Các bài về huyền thoại tắm máu ở Việt Nam của Gareth Porter
Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm lược: Vào thập kỷ 1970, Gareth Porter, một học giả phản chiến Mỹ, viết hai bài về chương trình cải cách ruộng đất ở Bắc Việt trong thập kỷ 1950 và cuộc thảm sát Huế vào Tết Mậu Thân 1968, gọi hai vụ này là huyền thoại. Hai bài này có đầy rẫy xuyên tạc và hoàn toàn không có nghiên cứu học thuật. Porter có nhiều ngụy biện luận lý trong lý luận và phản ảnh việc ngụy tạo sự kiện ác hiểm để thỏa mãn quan điểm chính trị của mình.
*
Vào thập kỷ 1970, Gareth Porter, một học giả phản chiến Mỹ, viết một số bài báo chống lại chiến tranh Việt Nam (Wikipedia 2014a). Porter là một trong nhiều học giả phản chiến Mỹ gồm có Noam Chomsky, Edward Herman, and Marilyn Young. Một trong những chuyên môn của Porter là săn lùng thông tin thống kê cung cấp bởi những người Việt Nam và người Mỹ chống cộng, tìm kiếm lỗi hoặc sai lầm để tố cáo những tác giả này nói dối, ngụy tạo, hoặc phóng đại. Mặc dù mục đích tìm ra sự thật là đáng khen, phương pháp một chiều của Porter thiếu sót nghiêm trọng và khiến ông ta thành một tay tuyên truyền cho cộng sản, dùng các thủ đoạn rẻ tiền và độc hại để tấn công người khác.
Có hai huyền thoại mà Porter nêu ra: việc tắm máu trong chiến dịch cải cách ruộng đất tại Bắc Việt (năm 1953 - 1956) và vụ thảm sát Huế năm 1968 (Wikipedia 2014). Như sẽ được trình bày sau, sự thật về chương trình cải cách ruộng đất đẫm máu và vụ thảm sát Huế đã được biết từ nhiều năm. Dầu vậy, các bài của Porter vẫn được dùng là tài liệu tham khảo cho vài nguồn, kể cả Internet, và được cộng sản Việt Nam khai thác tối đa trong tuyên truyền của họ.
A. Chiến dịch cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1953 - 1956
Trong bài tựa đề "Huyền thoại tắm máu: Xem xét lại cuộc cải cách ruộng đất của Bắc Việt Nam" ấn hành vào năm 1973, Porter (1973a) cáo buộc Hoàng Văn Chí, tác giả cuốn sách chi tiết về cuộc cải cách ruộng đất (Hoàng 1964), là "dịch sai và trình bày sai be bét" về "các văn bản chính thức của các tài liệu liên quan đến những sai lầm của chiến dịch cải cách ruộng đất" (Porter 1973a, 9). Porter khẳng định rằng Chí và những người khác, kể cả chính phủ miền Nam Việt Nam với sự hỗ trợ của Mỹ, đưa ra tuyên truyền tấn công chiến dịch cải cách ruộng đất để Tổng thống [Nixon] có thể dùng nó là một lý do chính để duy trì sự hiện diện quân sự Mỹ tại Việt Nam" (Porter 1973a, 12). Porter đặc biệt chỉ ra "chính Hoàng Văn Chí, đã vi phạm các hành vi có tội nghiêm trọng nhất và nhiều nhất" trong "huyền thoại 'tắm máu' bằng cách lạm dụng bằng chứng tài liệu quan trọng" (sđd., 3).
Porter dò qua quá trình làm việc của Chí, cáo buộc Chí làm việc cho CIA và kết luận "mục đích của Chí là tuyên truyền chứ không phải là lịch sử chính xác" (sđd., 3). Những lời Porter chỉ trích về sách của Hoàng Văn Chí bị Teodoru (1973) bác bỏ cực lực trong một phiên điều trần quốc hội trước Tiểu ban Điều tra hành chính của Đạo luật An ninh nội bộ và các luật an ninh nội bộ. Ngoài lập luận riêng của mình và phân tích bài viết của Porter, Teodoru cung cấp một bài ghi nhận cuộc phỏng vấn với Hoàng Văn Chí (Hoàng 1972). Porter (1973b) sau đó trình bày phản biện lại Teodoru và lập luận của Chí trong lời khai trước cùng một Tiểu ban. Độc giả nên tham khảo các tài liệu này để biết thêm chi tiết. Trong phần sau đây, tôi sẽ tập trung thảo luận phần lớn về sự phân tích định lượng của Porter trên ước tính số người bị giết chết trong chiến dịch cải cách ruộng đất tại Bắc Việt từ 1953 đến 1956.
Dùng nguồn từ chính phủ VNDCCH, Porter cho ra hai con số về số làng trong chiến dịch và ước tính số địa chủ và tỷ lệ phần trăm địa chủ bị hành quyết. Từ đó, Porter đi đến ước lượng khoảng 800 - 2.500 địa chủ bị hành quyết. Dựa vào những ước tính này, Porter cáo buộc Chí ngụy tạo lớn lao trong việc tính toán tổng số các vụ hành quyết. Theo Porter, Chí cho rằng 5% tổng số dân hoặc 675.000 người đã thiệt mạng trong vụ thảm sát (sđd., 11).
Thật là mỉa mai trong khi Porter tìm lỗi với các bản dịch và diễn tả của Chí, chính Porter lại còn vi phạm những xuyên tạc và ngụy tạo thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Không kể sự tấn công cá nhân hạ cấp vào Chí, cái gọi là lịch sử chính xác của Porter lại đầy những ngụy tạo thâm hiểm và xuyên tạc trắng trợn, như được phân tích dưới đây.
Trước hết, Porter dùng tỷ lệ 5% tổng số dân, ước tính là 13,5 triệu, được đưa ra trong sách của Chí để tính toán tổng số các vụ hành quyết và tính ra là 675.000 người (sđd., 11), con số mà sau này ông ta gọi là vô lý. Khi đi đến con số này dựa trên câu "5% tổng dân số," Porter phạm nghiêm trọng ngụy biện luận lý về trích dẫn ra khỏi bối cảnh. Thực ra, Chí đưa ra tỷ lệ 5% khi thảo luận về mặc cảm tội lỗi của những người đã tham gia trong vụ thảm sát: "Khi ép họ tố cáo và giết địa chủ, đảng muốn các nông dân chia sẻ tội lỗi máu... Cái mặc cảm tội lỗi ám ảnh tâm trí các nông dân sau vụ thảm sát khoảng 5 phần trăm tổng dân số được mô tả mỹ từ hóa trong văn học chính thức cộng sản là 'ý thức của nông dân là chủ của chính vận mạng mình' "(Hoàng 1964, 212). Rõ ràng từ văn bản trên Chí có ý nói "5% tổng số dân" là số lượng chủ quan trong tâm trí của nông dân thi hành các hành quyết, đã dẫn đến cái mặc cảm tội lỗi ám ảnh họ. Khái niệm "5% tổng số dân" này được đảng tạo ra để đưa cái mặc cảm tội lỗi vào đầu những nông dân thi hành các hành quyết. Chí không bao giờ nói 5% tổng số dân này khách quan đại diện cho tổng số người bị hành quyết.
Bằng chứng cho ý tưởng chủ quan trong đầu những nông dân thi hành các vụ hành quyết được đưa ra trong suốt văn bản. Chí không chế ra "5%." Con số này đến từ báo cáo của Trường Chinh đề cập trong sách (Hoàng 1964, 151). Báo cáo này được dùng là tài liệu đào tạo cho các khóa học đào tạo chỉnh huấn.
Theo Chí, những người theo học khóa huấn luyện đã hoàn tất lớp với ấn tượng rằng tất cả địa chủ sẽ bị hành quyết khi họ nghe những gì Hồ Chí Minh nói khi Hồ đến nói chuyện trong khóa học. Hồ (Hoàng 1964, 158-159) nói, "bọn đế quốc như loài hổ trong khi địa chủ giống như bụi cây, nơi những con hổ ẩn núp. Vì vậy, để đuổi theo con hổ ra khỏi chúng ta, chúng ta nhất thiết phải tiêu diệt tất cả các bụi cây cùng một lúc." Rõ ràng là "tiêu diệt tất cả các bụi cây," mà bụi cây đại diện cho địa chủ, có nghĩa là giết chết tất cả các địa chủ, hoặc 5 % dân số. Nói cách khác, những người được huấn luyện về nhà với ý tưởng rằng 5% dân số sẽ bị hành quyết, và đó là lý do tại sao họ mang mặc cảm tội lỗi.
Trong bối cảnh của đoạn văn đó, được hỗ trợ bởi tường trình của Trường Chinh, câu "khoảng 5% tổng số dân" rõ ràng đề cập đến sự tin tưởng chủ quan của những người tham gia trong vụ thảm sát. Tuy nhiên, Porter đã trích dẫn nội dung bài viết này hoàn toàn ra khỏi bối cảnh, dùng nó để đi đến con số 675.000, và kết tội Chí phóng đại ước tính số người chết.
Thứ hai, Porter ban đầu thừa nhận Chí khẳng định "không ai có thể đánh giá chính xác con số người chết thực sự" từ cải cách ruộng đất, nhưng Porter ngụ ý Chi chỉ cần nói "5% tổng số dân" và để những người khác làm toán khi ông "tình cờ [đề cập] trong chương sau vụ thảm sát khoảng 5% tổng số dân" (Porter 1973a, 11). Porter sau đó tình nguyện làm toán cho Chí, và "dựa vào tổng số dân ước tính khoảng 13,5 triệu người vào năm 1956, đại diện cho tổng số 675.000 người" (sđd., 11). Porter cố tình thực hiện tính toán này mặc dù Chí rõ ràng nói rằng không ai biết chính xác số lượng người chết thực thụ. Thực ra, Chí phải dựa vào một nguồn khác để cung cấp ước tính "100.000 người chết" (Hoàng 1964, 166). Ước tính này rõ ràng ít hơn nhiều so với số lượng 675.000 Porter đã cố gắng đưa vào miệng Chí. Trong suốt sách của ông, Chí nhiều lần nói rằng ước tính chính xác của số người chết chưa được biết, nhưng Porter cố tình cáo buộc Chí cho ra 675.000 người đã thiệt mạng. Nếu Chí đã muốn nói 675.000 người đã thiệt mạng, ông có thể tự làm các tính toán đơn giản đó. Ông không cần phải cung cấp nửa thông tin và để người khác làm toán như thể ông không biết dân số ở miền Bắc Việt Nam vào thời điểm đó. Bằng cách không đếm xỉa gì đến việc Chí khẳng định rằng không ai biết số người chết và bằng cách tính toán một cách trí trá con số 675.000 là ước tính số người chết, chính Porter là người tạo ra huyền thoại về cuộc tắm máu, không phải Chí.
Thứ ba, Porter cố ý bỏ qua ước tính của Chí về tổng số người chết, rồi thay thế tính toán của mình cho con số 675.000, và tuyên bố rằng đó là những gì Chí nói. Cần lưu ý rằng Porter tỉ mỉ trong việc trình bày phân tích để tính toán con số huyền thoại. Porter có vẻ xem xét kỹ lưỡng sách của Chí với độ chính xác phẫu thuật để tìm thấy một lỗi nào đó. Tuy nhiên, Porter lại bỏ lỡ câu quan trọng nhất trong sách Chí cho biết ước lượng riêng của Chí về số người chết. Chí viết, "hàng trăm và hàng ngàn người đã bị giết một cách oan uổng, bị bỏ tù hay bị chết đói mà không có đảng toàn lực nhấc tay giúp đỡ bất kỳ người nào" (Hoàng 1964, 213. Nhấn mạnh thêm). Chí nêu rõ rằng có "hàng trăm và hàng ngàn người" (hundreds and thousands of people) đã bị giết chết, không phải "hàng trăm ngàn người" (hundreds of thousands of people) đã bị giết chết. Chắc chắn, một tác giả với khả năng giỏi ngôn ngữ tiếng Anh như Chí không thể nhầm lẫn giữa "hàng trăm ngàn" với "hàng trăm và hàng ngàn." Nhóm chữ "hàng trăm và hàng ngàn người" (hàng trăm hàng ngàn người) cho biết một số lượng lớn ở mức độ hàng trăm hoặc hàng ngàn, nhưng chắc chắn không phải là hàng trăm ngàn. Chí đã có cơ hội để nói "hàng trăm ngàn" trong câu này, nhưng ông đã không.
Porter có thấy câu đó không? Tất nhiên, ông ta phải nhìn thấy nó. Câu đó ở trang 213, chỉ có một trang sau đoạn trích "5% tổng số dân." Thực ra, câu đó ở trong đoạn văn ngay sau câu trích "thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch" (Hoàng 1964, 213), mà Porter trích dẫn (Porter 1973, 14 ghi chú 35). Nếu Porter tin Chí nhầm lẫn nói "hàng trăm và hàng ngàn người" thay vì "hàng trăm ngàn," ông ta nên trích câu đó mà không cần phải đi qua chuyện tính toán và đã có thể phê bình về khả năng ngôn ngữ tiếng Anh của Chí. Sự kiện Porter không đề cập đến câu này rõ ràng cho thấy rằng Porter biết Chí ước lượng là "hàng trăm" hoặc "hàng ngàn," nhưng quyết định không báo cáo ước lượng đó. Bằng cách bỏ qua ước lượng của Chí và thực hiện tính toán riêng của mình trong nỗ lực cho thấy Chí nói 675.000 người đã thiệt mạng trong chiến dịch cải cách ruộng đất, Porter phạm một tội cao nhất trong nghiên cứu học thuật: trắng trợn bóp méo lời của học giả khác để đạt mục tiêu cá nhân của mình.
Thứ tư, Chí thực sự cho biết một ước tính cho toàn thể chương trình cải cách ruộng đất bao gồm các trường hợp tử vong mà không trực tiếp do hành quyết và có thể do một số yếu tố khác gây ra. Chí viết: "Chiến dịch chính yếu trong giai đoạn chống phong kiến là cải cách ruộng đất (1953-1956), trong đó một nửa triệu người Việt Nam (4% dân số của miền Bắc Việt Nam) đã hy sinh" (Hoàng 1964, 72). Cần lưu ý rằng Chí không viết một nửa triệu người địa chủ Việt Nam đã bị giết. Nhóm chữ chính là "một nửa triệu người Việt Nam đã hy sinh." Điều này bao gồm tất cả các trường hợp tử vong là kết quả của, và thêm vào, vụ thảm sát địa chủ ở miền Bắc Việt Nam. Những cái chết nào khác? Chí mô tả tống tiền và các vật giá trị (Hoàng 1964, 174-177), số người chết trong các nhà tù và các trại tập trung, tự tử (sđd., 166) và chính sách cô lập (sđd., 166, 189-191). Chí mô tả chính sách cô lập là một chính sách trong đó "các thành viên của gia đình địa chủ bị ngăn cản làm việc" và kết quả là, "phần lớn họ chết đói, trẻ em và người già trước và sau cùng là những người khác" (Hoàng 1964, 190).
Chí trích dẫn phát biểu của Nguyễn Mạnh Tường trong đó nói rằng "trong quá trình phá hủy loại địa chủ, chúng ta không phân biệt các loại điều trị, chúng ta đã gây ra cái chết khủng khiếp cho những người già hoặc trẻ em mà chúng ta không có ý định tiêu diệt" (Hoàng 1964, 190; Nguyễn 1956). Trên cùng một hướng, Teorodu (1973) cho biết năm nguyên nhân tử vong khác hơn hành quyết: tù, tự tử, kinh hãi và căng thẳng, khổ sai, và chính sách "cô lập." Teorodu (sđd.) lưu ý rằng phần lớn các địa chủ bị đấu tố là những người lớn tuổi không có đủ sức mạnh thể chất và cảm xúc mạnh để sống qua khỏi những căng thẳng về tinh thần và thể chất. Porter tranh chấp có chính sách "cô lập" và trích dẫn báo chính thức Nhân Dân của đảng viết, "Không nên có tiếp xúc với người bị cầm tù, nhưng có thể có thăm viếng với các thành viên khác trong gia đình" (Porter 1973a, 11). Thật ngạc nhiên khi Porter xưng là có lịch sử chính xác trong khi ông ta bác bỏ tường trình của Chi và chọn báo cáo chính thức của chính phủ Bắc Việt. Một khía cạnh quan trọng hơn là Porter chọn không trích dẫn câu của Chi "một nửa triệu người Việt (4 phần trăm dân số miền Bắc Việt Nam) đã hy sinh," và thay vì đó chọn dùng số 675.000 người, như tính toán hiểm ác của ông, để kết luận rằng Chí nói 675.000 địa chủ đã thiệt mạng. Porter chắc chắn biết sự khác biệt giữa "người Việt" và "địa chủ người Việt," và sự khác biệt giữa "hy sinh" và "tàn sát," nhưng ông cố ý bỏ qua câu đó của Chí để ông không phải đối phó với việc tìm cách bác bỏ nó.
Tất cả các xuyên tạc và phân tích méo mó của Porter trên được thấy trong sách của Chí, mục tiêu của tấn công của Porter, và bài viết của Porter. Người ta không cần đi xa hơn hai tài liệu này. Thảo luận trên tập trung hoàn toàn vào luận lý về phân tích của Porter và những lời chỉ trích về sách của Chí. Nếu Porter, một học giả có bằng tiến sĩ từ Đại học Cornell uy tín, còn gặp rắc rối hiểu sách của Chí và cố tình bóp méo và ngụy tạo nó, làm sao người ta có thể tin tưởng những gì ông ta trích dẫn và dựa vào ngoài sách của Chí? Thực vậy, một số cáo buộc khác của ông ta củng cố sự dối trá và xuyên tạc của ông ta. Việc ông ta dựa vào cái gọi là báo cáo chính thức từ chính phủ VNDCCH cho thấy rõ ràng sự thiên vị và thành kiến chống lại Chí và chính phủ miền Nam Việt Nam.
Thông tin đang có hiện nay thiết lập ước tính của Porter thấp xa so với con số thực. Chính phủ Việt Nam, tuy nhiên, không cung cấp đầy đủ thông tin thống kê, bao gồm số hành quyết thực sự, và chắc là con số này sẽ không bao giờ được biết chính xác. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam cung cấp thống kê liên quan đến địa chủ và các phân loại địa chủ. Theo tài liệu từ chính phủ Việt Nam, tổng số địa chủ là 172.008, trong đó 123.266 bị điều trị sai ("bị oan") (Đặng 2005, 85). Mặc dù chính phủ CHXHCNVN không bao giờ cho biết con số 172.008 là tượng trưng cho tổng số địa chủ hoặc tổng số địa chủ bị hành quyết, rõ ràng là con số 172.008 là tổng số địa chủ bị hành quyết. Đó là vì tổng số địa chủ là một con số cao hơn nhiều theo tính toán từ các thông tin cung cấp bởi chính phủ CHXHCNVN. Có 3.314 làng với 10 triệu người (sđd.). Trong sự sửa chữa sai lầm, chính phủ CHXHCNVN công nhận họ đặt số phần trăm địa chủ là 5,68% dân số địa phương (sđd.). Do đó, với dân số 10 triệu, 5,68% sẽ là 568.000 địa chủ. Vì rõ ràng 568.000 là tổng số địa chủ được chính phủ đặt ra, con số 172.008 không thể là tổng số địa chủ; do đó con số 172.008 phải là tổng số địa chủ bị hành quyết.
Ngoài khía cạnh định lượng về các vụ hành quyết, Porter còn có nhiều buộc tội, bao gồm bản dịch sai của Chí về bài diễn văn của Võ Nguyên Giáp (thí dụ, dịch động từ "xử lý" là "torture (tra tấn)" thay vì "discipline (kỷ luật))" (Porter 1973, 9), sự bịa đặt của Chí về khẩu hiệu cộng sản "thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch" như trích dẫn từ một bài diễn văn của Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường của khoa sư phạm trường Đại học Hà Nội (sđd., 7). Teorodu (1973) và Chí (Hoang 1972) trả lời đầy đủ những lời buộc tội của Porter.
Té ra những kết tội của Porter hoàn toàn sai lầm và chính ông ta mới là người ngu xuẩn khi các bằng chứng được nêu ra. Tra tấn quả thật được dùng trong chiến dịch cải cách ruộng đất. Hồ Chí Minh tuyên bố rằng một số cán bộ "vẫn phạm lỗi bằng cách dùng tra tấn" (trích dẫn trong Duiker 2000, 478). Trong khi ông ta dùng nhóm chữ "một số cán bộ," rõ ràng là tra tấn phải được rất là thông thường mới khiến Hồ khiển trách công khai như vậy. Hồ cho thấy chuyện đó thông thường khi ông ta hỏi, "Tại sao chúng ta, những người đang có một chương trình công bằng và cơ sở căn bản công bằng, lại dùng những phương pháp tàn bạo như thế?" (trích dẫn trong sđd.). Cũng nên lưu ý là từ "tra tấn" không được Hồ dùng. Thay vì vậy, ông ta dùng "nhục hình" (Đặng 2005, 86). Tuy nhiên, ông ta cũng nói, "Đánh người ta đau quá thì không có người ta cũng phải nhận là có" (sđd.). Ý nghĩa của "nhục hình," do đó, là "tra tấn." Về câu của Nguyễn Mạnh Tường, bây giờ chuyện đã xác định là ông ta quả thực là có nói câu đó. Rõ rệt, Tường nói, "Khi đưa ra khẩu hiệu 'thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch' thì khẩu hiệu này không những quá tả một cách vô lý mà phản lại cách mạng đằng khác nữa" (Nguyễn 1956; Nguyễn 2011, 324).
Huyền thoại về cuộc tắm máu như Porter nói thực ra là một huyền thoại tạo bởi chính ông ta. Việc ông ta tấn công Hoàng Văn Chí có đầy rẫy sai lầm, ngụy tạo, và xuyên tạc và không có sự ngay thẳng và trung thực của một học giả. Ông ta phạm nhiều nguỵ biện luận lý, gồm có trích dẫn ra khỏi bối cảnh, kêu gọi tới thẩm quyền, và tấn công cá nhân. Chuyện ông ta tấn công Chí chưa từng thấy trong một tác phẩm học thuật. Ngoài ra, Chí không phải là người duy nhất mà ông ta tấn công. Ông ta còn tấn công Bernard Fall, một sử gia Mỹ đáng trọng. Ông ta thậm chí còn tranh cãi cái ước tính khoảng 100.000 người chết của Gerard Tongas, được trích dẫn trong sách của Chí, là "đại diện cho con số lưu hành bởi những người vẫn còn hy vọng cho sự trở lại nguyên trạng của thời kỳ thuộc địa" (Porter 1973, 10). Việc ông ta tấn công cá nhân về những người này rất là nghiêm trọng đến độ Teorodu (1973) tin rằng Porter phạm tội vu khống. Tuy nhiên, người ta không cần phải nhìn vào những cáo buộc khác để đánh giá hiệu lực bài phân tích của Porter.
Phần thảo luận trên rõ ràng cho thấy phân tích và lập luận của Porter là trắng trợn và không có chút học thức nào. Người ta không thể không tự hỏi liệu ông ta quá ngu xuẩn đến độ ông ta không thể hiểu được sách viết bằng tiếng Anh đơn giản của Chí hoặc ông ta quá cuồng tín trong lập trường phản chiến đến độ ông ta đã phủi sự thật qua một bên.
Bây giờ sự thật về số địa chủ bị hành quyết đã được cộng sản Việt Nam công bố, Porter trở thành trò cười cho thiên hạ.
Robert F. Turner, bây giờ là giáo sư luật tại Đại học Virginia, chỉ trích thậm tệ bài của Porter về cải cách ruộng đất và cuộc tấn công Chí. Turner (1972, 33) nói, "Porter đã cho ra một bài tuyên truyền cẩu thả không thể tưởng tượng được." Theo Turner, nỗ lực của Porter trong việc làm mất tiếng Chí "thật phi lý đến độ không đáng phê bình" (sđd., 34). Turner chứng minh Porter "sai" hoặc "lầm lẫn" trong các chỉ trích Chí. Turner ghi nhận, "Ông Porter thiếu thành thật nếu ông chối là ông biết con cái địa chủ thường là nạn nhân cho 'công lý' trong các cuộc cải cách ruộng đất của cộng sản Việt Nam" (sđd., 39). Dùng bằng cớ Porter biết rõ các hành động cộng sản giết trẻ em qua việc chính Porter phỏng vấn một hồi chánh viên Việt cộng cao cấp, Turner (sđd.) mỉa mai nói, "[Porter] mất trí nhớ hoặc mất tư cách." Turner không trả lời hết mọi lời kết tội Chí của Porter vì ông không coi bài của Porter "đáng thì giờ cho một phân tích chi tiết" (sđd.)
B. Vụ thảm sát Huế
Gareth Porter, cùng với đồng nghiệp mình, tiếp tục chống chiến tranh bằng cách đăng một loạt bài báo (Porter 1974; Herman và Porter 1975) cáo buộc các cơ quan Nam Việt Nam và Hoa Kỳ bịa đặt bằng chứng trong báo cáo số người chết trong vụ thảm sát ở Huế năm 1968. Porter (1974, 2) khẳng định rằng tiểu đoàn 10 chiến tranh chính trị của Quân Lực VNCH có "một nhiệm vụ rõ rệt. . . làm mất uy tín Mặt trận giải phóng quốc gia mà không màng đến sự thật." Ông ta khẳng định thêm rằng câu chuyện về 'thảm sát' do báo chí Hoa Kỳ báo cáo vào năm 1968 và 1969 là dựa trên lời của tiểu đoàn 10 chiến tranh chính trị QLVNCH. Giống như trong tài năng trước đây của ông ta về cải cách ruộng đất, các bài của Porter cho thấy sự sai lệch và thành kiến nghiêm trọng chống lại chính quyền miền Nam Việt Nam và cơ quan thông tin quân sự Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, như sẽ được chứng tỏ dưới đây, bài viết của Porter một lần nữa cho thấy sự bất tài và hiểm độc của ông ta trong việc phân tích các sự kiện, bằng chứng, và tường trình của nhân chứng.
Trước hết, Porter báo cáo, "Đại tá tỉnh trưởng Phạm Văn Khoa công bố vào cuối tháng hai là 300 nhân viên chính phủ dân sự đã bị hành quyết bởi cộng sản và đã được tìm ra trong các hầm chôn tập thể ở phía đông nam thành phố" (Porter 1974, 2). Khoa thực ra công bố vào ngày 11 tháng hai (Braestrup 1994, 212), không phải cuối tháng hai. Ngoài ra, cấp bậc Khoa là Trung tá, không phải là Đại tá; và họ của ông là Phan, không phải Phạm. Quan trọng hơn, Khoa không phải là một nhân chứng đáng tin cậy và không thể nào đại diện cho cả chính phủ VNCH. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Lịch sử Quân sự Quân đội Hoa Kỳ, Khoa được cho là đã biết đến khoảng 48 giờ trước cuộc tấn công (Villard 2008, 79). Ông ta "đã được tìm thấy ẩn núp trong xà nhà của bệnh viện sáu ngày sau khi cuộc tấn công bắt đầu, ban đầu khẳng định rằng cuộc tấn công làm ông ta ngạc nhiên nhưng sau đó giải thích rằng ông muốn quân Cộng sản vào thành phố để họ có thể bị mắc kẹt và bị tiêu diệt" (sđd.). Thông tin tình báo cũng cho thấy rằng "Khoa triệu tập một phiên họp bí mật vào ngày 30 tháng 1 để thông báo các người cộng tác chính trị và kinh doanh của ông về một cuộc tấn công trên bộ sẽ diễn ra vào ngày hôm sau" (sđd.). "Chính quyền miền Nam Việt Nam sa thải Khoa giữa tháng Ba cho hoạt động kém hiệu quả của ông" (sđd.) Những chi tiết này cho thấy sự bất tài của Porter trong việc điều tra tin tức. Dùng một sĩ quan đã bị chính quyền sa thải là nhân chứng sáng chói đại diện cho chính quyền cho thấy Porter không những ngu ngốc mà còn nham hiểm.
Porter (sđd.) nói thêm rằng nhiếp ảnh gia Pháp Marc Riboud đã bị "liên tục từ chối cho phép" thấy các hầm chôn và khi "bản đồ tọa độ của các hầm chôn cuối cùng được phát hành, không có hầm chôn nào giống như hầm chôn được Đại tá Khoa mô tả." Chỉ cần đọc báo cáo của Porter về chuyện này, người ta có thể thấy một vài lỗi. Porter nói Marc Riboud đã không được phép nhìn thấy các hầm chôn, nhưng ông ta không hoặc không muốn đưa ra lý do tại sao Riboud không được phép. Ông ta không nói rõ Riboud xin phép ai và ai từ chối cho phép. Porter (sđd.) cũng nói thêm rằng khi Riboud có thể đi đến địa điểm đó thì viên phi công từ chối đáp xuống, tuyên bố rằng khu vực này "không an toàn." Riboud có được phép bay trên trực thăng không? Viên phi công, có lẽ đã đồng ý bay Riboud tới nơi đó, có sai không khi ông cho biết khu vực không an toàn? Porter viết rằng không có hầm chôn nào giống như cái hầm chôn được Đại tá Khoa mô tả. Hầm chôn nào? Theo Porter, Khoa nói "những hầm chôn tập thể phía đông nam thành phố." Làm sao mà dạng số nhiều của "những hầm chôn tập thể" trở thành dạng số ít của "cái hầm chôn được Khoa mô tả"? Và "giống như" theo nghĩa nào? Trong hướng đông nam? Bằng chứng, sau này sẽ được đưa ra, cho thấy quả thực có nhiều hầm chôn ở phía đông nam thành phố. Porter có đang tìm một hầm chôn duy nhất chứa khoảng 300 người? Nhưng Khoa đã cho biết có nhiều hầm chôn tập thể (không cho biết rõ rệt là có bao nhiêu). Chỉ cần đoạn văn đó thôi, Porter đã cho thấy ông ta không có chút khả năng viết một báo cáo đơn giản bằng tiếng Anh minh bạch.
Hơn nữa, Porter đang cố chứng minh chuyện gì trong đoạn này? Ông ta có đang cố gắng chứng minh rằng tỉnh trưởng Nam Việt Nam đã không muốn cho phép các nhiếp ảnh gia tới xem các hầm chôn bởi vì viên tỉnh trưởng bịa đặt có các hầm chôn này và không có bằng chứng hỗ trợ lời tuyên bố của viên tỉnh trưởng? Nếu vậy, Porter đã thất bại thảm hại vì đã phạm ngụy biện luận lý non sequitur. Chẳng có một dính dáng độc nhất giữa chuyện viên tỉnh trưởng muốn hoặc không muốn cho phép các nhiếp ảnh gia tới xem các hầm chôn với chuyện Riboud không thể đến xem các hầm chôn. Có thể có hàng chục lý do tại sao Riboud không thể thấy các hầm chôn hoặc bị từ chối để xem chúng. Các xác chết có thể đang được phục hồi và kiểm tra danh tính đang được thực hiện. Thân nhân của những người bị mất tích có thể nôn nóng tìm kiếm xem những người thân yêu của họ có nằm trong số những người chết. Chuyện chụp ảnh các xác chết của dân trong khi thân nhân của họ đang than khóc vi phạm truyền thống Việt Nam tôn trọng người chết và dàn xếp việc chôn cất tử tế. Riboud có thể không cung cấp giấy tờ thích hợp. Riboud có thể xin phép làm chuyện khác hơn là chụp ảnh. Riboud có thể xin phép thẩm quyền sai. Có cả đống lý do. Nếu có một lý do chính đáng nào hỗ trợ kết luận của Porter, ông ta đã không cho biết lý do đó.
Thứ hai, Porter cáo buộc rằng có những mâu thuẫn trong các báo cáo của ban chiến tranh chính trị VNCH về số lượng các hầm chôn và số lượng trung bình xác chết trong mỗi hầm chôn, từ 14 hầm chôn tới 22 hầm, và từ 66 - 150 xác tới 200 xác (Porter 1974, 3). Lời buộc tội của Porter về sự mâu thuẫn trong báo cáo số người chết ở khu vực tai họa, chẳng hạn như sau một trận chiến dữ dội, quả thật là ngây thơ đến độ ngu xuẩn. Trận chiến vừa hoàn thành, người tị nạn đang trở về nhà, và chính phủ đang đưa người lao động làm việc cứu trợ giúp người tị nạn định cư. Thật khó mà kiểm tra các xác chết nằm trên đường phố vì có thể có nhiều nhóm làm việc. Phát hiện và kiểm tra các hầm chôn người thậm chí còn khó khăn hơn. Hầm chôn có thể được phát hiện từng cái một và gần như không thể chắc chắn là tổng số cuối cùng đã đạt được và chính phủ chỉ có thể báo cáo những gì họ tìm thấy trong lúc công tác đang tiến hành. Thực vậy, bằng chứng (như sẽ được cho biết sau) cho thấy, tại các địa điểm đang nói (trường trung học Gia Hội) 14 hầm chôn được phát hiện có 101 xác và có thêm những xác chết sau đó được tìm thấy và tổng số xác cuối cùng lên tới 203 (Vennema 1976, 129). Bằng cách trình bày thông tin trong báo cáo trong lúc đang diễn tiến, trong khi công việc đang tiến hành và kết luận những con số khác nhau của các hầm chôn và số xác chết trong những báo cáo đang diễn tiến là tiêu biểu cho sự mâu thuẫn, Porter đã trình bày sai một cách thâm hiểm và diễn giảng sai bằng chứng để cho thích hợp với kết luận của ông ta.
Thứ ba, Porter viết rằng những phát hiện của nhân chứng đáng kể và có độ tin cậy cao nhất của cuộc thảm sát, bác sĩ Alje Vennema, cho thấy Vennema tuyên bố có 68 xác, thay vì lời tuyên bố chính thức là 477 (Porter 1974, 4). Tuy nhiên, bác sĩ Vennema tường trình khác hẳn những gì Porter báo cáo. Trong sách ông, Vennema thừa nhận rằng ông từng chống đối chiến tranh và thậm chí đã tỏ ra có cảm tình với Mặt trận giải phóng (MTGP) (Vennema 1976, Lời nói đầu), nhưng vụ thảm sát ở Huế năm 1968 đã thay đổi ông. Ông xuất bản cuốn sách vì ông cảm thấy rằng "sự thật về thành phố Huế nên được cho biết, để được ghi trong biên niên lịch sử cùng với tên của Lidice, Putte và Warsaw" (sđd.). Ông hy vọng để làm cho MTGP và chính quyền Hà Nội "nhận ra rằng phương pháp này - sự điên rồ của bạo lực, khủng bố, và thảm sát - không giải quyết vấn đề, và chỉ trì hoãn hòa bình và cuộc sống tốt hơn mà toàn dân Việt Nam mong mỏi" (sđd.).
Không có ghi nhận về những gì Vennema nói vào năm 1968. Porter dựa trên một báo cáo chưa được công bố có nhan đề "Thảm trạng Huế" cho là được viết bởi Vennema (Porter 1974, 11, ghi chú 12). Porter thừa nhận rằng báo cáo chưa được công bố của Vennema đến "ngay lập tức sau Tết" (sđd., 4), và lưu ý rằng báo cáo chính thức, trong đó số lượng xác chết được dùng để so sánh với số của Vennema, được phát hành vào ngày 23 tháng 4 năm 1968. Không rõ khi nào Vennema viết báo cáo chưa được công bố của ông, nhưng Vennema cho biết "vào cuối tháng 3 năm 1968, khoảng 300 thi thể của những người bị Việt Cộng xử tử đã được phát hiện" và ông "rời Việt Nam vào tháng 4 năm 1968 "(Vennema 1976, Lời nói đầu). Do đó, có thể an toàn mà giả định rằng Vennema viết cái báo cáo chưa được công bố đó vào tháng ba năm 1968 hoặc thậm chí sớm hơn. Porter tuyên bố rằng theo Vennema, tổng số xác chết tại bốn địa điểm chính phát hiện ra ngay lập tức sau Tết là 68, thay vì tổng số chính thức công bố là 477" (Porter 1974, 4). Trên cơ sở này và "sự từ chối cho phép xác nhận báo chí cho quan sát đầu tay," Porter cho rằng miền Nam Việt Nam "có thể đã thổi phồng số lượng các vụ hành quyết thực sự của quân giải phóng mười lần hoặc nhiều hơn" (Porter 1974, 4 ). Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy một câu chuyện khác hẳn. Tường trình được Vennema công bố cho thấy số lượng xác chết là 300 tính đến cuối tháng 3 năm 1968, và sự khác biệt thời gian giữa tường trình của Vennema và báo cáo chính thức của viên chức Nam Việt Nam là ít nhất một tháng. Nói cách khác, Porter đã so sánh hai bản báo cáo, trên các sự kiện vẫn còn đang diễn ra, với một khoảng thời gian cách biệt ít nhất một tháng, và dùng sự khác biệt về số hầm chôn và xác chết là bằng cớ của mâu thuẫn. Hoặc Porter là một người ngu xuẩn hoặc ông ta bị thúc đẩy bởi sự nhiệt tình phản chiến mà ông ta sẵn sàng gạt sang một bên sự toàn vẹn và trung thực của một học giả và trình bày sai và xuyên tạc bằng chứng.
Tuy nhiên, điểm chính không phải là về những lời kết tội nhỏ nhặt và giả dối này. Điều quan trọng là lời tuyên bố cuối cùng của Porter rằng "câu chuyện chính thức về một sự tàn sát bừa bãi những người coi là không có cảm tình với Việt cộng là một bịa đặt hoàn toàn" (Porter 1974, 11). Porter nói rằng "không những số lượng xác chết phát hiện trong và xung quanh Huế đáng nghi ngờ, mà quan trọng hơn, nguyên nhân chết dường như được chuyển từ chính chuyện đánh nhau sang sự hành quyết bởi Việt cộng" (sđd.) Như sẽ cho biết dưới đây, lời tuyên bố của Porter đầy rẫy những xuyên tạc và phân tích sai lệch phục vụ cho mục tiêu phản chiến của ông. Sự tấn công Douglas Pike của ông ta cũng là chưa từng có và phản ánh một ác ý trắng trợn.
Porter dựa vào Vennema cho kết luận của ông ta rằng chính phủ miền Nam Việt Nam đã thổi phồng số các vụ hành quyết thực sự. Theo Porter, Vennema "tình cờ ở bệnh viện tỉnh Huế trong cuộc Tổng tấn công Tết và là người điều tra riêng về các hầm chôn" (Porter 1974, 3). Vì vậy, tường thuật của Vennema nên tượng trưng cho các tường trình đáng tin cậy nhất về những gì đã xảy ra tại Huế và nên là bằng chứng duy nhất đáng tin cậy nhất. Chúng ta hãy nghe những gì Vennema thực sự nói về vụ thảm sát.
Về các hầm chôn phát hiện và số lượng xác người, Vennema tường thuật những địa điểm sau đây (Vennema 1976, 129-141; tường trình lại trong Cao-Đắc 2014a, 368-372, và Cao-Đắc 2014b, 357-360):
1) Trường trung học Gia Hội (Vennema 1976, 129-131): Tổng số hầm chôn: 14 và thêm một số lượng hầm chôn không rõ. Tổng số xác chết: 203, gồm cả nam giới (trẻ và già) và phụ nữ. Trong số người chết là một phụ nữ 26 tuổi "với chân và tay bị trói, một miếng giẻ nhét vào miệng" và những người "không có vết thương rõ ràng"; một cảnh sát 42 tuổi người đã bị chôn sống; một phụ nữ báo rao đường 48 tuổi, "cánh tay bà bị trói và một miếng giẻ nhét vào miệng" và những người không có vết thương trên cơ thể, có thể là đã bị chôn sống.
2) Chùa Theravada, được gọi là Tăng Quang Tự (sđd., 131-132): 12 rãnh có 43 xác. Trong số người chết là một thợ may, tay trói và bị bắn xuyên qua đầu, một số người bị trói tay sau lưng bằng giây thép gai, và một số có miệng nhồi với giẻ rách. "Tất cả những người chết là nạn nhân bị trả thù và báo oán" (sđd., 132).
3) Bãi Dâu Con Mo (sđd., 131): 3 rãnh với 26 xác.
4) Đằng sau một chủng viện nhỏ, nơi mà tòa án tổ chức các phiên xử (sđd., 133): 2 rãnh với 6 xác (3 người Việt Nam làm việc cho Đại sứ quán Hoa Kỳ, hai người Mỹ làm việc cho USOM, và một giáo viên trường trung học Pháp nhầm lẫn là Mỹ ). "Tất cả đều bị trói tay."
5) Quận Tả Ngạn (sđd.): 3 rãnh với 21 thi thể, "tất cả là đàn ông, với hai tay bị trói, và các lỗ đạn trên đầu và cổ."
6) Năm dặm về phía đông Huế (sđd.): 1 rãnh với 25 xác, tất cả bị bắn vào đầu, tay bị trói sau lưng."
7) Gần các lăng của hoàng đế Tự Đức và Đồng Khánh (sđd., 133-135): 20 rãnh với thêm số lượng rãnh nhỏ không rõ. Tổng cộng có 203 xác được phát hiện. Trong số người chết là một linh mục Pháp, Cha Urbain, người đã bị trói hai tay và không có vết thương trên cơ thể, và linh mục khác Pháp, Cha Guy, có một vết thương đạn trên đầu và cổ. Không có xác phụ nữ và trẻ em nào được tìm thấy, cho biết rằng "các nạn nhân bị giết tàn nhẫn và không phải trong hoạt động quân sự."
8) Cầu An Ninh (sđd., 135): 1 rãnh với 20 xác.
9) Cửa Đông Ba (sđd., 135): 1 rãnh với 7 xác.
10) Trường tiểu học An Ninh Hạ (sđd., 135): 1 rãnh với 4 xác.
11) Trường Vân Chí (sđd., 136): 1 rãnh với 8 xác.
12) Chợ Thông, một chợ (sđd., 136): 1 rãnh với 102 xác. "Đa số bị bắn và trói, trong đó có nhiều phụ nữ, nhưng không có trẻ em."
13) Trên mặt các ngôi mộ lăng vua Gia Long (sđd., 136): gần 200 xác đã được tìm thấy. Một số người có tay "bị trói sau lưng, và họ bị bắn xuyên qua đầu."
14) Nửa đường giữa chùa Tạ Quang và chùa Tu Gy Văn, 2,5 km về phía tây nam của Huế (sđd., 137): 4 xác người Đức (3 bác sĩ và vợ một bác sĩ).
15) Đông Gi, 16 km trực tiếp phía đông của Huế (sđd.): 110 xác, tất cả là đàn ông và "hầu hết bị trói tay và giẻ nhét vào miệng."
16) Làng Vĩnh Thái, làng Phù Lương, và làng Phú Xuân, khoảng 15 km về phía nam và phía đông nam của thành phố (sđd., 137-138): 3 hầm chôn với hơn 800 xác (gồm có 135 ở Vĩnh Thái, 22 Phù Lương, 230 và sau 357 tại Phú Xuân): Hầu hết là nam giới với một số ít phụ nữ và trẻ em. Trong số người chết là Cha Bửu Đồng và hai chủng sinh.
17) Làng Thượng Hòa, phía Nam của lăng vua Gia Long (sđd., 139): 1 hầm chôn với 11 xác. "Các xác chết cho thấy cùng một loại vết thương ở đầu và cổ, có lẽ gây ra do hành quyết."
18) Làng Thủy Thành và Vĩnh Hưng (sđd.): hơn 70 xác, "đa số là nam giới với một số phụ nữ và trẻ em." "Có vài người chết có lẽ là trong thời gian chiến tranh vì họ có nhiều loại vết thương và thân thể bị cắt; những người khác trưng bày vết thương duy nhất ở đầu và cổ, nạn nhân của hành quyết."
19) Khe Đá Mài (sđd.): 500 sọ. "Trong số rất nhiều những bộ xương có các mảnh quần áo bình thường, không phải vải kaki màu xanh của đồng phục Bắc Việt hoặc Việt Cộng. Tất cả các sọ đều trưng bày một vết nứt bị nén của xương trán giống nhau như là kết quả của một cú đánh với khí cụ nặng."
Danh sách trên của các hầm chôn cho thấy tổng cộng 19 hầm chôn và khoảng 2307 xác chết. Hầu hết trưng bày những vết thương gây ra bằng cách hành quyết và không phải bởi kết quả của chiến tranh. Nhiều người bị trói tay và giẻ nhét vào miệng. Vào cuối tháng 9 năm 1969, hàng trăm người vẫn còn mất tích (sđd., 140). Ngoài ra, Vennema lưu ý rằng "Ngoài các hầm chôn tập thể, có những sự giết người tàn nhẫn riêng rẽ" (sđd., 141).
Porter cố gắng đổ lỗi cho cuộc đánh nhau dữ dội tại một trong những bãi chôn nơi 22 xác được tìm thấy. Theo ông ta, "máy bay Mỹ ném bom xuống làng nhiều lần, phá hủy hàng trăm ngôi nhà và giết thường dân" và "khoảng 250 binh lính cộng sản đã bị giết trong trận đánh cả ngày (Porter 1974, 4). Ông ta viết thêm rằng "250 bộ xương được tìm thấy tại Khe Đá Mai (không phải 400 như lời của Pike) cũng bị giết trong trận chiến hoặc bởi B-52 Mỹ thả bom" (sđd., 5-6). Tuy nhiên, Vennema (1976, 140) xác định với độ chính xác của một bác sĩ rằng con lạch chứa 500 sọ người và "kiểm tra hồ sơ của quân đội Mỹ không tiết lộ bất kỳ hành động quy mô rộng hoặc B-52 thả bom trong khu vực ngoại trừ một trận đánh gần Lộc Sơn, khoảng 10 km cách khu vực này, vào cuối tháng Tư năm 1968." Vennema (sđd.) nói rằng "cho rằng bất kỳ người chết nào do bởi cuộc tấn công B-52 được vác qua địa hình gồ ghề để được chôn ở suối dường như không hợp lý." Ông (sđd.) tiếp tục khẳng định rằng "tất cả các sọ đều trưng bày một vết nứt bị nén của xương trán giống nhau như là kết quả của một cú đánh với khí cụ nặng" và "các xương khác không bị vỡ nứt thể hiện bằng chứng của gãy xương mà chắc chắn sẽ không phải là trường hợp nếu họ đã chết do bởi kết quả của chiến tranh."
Kết luận của Porter rằng "một số lớn xác phát hiện vào năm 1969 thực ra là nạn nhân của lực lượng không quân Mỹ và đánh nhau trên bộ hoành hành ở các thôn chứ không phải là do Việt cộng" (Porter 1974, 6) mâu thuẫn với lời khai của một bác sĩ nhân chứng mà chính Porter dựa nhiều vào (Cao-Đắc 2014a, 368-372; Cao-Đắc 2014b, 357-360).
Trong nỗ lực làm mất uy tín Douglas Pike, Porter (sđd.) tiếp tục lập luận rằng thuật ngữ "eliminate" được dịch từ chữ Việt "diệt" trong "diệt 1.892 tên tề" trong một tài liệu cộng sản bắt được không có nghĩa là "giết" hoặc "thanh lý," nhưng nó "đã được dùng trước đó bao gồm bị giết, bị thương hoặc bị bắt giữ giữa các lực lượng địch." Diễn giải chữ "diệt" của Porter thật không thể tưởng tượng được đến độ thành khôi hài. Tài liệu lấy được viết, "Chúng ta đã diệt 1.892 nhân viên hành chính, 39 cảnh sát, 790 tên bạo chúa, 6 đại úy, 2 trung úy, 20 thiếu úy và nhiều hạ sĩ quan." Trong bối cảnh của câu nói đó một mình, thuật ngữ "diệt" một cách rõ ràng có nghĩa là "giết chết" hoặc "gây ra cái chết." Những người cộng sản được biết hay dùng nững từ ngữ mơ hồ để họ sau này có thể lập luận theo tình hình nào thuận lợi cho họ. Ngoài ra, một trong những lý do đơn giản tại sao họ không dùng từ "giết chết" bởi vì nhiều nạn nhân không chết ngay, mà bị đập và chôn sống. Họ không có thời gian để kiểm tra xem nạn nhân đã thực sự chết.
Porter tiếp tục lập luận rằng "tề" từ trong "diệt 1,892 tên tề" có một ý nghĩa rộng hơn, bao gồm cả dân sự và quân sự (Porter 1974, 7), và do đó bản dịch "nhân viên hành chính" là không chính xác. Cố gắng của Porter cho thấy tài ông ta thông thạo tiếng Việt thật là buồn cười. Từ ngữ "tề" trong tiếng Việt, theo một cuốn từ điển Việt-Anh, có nghĩa là "làng tạm thời dưới sự kiểm soát của Pháp (trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp)" (Bùi 2000, 1804), "tề ấp" có nghĩa là "hội đồng ấp"; "tề ngụy" có nghĩa là "hành chánh ngụy trong làng (trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ)"; "tề xã" có nghĩa là "hội đồng xã." Từ ngữ "tề" luôn luôn mang một ý nghĩa dân sự liên hệ với các thôn, làng. Ngay cả không cần dùng một từ điển Việt-Anh, câu trên rõ ràng tách biệt 1892 "tề" ra khỏi phần còn lại của danh sách bao gồm các sĩ quan quân đội. Đó là một danh sách chia thành từng nhóm tất cả nạn nhân: "Chúng ta đã diệt A, B, C, D, và E." Giải thích rằng A bao gồm B, C, D, hoặc E bất chấp luận lý đơn giản. Một lần nữa, hoặc Porter cực kỳ ngu ngốc hoặc sự phản chiến nhiệt thành của ông ta đã làm ông ta mù quáng.
Trong mọi trường hợp, tài liệu lấy được cho thấy tổng cộng 2749 người đã bị "tiêu diệt" dường như phù hợp với số lượng tìm thấy bởi Vennema là 2307 xác và vẫn còn hàng trăm mất tích. Ước tính nạn nhân của vụ thảm sát bởi những người khác cho thấy số lượng cao hơn, khoảng 4.000 đến 6.000. Phần lớn, nếu không phải tất cả, các trường hợp này là kết quả của hành quyết có chủ ý, và không phải là kết quả của chiến tranh, kể cả B-52 thả bom.
Porter còn có nhiều cáo buộc khác, nhắm vào Douglas Pike. Tuy nhiên, phần thảo luận trên đủ để cho thấy sự thiên vị rõ ràng của Porter chống lại chính quyền miền Nam Việt Nam và Pike nói riêng. Ngoài ra, phần thảo luận trên còn cho thấy Porter xuyên tạc và bóp méo bằng chứng một cách hiểm độc. Chính sự phân tích huyền thoại của ông ta là một huyền thoại được ông ta tạo ra. Thực ra, nó còn hơn là một huyền thoại bởi vì ông ta đã phát động cuộc tấn công cá nhân vào một số người, kể cả Douglas Pike. Vì những lý do này, các bài đăng của Porter không có giá trị.
C. Gareth Porter là kẻ bất tài, nham hiểm, vô đạo đức nhưng cộng sản Việt Nam rất thích ông ta
Nhiều học giả chỉ trích thậm tệ khả năng, học thức, và tư cách của Porter. Trong bài duyệt sách của Porter, “Perils of Dominance: Imbalance of Power and the Road to War in Vietnam,” xuất bản năm 2005, Robert Buzzanco, một giáo sư lịch sử, nghi ngờ tính chất sáng tạo của Porter (Buzzanco 2006, 939, 941) và gọi ông ta là "con ngựa chỉ biết một trò" (sđd., 941) cho quan điểm ông ta về Việt Nam. Một cách đáng kể, Buzzanco nhận ra thói quen của Porter dùng nguồn tiện lợi cho quan điểm mình, nói, "Porter dường như dựa vào vài cuộc phỏng vấn sau chiến tranh vì chuyện đó thích hợp với luận đề ông ta" (sđd., 942). Giá trị luân lý của Porter là ký giả cũng bị tấn công gần đây (Atzmon 2014). David Albright (2014), Chủ tịch Học Viện Khoa học và An ninh Thế giới, ghi nhận "sự bất tài và hành vi tội phạm nhà báo" của Porter, phát biểu rằng "ông ta là kẻ tuyên truyền không đếm xỉa gì đến sự thật," và "chính Porter là kẻ có quá trình xuyên tạc cố tình."
Cộng sản Việt Nam rất ưa thích những kẻ như Gareth Porter vì họ có cùng thói quen nói láo, lừa đảo, và xuyên tạc sự thật. Sự thật về chương trình cải cách ruộng đất đẫm máu và vụ thảm sát Huế đã được biết từ nhiều năm. Trong vô số tài liệu, Hosmer (1970) mô tả chi tiết tính chất tàn bạo của cộng sản Việt Nam trong việc hành quyết và bắt cóc viên chức và dân vô tội miền Nam trong cuộc chiến, kẻ cả những chi tiết rõ rệt về thảm sát Huế. Tuy vậy, chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn cố che đậy những tội ác này với dối trá và xuyên tạc trắng trợn, chẳng hạn như phim truyền hình 12 phần "Mậu Thân 1968" do đạo diễn Lê Phong Lan phát hình vào tháng 1 năm 2013 và cuộc triển lãm thất bại về cải cách ruộng đất vào tháng 9 năm 2014 (Cao-Đắc 2014c). Không ngạc nhiên là Lê Phương Lan liệt kê Gareth Porter, cùng với các học giả Mỹ phản chiến khác, trong bộ phim truyền hình.
D. Kết Luận
Trong thập kỷ 1970, Gareth Porter viết nhiều bài kết tội chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ là tạo ra các huyền thoại tắm máu trong cuộc cải cách ruộng đất trong thập kỷ 1950 tại Bắc Việt vả cuộc thảm sát Huế năm 1968. Các bài của Porter ̣có đầy rẫy sai lầm, ngụy biện, xuyên tạc, và ngụy tạo sự kiện. Tuy vậy, các bài của ông ta vẫn được trích dẫn là tài liệu tham khảo cho nhiều nguồn, kể cả các nguồn trên Internet. Đặc biệt, cho tới nay, bài của ông ta về cuộc thảm sát Huế vẫn được trích dẫn trên Wikipedia tiếng Việt để hỗ trợ cho sự chối bỏ của cộng sản về cuộc thảm sát trong khi thông tin của Bác sĩ Vennema không được trích dẫn đầy đủ (Wikipedia 2014b). Ngược lại, trong cùng nhan đề thảm sát tại Huế, Wikipedia tiếng Anh cho một tường thuật đầy đủ hơn nhiều (Wikipedia 2014c), gồm có cả tường trình của Vennema và tài liệu của chính cộng sản xác nhận cuộc thảm sát hơn ba ngàn người. Bài của Porter không được trích dẫn trong Wikipedia tiếng Anh.
Việc duy trì sự chính xác lịch sử rất quan trọng để tội ác cộng sản Việt Nam được phơi bày. Những bài viết của Gareth Porter nên được bỏ đi vì những xuyên tạc trắng trợn và không chính xác. Cộng sản Việt Nam, với ngân sách và nhân viên tuyên truyền khổng lồ, đang cố ngăn cản mọi luồng thông tin tới và từ Việt Nam. Chúng muốn lừa đảo công chúng Việt Nam với những sự kiện xuyên tạc và bài vở hạ cấp như các bài của Porter. Một trong những mục tiêu quan trọng của những người hoạt động dân chủ, trong hay ngoài nước, là truyền bá rộng rãi thông tin chính xác và có thật tới công chúng tại Việt Nam.
________________________________________
Tài Liệu Tham Khảo:
1. Albright, David. 2014. In Response to Gareth Porter’s Ridiculous Attack. 9-6-2014. http://isis-online.org/isis-reports/detail/in-response-to-gareth-porters-ridiculous-attack/ (truy cập 12-11-2014).
2. Atzmon, Gilad. 2014. What is Wrong With Gareth Porter? Đăng 21-10-2014.
http://mwcnews.net/focus/politics/47301-gareth-porter.html (truy cập 12-11-2014).
3. Braestrup, Peter. 1994. Big Story – How the American Press and Television Reported and Interpreted the Crisis of Tet 1968 in Vietnam and Washington. Abridged Edition. Presidio Press, California, U.S.A.
4. Bùi Phụng. 2000. Từ điển Việt-Anh (Vietnamese-English dictionary). Thế Giới. Vietnam.
5. Cao-Đắc, Tuấn. 2014a. Fire in the Rain. Hellgate Press, Oregon, U.S.A.
6. _______. 2014b. Lửa Cháy Trong Mưa. Hellgate Press, Oregon, U.S.A.
7. _______. 2014c. Những lừa đảo lịch sử của Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam. Đăng 2-10-2014.
http://danlambaovn.blogspot.com/2014/10/nhung-lua-ao-lich-su-cua-ho-chi-minh-va.html (truy cập 11-11-2014).
8. Duiker, William J. 2000. Ho Chi Minh – A Life, Hyperion, New York, U.S.A.
9. Đặng Phong. 2005. Lịch sử kinh tế Việt Nam tập hai (Giai đoạn 1955-1975), Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, Việt Nam.
10. Herman, Edward and D. Gareth Porter. 1975. The Myth of the Hue Massacre. Ramparts, Vol. 12, No. 8, May-June 1975. Also available at
http://msuweb.montclair.edu/~furrg/Vietnam/huemyth/mythofhuemassacre.pdf(truy cập 10-11-2014).
11. Hoang Van Chi. 1964. From Colonialism to Communism. Frederick A. Praeger, New York, U.S.A.
12. _______. 1972. Hoang Van Chi’s Reply to Gareth Porter.
http://www.paulbogdanor.com/deniers/vietnam/chi.pdf (truy cập 12-11-2014).
13. Hosmer, Stephen T. 1970. Viet Cong repression and its implications for the future. The Rand Corporation. Available at
http://www.rand.org/content/dam/rand/pubs/reports/2008/R475.1.pdf (truy cập 10-11-2014).
14. Joseph, Paul. 1993. Direct and Indirect Effects of the Movement Against the Vietnam War, in “The Vietnam War: Vietnamese and American Perspectives,” edited by Jayne Susan Werner and Luu Doan Huynh, M.E. Sharpe, Inc., New York, U.S.A.
15. Nguyễn Mạnh Tường. 1956. Qua những sai lầm trong Cải cách Ruộng đất - Xây dựng quan điểm lãnh đạo (Errors in the land reform – Constructive opinion on leadership). Speech read in meeting of Fatherland Front, Hanoi, October 30, 1956.
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=4412&rb=0505 (truy cập 9-11-2014).
16. Nguyễn Mạnh Tường. 2011. Kẻ Bị Khai Trừ - Hà Nội 1954-1991: Vụ án một trí thức (An excommunicated – Hanoi 1954-1991: The trial of an intellectual). TiếngQuêHương, Virginia, U.S.A.
17. Porter, Gareth D. 1973a. The Myth of the Bloodbath: North Vietnam’s Land Reform Reconsidered. Bulletin of Concerned Asian Scholars, September 1973, pp. 2-15.
http://msuweb.montclair.edu/~furrg/Vietnam/portermyth73.pdf (truy cập 9-11-2014).
18. _______. 1973b. Testimony of D. Gareth Porter: Hearing Before the Subcommittee to Investigate the Administration of the Internal Security Act and Other Internal Security Laws, 27 July 1973, Folder 18, Box 07, Douglas Pike Collection: Unit 11 - Monographs, The Vietnam Center and Archive, Texas Tech University.
http://www.vietnam.ttu.edu/virtualarchive/items.php?item=2390718001 (truy cập 9-11-2014).
19. _______. 1974. The 1968 ‘Hue Massacre.’ Indochina Chronicle, No. 33, June 24, 1974, pp 2-13.
http://msuweb.montclair.edu/~furrg/Vietnam/porterhueic74.pdf (truy cập 9-11-2014).
20. Teodoru, Daniel E. 1973. The Human Cost of communism in Vietnam-II: The Myth of No Bloodbath, 05 January 1973, Folder 13, Box 02, John Donnell Collection, The Vietnam Center and Archive, Texas Tech University.
http://www.vietnam.ttu.edu/virtualarchive/items.php?item=0720213019 (truy cập 9-11-2014).
21. Turner, Robert F. 1972. Expert Punctures ‘No Bloodbath’ Myth. Human Events, Nov. 11, 1972.
http://www.paulbogdanor.com/deniers/vietnam/turner.pdf (truy cập 10-11-2014).
22. Vennema, Alje. 1976. The Viet Cong Massacre at Hue, Vantage Press, New York, U.S.A., 1976.
23. Villard, Erik. 2008. The 1968 Tet Offensive Battles of Quang Tri City and Hue. U.S. Army Center of Military History.
http://www.history.army.mil/html/books/vietnam/tet_battles/tet.pdf (truy cập 12-11-2014).
24. Wikipedia. 2014a. Gareth Porter. Thay đổi chót: 29-9-2014.
http://en.wikipedia.org/wiki/Gareth_Porter (truy cập 9-11-2014).
25. _______. 2014b. Thảm sát Huế Tết Mậu Thân. Thay đổi chót: 9-11-2014.
http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A3m_s%C3%A1t_Hu%E1%BA%BF_T%E1%BA%BFt_M%E1%BA%ADu_Th%C3%A2n (truy cập 10-11-2014).
26. _______. 2014c. Massacre at Huế. Thay đổi chót: 19-10-2014.
http://en.wikipedia.org/wiki/Massacre_at_Hu%E1%BA%BF (truy cập 10-11-2014).
© 2014 Cao-Đắc Tuấn
http://danlambaovn.blogspot.com/2014/11/cac-bai-ve-huyen-thoai-tam-mau-o-viet.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét