Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Tình thiên thu

Cao-ĐắcTuấn (Danlambao) - Tóm lược: Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết bài hát "Tình thiên thu" vào năm 1974 về chuyện tình thương tâm giữa một người con gái có mơ ước bình thường và một chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Bài hát được thể hiện dưới dạng ballad, và có lối diễn tả kể chuyện và dùng vần điệu theo thi ca truyền thống. Với bố cục chặt chẽ và cách gieo vần tài tình, tác giả giàn dựng một câu chuyện gây cảm xúc mạnh trên khán giả.

*

Bài hát "Tình thiên thu" do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết vào năm 1974 (Xem Nhạc Việt trước 75), về chuyện tình buồn giữa một thiếu nữ và một chiến sĩ Biệt Động Quân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH). Nhan đề đầy đủ của bài hát là "Tình Thiên Thu của Nguyễn Thị Mộng Thường." Cho gọn, tôi sẽ chỉ dùng "Tình Thiên Thu."



Sau đây là vắn tắt tiểu sử tác giả.

Trần Thiện Thanh sinh ngày 12 tháng 6 năm 1942 tại Phan Thiết, Ông là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất trong miền Nam Việt Nam trước 1975. Ông còn là ca sĩ với tên Nhật Trường và được xem là một trong bốn giọng nam nổi tiếng nhất của nhạc vàng ("tứ trụ nhạc vàng"). Ba người còn lại là: Hùng Cường, Duy Khánh, và Chế Linh (Wikipedia 2014a). Ông phục vụ tại Cục Tâm lý chiến Bộ Tổng tham mưu QLVNCH cho đến cuối tháng tư năm 1975. Ông cũng làm việc tại Ðài Phát thanh và Truyền hình Quân Ðội, từng là Trưởng ban văn nghệ của đài và sau năm 1968 còn phụ trách thêm chương trình phóng sự chiến trường.

Đầu thập niên 1970, ông thực hiện một số nhạc cảnh cùng với ca sĩ Thanh Lan, sau này chuyển thành phim kịch như "Trên Đỉnh Mùa Đông" và "Mộng Thường" ("Người Chết Trở Về") trên đài truyền hình. Năm 1993, ông di cư sang Hoa Kỳ và tiếp tục các hoạt động sáng tác và trình diễn âm nhạc. Ông mất ngày 13 tháng 5 năm 2005 tại Westminster, Quận Orange, California.

Trần Thiện Thanh viết hàng trăm tác phẩm, phần lớn có chủ đề về tình yêu và lính. Nhạc lính của ông "không có thù hận, gay gắt, kích động hoặc u uất, bi thảm mà thường là trong sáng vui tươi làm thi vị hóa và lãng mạn hóa đời lính gian khổ" (Wikipedia 2014a).

Nguyên văn lời bài hát như sau (Nhạc Việt trước 75). Cho tiện lợi cho việc thảo luận, tôi chia bài hát ra thành mười đoạn (stanza), đánh số từ 1 tới 10 (Xem Hình 1). Đoạn 7 có 9 câu, chia ra thành 3 đoạn nhỏ 7a, 7b, và 7c. Các đoạn khác đều có 4 câu.

Vẫn biết trên cõi đời
thường yêu thường mơ lứa đôi
Nếu biết sống giữa trời
tình yêu là con nước trôi

Trôi lang thang qua từng miền
Lúc êm ái xuôi đồng bằng.
Cũng có lúc thác cùng ghềnh
chia đường con nước êm

Mời bạn nghe chuyện thê lương
Khóc cho người lỡ yêu đương
Trời già nhưng còn ghen tuông
Cách chia người trót thương

Em xinh em tên Mộng Thường
mẹ gọi em bé xinh
Em tên em tên Mộng Thường
cha gọi em bé ngoan


Đến lúc biết mơ mộng
như những cô gái xuân nồng
Nàng yêu anh quân nhân Biệt Động
trong một ngày cuối đông

Chuyện tình trong thời giao tranh
vẫn như làn khói mong manh
Chàng về đơn vị xa xăm
nàng nghe nặng nhớ mong

Yêu nhau lúc triền miên khói lửa
Chuyện vui buồn ai biết ra sao
Nhìn quanh mình sao lắm thương đau

Khi không thấy người yêu trở lại
Tình yêu tìm không thấy ban mai
Người không tìm ra dấu tương lai

Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ phương xa
Một xuân buồn có gió đông qua

Xin cho yêu trong Mộng Thường
nhưng mộng thường cũng tan
Xin cho đi chung một đường
sao định mệnh chắn ngang

Xin ghi tên chung thiệp hồng
Phút giây bỗng nghe ngỡ ngàng
Cô dâu chưa về nhà chồng
Ôi lạnh lùng nghĩa trang

Chàng thề không còn yêu ai
dẫu cho ngày tháng phôi phai
Nhiều lần chàng mộng liêu trai
Nàng hẹn chàng kiếp mai.


Như đa số các bài hát khác, lời nhạc thường bị sửa đổi, vô tình hay cố ý, và nhiều khi làm giảm ý nghĩa của bài hát. Thí dụ như "thác cùng ghềnh" thành "thác gập ghềnh," "đường con nước êm" thành "từng con nước xuôi," "ghen tuông" thành "ghen tương," "gái nhỏ phương xa" thành "em nhỏ phương xa," "Một xuân buồn" thành "Một đêm buồn." Cũng may là những sửa đổi này không có gì là quan trọng lắm và không thay đổi ý nhiều.

Trong bài này, tôi sẽ trình bày nhận xét về nội dung và hình thức của "Tình Thiên Thu." Ngoài ra, như trong các bài viết về âm nhạc trước, tôi sẽ chú trọng thảo luận chi tiết về các khía cạnh văn chương của lời nhạc. Tôi cũng sẽ đề cập chút it về ô nhịp và cho thí dụ về tương ứng giữa các nốt nhạc và lời nhạc trong câu để giúp cho việc phân tách vần điệu trong các câu.

A. "Tình thiên thu" được viết theo dạng ballad biến thái theo kiểu Việt Nam:

"Tình thiên thu" là một ballad (ba lát) theo kiểu Việt Nam, và có chút khác biệt với các loại nhạc khác về nội dung và hình thức.

Ballad bắt nguồn từ thi ca tại quần đảo Anh thời trung cổ cho tới thế kỷ 19 và được truyền bá qua Âu châu, Bắc Mỹ, Úc, và Bắc Phi (Wikipedia 2014b). Ballad, theo định nghĩa, là một dạng thơ, thường là kể chuyện, viết cho âm nhạc. Nghĩa là ballad là thơ viết với mục đích là bài hát, thường kèm theo vũ điệu. Do đó không có sửa đổi lời trong bài thơ vì bài thơ chính là bài hát. Truyền thống ballad thường có quy luật âm tiết và vần điệu cố định. Thông thường ballad gồm có nhiều đoạn (stanza), mỗi đoạn có bốn câu chia thành hai cặp (couplets). Vần thì theo thể ABCB, nghĩa là câu 2 và câu 4 có vần, trong khi câu 1 và câu 3 không vần. Âm tiết thì theo luật 4 tiết nhấn rồi 3 tiết nhấn trong mỗi cặp (Xem, thí dụ như, Batema).

Ballad hiện nay đã được thay đổi nhiều và có nhiều loại. Vần điệu và âm tiết không còn cố định và cứng ngắc như xưa nữa.

Về nội dung, ballad khác với thơ trên hai phương diện chính. Thứ nhất là đặc tính kể chuyện. Ballad thường kể một câu chuyện nào đó có tình tiết mạch lạc, có đầu có đuôi, có nhân vật rõ rệt, hoặc địa danh, biến cố lịch sử, tình trạng xã hội. Thơ không nhất thiết là kể chuyện, và thường là tả cảnh hay tả tình. Thứ nhì, người kể câu chuyện trong ballad có thể là người trong cuộc hoặc ngoài cuộc của câu chuyện, nhưng điểm quan trọng là người kể giữ thái độ khách quan. Ngược lại, thơ có lối diễn tả chủ quan của người viết bài thơ, và chính cách diễn tả là cái cốt lõi của bài thơ.

Về hình thức, ballad luôn luôn có vần điệu, tuy không còn quy luật khắt khe như xưa. Nhiều khi, vần xuất hiện trong cả một đoạn. Ngoài ra, ballad thường có điệp khúc. Thơ có thể có vần hoặc không vần (thơ tự do, thơ văn xuôi). Thơ có thể có hay không có điệp khúc.

Ca khúc "Tình thiên thu" là một ballad vì nó kể một câu chuyện tình có đầu đuôi với các nhân vật rõ rệt một cách khách quan, không có phê phán hoặc mô tả chủ quan. Về hình thức, "Tình thiên thu" có cấu trúc khá quy củ và dùng vần rất nhiều, kể cả vần trong cả một đoạn. Có nhiều bài hát trong nền âm nhạc Việt Nam trước 1975 được viết theo thể loại này. Thí dụ: "Chuyện Một Cây Cầu Đã Gẫy,""Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc," "Hòn Vọng Phu 1-2-3," "Bà Mẹ Trị Thiên," và "Ngày Trở Về."

Tại sao ta cần biết phân loại ca khúc "Tình Thiên Thu" là ballad?

Sự phân loại đó rất quan trọng vì khi hiểu đó là một ballad, ta mới đánh giá thích đáng bài hát và hiểu được giá trị của nó, như sẽ được trình bày trong phần sau đây.

B. "Tình Thiên Thu" kể một câu chuyện tình buồn trong kịch phim "Mộng Thường" chiếu trên truyền hình tại miền Nam Việt Nam

Ca khúc "Tình Thiên Thu" kể một câu chuyện tình buồn được giàn dựng qua kịch phim "Mộng Thường" hoặc "Người Chết Trở Về" chiếu trên truyền hình năm 1974 tại miền Nam Việt Nam. Câu chuyện này được kể trên văn bản in trong tờ nhạc của "Tình Thiên Thu" như sau.

Thiếu úy Phạm Thái, một sĩ quan vừa mãn khoá trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt quen Nguyễn Thị Mộng Thường, một nữ tiếp viên hàng không, trên chuyến bay từ Đà Lạt trở về. Trong đêm Giáng Sinh 1971, hai người dự thánh lễ và yêu nhau. Sau đó, vào tháng 1 năm 1972, Phạm Thái được bổ nhiệm về Biệt Động Quân tại An Lộc. Vào tháng 4 năm 1972, sau một trận đánh dữ dội, Phạm Thái được ghi nhận là hy sinh. Nghe tin, M̀ộng Thường "như mất tất cả." Nhưng rồi, Phạm Thái trở về. Té ra anh không chết mà chỉ bị thương nặng và được một bà sơ cứu sống. Phạm Thái hội ngộ với Mộng Thường, tình yêu "hồi sinh," và hai người chọn ngày đám cưới.

Phạm Thái được vinh thăng Trung úy. Anh mời Mộng Thường lên Lai Khê dự lễ vinh thăng. Mộng Thường đi chuyến xe đò Sài gòn - Lai Khê vào ngày 28-1-1973, một ngày sau ngày Hiệp định 1973 được ký. Không may, Việt cộng đặt mìn trên đoạn đường này sau ngày ngưng bắn. Xe đò chở Mộng Thường cán mìn và Mộng Thường tử nạn. Từ đó, Phạm Thái thường ngồi bên mộ Mộng Thường, nhìn trời cao để mong thấy nàng "mỉm cười trên cõi chết."

Câu chuyện bi thương đó được coi là câu chuyện có thật như được ghi nhận trên nhiều trang mạng.

Câu chuyện có thật hay không?

Thực ra, câu chuyện có thật hay không cũng không quan trọng cho lắm trên phương diện giá trị âm nhạc. Nhiều người vẫn thưởng thức nhạc qua một câu chuyện giả tưởng. Cái chết của Mộng Thường, tuy bi thảm, không có gì là đặc biệt. Việt cộng đặt mìn trên đường xá làm nổ tung xe đò, giết biết bao nhiêu dân vô tội, rất thường xuyên. Trong biết bao nhiêu cuộc tình thời binh lửa, có nhiều chuyện người con gái chết, thay vì người yêu là chiến sĩ. Tuy nhiên, một bài hát, bài thơ, vở kịch, cuốn phim, truyện nói về một câu chuyện có thật thường tăng thêm khía cạnh bi thương và gây ấn tượng mạnh trên khán giả. (Ở đây, tôi dùng "khán giả" để chỉ người nghe, người đọc, hoặc người xem.) Trên phương diện văn chương lịch sử, các nhân vật trong câu chuyện có thật thường được dùng là biểu tượng cho ý nghĩa thiêng liêng cao cả. Nhiều khi tên của nhân vật có thật hoặc tích truyện được dùng cho địa danh như đường xá, công trường, trường học, để nhắc nhở hậu thế tinh thần thiêng liêng cao cả đó.

Chính quyền cộng sản tạo dựng nhân vật Lê Văn Tám và cuộc đời Nguyễn Văn Bé và dùng tên họ cho đường xá, trường học, công viên, v.v. Như được thảo luận trong bài trước (Cao-Đắc 2014c), hậu quả tai hại của chuyện dùng tên các nhân vật tưởng tượng hoặc tên thật nhưng với hành động hy sinh tưởng tượng là khiến cho các nhân vật lịch sử hoặc các hy sinh có thật bị mang tiếng xấu lây và có thể bị coi là tưởng tượng. Do đó, các thế hệ sau sẽ có khuynh hướng coi thường lịch sử và có ấn tượng xấu về những nhân vật hoặc sự kiện lịch sử có thật. Do đó, rất quan trọng là ta phải duy trì tính chất trung thực của các câu chuyện hoặc nhân vật có tác dụng lịch sử hoặc văn hóa.

Tôi không rõ vai trò lịch sử hoặc văn hóa của câu chuyện Phạm Thái và Nguyễn Thị Mộng Thường như thế nào. Có thể câu chuyện đó không có tác dụng gì nhiều hơn là làm tô điểm thêm cho bài hát về tình yêu. Nhưng cũng có thể các thế hệ sau sẽ dùng câu chuyện đó là tiêu biểu cho tội ác cộng sản trong việc đặt mìn làm nổ tung các chuyến xe đò chở thường dân vô tội. Nếu câu chuyện có thật thì không nói làm chi. Nhưng nếu câu chuyện không có thật, hoặc chỉ có thật một phần, thì ta nên làm sáng tỏ bây giờ để tránh những hậu quả tác hại sau này.

Câu chuyện Phạm Thái và Nguyễn Thị Mộng Thường không có thật, it nhất là không có thật hoàn toàn:

Tôi không rõ những nguồn viết là câu chuyện Phạm Thái và Nguyễn Thị Mộng Thường có thật, lấy chứng cớ ở đâu. Nhưng theo những chứng cớ mà tôi thâu thập được thì câu chuyện Phạm Thái và Nguyễn Thị Mộng Thường không có thật, it nhất là không có thật hoàn toàn theo những chi tiết viết ra trên tờ nhạc nguyên gốc. Có rất nhiều bằng chứng cho việc này.

Thứ nhất, văn bản chính về câu chuyện Phạm Thái và Nguyễn Thị Mộng Thường trên tờ nhạc gốc không hề xác nhận đó là chuyện có thật. Ngược lại, văn bản đó ghi rõ một cách không lầm lẫn là "phim kịch Mộng Thường" trên tờ bìa ngoài (Nhạc Việt trước 75). Nếu chỉ ghi "phim kịch Mộng Thường," thì cũng chưa đủ để kết luận câu chuyện đó là giả tưởng, vì nhan đề một vở kịch không cho biết tính chất có thật của câu chuyện. Thí dụ ta vẫn có thể có "phim kịch Hàn Mặc Tử" (sau khi Hàn Mặc Tử qua đời). Tuy nhiên, "Mộng Thường" không phải là một nhân vật đã được xác nhận là có thật trước khi có phim kịch Mộng Thường như Hàn Mặc Tử. Thực ra, nhân vật Mộng Thường chỉ được nêu ra lần đầu trong phim kịch Mộng Thường. Vì nhân vật đó mới xuất hiện lần đầu, tờ nhạc về phim kịch Mộng Thường phải xác nhận nguồn gốc về nhân vật này.

Tuy nhiên, tờ nhạc ghi rõ ràng: "(Cho Phim Kịch MỘNG THƯỜNG)"

Tờ nhạc không hề đề cập đến một nhân vật có thật, trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhóm chữ "Cho Phim Kịch MỘNG THƯỜNG" cho thấy rõ ràng là bài hát chỉ được viết cho phim kịch Mộng Thường mà thôi. Nếu nhân vật Mộng Thường (trong câu chuyện) có thật, thì tờ nhạc phải ghi rõ là viết "Cho Mộng Thường" thay vì "Cho Phim Kịch MỘNG THƯỜNG."

Chỉ với bằng cớ đó thôi, ta cũng đủ kết luận nhân vật Mộng Thường là không có thật. Tuy nhiên, với một số người yêu chuộng bài hát có thể sẽ không được thuyết phục hoàn toàn. Thực ra, có nhiều bằng cớ khác.

Bằng cớ khác là thói quen của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Ông luôn luôn ghi rõ rệt trên tờ nhạc gốc tên của nhân vật có thật (nếu nhân vật đó chưa được biết rộng rãi), hoặc một ghi chú gián tiếp nào đó về nhân vật đó (nếu nhân vật đó đã được biết đến rộng rãi). Đó không phải là một thói quen ngẫu nhiên mà là một thói quen nghề nghiệp. Do đó, tính chất nhất quán của thói quen đó rất quan trọng. Trong các bài khác về các nhân vật có thật, Trần Thiện Thanh luôn luôn ghi rõ tên nhân vật đó trên trang nhạc. Sau đây là vài thí dụ:

Rừng Lá Thấp: "Cho ANH HÙNG BÌNH LỢI/ Cố Đại Úy Vũ-Mạnh-Hùng/ Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến." Trần Thiện Thanh còn ghi lại kỷ niệm giữa ông với Đại Úy Hùng trên trang nhạc và tình bằng hữu mười mấy năm.

Anh Không Chết Đâu Em: "Tiếc thương ca cho người mũ đỏ tên Đương."

Người Ở Lại Charlie: "tiếc thương ca cho NG. ĐÌNH BẢO."

Những người nghi ngờ vẫn có thể không thuyết phục và lý luận rằng vì các sĩ quan VNCH hy sinh cho tổ quốc trên chiến trường nên Trần Thiện Thanh vinh danh họ rõ rệt trên trang nhạc. Ngược lại, Mộng Thường không phải là một chiến sĩ VNCH và là nạn nhân chiến tranh nên không có cùng sự vinh danh. Lý luận này sai lầm vì không thể tin là Trần Thiện Thanh có sự phân biệt giữa chiến sĩ và thường dân. Ngoài ra, như đã viết ở trên, Trần Thiện Thanh có thói quen nghề nghiệp ghi chú trực tiếp hoặc gián tiếp cho các nhân vật có thật, quân sự hay dân sự, ngay cả những người nổi tiếng. Thí dụ trên trang nhạc "Tâm Sự Mộng Cầm," ông ghi chú gián tiếp mối liên hệ giữa Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử qua một bài thơ của Hàn Mặc Tử ("Ôi trời ơi là Phan Thiết! Phan Thiết/ Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu/ Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư. ") Trên trang nhạc "Hàn Mặc Tử," ông ghi một bài thơ của Hàn Mặc Tử ("Trời hỡi làm sao khi khát đói/ Gió trăng có sẵn làm sao ăn?/Làm sao giết được người trong mộng?/ Để trả thù duyên kiếp phũ phàng.") Với những người nổi tiếng mà Trần Thiện Thanh còn cẩn thận ghi chú, huống hồ với những người chưa ai biết đến?

Việc Trần Thiện Thanh không có ghi chú đặc biệt, trực tiếp hay gián tiếp, về nhân vật Mộng Thường cho thấy Mộng Thường không phải là một nhân vật có thật mà chỉ là một nhân vật trong một vở phim kịch. Có thể nhân vật đó quả thật chế̉t trên xe đò bị mìn cùa Việt cộng (chuyện rất thường xảy ra), nhưng người đó không có tên Mộng Thường, và có thể không có người yêu tên là Phạm Thái, một sĩ quan BĐQ; hoặc người đó quả thật có tên Nguyễn Thị Mộng Thường, nhưng cô không có người yêu tên là Phạm Thái.

Một bằng cớ hùng hồn nữa là nhân vật Phạm Thái. Theo câu chuyện, Phạm Thái tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, Đà Lạt vào cuối năm 1971. Đó là khóa 24. Trong danh sách các tân sĩ quan tốt nghiệp khóa 24, không có tên Phạm Thái. Chỉ có hai người tên Thái là Nguyễn Văn Thái và Dương Văn Thái (Xem, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam). Chính một cựu sĩ quan khóa 24 Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, Nguyễn Phán, đề cập đến chuyện này trong một bài hồi ký về An Lộc đăng trên mạng (Nguyễn Phán). Thực ra, ông Nguyễn Phán còn tự hỏi không biết có phải Trần Thiện Thanh dùng nhân vật Phạm Thái trong phim kịch Nguyễn Thị Mộng Thường sau khi nghe chương trình phát thanh phỏng vấn ông và hai bạn đồng khóa sau một trận đánh. Ông Nguyễn Phán xác nhận là không có ai tên Phạm Thái trong khóa 24 (Nguyễn Phán).

Những bằng chứng cụ thể và mạnh mẽ trên đưa đến kết luận khó cãi lại là câu chuyện Phạm Thái và Nguyễn Thị Mộng Thường không có thật. Như trình bày ở trên, điều đó không có nghĩa lả các chi tiết trong chuyện hoàn toàn giả tưởng. Nhưng mức độ có thật của tình tiết trong câu chuyện giảm đi theo mức độ đặc thù của tình tiết đó. Chuyện một thiếu nữ chết trên chuyến xe đò Sài gòn - Lai Khê vào ngày 28-1-1973 vì bị mìn do Việt cộng gài rất có thể có thật. Chuyện người thiếu nữ đó có một người yêu là chiến sĩ trong QLVNCH cũng rất có thể có thật. Chiến sĩ đó là một Biệt động quân cũng có thể có thật nhưng mức độ có thật giảm xuống, v.v...

Hai chi tiết lý thú là cái tên Phạm Thái và Nguyễn Thị Mộng Thường. Hai tên này không có gì là khác thường, nhưng có trùng hợp đáng ghi chú. Tên thật của ca sĩ Thanh Lan đóng vai Nguyễn Thị Mộng Thường là Phạm Thái Thanh Lan. Mộng Thường là tên thi sĩ của bài thơ Trần Thiện Thanh ghi trên trang nhạc "Đôi Ngả Đôi Ta" (Nếu... một người đi rồi/ Chuyện đời thành chia phôi) viết vào năm 1964. Ta không hiểu có phải Trần Thiện Thanh quen thuộc với hai tên này mà đặt tên cho hai nhân vật trong phim kịch Mộng Thường.

Câu chuyện có thật hay không ảnh hưởng rất ít vào giá trị của bài hát. Tôi nêu lên vấn đề này vì muốn duy trì tính chất xác thực của lịch sử và/ hoặc văn học, xã hội học.

Bài hát có bố cục chặt chẽ và rõ rệt theo lối kể chuyện thuần túy:

Là một ballad, "Tình Thiên Thu" có phần mở đầu giới thiệu câu chuyện, tiếp theo lả tình tiết câu chuyện và sau cùng là kết thúc câu chuyện. Bố cục đó khá rõ ràng và rất thông thường cho nhạc ballad. Phần mở đầu gồm có đoạn 1, 2, và 3. Phần thân bài gổm có đoạn 4, 5, 6, và 7. Phần kết luận gồm có đoạn 8, 9, và 10 (Hình 1).

Trần Thiện Thanh có phần mở đầu khá dài dòng văn tự. Trước hết, ông tuyên bố rằng cuộc đời thường có mơ ước chuyện yêu đương ("Vẫn biết trên cõi đời/ thường yêu thường mơ lứa đôi.") Nhận xét đó cũng không có gì là quá đáng, nếu không muốn nói là khá đúng sự thật cho đa số người trẻ. Sau đó, ông ví von tình yêu như một giòng sông, có khúc êm ả thanh bình, có khúc gập ghềnh sóng gió ("Nếu biết sống giữa trời/ tình yêu là con nước trôi/ Trôi lang thang qua từng miền/ Lúc êm ái xuôi đồng bằng/ Cũng có lúc thác cùng ghềnh/ chia đường con nước êm.") Cái ví von này cũng có lý vì thường các chuyện tình có nhiều ngang trái. Ta cũng biết có nhiều chuyện tình đẹp không có gì thác cùng ghềnh trắc trở cả. Đương nhiên Trần Thiện Thanh không nói là cái so sánh của ông có giá trị tuyệt đối. Ông dùng nhận xét đó để dẫn đến câu chuyện.

Ông báo trước chuyện tình này là "chuyện thê lương" để chuẩn bị tinh thần khán giả và sắp đặt tình tiết câu chuyện ("Mời bạn nghe chuyện thê lương/ Khóc cho người lỡ yêu đương.") Không những thế, tác giả còn trách móc ông Trời già ghen tức, tạo ra cảnh chia ly cho những kẻ yêu đương ("Trời già nhưng còn ghen tuông/ Cách chia người trót thương.") Bằng lối dùng "lỡ" và "trót," tác giả nhấn mạnh tính chất không cố ý của cuộc tình. Lối dùng này khác với lối dùng "lỡ" trong "Hồn lỡ sa vào đôi mắt em" như tôi trình bày trước đây (Cao-Đắc 2014b). Ở đây, tác giả chỉ muốn nói là hai người gặp nhau và yêu nhau một cách tình cờ và không có sự toan tính hoặc qua dàn xếp, mai mối, giới thiệu. Tác giả giàn dựng chi tiết này để chuẩn bị cho ước mơ bình thường của cô gái trong tình yêu trong câu chuyện sắp kể.

Dùng ba đoạn để giới thiệu câu chuyện tình quả thật là dông dài. Nhưng đó là một kỹ thuật của ballad. Ta thấy kỹ thuật đó được áp dụng trong nhiều ballad Mỹ, chẳng hạn như "American Pie" của Don McLean, "Hotel California" của The Eagles. Nhưng khác với các ballad của Mỹ, phần mở đầu của "Tình Thiên Thu" rõ rệt và báo trước khán giả nội dung câu chuyện. Đó là theo tâm tình người Việt. Một cách tổng quát, người Việt có bản chất bình dị và lối suy nghĩ đơn giản, không màu mè, phức tạp. Họ thường không muốn có sự hồi hộp, bất ngờ khi nghe câu chuyện. Kỹ thuật Mỹ hay tạo bất ngờ, hứng thú, và muốn khán giả phải chú tâm để ý chi tiết. Nghe phần mở đầu dài dòng của "American Pie" hoặc "Hotel California," khán giả vẫn chưa hiểu tác giả sẽ kể chuyện gì.

Sau khi giới thiệu dài dòng, tác gỉả vô đề bằng nhân vật nữ. Đó là Mộng Thường, xinh đẹp và ngoan ngoãn, được cha mẹ thương yêu ("Em xinh em tên Mộng Thường/ mẹ gọi em bé xinh/ Em tên em tên Mộng Thường/ cha gọi em bé ngoan.") Ta nên để ý Trần Thiện Thanh cho biết tên nhân vật nữ, nhưng không cho biết tên nhân vật nam trong bài hát. Chi tiết này sẽ được tác giả khai thác sau vì cái tên Mộng Thường có ý nghĩa đặc biệt là mộng bình thường.

Mộng Thường lớn lên, và như mọi cô gái cùng trang lứa, nàng mơ mộng về tình yêu, và yêu một chiến sĩ Biệt động quân vào ngày cuối năm ("Đến lúc biết mơ mộng/ như những cô gái xuân nồng/ Nàng yêu anh quân nhân Biệt Động/ trong một ngày cuối đông.") Như bao mọi chuyện tình trong thời chiến khi người tình ở trong quân đội, có những lo âu, không biết người yêu sống chết thế nào. Ngoài ra còn có xa vắng trong lúc chàng phải đi đánh trận ("Chuyện tình trong thời giao tranh/ vẫn như làn khói mong manh/ Chàng về đơn vị xa xăm/ nàng nghe nặng nhớ mong.")

Trong phần điệp khúc, Trần Thiện Thanh kể lể nỗi hoang mang cuộc tình trong thời chinh chiến, nhất là khi có những chuyện đau thương của những ngưởi khác ("Yêu nhau lúc triền miên khói lửa/ Chuyện vui buồn ai biết ra sao/ Nhìn quanh mình sao lắm thương đau.") Người yêu đi chinh chiến không trở lại khiến Mộng Thường không biết tương lai đi về đâu ("Khi không thấy người yêu trở lại/ Tình yêu tìm không thấy ban mai/ Người không tìm ra dấu tương lai.") Ta thấy tác giả không đả động gì đến chuyện người yêu nàng tưởng là đã hy sinh nhưng trở lại, hội ngộ với nàng, và hẹn làm đám cưới, như trong phim kịch Mộng Thường. Có thể những chi tiết này không quan trọng trong câu chuyện, và nếu kể thêm sẽ làm bài hát dài dòng lê thê.

Rồi bất ngờ, chàng không chết mà nàng lại chết ("Nhưng không chết người trai khói lửa/ Mà chết người em nhỏ phương xa/ Một đêm buồn có gió đông qua.") Trần Thiện Thanh không nói rõ nguyên nhân cái chết của nàng. Ta thấy đây là đặc điểm trong thi ca Việt Nam. Trong bài thơ "Màu Tím Hoa Sim," (được Dzũng Chinh phổ nhạc "Những Đồi Hoa Sim") tác giả Hữu Loan không cho biết lý do vợ chết, mà chỉ viết, "Nhưng không chết người trai khói lửa/ Mà chết người gái nhỏ hậu phương." Trong bài "Tám Điệp Khúc," Anh Việt Thu viết, "Ôi sóng thiêng em về Trời... Ôi núi thiêng em về nguồn." Ngay cả nhạc sĩ Mỹ cũng không nói rõ cái chết của người con gái trong tình yêu. Thí dụ như bài "Honey" của Bobby Russell, hát bởi Bobby Goldsboro, chỉ có câu thật vắn tắt, sau khi kể lể nhiều chi tiết về cô gái: "While she was there and all alone, the angels came." (Khi nàng ở đó và một mình, thiên thần đến.)

Việc một nhạc sĩ không cho biết lý do hoặc tả cái chết của người con gái trong chuyện tình cũng không có gì lạ. Trước hết, trừ phi chi tiết đó quan trọng, chi tiết đó liên hệ đến cá nhân, và tiết lộ chi tiết đó có sự xâm phạm đến người quá cố. Thứ nhì, người con gái thường được tôn trọng và ca ngợi trong chuyện tình. Cho biết chi tiết về cái chết của nàng có thể coi là thiếu lễ độ đến phái nữ và làm mất vẻ đẹp của người con gái. Tuy nhiên, trong "Tình Thiên Thu," Mộng Thường chết vì bị cộng sản đặt mìn làm nổ xe đò chở nàng. Nếu Trần Thiện Thanh muốn đả kích cộng sản thì đây là chi tiết tốt nhất. Nhưng như các nhạc sĩ khác của miền Nam trước 1975, ông không lợi dụng cơ hội đó. Ngược lại, ông cho đó là định mệnh, và trách Trời đã "ghen tuông" cách chia hai người. Một lần nữa, Trần Thiện Thanh biểu hiện bản chất nhân bản, vị tha, và hiền hòa của dân miền Nam, khác hẳn với tuyên truyền cộng sản, lúc nào cũng chờ dịp để nguyền rủa hoặc bêu rếu VNCH, hoặc hô hào quân cộng sản chém giết quân dân miền Nam và tiêu diệt Mỹ Ngụy. Cũng nên để ý là Trần Thiện Thanh làm việc trong Cục Tâm Lý Chiến, QLVNCH. Tuy vậy, ông không bao giờ viết những bài nhạc đả kích cộng sản hoặc thúc giục chiến sĩ VNCH chém giết quân thù. Nếu có, ông chỉ đề cập vắn tắt (thí dụ như trong bài "Bà Mẹ Trị Thiên"). Khía cạnh nhân bản này xuất hiện hầu hết trong những bài hát của nền âm nhạc miền Nam trước 1975 như tôi đã trình bày trong các bài trước.

Trở về câu chuyện, Mộng Thường, như tên nàng, chỉ muốn được yêu trong mộng bình thường, nhưng cũng không được, vì định mệnh oái oăm đã ngăn cản ước mơ đơn sơ của nàng ("Xin cho yêu trong Mộng Thường/ nhưng mộng thường cũng tan/ Xin cho đi chung một đường/ sao định mệnh chắn ngang.") Ta để ý tác giả khai thác tên cô gái khi ông lập lại tên Mộng Thường như danh từ chung không viết hoa. Lời hẹn đám cưới tan vỡ. Cô dâu tương lai chưa kịp về nhà chồng thì đã phải bị chôn trong nghĩa trang lạnh lùng ("Xin ghi tên chung thiệp hồng/ bỗng giây phút nghe ngỡ ngàng/ Cô dâu chưa về nhà chồng/ Ôi lạnh lùng nghĩa trang.") Ta phải hiểu đây là ý chính của bài hát. Tác giả muốn vạch ra sự đau thương của cuộc tình khi người con gái chỉ có một ước vọng đơn sơ mà trời già còn cay nghiệt không cho nàng cái ước vọng đơn sơ đó.

Người yêu nàng, anh chiến sĩ BĐQ, quá đau thương, thề không còn yêu ai nữa trong những năm tháng tới. Chàng mơ thấy nàng nhiều đêm, và hẹn nàng kiếp sau. ("Chàng thề không còn yêu ai/ dẫu cho ngày tháng phôi phai/ Nhiều lần chàng mộng liêu trai/ Chàng hẹn nàng kiếp mai.") Tác giả cho thấy nàng đã chết nhưng tình nàng không chết. Tác giả dùng "liêu trai" một cách táo bạo và cho ấn tượng kinh dị, huyền bí. Không gì huyền bí bằng nằm mơ thấy người yêu đã chết hiện về. Quả thật đó là mối tình thiên thu, vì chàng thề không còn yêu ai nữa, và vẫn mơ nàng hiện về hẹn chàng kiếp sau.

"Tình Thiên Thu" là một ballad theo dạng truyền thống, với bố cục rõ ràng, kể một chuyện tình đau thương, Câu chuyện không nhiều tình tiết phức tạp éo le, nhưng bài hát gây cảm xúc mạnh cho khán giả. Đó là nhờ Trần Thiện Thanh kể câu chuyện qua cách diễn tả tuyệt vời đặc thù cho nhạc theo thể loại ballad như sẽ được trình bày sau đây.

C. "Tình Thiên Thu" dùng lối kể chuyện thuần túy và vần điệu thơ triệt để để diễn tả ý tưởng truyền cảm và hữu hiệu:

Như đã trình bày trên, việc xác nhận thể loại ballad cho "Tỉnh Thiên Thu" đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá trị bài hát và hiểu cách thức diễn tả ý tưởng. Có hai khía cạnh quan trọng trong cách thức diễn tả ý tưởng trong "Tỉnh Thiên Thu": Lối dùng "kể" và vần điệu.

Toàn bài hát dùng lối "kể" để diễn tả ý tưởng và hầu như không dùng kỹ thuật "cho thấy":

Trong các bài trước, tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hai kỹ thuật trong nghệ thuật viết: "Cho thấy, đừng kể" và "Chú trọng vào chi tiết cụ thể." Tôi cũng trình bày rằng các kỹ thuật này cũng nên dùng cẩn thận tùy vào trường hợp.

Kỹ thuật "Cho thấy, đừng kể" làm cảnh tượng, nhân vật, ý tưởng sống động và lôi cuốn vì nó khiến khán giả tham gia vào câu chuyện. Bất lợi của kỹ thuật này là câu chuyện hoặc cảnh tượng có thể trở nên dài dòng và khán giả có thể mệt mỏi vì phải vận dụng trí óc để phối hợp các chi tiết đặc thù. Ngược lại, "kể" có lợi điểm là ngắn gọn, cho ̣khán giả một kết luận về cảnh tượng hoặc nhân vật một cách lẹ làng.

Thí dụ bạn đang muốn kể một tai nạn xe cộ. Với lối kể thuần túy, bạn có thể viết, "Hai chiếc xe tông nhau dữ dội trên xa lộ làm cản trở lưu thông, xe cộ bị kẹt cứng." Với kỹ thuật "Cho thấy, đừng kể," bạn có thể viết, "Một chiếc SUV húc vào bên hông một chiếc sedan trên làn đường nhanh. Đầu xe SUV cong lên, khói trong máy xe bốc mù mịt. Cửa chiếc sedan bị lõm vào như một mảnh giấy nhầu nát. Kính xe bể nát từng mảnh vụn, văng đầy trên mặt đường. Người lái xe loay hoay bên tay lái, máu me đầy mặt. Anh ta đang cố mở cửa xe mà không được. Bên các làn đường, xe cộ nhích từng chút nối đuôi nhau. Mọi người thò đầu ra cửa xe, mắt dán vào hai chiếc đang dính chùm nhau. Có người còn lấy điện thoại di động chụp hình hoặc quay phim."

Ta thấy ngay lối "kể" thuần túy ngắn gọn nhưng không gợi hình khiến người đọc như là người ngoại cuộc và chấp nhận câu chuyện một cách thụ động. Ngược lại, lối "cho thấy" vẽ ra cảnh tượng sống động và khiến người đọc bị lôi cuốn vào câu chuyện. Người đọc, qua cách diễn tà "cho thấy" tưởng tượng ra ngay tai nạn đó "dữ dộí" và lưu thông bị cản trở, kẹt cứng. Tuy nhiên, lối "cho thấy" khiến đoạn văn dài dòng và người đọc phải vận dụng trí óc để tưởng tượng ra hình ảnh. Khi bị "cho thấy" quá nhiều, khán giả có thể bị căng thẳng, hồi hộp.

Trở về với "Tình Thiên Thu," cách diễn tả nào có lợi hơn?

Việc đó tùy vào ý tác giả. Nếu tác giả muốn câu chuyện có tính chất mô tả và lôi cuốn khán giả vào câu chuyện qua những hình ảnh gợi hình sống động, thì dùng "Cho thấy, đừng kể" đương nhiên là hay hơn. Còn nếu tác giả chỉ muốn kể lại một câu chuyện với các tình tiết chính và từ đó đưa ra những nhận xét và cảm nghĩ của mình thì "Kể, đừng cho thấy" có lợi hơn.

Trần Thiện Thanh quyết định dùng "Kể, đừng cho thấy." Tại sao? Có ít nhất ba câu trả lời.

Trước hết, bài "Tình Thiên Thu" mục đích là cho phim kịch "Mộng Thường." Hẳn nhiên là tác giả có ý định giàn dựng một nhạc cảnh công phu cho bài hát. Một phim kịch, với diễn viên là Thanh Lan trong vai Mộng Thường và Trần Thiện Thanh trong vai Phạm Thái, đương nhiên sẽ có những cảnh "cho thấy" qua cách diễn xuất, hoạt cảnh, v.v. Những cảnh diễn xuất này thường chưa được biết sẽ như thế nào khi bài hát được viết. Do đó, tác giả cố tình viết bài hát không có những chi tiết "cho thấy" vì không muốn bó buộc các diễn viên phải diễn xuất theo các mô tả trong bài hát. Ta thử tưởng tượng nếu bài hát có những cảnh "cho thấy" trong hai đoạn 8 và 9 (ngay sau câu "Một xuân buồn có gió đông qua") để tả cảnh hai người bên nhau trong những giây phút cuối cùng của đời nàng:

Tay trong tay bên cạnh nàng
Sao nụ cười tắt im?
Môi run run ngăn lệ tràn
Vơi nhịp đập trái tim

Ôm nhau mê man nghẹn ngào
Mắt mi đẫm trong nỗi sầu
Nghe lung linh lời thều thào
Ôi còn gì nữa đâu?

Tôi không dám xúc phạm đến nhạc sĩ Trần Thiện Thanh khi viết các lời trên thay vào đoạn 8-9, nhưng chỉ muốn đưa ra một thí dụ. Hai đoạn trên là một thí dụ cho lối diễn tả "cho thấy" trong cảnh hai người ở bên nhau trong giây phút cuối cùng của đời nàng. Bạn thấy ngay là hai đoạn "cho thấy" này kém hiệu quả hơn "kể" ước mơ bình thường của nàng đã không thành sự thật. Ngoài ra, những động tác "tay trong tay," "nụ cười tắt im," "môi run run," "nhịp đập," "mắt mi đẫm," và "lời thều thào" có thể tạo ra khó khăn cho diễn viên hoặc ca sĩ diễn tả cảnh tượng. Tưởng tượng Băng Tâm (hoặc Đan Nguyên) phải ráng làm "môi run run" và buông "lời thều thào" khi đang lịm dần trong nhạc cảnh "Tình Thiên Thu" của trung tâm Asia!

Thứ nhì, không có gì sai khi dùng "Kể, đừng cho thấy" cho một bài ballad. Tác gỉả có thể muốn khán giả nghe câu chuyện một cách thụ động mà không phải tham gia vào câu chuyện. Như ta đã thấy, dùng "cho thấy" nhiều quá sẽ làm khán giả căng thẳng, mệt mỏi, và không được thư giãn. Không phải ai cũng muốn nghe những mô tả gợi hình, gợi thanh. Với nhiều người, "kể" giúp họ biết được tình tiết mau lẹ và họ không cần phải suy nghĩ. Ballad, tự nó, là kể chuyện. Nét chính yếu của ballad là tình tiết và nhận xét về câu chuyện, không phải lả cách diễn tả những tình tiết đó.

Thứ ba, thực ra qua câu chuyện Mộng Thường, cũng chẳng có đoạn nào mà "cho thấy" giúp cho bài hát. Vì ý chính của bài là ước mơ bình thường của cô gái muốn lập gia đình với người yêu nàng, không có chỗ nào để có thể "cho thấy" một cách hiệu quả. Có những cảnh sau đây: Hai người gặp nhau, hai người yêu nhau, chàng đánh trận và bị thương, nàng thương tiếc chàng, chàng trở về hội ngộ nàng, nàng đi xe cán mìn, hai người gặp nhau lần chót trước khi nàng chết. Tuy nhiên, vì "cho thấy" đòi hỏi dài dòng, ta không thể "cho thấy" trong mọi cảnh trên được mà phải chọn một cảnh quan trọng và có ý nghĩa nhất. Cảnh có ý nghĩa nhất liên hệ đến mối tình thiên thu là cảnh hai người gặp nhau lần chót trước khi nàng chết. Nhưng như tôi trình bày ở trên, tuy "cho thấy" cảnh đó vẽ ra cảnh tượng sống động và có thể tạo xúc cảm cho khán giả, sự "cho thấy," cho dù được diễn tả hay hơn các câu tôi viết, vẫn có vẻ rẻ tiền và làm mất đi cái cao quý của mối tình hai người. Tác giả có thể đã cân nhắc và quyết định "kể" về trách móc, tiếc nuối, là sao mơ ước nàng bình thường như vậy mà lại không được thành sự thật.

Bằng cách "kể, đừng cho thấy," tác giả đem lại tính chất nhất quán của một bài ballad thuần túy và dùng các câu ngắn gọn để nói lên ý chính câu chuyện. Ý chính đó là nỗi thương tiếc cho ước vọng đơn sơ bình thường của cô gái đã bị tan nát vì chiến tranh.

Cách gieo vần trong các đoạn rất tinh vi và chọn lọc, tạo nên giai điệu du dương, quyến luyến:

Một đặc điểm quan trọng của ballad là sự tận dụng vần điệu trong các câu trong đoạn nhạc. Một bài hát có thể kể lể một câu chuyện mạch lạc nhiều tình tiết, nhưng nếu vần điệu nghèo nàn thì cũng không thể gọi là ballad được.

Trước khi bàn đến cách gieo vần trong lời nhạc, ta nên hiểu cấu trúc của chữ trong câu và hiểu sự liên hệ giữa số chữ trong câu với số ô nhịp. Nhịp hoặc trường canh (bar, measure) là khoảng cách thời gian được chia đều trong một bản nhạc. Thông thường, nhịp được lập đi lập lại trong cả bài. Ô nhịp là một phần của khuông nhạc xác định vị trí của nhịp. Mỗi ô nhịp thường tương ứng với một câu trong lời nhạc. Số chỉ nhịp hay số ô nhịp là con số dưới dạng phân số cho biết số phách và độ dài của phách trong ô nhịp. Tương ứng với phách là nốt nhạc và dấu lặng (nghỉ). Nốt nhạc cho biết cao độ (đồ, rê, mi, fa, son, la, si) và trường độ hay độ dài (tròn, trắng, đen, móc đơn, móc kép, v.v.) của âm thanh. Dấu lặng cho biết độ dài của thời gian nghỉ (cho ca sĩ "lấy hơi" hoặc tạo nên tiết tấu đặc thù cho bài hát).

Tác giả sắp đặt số chữ trong một câu bằng cách ̣điều chỉnh độ ngắn dài cho mỗi chữ qua các kết hợp của các nốt nhạc và dấu lặng. Số ô nhịp của "Tình Thiên Thu" là 4/4. Nghĩa là mỗi ô nhịp có 4 phách, và độ dài cùa phách là nốt đen. Do đó, mỗi ô nhịp có thể có bất cứ kết hợp nào của nốt và dấu lặng, miễn là toàn thể ô nhịp tương đương với 4 nốt đen. Thí dụ: 4 nốt đen = 4 nốt móc đơn + 2 nốt đen = 4 nốt móc đơn + 1 nốt đen + 1 lặng đen (một nốt đen có độ dài tương đương với hai nốt móc đơn hoặc một lặng đen).

Thí dụ, câu "Xin cho yêu trong Mộng Thường" có nốt tương ứng như sau: Xin(móc đơn) + cho (móc đơn) + yêu (móc đơn) + trong (móc đơn) + Mộng (đen) +Thường (đen). Nghĩa là hai chữ "Mộng" và "Thường" phải được kéo dài hai lần lâu hơn các chữ "xin," "cho," "yêu," "trong."

Câu "nhưng mộng thường cũng tan" có nốt tương ứng như sau: nhưng (móc đơn) +mộng (móc đơn) + thường (móc đơn) + cũng (móc đơn) + tan (đen) + lặng đen. Nghĩa là chữ "tan" phải được kéo dài hai lần lâu hơn các chữ "nhưng," " mộng," "thường," và sau đó là nghỉ lâu bằng thời gian của "tan."

Với những sắp xếp như vậy, số chữ trong một câu trong lời nhạc được thay đổi tùy vào giai điệu và tiết tấu tác giả muốn. Trong "Tình Thiên Thu," có câu có 7 chữ, 6 chữ, hoặc 5 chữ. Bằng cách thay đổi số chữ trong các câu trong một đoạn, tác giả tạo nên tiết tấu linh động, cho lời trôi chảy, và có vần điệu tự nhiên. Đa số câu trong các đoạn có 6 chữ, thỉnh thoảng biến thái thành 7 chữ hoặc 5 chữ. Những câu có 5 chữ, nhất là các câu chót trong một đoạn, có dấu lặng đen, dài hơn dấu lặng đơn của các câu 6 chữ, dùng để làm chỗ nghỉ cho ca sĩ và cho cả người nghe. Đặc biệt, các câu trong đoạn 7 có chính xác 7 chữ và dấu lặng đơn. Đó là vì phần chót của mỗi đoạn nhỏ (7a, 7b, 7c) là quãng nhạc không lời, dùng như quãng nghỉ cho ca sĩ và người nghe.

Khi biết được số chữ trong câu, ta có thể xem xét lối gieo vần trong mỗi câu. Thông thường, vần của nhạc được gieo vào cuối câu.

Trần Thiện Thanh tận dụng vần điệu trong các phiên khúc để tạo ra nhịp điệu trôi chảy và âm tiết nhẹ nhàng. Ông gieo vần trong tất cả các đoạn với các lối gieo vần khác nhau để tránh nhàm chán. Hình 1 cho thấy các vần trong mỗi đoạn. Trong một đoạn, các câu có cùng vần có cùng màu.

Ta thấy cách gieo vần như sau:
Đoạn 1: xen kẽ hoặc vần chéo (cũng có thể coi là cả bốn câu).
Đoạn 2: xen kẽ, nhưng chỉ cho hai câu.
Đoạn 3: cả bốn câu, và đều là không dấu.
Đoạn 4: xen kẽ, nhưng chỉ cho hai câu.
Đoạn 5: xen kẽ hoặc vần chéo.
Đoạn 6: cặp (liên tiếp), nhưng chỉ có hai câu đầu.
Đoạn 7: cặp (liên tiếp), nhưng chỉ có hai câu cuối (hoặc giữa).
Đoạn 8: xen kẽ hoặc vần chéo.
Đoạn 9: xen kẽ hoặc vần chéo.
Đoạn 10: cả bốn câu, và đều là không dấu.

Vần xen kẽ (hoặc vần chéo): Ta thấy Trần Thiện Thanh dùng loại gieo vần này trong đa số đoạn trong bài hát: sáu đoạn trong bài hát mười đoạn. Ngoài ra, hầu hết các vần là vần bằng. Chỉ có đoạn 5 là dùng một vần trắc ("mộng/ động"). Lý do đơn giản là vần bằng nghe nhẹ nhàng và êm ả hơn vần trắc, nhất là trong ca khúc. Đa số các ca khúc dùng vần bằng. Thỉnh thoảng có vần trắc để thay đổi âm tiế́t và phù hợp với nhạc điệu. Nhưng vần trắc ít khi đứng một mình trong một đoạn, và thường có vần bằng đi kèm theo. Thí dụ:

Có ai xuôi vạn lý
nhắn đôi câu giúp nàng,
Lấy cây hương thật quý,
thắp lên thương tiếc chàng.
(Hòn vọng phu 2 - Lê Thương)

Trong "Tình Thiên Thu," tác giả lựa chọn vần tinh vi, tỉ mỉ và ý nghĩa các vần có liên hệ mật thiết, không gượng gạo. Khi vần phù hợp cả thanh lẫn ý, sức diễn tả được gia tăng. Thí dụ: "cõi đời" và "giữa trời" trong đoạn 1; "xuân nồng" và "cuối đông" trong đoạn 5; "cũng tan" và chắn ngang" trong đoạn 8; "thiệp hồng" và "nhà chồng" trong đoạn 9.

Vần cặp, trong hai câu liên tiếp trong một cặp (couplet): Trần Thiện Thanh dùng loại gieo vần này trong đoạn 6 và đoạn 7. Trong đoạn 6, chỉ có cặp đầu, còn cặp sau thì không vần. Trong đoạn 7, sẽ được trình bày riêng rẽ sau, chỉ có cặp cuối (thực ra là cặp giữa). Loại gieo vần này cũng rất thông dụng, nhất là trong các ca khúc Mỹ. Sau đây là vài thí dụ:

Ngày xưa khi anh vừa khóc chào đời
Mẹ yêu theo gương người trước chọn lời
Đặt tên cho anh anh là Quốc
Đặt tên cho anh anh là nước
(Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc - Phạm Duy)

But February made me shiver
With every paper I'd deliver
Bad news on the doorstep
I couldn't take one more step
 (American Pie – Don McLean)

Lần nữa, tác giả chọn lọc vần cho hợp cả thanh lẫn ý. Thí dụ: "giao tranh" và "mong manh" trong đoạn 6; "ban mai" và "tương lai" trong đoạn 7b; "phương xa" và "đông qua" trong đoạn 7c. Ngoài ra, khác với lối thông thường gieo vần cho hai cặp trong một đoạn bốn câu như trong các thí dụ trên, ông chỉ gieo vần cho một cặp. Làm vậy, tác giả tránh sự nhàm chán hoặc máy móc, và tạo nét biến thái trong âm điệu.

Vần cặp trong ba câu (triplet): Đoạn 7 là một đoạn thật độc đáo trong cả bài. Trước hết, đoạn này là đoạn cuối của thân bài, và là cao đỉnh của câu chuyện. Như đã trình bày trên, các câu trong đoạn này đều có đúng 7 chữ. Với nhiều chữ hơn các đoạn khác, đoạn này cho tác giả kể lể nhiều hơn, và đem lại thay đổi cho tiết tấu. Phần này chia ra ba đoạn nhỏ (7a, 7b, 7c). Mỗi đoạn nhỏ có ba câu (triplet). Thực ra mỗi đoạn nhỏ có bốn câu, nhưng câu chót không có lời mà chỉ có nhạc với giai điệu y hệt như giai điệu của câu thứ ba. Mục đích của câu chót không lời là cho khoảng thời gian cho người nghe thấm lời, cho ca sĩ lấy hơi, và cho tác dụng thời gian cho câu chuyện. Đại khái, tác giả không muốn kể chuyện với những biến cố dồn dập liên tiếp nên dùng nhạc để tạo khoảng nghỉ, nhưng vẫn tiếp tục tiếng nhạc như là tiếng vang lại của lời.

Trong ba đoạn này, tác giả dùng vần trong hai câu liên tiếp như đã trình bày ở trên. Để ý là tác giả dùng vần có thanh không dấu ("sao/ đau, mai/ lai, xa/ qua"). Như sẽ trình bày sau, tác giả dùng giai điệu này để diễn tả sự êm ả, mơ hồ, nhẹ nhàng, không dứt khoát.

Đoạn 7, do đó, kể phần chính câu chuyện với giai điệu êm ái và không dồn dập, để dẫn đến câu quan trọng của câu chuyện. Đó là câu nàng chết: "Mà chết người gái nhỏ phương xa." Nhờ đã giàn dựng trước đó, cái tin đau thương không đến đột ngột, và được báo một cách nhẹ nhàng, theo sau bằng một câu cũng nhẹ nhàng ("Một xuân buồn có gió đông qua") và khoảng nhạc nghỉ.

Vần cho cả đoạn: Loại vần này gieo vần cho mỗi câu trong cả đoạn, bất chấp đoạn đó có bao nhiêu câu. Tác dụng của nó là giữ sự chú ý của người nghe trong suốt cả đoạn. Một ca khúc thường không nên dùng loại vần này quá nhiều vì dễ tạo nhàm chán. Nhưng khi được dùng khéo léo, loại vần này rất hiệu quả. Đoạn nhạc/ thơ có thể có số câu thông thường (4 câu), hoặc dài (6 tới 10 câu) và dùng cả vần không dấu và dấu huyền. Sau đây là vài thí dụ:

Ngày trở về,
anh bước lê
Trên quãng đường đê
đến bên lũy tre
Nắng vàng hoe,
vườn rau trước hè
cười đón người về
(Ngày Trở Về - Phạm Duy)

Ngựa phi ngoài xa hí vang trời,
Chiêng trống khua trăm hồi,
Ngần ngại trên núi đồi,
Rồi vọng ra khắp nơi
Phía cách quan xa vời,
chiêng trống khua trăm hồi,
ngần ngại trên núi đồi,
rồi dậy vang khắp nơi
thắm bao niềm chia phôi
(Hòn Vọng Phu 1- Lê Thương)

So bye-bye, Miss American Pie
Drove my Chevy to the levee, but the levee was dry
And them good old boys were drinkin' whiskey in Rye
Singin' "This'll be the day that I die
This'll be the day that I die"
(American Pie – Don McLean)

Trở về với "Tình Thiên Thu," Trần Thiện Thanh chứng tỏ là một thiên tài trong việc dùng cùng một vần cho cả đoạn. Ông dùng trong đoạn 3 và đoạn 10. (Đoạn 1 có thể coi là bốn câu, nhưng không có cùng thanh không dấu.) Đoạn 3 là đoạn chót trong phần nhập đề và đoạn 10 là đoạn chót cho phần kết và cũng là cho cả bài hát. Vì vần cho cả đoạn tạo sự chú ý cho người nghe, tác giả dùng đoạn đó là dấu hiệu cho biết là đoạn cuối của phần đó. Ông cũng dùng nó như một khí cụ chuyển tiếp (transition) từ một phần sang phần khác.

Điểm đặc sắc của cách gieo vần trong các đoạn này là lối dùng toàn là thanh không dấu, thay vì lẫn lộn thanh không dấu và thanh (dấu) huyền, hoặc toàn là thanh (dấu) huyền.

Có gì đặc sắc ở thanh không dấu?

Âm tiết tiếng Việt rất là thanh thót, trầm bổng, "du dương hòa điệu," "giống như bản nhạc liên hồi" (trích trong Đỗ 1972, 13; Cao-Đắc 2014a, 476-477). Alexandre de Rhodes đã phải thốt lên là người Việt nói chuyện với nhau nghe như chim hót, nhất là giữa phái nữ (sđd., 12). Với các dấu, tiếng Việt khi phát âm tạo ra các thanh tương ứng khác nhau. Ta có thanh không dấu, thanh huyền, thanh sắc, thanh hỏi, thanh ngã, và thanh nặng. Mỗi thanh có sự trầm bổng lên xuống khác nhau như người Việt nào cũng biết. Ta không rõ nguồn gốc của sáu thanh này, nhưng ta có thể đoán mỗi thanh có liên hệ đến tình cảm, ý tưởng, tâm trạng, cảnh tượng, năng lực của chữ đó. Đó là vì tiếng Việt là loại tiếng tình cảm, cả về nội dung lẫn hình thức (phát âm).

Thanh không dấu gợi âm thanh hoặc hình ảnh êm ái, nhẹ nhàng, thảnh thơi, yếu đuối, mơ hồ, cao quý, vương vấn, bao quát, dây dưa. Thí dụ: bao la, bâng khuâng, bi thương, bơ vơ, cô đơn, du dương, ̣đê mê, đong đưa, đơn sơ, hân hoan, hoang vu, lang thang, lênh đênh, lo âu, long đong, long lanh, lung linh, lưa thưa, mê man, mênh mông, miên man, mông lung, ngây ngô, ngu ngơ, nguy nga, phôi phai, thanh tao, thương tâm, trơn tru, van xin, vi vu, vinh quang, vu vơ, xa xôi, xanh xao, xôn xao.

Thanh huyền gợi âm thanh hoặc hình ảnh trầm trọng, buồn bã, dài dòng. Thí dụ: ầm ì, bàng hoàng, bầy nhầy, buồn rầu, cần cù, dần dà, đầm đìa, khề khà, khù khờ, lầm lì, lè nhè, lòng thòng, lừ đừ, màu mè, thều thào, thì thầm, rềnh ràng, rườm rà, rù rì.

Tôi sẽ không đi sâu thêm vào các thanh trắc, nhưng đại khái các thanh này liên kết với âm thanh hoặc hình ảnh mạnh bạo, sôi nổi, linh động, sắc bén, tương phản, thô kệch, chi tiết, nghiêm nghị, mau lẹ. Thí dụ: ấm ức, háo hức, lách tách, lúc nhúc, mất mát, trống vắng, thánh thót, thích thú, thiếu thốn, tức tối, bẩn thỉu, hổn hển, khẩn khoản, lẩm cẩm, lẩy bẩy, lổn ngổn, lởm chởm, rủng rỉnh, tỉ mỉ, ủn ỉn, bỡ ngỡ, lẫm chẫm, lõm bõm, ngẫm nghĩ, vĩnh viễn, cực nhọc, luộm thuộm, rậm rạp, trịnh trọng, thịnh vượng.

Khi các thanh được kết hợp, tác dụng của chúng cũng được kết hợp. Thí dụ: "lo âu" chỉ trạng thái "lo" về chuyện gì đó một cách âm ỉ, chung chung, không rõ rệt, nhưng "lo lắng" chỉ một mối "lo" mạnh hơn và rõ rệt hơn; "hân hoan" chỉ một niềm vui tổng quát rộng rãi; "hoan hỉ" chỉ một niềm vui chật hẹp, đặc thù, và rõ rệt; "thanh tao" chỉ nét quý phái tổng quát; "thanh nhã" chỉ nét đẹp đặc thù của cử chỉ, dáng điệu; "buồn rầu" chỉ nỗi buồn tổng quát; "rầu rĩ" nhấn mạnh nỗi buồn đó.

Trở về với âm nhạc, giai điệu cho vần có thanh không dấu khiến người nghe cảm thấy nỗi niềm vương vấn, bâng khuâng, quyến luyến, chưa có gì dứt khoát, và muốn được biết thêm.

Trần Thiện Thanh sắp xếp giai điệu để đặt vần có thanh không dấu tại vị trí tốt nhất: cuối phần nhập đề (đoạn 3) và cuối phần kết, cũng là cuối bài (đoạn 10). Ta có thể hiểu dễ dàng cái hiệu quả ở cuối phần nhập đề, vì tác giả muốn tạo cảm giác vương vấn cho người nghe khiến người nghe muốn biết thêm. Các vần được lựa chọn tinh vi: "thê lương," "yêu đương," "ghen tuông," "trót thương." Không những chuẩn (tuy "tuông" có chút xíu lạc), ý nghĩa các vần này liên hệ thật chặt chẽ: tình yêu nào cũng có "trót" thương, ghen tuông, và, trong trường hợp câu chuyện này, dẫn đến thê lương.

Nhưng tạo cảm giác đó ở cuối bài mới thật là tuyệt diệu và chỉ có bậc thầy như Trần Thiện Thanh mới làm được chuyện đó. Tại sao? Thông thường, cuối bài hát là kể hết câu chuyện, đâu còn gì nữa mà vương vấn, tò mò? Tuy nhiên, tác giả không muốn khán giả chấm dứt câu chuyện, và muốn tạo cảm giác ngân vang trong tâm trí về câu chuyện. Đó là chỉ mới về âm thanh mà thôi. Với cách dùng chữ và lựa chọn từ ngữ tỉ mỉ, Trần Thiện Thanh khiến người nghe phải bịn rịn, lưu luyến, ngẩn ngơ với câu chuyện cho dù câu chuyện đã chấm dứt.

Ta hãy nghe lại đoạn chót:

Chàng thề không còn yêu ai
dẫu cho ngày tháng phôi phai
Nhiều lần chàng mộng liêu trai
Nàng hẹn chàng kiếp mai.

Với các cặp chữ "yêu ai," "phôi phai," "liêu trai," "kiếp mai," tác giả cho thấy mối tình thiên thu. Một lần nữa, không những vần chuẩn mà ý nghĩa còn liên hệ mật thiết. Ý nghĩa của "không còn yêu ai," "phôi phai," "liêu trai," và "kiếp mai" cho thấy cái gì huyền bí, chưa dứt khoát, còn trong tương lai. Cộng với cái ý nghĩa "thiên thu" đó, thanh không dấu tạo nên cảm xúc quyến luyến, trông chờ. Nhưng không phải chỉ có thanh không dấu mà thôi. Các thanh không dấu này liên kết nhau qua vần (ai, phai, trai, mai) cho thấy tác giả quyết tâm để âm tiết này vang vang trong đầu người nghe để tạo ấn tượng lâu dài.

Ngoài ra, thanh không dấu làm dễ dàng kéo dài âm thanh một chữ/ tiếng mà không bị mất âm tiết. Bạn có thể kéo dài tiếng "ai" cả phút mà không làm mất âm tiết. Nhưng bạn không thể làm chuyện đó dễ dàng với "ài," "ái", "ải," "ãi," và "ại." Trong "Tình Thiên Thu," chữ "thương" ở đoạn 3 và chữ "mai" ở đoạn 10 có dấu lưu (trong tờ nhạc), nghĩa là chữ đó có thể kéo dài bao lâu cũng được. Chỉ có thanh không dấu mới kéo dài dễ dàng. Tại sao kéo dài? Vì tác giả muốn giữ âm tiết trong tâm trí khán giả để họ vương vấn với câu chuyện. Đó là lý do tại sao nhiều bản nhạc Việt Nam đều tận cùng bẳng thanh không dấu để ca sĩ có thể kéo dài tùy ý.

Bằng cách dùng vần cho cả đoạn và thanh không dấu, và vị trí cuối phần nhập đề vả cuối bài, Trần Thiện Thanh giữ người nghe chú ý trong cả bài và ngay cả khi bài chấm dứt. Nhiều khi, người nghe muốn nghe đi nghe lại bài hát chỉ vì hai đoạn 3 và 10 này.

Nói tóm lại, Trần Thiện Thanh viết giai điệu nhạc là khuôn khổ cho các đoạn thơ có những vần được sắp đặt một cách truyền cảm, tạo nên giai điệu du dương, có tác dụng linh động, và giúp tạo nên nỗi niềm bịn rịn, lưu luyến, ngẩn ngơ cho người nghe. Tác dụng này còn được tăng cường hơn qua cách dùng từ ngữ gợi hình và gây cảm xúc. Do đó, tuy câu chuyện đơn giản và không có tình tiết éo le, cách dùng vần điệu và giàn dựng tiết tấu giúp toàn thể bài hát diễn tả mối tình thiên thu thật tuyệt vời.

A. Kết Luận:

Ca khúc "Tình Thiên Thu" là một bài ballad có nội dung và hình thức theo truyền thống. Trần Thiện Thanh kể câu chuyện tình buồn với bố cục chặt chẽ và mạch lạc. Cái ý chính về ước mơ bình thường không được trọn vẹn được diễn tả hiệu nghiệm qua lối "kể, không cho thấy" giúp người nghe thấu hiểu câu chuyện dễ dàng. Cộng thêm với cách thức dùng vần điệu chọn lọc và tinh vi, tác giả tạo nên tác dụng quyến luyến ngẩn ngơ cho người nghe.

Tuy các nhân vật trong câu chuyện không có thật hoàn toàn, một phần tình tiết thể hiện thực trạng của những chuyện tình trong chiến tranh. Do đó bài hát phản ảnh trung thực tình trạng xã hội của miền Nam Việt Nam trước 1975. Ngoài ra, mặc dù cái chết của cô gái trong chuyện là do bởi chiến tranh, bài hát không hề trách móc hoặc nguyền rủa kẻ tạo ra tang tóc chia ly. Đó là tính chất nhân bản vị tha của người miền Nam Việt Nam không cộng sản.

CẢM TẠ

Tôi xin có lời cảm tạ các bạn trên trang mạng Dân Làm Báo, nhất là các bạnemSAIGON, Sài gòndaubetangthuong, mythanh, và bức xúc, đã có lời khích lệ trong các bài về âm nhạc trước và giúp tôi có ý định viết bài này, đặc biệt là lời yêu cầu của bạn emSAIGON.



___________________________________

Tài Liệu Tham Khảo:

Batema, Cara. Không rõ ngày. Lyrical Poems vs. Ballads. http://education.seattlepi.com/lyrical-poems-vs-ballads-5500.html (truy cập 8-11-2014).
Cao-Đắc, Tuấn. 2014a. Lửa Cháy Trong Mưa. Hellgate Press, Oregon, U.S.A.
_______. 2014b. " Hồn lỡ sa vào đôi mắt em". 6-8-2014. http://danlambaovn.blogspot.com/2014/08/hon-lo-sa-vao-oi-mat-em.html (truy cập 13-8-2014).
_______. 2014c. Những lừa đảo lịch sử của Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam. 2-10-2014. http://danlambaovn.blogspot.com/2014/10/nhung-lua-ao-lich-su-cua-ho-chi-minh-va.html (truy cập 16-11-2014). 
Đỗ Quang Chính. 1972. Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ 1620-1659. Tủ sách Ra Khơi, Sài gòn, Việt Nam.
Nguyễn Phán. Không rõ ngày. An Lộc một lần tôi đã đến, một lần để nhớ
http://www.bietdongquan.com/baochi/munau/so41/anloacmotlantoiden.htm (truy cập 9-11-2014).
Nhạc Việt trước 75. Không rõ ngày. Tình thiên thu của Nguyễn Thị Mộng Thường (Trần Thiện Thanh)
http://amnhacmiennam.blogspot.com/2013/07/tinh-thien-thu-cua-nguyen-thi-mong.html (truy cập 15-11-2014).
Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Không rõ ngày. Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khoá 24. http://khoa24.vobidalat.net/danhsach.html (truy cập 9-11-2014).
Wikipedia. 2014a. Trần Thiện Thanh. Thay đổi chót: 22-10-2014. 
http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Thi%E1%BB%87n_Thanh (truy cập 13-11-2014).
_______. 2014b. Ballad. Thay đổi chót: 28-10-2014. http://en.wikipedia.org/wiki/Ballad (truy cập 8-11-2014).
http://danlambaovn.blogspot.com/2014/11/tinh-thien-thu.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét