Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Bàn về câu chuyện lá cờ (1)

Bàn về câu chuyện lá cờ (phần 1)

Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Lá cờ ở đây là câu chuyện về cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH và cờ đỏ sao vàng của CHXHCNVN.

Lá cờ và lòng dân

Xin tạm gọi Cờ Vàng và Cờ Đỏ để trình bày. Khi gọi Cờ Vàng và Cờ Đỏ, chỉ có nghĩa duy nhất: ngắn gọn và khách quan.

Viết về hai lá cờ này, quả thật vô cùng khó. Tính chất khó khăn không phải vì nó đã được khai thác rất nhiều, cũng không phải vì ngại "bên này" hay "bên kia" phật lòng rồi sỉ vả. Nó khó, bởi nền giáo dục nhân bản & khai phóng của VNCH - giá trị quan trọng bậc nhất cần phải giữ gìn và tôn tạo - "tranh chấp" mãnh liệt với nền "giáo dục XHCN" đang chiếm thế thượng phong trong lòng người Việt Nam trong và ngoài nước, ngày nay.

Điều trớ trêu và đã từng dằn vặt tôi trong giấc ngủ bất an, bởi trải qua 39 năm dưới chế độ độc tài toàn trị, lại có gia đình là "Việt Cộng nằm vùng" để rồi cuối cùng, cha thì chết dưới tay người CS trong nuối tiếc về sai lầm, anh thì thân bại danh liệt và sống trong âm thầm, như một cái xác không hồn. Đại gia đình hầu như tan nát và ly tán mãnh liệt từ đó.

Như bất kỳ con người bình thường nào, với quá khứ chẳng hạnh phúc hay êm ả, tôi cũng không muốn gợi lại hoàn cảnh gia đình, để van xin lòng thương xót của "bên này", hay tạo cớ cho "bên kia" gọi là "phản bội lý tưởng cha anh", "vì bất mãn cá nhân & gia đình", "cha nào con nấy" v.v... rồi dùng nó đưa tôi vào "bẫy ly gián kế". Nhưng viết về Cờ Vàng và Cờ Đỏ không thể nào không đề cập quá khứ - một thuộc tính của lịch sử - không được phép trốn chạy - bên cạnh thuộc tính trung thực.

Đối với tôi, chân lý thật đơn giản: Dù việc lớn hay nhỏ, ai làm gì thì phải tự chịu trách nhiệm. Nếu tốt hơn, can đảm nhìn thẳng vào sai lầm để sửa chữa, dù ít nhất. Có lẽ vì vậy, những năm đầu sau 1975 dù... [*], tôi chưa bao giờ dám lên gân, dùng những chữ "tự hào lớp cha anh hy sinh xương máu cho công cuộc giải phóng dân tộc", hay đại loại những câu chữ bóng bẩy giống như thế. Có lẽ điều này làm một số độc giả ngạc nhiên? 

Lời hồi đáp thật giản dị: Đời sống bấy giờ nhanh chóng rơi vào đói kém, xảy ra rộng khắp, ngay trước mắt tôi. Thành phố Sài Gòn hoa lệ bỗng dưng tối sầm, từ những đêm cúp điện triền miên, heo qué lũ lượt sồng sộc từ các làng quê kéo về Hòn Ngọc Viễn Đông, nhưng là để... chăn nuôi chứ không phải để làm cơm, cùng nhiều "biểu hiện" do người CS tạo ra, ngỡ bình thường, nhưng rất kỳ quái và gây ngỡ ngàng, hồi hộp đối với người dân bấy giờ. Người Sài Gòn lặng lẽ... làm quen (!) trong âu lo thắc thỏm và nghi ngại ngập tràn...

Nói hình tượng một chút, "toàn cảnh Sài Gòn" vào những năm đó, như trong bàn tay đạo diễn phim kinh dị với thủ pháp nghệ thuật thể hiện độc đáo, ghê rợn, rùng mình báo hiệu cho "khán giả" dấu hiệu chết chóc lừng lững đến gần, do hàng đàn ma quỷ chuẩn bị đội mồ hiện lên, trong khi người dân trong phân cảnh đó không hề hay biết...

Những Sự Thật không thể chối cãi vào lúc bấy giờ. "Bộ phim kinh dị" mà lại có thật (như người ta thấy các bộ phim "based on a true story"). Không hề quá đáng, khi tôi dùng "phim kinh dị" mô tả như vậy, bởi vật chứng, nhân chứng còn quá nhiều xung quanh, cho tới tận ngày nay. Miêu tả như thế cũng nhằm để lớp trẻ ngày nay chiêm nghiệm và so sánh khách quan "từ và với" hàng ngàn bài báo, sách, truyện, phim ảnh, thể hiện qua hàng chục thể loại trong thời đại internet - không còn gì có thể bưng bít thông tin.

Những thời khắc và thời đoạn đó, giúp tôi nhớ lại "phân cảnh": tôi như đang ngồi trên một chiếc ghế cao, bỗng nhiên té ngã sóng soài xuống đất vì "trận động đất chính trị" kinh hoàng, không hề báo trước, vào ngày 30/4/1975. Hốt hoảng và ngơ ngác. Gượng đứng dậy và nhìn quanh quất, không hiểu điều gì xảy ra, từ đầu óc trong sáng và hiền lương mà tôi hấp thụ nền giáo dục VNCH. 

Ai chủ mưu chính trị hóa lá cờ?

Hoang mang trộn lẫn với sợ hãi cùng nạn đói trong màn đen tăm tối. Bấy giờ, người Sài Gòn không còn đủ tỉnh táo, không có tâm trí nào để nghĩ về "lá cờ", dù là Cờ Vàng hay Cờ Đỏ. 

Cuộc sống lúc đó, "bóng dáng chính trị" không hề có chỗ để ngự trị trong tâm trí người dân. Tất cả chỉ là bày ra trần trụi một đời sống xã hội đang đầy sung túc, đang khá yên bình bỗng chốc đổ sập và... tan tành mây khói. 

Không biết có bao nhiêu người tin, nhưng lần đầu tiên tôi biết về Cờ Đỏ, đó là ngày 30/4/1975. Nhưng không hoàn toàn như thế. Lá cờ đầu tiên của người CS mà tôi nhìn thấy: cờ nửa đỏ nửa xanh (có khi xanh da trời, có khi xanh dương đậm) với ngôi sao vàng nằm giữa.

Tôi nhớ, quá trưa 30/4/1975, ba tôi ra tận lề đường (vì nhà mặt tiền với vỉa hè khá dài [*]) để bắt tay chúc mừng từng người bộ đội, xếp hàng đang ngang qua nhà tôi, với vẻ hân hoan và vui sướng, tự hào. Xung quanh đó, đầy áo lính và nón sắt vứt tứ tung. 

Đoàn quân khá dài. Ông lần lượt bắt tay từng người một, họ cũng đáp lễ lịch sự, đàng hoàng và như "hòa trong niềm vui chung của dân tộc" - lúc bấy giờ "người ta" hay dùng. Tôi tin những giây phút đó, những thời khắc đó - nó là tâm trạng thật của người lính QĐNDVN - bằng cách đứng cạnh ba tôi (thấp hơn một chút, nếu tính trên một đường thẳng), nhưng không bắt tay, chỉ e dè quan sát. 

Trong mắt tôi, họ hiền lành và chơn chất. Quân phục của họ lại quá xấu, không thể nào sánh nổi vẻ hiên ngang, oai hùng dù đủ mùi hôi "thập cẩm" và bê bết bùn sau những cuộc hành quân (thủy quân lục chiến) lại không kém phần lả lướt (binh chủng hải quân & không quân) như các anh tôi. Thú thật, có một chút gì thương cảm và tội nghiệp, trong lòng tôi lúc đó bỗng dấy lên, bất chợt. 

Không có một người hàng xóm nào làm như ba tôi, đa số chỉ nhìn bằng ánh mắt bình thường khi thấy bộ đội đi ngang qua, thậm chí ông hàng xóm sát cạnh nhà tôi còn hỏi "Việt cộng họ khác mình ra sao, anh T...?". Ba tôi bật cười và đáp: "Cũng bình thường như mình thôi". Lúc đó, tôi dần hiểu ra ba tôi là ai...

Khi đoàn quân đi qua, ba tôi trở vào nhà, tôi mới hỏi: Lá cờ đó là gì vậy ba? Ông giải thích cho tôi ý nghĩa của nó: nửa đỏ là ngoài miền Bắc, nửa xanh là trong miền Nam chưa được "giải phóng". Vì vừa mới chiến thắng, nên chưa thể bỏ ngay lá cờ này, nhưng chắc chắn cả lá cờ sẽ là màu đỏ nhanh thôi, con à.

Lần đâu tiên trong đời, tôi biết đến lá cờ của người CS là như vậy. Rồi nó nhanh chóng biến mất, như mọi người đều biết...

Người CS, đặc biệt giới trí thức thành danh sau này, dù ở trong hoặc ngoài nước, hay cho rằng người dân ngày nay không quan tâm chính trị, có lẽ vì họ không sống tại miền Nam để thấy, người Sài Gòn lúc bấy giờ, phần đông cũng không quan tâm chính trị. Những hoạt động của sinh viên - học sinh (như Huỳnh Tấn Mẫm, Hạ Đình Nguyên v.v...) hay giới luật sư, ký giả, giáo sư (Kiều Mộng Thu, Lý Quý Chung, Lý Chánh Trung v.v...) chỉ là biểu hiện của một phần trong tầng lớp trí thức lúc bấy giờ, nó không đại diện cho quảng đại quần chúng. 

Với một nền dân chủ, dù non trẻ, người dân lúc đó, đa số sống tuân theo đạo đức và không vi phạm pháp luật, nó mặc nhiên trở thành trách nhiệm hàng đầu. Có lẽ từ đó, người dân không quan tâm lắm đến chính trị? Vả lại, khái niệm chính trị ngày xưa bó hẹp trong việc tranh giành và nắm giữ quyền lực của các đảng phái. Không phải khái niệm chính trị mở rộng như bây giờ.

Một điều tối quan trọng và cũng là Sự Thật: Người Sài Gòn và miền Nam nói chung, không bị chính thể VNCH "nhồi sọ", dù bất kỳ hình thức nào. "Đời sống chính trị", nếu phải gọi là "bao trùm", thật ra nó rất nhạt nhòa. Không có "kiểu" nào là họp tổ dân phố, nào là "công an khu vực"; không có những chương trình từ thiện mang màu sắc chính trị lồng vào, không có cả Đội TNTP hay Đoàn TNCS nhằm phục vụ cho chế độ v.v... 

Nói chung, đời sống bấy giờ, "bóng dáng chính trị" chỉ loáng thoáng đây đó. Đời sống hiện nay, tại Việt Nam, có thể nói gần như hoàn toàn bị chính trị hóa với mức độ mãnh liệt và tàn khốc kinh khủng. Càng chính trị hóa đời sống xã hội, nhân tâm càng ly tán. Đó là điều tất yếu không tránh khỏi.

Ngay cả trong nhà trường trung - tiểu học, việc chào Cờ Vàng là điều bình thường và trở nên quen thuộc. Tùy trường, có trường chào cờ vào đầu tuần, trường khác lại chào cờ vào cuối tuần. Thầy cô và học trò lúc đó chỉ gọi Quốc Kỳ. Ngắn gọn hơn, thường nói với nhau bằng chữ "chào cờ". Không có ai gọi là "cờ tổ quốc" (!!!).

Sau 1975, cả một thời gian dài, cũng không có từ "cờ tổ quốc", nghe thật quái lạ. Không biết chữ "cờ tổ quốc" do ai sản sinh và từ bao giờ (!). Nghiêm trọng hơn, nó ngày càng phát tác và hoành hành dữ dội. Không chỉ trong nước mà còn lan ra ngoài nước.

Thật kinh khủng với dụng ý "chính trị hóa" lá cờ, ngay cả giới nhà báo, văn chương, chính trị gia v.v... vẫn vô tư hay hữu ý sử dụng (?!).

Đời sống xã hội, một khi bị "chính trị hóa" đến nỗi lá Quốc Kỳ cũng không được "tha", đó là một đời sống băng hoại gần như hoàn toàn về luân lý, bất chấp lá cờ đó có đại diện cho một quốc gia đi chăng nữa. 

"Cờ tổ quốc" - một biểu hiện tha hóa của chế độ CS, trước những quy tắc ứng xử, những tập tục, những giá trị phổ quát được công nhận trong một xã hội, giúp cho con người biết phân biệt đúng sai.

Thiêng liêng lại mang ý nghĩa khác hẳn. Đó là điều nên phân biệt để tránh sa đà vào tranh cãi bế tắc...

(còn nữa)


_______________________________________

[*]... "tôi khá giận dữ và cảm thấy bị sỉ nhục khi nghe "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản". Cảm giác đó dễ hiểu bởi sự thật chưa được phơi bày như sau này", trong bài "Tôi biết ơn VNCH".http://www.rfa.org/vietnamese/ReadersOpinions/bandocviet-06112014-nguyenngocgia-06112014152222.html

[**] Ngày xưa, vỉa hè những con phố chính và lớn ở Sài Gòn, chính quyền không làm tủn mủn như sau này. Vỉa hè con đường nhà tôi khoảng 12m, không kể lòng đường. Sau 1975, khoảng hơn 10 năm, người dân bắt đầu lấn dần dành cho buôn bán, cho thuê v.v... nên chỉ còn khoảng 4m. Gia đình tôi cũng bán căn nhà đó từ lâu. Sau này, mỗi khi tìm lại kỷ niệm, đi ngang qua chốn cũ, trên 90% hàng xóm ngày xưa đã... đi hết và con đường thật nhếch nhác, bừa bộn và bát nháo! Tôi gọi tên "nỗi niềm tiếc nuối"!

http://danlambaovn.blogspot.com/2014/11/ban-ve-cau-chuyen-la-co-phan-1.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét