Kỳ sẽ bất bình nếu biết ông đứng về phía các viên tướng đảo chính nhưng kết luận rằng các dân biểu còn "giận dữ hơn nếu Việt Nam thất bại" trong cố gắng trở thành hình mẫu phi cộng sản ở châu Á.
Ông cũng trực tiếp nghe bàn thảo về các phương thức Hoa Kỳ có thể thực hiện để ủng hộ giới tướng lĩnh muốn đảo chính trong đó có giảm viện trợ của Hoa Kỳ cho lực lượng đặc nhiệm trung thành với ông Diệm, dùng trực thăng của quân đội Hoa Kỳ để giúp chuyển quân cho các viên tướng Sài Gòn và cả kế hoạch di tản người Mỹ nếu đảo chính bất thành.
10 năm đẫm máu
Cuối cùng cuộc đảo chính đã diễn ra hôm 1/11/1963 với sự bật đèn xanh của Mỹ và sau khi các tướng mưu đảo chính hội đủ lực lượng vượt trội so với quân trung thành với ông Diệm.
Cả hai ông Diệm và Nhu bị giết hôm 2/11 và miền Nam rơi vào tình trạng bất ổn chính trị từ đó cho tới khi tan rã vào năm 1975.
Hai mươi ngày sau chính Tổng thống Kennedy cũng bị sát hại bởi một tay súng.
Sự can dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam ngày càng tăng sau sự ra đi của cả hai tổng thống.
Trong năm 1965, Hoa Kỳ đưa 200.000 quân tới tham chiến ở Việt Nam và số quân này tăng gấp đôi trong năm sau đó và đạt nửa triệu vào năm 1967.
Tới khi Hiệp ước Paris nhằm chấm dứt Cuộc chiến Việt Nam được ký kết, hơn 58.000 lính Mỹ đã chết trong cuộc chiến tàn khốc vốn cũng cướp đi sinh mạng của hàng triệu người Việt Nam.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/11/131104_kennedy_ung_ho_lat_diem
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét