- 8 tháng 10 một 2014
Những tranh luận về cờ vàng và cả cờ đỏ lại được khơi lại sau chuyến tới Hoa Kỳ của blogger Điếu Cày, tức ông Nguyễn Văn Hải.
Ông Hải được đưa thẳng từ nhà tù ở Việt Nam ra sân bay để tới Mỹ nơi nhiều người đem theo cờ vàng đón ông.
Có người được cho là tìm cách đưa lá cờ vàng ba sọc đỏ vào tay ông Điếu Cày nhưng không thấy hình ảnh ông cầm cờ vàng ở sân bay Los Angeles.
Cũng không rõ ông Hải có biết về chuyện người ta định đưa cờ vàng cho ông hay không.
Mặc dù vậy, nhà báo Đỗ Phủ của SBTN nói ông Hải đã nhận lá cờ vàng khi được "trân trọng" tặng tại một trong những cuộc tiếp xúc với cộng đồng về sau này.
Cũng tại cuộc tiếp xúc này ông Hải nói:
"Lá cờ là một biểu tượng... và chúng ta đấu tranh vì mục tiêu tự do dân chủ [chứ] không phải vì biểu tượng một lá cờ bởi vì biểu tượng thì có thể thay đổi nhưng mục tiêu đấu tranh thì không bao giờ thay đổi.
"Ở đây lá cờ vàng mà tôi biết có từ những thời nhà Nguyễn, đó là một cờ của tổ quốc và nó cũng đại diện cho quyền tự do dân chủ.
"Còn lá cờ đỏ sao vàng là biểu hiện của một chế độ độc tài và chính là chế độ độc tài đó đã cắt đi những tiếng nói của người dân Việt Nam.
"Và nếu có một lá cờ nào đại diện cho những quyền tự do dân chủ, quyền lợi của dân tộc, của tổ quốc thì tôi sẵn sàng đứng dưới lá cờ đó để đấu tranh cho tất cả lợi ích của dân tộc, của tổ quốc."
Ông Hải cũng kêu gọi người Việt Nam hãy đoàn kết để "chọn ra những biểu tượng tốt nhất" nhưng nói thêm biểu tượng, hay lá cờ đều phải được sự ủng hộ của "90 triệu người dân Việt Nam".
'Biểu tượng tự do'
Trong khi đó tham gia thảo luận qua điện thoại nối hai miền đông và tây của nước Mỹ với phòng thu của BBC ở London, ông Đỗ Phủ từ đài SBTN nói:
"Lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của tự do mà tất cả người Việt hải ngoại, phần đông là ở bên Hoa Kỳ họ đều coi đó là một biểu tượng.
"Và ai cũng biết rằng lá cờ đó không phải là một lá cờ chính thức, đại diện cho một quốc gia mà là một biểu tượng của tự do.
"...Lá cờ nào cũng có người đổ máu cho lá cờ đó vì niềm tin của họ.
"Hai lá cờ, lá cờ đỏ sao vàng hay cờ vàng ba sọc đỏ đã có những người tin tưởng vào hai lá cờ đó và đã chết cho lá cờ đó rồi.
"Nhưng mà bây giờ mình nói tới chuyện sau khi cuộc chiến anh em tương tàn lẫn nhau đã qua rồi thì bây giờ biểu tượng nào là biểu tượng cho sự tự do."
Trước những tiếng nói phản đối cách giải thích xuất xứ lá cờ vàng của ông Nguyễn Văn Hải, ông Đỗ Phủ bình luận:
"Thì dĩ nhiên có những người nói là cái biểu tượng đó [cờ vàng ba sọc đỏ] từ thời triều Nguyễn cũng có vấn đề triều cống Trung Cộng.
"Bây giờ mình nói tới lá cờ đỏ sao vàng thì lại có chuyện họ bán biển đảo cho Trung Cộng... đó là hai quan niệm lúc nào cũng có.
"Nhưng hiện bây giờ mọi người đều coi rằng lá cờ vàng ba sọc đỏ là cái biểu tượng cho tự do, những người Việt được sống tự do ở khắp mọi nơi, được hít thở không khí tự do trong khi đồng bào ở trong nước đều bị sự đàn áp của nhà cầm quyền cộng sản bởi vậy họ coi lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng cho sự đàn áp."
'Xung đột văn hóa'
Một nhà báo khác tham gia thảo luận, ông Trần Đông Đức, nói về lý do dẫn tới những tranh cãi về cờ vàng, cờ đỏ:
"Cái vấn đề tranh cãi là hình như hôm đó có người họ cố tình họ đưa cái lá cờ vô [tay] trong dịp đón anh Điếu Cày [ở California], thì cái tranh cãi nó bắt đầu từ đó.
"Tôi chỉ chú trọng vô chuyện là tại sao có những chuyện to lớn hơn họ lại không chú trọng [mà] người ta chú trọng vào một cử chỉ rất nhỏ do một người nào đó họ cố tình họ muốn chụp hình họ đưa vô.
"Còn cái chuyện người trong nước qua Mỹ, mình cũng nói hơi đường đột một tý là cũng giống như nhập gia tùy tục thôi. Ngoài này họ coi trọng, họ thiêng liêng hóa lá cờ vàng ba sọc vì đó là linh hồn của người Việt hải ngoại, người Việt ở Hoa Kỳ, thì anh Điếu Cày tôi nghĩ là cũng trong lực lượng đấu tranh dân chủ thì đương nhiên anh nhìn nhận lịch sử có tính bao dung hơn, đương nhiên là sẽ hội nhập vào văn hóa hải ngoại rồi.
"...Có thể có những người ở trong nước họ không đồng ý với quan điểm đó vì họ lớn lên từ miền bắc, họ nhận thức rất là khác biệt.
"Cái này là xung đột văn hóa thôi."
Ông Trần Đông Đức cũng nói thêm nhận thức của người Việt trong nước có thể sẽ thay đổi khi họ "ra hải ngoại".
Nhà báo từ Philadelphia nói một số người không hiểu rõ sự việc xảy ra khi đón ông Nguyễn Văn Hải và đã "thổi phồng" sự việc.
Ông nói: "Cái người tế nhị chỉ cần ra đón anh cầm banner [biểu ngữ] là đủ rồi còn tới cố tình chụp hình và dí cờ vô tay thì tôi thấy hành động đó mất lịch sự.
"Không phải là mất lịch sự với anh Điếu Cày mà bất kính với lá cờ nữa.
"Lá cờ có vị trí to lớn hơn chứ không chỉ đem một lá cờ ra để thử lòng nhau trong tình huống rất bối rối."
Về vấn đề này nhà báo Đỗ Phủ cũng nói:
"Cái đó [đưa cờ cho ông Nguyễn Văn Hải] hoàn toàn là một hình thức không tế nhị.
"Và chúng ta cũng thấy là ngay trong buổi hội luận [với ông Hải trên đài SBTN] khi mà một người khác trân trọng cái lá cờ vàng ba sọc đỏ, tặng anh Điếu Cày ngay trong hình ảnh hôm hội luận thì anh Điếu Cày sẵn sàng nhận với sự trân trọng đó.
"Lá cờ là một biểu tượng, biểu tượng mình phải quý giá, trân trọng trao cho người khác chứ không thể nào mình vứt vô người khác...
"Cho nên tôi nghĩ người đưa lá cờ vô tay anh Điếu Cày là người không tôn trọng biểu tượng của tự do khi tặng anh Điếu Cày."
'Chào cờ đỏ sao vàng'
Ông Đỗ Phủ nói việc quá chú trọng vào biểu tượng cũng làm người ta bị phân tán khỏi mục tiêu chung là "tranh đấu cho tự do, nhân quyền" ở Việt Nam.
Khi được hỏi về ý nghĩa của cờ đỏ và cờ vàng với cá nhân ông, ông Đỗ Phủ nói:
"Cái lá cờ vàng ba sọc đỏ thực sự đối với tôi là biểu tượng của tự do.
"Tôi chưa hề một ngày nào đổ máu cho lá cờ đó vì tôi hồi nhỏ lớn lên ở Việt Nam còn bé nên mình chỉ thấy lá cờ đó thôi chứ không có đi quân đội, đổ máu cho lá cờ đó...
"Riêng lá cờ đỏ sao vàng, tôi cũng ở Việt Nam ít nhất 5 năm khi còn bé cho nên mình cũng thấy lá cờ đỏ sao vàng và có những người bác, người chú, người thân, họ đã chết vì lá cờ đỏ sao vàng cho nên mình cũng tôn trọng nó chứ không phải không tôn trọng nó.
"Nhưng đối với tôi, khi nhìn lá cờ đó nó biểu hiện cho chính quyền độc tài hiện giờ đang kềm kẹp đất nước."
Còn nhà báo Trần Đông Đức bình luận:
"Thực sự tôi cũng lớn lên, chào cờ đỏ sao vàng từ nhỏ tới lớn, tới năm 17 tuổi, đi học thứ Hai mình cũng chào cờ.
"Cái quan điểm về thay đổi nhận thức lá cờ, nếu mình bao dung, thì cũng là cờ trong lịch sử Việt Nam thôi.
"Nếu là người tranh đấu thì mình phải ý thức được điều đó, mình không thể phủ nhận quyết liệt cực đoan.
"Trong chế độ độc tài cộng sản thì lá cờ đỏ sao vàng nó đại diện cho cái đó.
"Nếu trầm lắng lại thì cũng có nhiều người họ thiêng liêng nó thì mình phải tôn trọng thôi.
"Còn tôi, tôi cũng tiếp nhận cờ vàng ba sọc khi tôi qua Mỹ.
"Mấy năm đầu mình rất thích Mỹ, giống như người Việt Nam, người miền bắc, họ thà họ cầm cờ Mỹ chứ không tìm hiểu lá cờ vàng ba sọc như thế nào.
"Vài năm sau tôi bắt đầu quen, bắt đầu nhận thức đó là cờ của lịch sử và bắt đầu tìm hiểu và thấy là có một lịch sử cũng mang tính chính thống là cờ vàng ba sọc cũng đã [từng] nằm trên lãnh thổ miền bắc rồi, nhiều người vẫn chưa biết chuyện đó.
"Lúc xưa, 5, 7 tuổi bị bắt chào cờ, hát quốc ca, trong lòng mình cũng có sự thiêng liêng nào đó.
"Nhiều khi mình nói trên phương diện truyền thông thì mình nói một cách cực đoan vì mình muốn phủ nhận cái tàn ác hiện tại bây giờ.
"Nhưng mà tôi cũng rất tôn trọng ví dụ những người biểu tình chống Trung Quốc, giống anh Lê Quốc Quân hoặc những người trước thì mình vẫn cảm động vì dưới lá cờ đó vẫn là người Việt Nam."
'Trốn cờ đỏ'
Nhà báo Đỗ Phủ xác nhận truyền thông của người Việt ở Hoa Kỳ tránh dùng lá cờ đỏ sao vàng nếu có thể làm vậy:
"Đồng bào mình [ở hải ngoại] họ coi lá cờ đỏ sao vàng biểu hiện cho một chế độ đang độc tài, đang đàn áp dân tộc Việt Nam nên người ta rất e dè khi người ta xài lá cờ đó.
"Khi nhìn lá cờ đó họ nghĩ tới cả một chế độ độc tài vì có hàng triệu người đã bỏ sinh mạng đi vượt biên, nhiều người đã hy sinh, bỏ vợ, bỏ con, hoặc là vượt biển, hoặc là đi đường bộ vì họ tìm kiếm sự tự do đó cho nên khi họ nhìn lá cờ đỏ sao vàng họ thấy nhìn vô họ khiếp lắm tại vì họ đã từng trốn lá cờ đó, trốn cái biểu tượng của lá cờ đó rồi.
"Cho nên sự trốn chạy của người Việt hải ngoại, cái chuyện họ e dè cờ đỏ sao vàng là đương nhiên."
Ông Đỗ Phủ cũng nói đài SBTN vẫn chiếu cờ đỏ sao vàng khi phải đề cập tới tin thức thời sự liên quan tới Việt Nam nhưng tránh lá cờ này khi đề cập tới những chuyện "tình cảm".
Trong khi đó nhà báo Trần Đông Đức nói nhiều báo cộng đồng gần như không bao giờ dùng lá cờ vàng ngay cả khi chỉ đề chế giễu:
"Ở đây cũng có luật bất thành văn, chẳng hạn tôi làm báo chí, những chuyện cờ đỏ là không bao giờ lên mặt báo.
"Trong khi đó cờ Trung Quốc, cũng cờ đỏ sao vàng, lên mặt báo không ai nói gì hết.
"Có nhiều chuyện mình không đưa lên về mặt báo chí nó cũng không đúng.
"Giả sử tôi muốn đưa một cái tít rất là hài hước, ví dụ như tôi thấy ông chủ tịch Quốc hội ông ấy móc mũi trong hội trường chẳng hạn, mà phía sau ông ấy có lá cờ đỏ sao vàng nhiều khi cũng tranh cãi không biết có nên đưa không mặc dù hình đó ý nghĩa là biếm chỉ thôi.
"Thì hiện tại ở hải ngoại vẫn khúc mắc về chuyện đó, thì vẫn phải chiều độc giả."
Ông Đức nói nếu buộc phải đăng hình cờ đỏ sao vàng, nhiều báo hải ngoại sẽ "gạch chéo" lá cờ khi đăng tải.
Mặc dù vậy cả ông Trần Đông Đức và ông Đỗ Phủ đều nói trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ cũng đã có sự bao dung và chấp nhận những người chọn lá cờ đỏ sao vàng.
Riêng về việc lá cờ vàng liên quan tới ông Nguyễn Văn Hải, ông Đức nói đó là vấn đề "tình cảm" và không thể ép buộc một người chấp nhận lá cờ này hay lá cờ kia.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/11/141105_flag_discussion
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét