Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Nguyên nhân làm sụp đổ Bức tường Berlin

Nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ bức tường Berlin

Andre DeNesnera

Những mảnh tường của Bức tường Berlin được trưng bày để bán tại thành phố Teltow, gần Berlin, Đức, vào dịp kỷ niệm 24 năm bức tường này sụp đổ. Những mảnh tường của Bức tường Berlin được trưng bày để bán tại thành phố Teltow, gần Berlin, Đức, vào dịp kỷ niệm 24 năm bức tường này sụp đổ.
WASHINGTON—
Ngày 9 tháng 11 đánh dấu 25 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ.
Các sử gia nói trong các thập niên 1960 và 1970, Tây Đức đã phát triển một nền kinh tế vững mạnh, và Tây Berlin chia sẻ sự thịnh vượng đó.
Ông Frederick Taylor, một chuyên gia về Bức tường Berlin, tác giả cuốn The Berlin Wall – A World Divided 1961-1989 – tạm dịch là Bức tường Berlin – Một Thế giới chia cách 1961-1989, nói rằng Đông Đức cũng có một hình thức tiến bộ kinh tế nào đó, tuy không ở mức ngang với Tây Đức.
Ông Taylor nói: “Trong thời gian từ 1961 đến khoảng 1973-74, tiêu chuẩn sinh hoạt và sự sẵn có của hàng hóa tiêu thụ bên trong Đông Đức được cải thiện rất nhiều. Có máy giặt, máy truyền hình, thậm chí cả xe hơi – có thể phải đợi 5 năm mới mua được một chiếc, nhưng tôi nghĩ vào năm 1961, chỉ có ba phần trăm người Đông Đức có được xe hơi, và đến 1975 thì tỷ lệ đó là 15 phần trăm. Không phải là nước Mỹ, nhưng cũng rất tốt so với tình trạng trước đó. Vấn đề là tất cả là nhờ vào dầu và nguyên liệu do Nga trợ cấp.”
Vào giữa thập niên 1970 diễn ra vụ chấn động về dầu hỏa ở Trung Đông, đẩy mạnh giá dầu. Các khoản trợ cấp của Liên bang Xô viết bị cắt và theo ông Taylor, giới lãnh đạo Đông Đức không còn có khả năng cung cấp cho công dân hàng tiêu thụ nữa.
Ông Taylor nói: “Hoa quả và rau cỏ nhập khẩu chẳng hạn, bắt đầu biến mất khỏi các quầy hàng. Chỉ là những thứ lặt vặt – như không có đủ hắc ín để rải đường, nên đường càng ngày càng xấu. Lúc đầu đã khá xấu, nhưng còn tệ hơn nữa vào thập niên 1970 và bước vào thập niên 1980. Các tòa nhà không được sửa chữa. Mọi thứ không được nhập – các mặt hàng xa xỉ vân vân – chỉ có được nếu có những khoản ngoại tệ lớn, tiền có giá, cụ thể là đôla Mỹ hay đồng Mark của Đức chẳng hạn.”
Ông Taylor và những người khác nói cho đến khi ông Ronald Reagan lên làm tổng thống năm 1980, quân đội, nhưng nhất là sự yếu kém về kinh tế của Đông Âu và toàn bộ khối Xô viết đã trở nên rõ ràng.
(Ảnh tư liệu) Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (phải) và nhà lãnh đạo Liên bang Xô viết Mikhail Gorbachev ký Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) tại Tòa Bạch Ốc, 8/12/1987.
Các nhà phân tích nói một người cảm thấy sự yếu kém này và biết rằng chế độ cộng sản phải thay đổi là ông Mikhail Gorbachev, người đã trở thành nhà lãnh đạo liên bang Xô viết vào tháng 3 năm 1985.
Ông Serge Schmemann là một cựu thông tín viên ở Moscow và Bonn của tờ New York Times, nêu nhận xét:
“Một khi ông Gorbachev đề xuất chính sách đổi mới glasnost, một khi ông nới lỏng những dây trói, là tất cả các nước Đông Âu bắt đầu cảm nhận một hình thức phong trào hoặc bên trong các đảng cộng sản hoặc từ bên dưới lên – một sự cởi lỏng.”
Tại Đông Âu, sự độc quyền của các đảng cộng sản, được Liên bang Xô viết hỗ trợ từ mấy chục năm, đang trên đường bị phá huỷ. Ba Lan và Hungary dẫn đầu.
Các chuyên gia phân tích nói năm 1989 là một năm quyết định. Sử gia Frederick Taylor nói một quyết định của ông Gorbachev đã có hậu quả tức thời cho Đông Âu – nhất là Đông Đức.
Ông Taylor kể: “Điểm thực sự cấp thiết vào năm 1989 xuất hiện vào mùa hè khi mọi sự rõ ra là ông Gorbachev, nhà lãnh đạo cải cách mới ở Liên bang Xô viết không sẵn sàng sử dụng Hồng Quân để đàn áp giới bất đồng, đàn áp các cuộc biểu tình, đàn áp sức ép đòi cải cách ở bên trong Đông Đức. Và giờ khắc mà theo một cách nào đó, ông ấy rút đi một phần tư triệu ngọn mác đã giữ vững toàn bộ nước cộng sản Đông Đức, cũng chính là lúc bức tường trở nên vô vọng.”
Ông Gorbachev thực sự đã bác bỏ chủ thuyết Brezhnev nói rằng nếu bất cứ nước nào tìm cách tách ra khỏi sự kiểm soát của Xô viết, thì Moscow có thể dùng vũ lực can thiệp như vào năm 1956 ở Hungary, và năm 1968 ở Tiệp Khắc.
Các chuyên gia phân tích nói một khi ông Gorbachev có quyết định đó, các diễn biến ở Đông Âu và nhất là ở Đông Đức tăng hẳn nhịp độ.
Ông Taylor nói vào tháng 8, chính phủ Hungary đã có quyết định quan trọng là mở cửa biên giới với nước Áo.
Ông Taylor kể: “Điều này có nghĩa là thực ra, lần đầu tiên từ gần 30 năm, người dân Đông Đức có thể ra khỏi nước để sang một nước bạn cộng sản, đó là Hungary – và bước vào một nước tư bản là nước Áo, rồi từ đó đi bất cứ nơi nào họ thích: đi Munich, Miami, Montevideo – bất cứ nơi nào họ muốn. Và sau đó những người còn ở lại Đông Đức đã biểu tình đòi cải cách, đòi được phép đi lại một cách dễ dàng và hợp pháp, đòi chấm dứt những cuộc bầu cử gian lận, đòi cải thiện kinh tế.”
Nhà sử học nói các cuộc biểu tình tăng lên khắp Đông Đức trong các tháng 9 và tháng 10 năm 1989. Các cuộc biểu tình đó ôn hoà. Các cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra ở thành phố Leipzig.
Ông Taylor nói vào đầu tháng 10, một cuộc tập hợp ồ ạt được tổ chức ở thành phố ấy. Các binh sĩ dù tinh nhuệ sẵn sàng chờ lệnh. Họ được phép sử dụng đạn thật nếu cần. Ông Taylor nói người đứng đầu đảng Cộng sản Đông Đức là ông Erich Honecker cùng các nhà lãnh đạo khác xem cuộc biểu tình trên đài truyền hình.
Ông Taylor nhắc lại: “Họ phải quyết định phải làm gì. Và đây là điểm then chốt mà ông Honecker, một người theo chủ trương cứng rắn cũ, vẫn còn lẩm bẩm, ‘ta phải có biện pháp nào đó. Ta phải đưa tất cả những tay cảnh sát này và đám binh sĩ này tới, mà chúng ta lại không làm gì cả.’ Và ông đã quay ra nói với vị tướng lãnh quân đội trong phòng. Và vị tướng lãnh quân đội nói ‘Tôi sẽ không làm điều đó. Tôi sẽ không ra lệnh ấy.’ Và đó chính là lúc – thời điểm đó và việc ông Gorbachev không muốn sử dụng Hồng quân. Và rõ ràng là không thể ngăn được các cuộc biểu tình bằng vũ lực. Có thể nói sẽ không giống như Quảng trường Thiên An Môn. Phải lưu ý rằng Bộ chính trị của đảng Cộng sản Đông Đức là một trong số ít các nước Đông Âu đến năm 1989 đã gửi lời chúc mừng ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc sau vụ đàn áp Thiên An Môn hồi tháng 6 năm 1989.”
Trong vòng vài tuần lễ, ông Erich Honecker đã ra đi. Ban lãnh đạo mới chuẩn bị các quy định cập nhật cho việc du hành ra nước ngoài.
Một cảnh vệ Tây Berlin đứng trước bức tường bê tông chia cắt Đông và Tây Berlin ở Bernauer Strasse, trong khi các công nhân Đông Berlin chất các khối gạch lên bức tường để xây cao bức tường chắn này, 7/10/1961.
Tại một cuộc họp báo ngày 9 tháng 11 ở Đông Berlin, ông Guenter Schabowski, một thành viên của Bộ chính trị cầm quyền Đông Đức, tuyên bố du hành tư nhân và xuất cảnh vĩnh viễn khỏi Đông Đức nay được phép. Được hỏi khi nào thì luật lệ có hiệu lực, ông Schobowski nói ngay lập tức, không trì hoãn.
Sau đây vẫn là lời sử gia Frederick Taylor:
“Đa số dân chúng ở Đông Berlin, nhất là vào thời điểm khi các diễn biến quan trọng xảy ra hàng ngày, đã không theo dõi tin tức chính thức của Đông Đức kể lại toàn bộ việc này theo một phiên bản được sửa đổi và nói hãy xếp hàng một cách có trật tự tại văn phòng cấp hộ chiếu ở địa phương vào ngày mai. Họ xem truyền hình của Tây Đức và đài truyền hình Tây Đức nói ‘bức tường đã sập, bức tường đã mở.’ Và trước cuối bản tin 15 phút, mọi người bắt đầu đến nơi, người dân Đông Đức, người dân Đông Berlin bắt đầu đến các trạm kiểm soát khác nhau và nói, ‘được rồi, chúng tôi phải làm gì để ra khỏi đây?’”
Rất mau chóng, hàng ngàn người Đông Đức đã tụ tập ở các trạm kiểm soát. Ông Taylor nói vụ chen lấn tại các chốt biên giới này không thể tưởng tượng được. Binh sĩ canh gác không được lệnh nào. Cuối cùng họ nói, “Hãy mở các cổng ra.”
Ông Taylor kể tiếp: “Thế là hàng ngàn người, dĩ nhiên ùa vào Tây Berlin và mọi việc bung ra. Đến hết đêm, tất cả các chốt biên giới khác đều mở và người Đông Berlin tràn vào Tây Berlin, còn người Tây Berlin, thì tràn vào Đông Berlin, bởi vì, tại sao không? Ta có thể trở lại mà.”
Cựu thông tín viên của tờ New York Times Serge Schmemann có mặt ở đó.
Ông nói: “Vào khoảng nửa đêm, tôi đến bức tường và buổi liên hoan lên đến cực điểm. Có người nhảy múa trên bức tường, đổ xô qua bức tường, và tất cả những người Tây Đức đem rượu sâm panh tới. Rượu đổ tràn hàng trăm thước về mọi hướng. Đó là một buổi liên hoan trác tuyệt kéo dài nhiều ngày. Và tôi còn nhớ đó là một trong những bữa tiệc đẹp nhất mà tôi từng đến dự. Thực là một giờ khắc hân hoan tột cùng.”
Cuối cùng, bức tường Berlin đã sụp đổ mà không có một tiếng súng nổ. Như sử gia Anh Frederick Taylor nói, vào cuối ngày 9 và 10 tháng 11 mọi người đều cảm thấy rằng mọi thứ và bất cứ thứ gì đều có thể xảy ra.
A.D.
Nguồn:
http://www.boxitvn.net/bai/30478

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét