(Phát biểu ngày 28 - 8 - 1963, tại Đài Tưởng
niệm Tổng thống Lincoln, Washington D. C)
Martin Luther King (1929 - 1968) |
Một trăm năm trước đây, một người
Mỹ vĩ đại mà hôm nay chúng ta đang đứng dưới bóng tượng đài của Người - đã ký vào
Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ. Văn kiện trọng đại này ra đời như ánh sáng của
ngọn hải đăng vĩ đại cho niềm hi
vọng của hàng triệu người nô lệ da đen, những con người đã bị đóng dấu sắt nung
trong ngọn lửa của sự khinh miệt
một cách bất công. Nó đã đến như ánh bình minh tươi đẹp để kết thúc đêm dài tăm
tối của những kiếp đời bị giam hãm trong vòng nô lệ.
Nhưng một trăm năm sau, người da
đen vẫn chưa được tự do. Một trăm năm sau, cuộc sống của người da đen vẫn còn
què quặt một cách đáng buồn do gông cùm của sự chia cắt và xiềng xích của nạn kỳ thị. Một trăm
năm sau, người da đen vẫn sống trên hoang đảo của nghèo khó ngay giữa lòng đại
dương bao la của phồn vinh vật chất. Một trăm năm sau, người da đen vẫn tàn lụi
trong những xó tối của xã hội Mỹ và nhận ra rằng họ chỉ là những kẻ bị lưu đày
ngay trên mảnh đất của chính mình. Và vì vậy hôm nay, chúng ta có mặt ở đây để
nói lên câu chuyện về những điều kiện sống ô nhục ấy.
Có thể nói, chúng ta đã đến gặp
nhau tại thủ đô của đất nước này để đòi một món nợ. Khi những kiến trúc sư của
nền Cộng hòa viết lên những lời tráng lệ cho Hiến pháp và Tuyên ngôn Độc lập,
họ đã ký vào một bản cam kết mà tất cả mọi người Mỹ đều được thừa hưởng. Lời
hứa ấy là tất cả mọi người
– vâng, người da đen cũng như người da trắng - cần được bảo đảm được hưởng
những "quyền bất khả nhượng" là "quyền được sống, được hưởng tự
do, và mưu cầu hạnh phúc" ...
Hiển nhiên là ngày nay nước Mỹ đã
không làm được điều cam kết đáng lẽ phải thực hiện ấy, khi màu da của công dân
vẫn còn là điều người ta phải bận tâm. Thay vì phải vinh danh nghĩa vụ thiêng
liêng ấy, nước Mỹ đã cho người da đen một tấm ngân phiếu tồi, một thứ ngân
phiếu khi mang ra ngân hàng thì bị trả lại với dòng chữ: “không đủ tiền trong
tài khoản”.
Nhưng chúng ta từ chối tin rằng
ngân hàng công lý đã phá sản. Chúng ta không tin rằng kho tàng cơ hội lớn lao
của đất nước này lại không đủ nguồn bảo chứng. Và vì vậy chúng ta đến đây để
đổi tấm ngân phiếu này thành tiền, một tấm ngân phiếu đã cho phép chúng ta đòi
hỏi sự phong phú cho tự do và sự an toàn cho công lý.
Chúng ta cũng đã đến nơi linh
thiêng này để nhắc nhở nước Mỹ về sự khẩn thiết khắc nghiệt của Hiện
tại. Không còn thời gian để xa xỉ cho việc xoa dịu hay dùng liều thuốc
trấn an bằng cách chủ trương thay đổi từ từ. Bây
giờ là lúc biến lời hứa dân chủ thành hiện thực. Bây giờ là lúc trỗi dậy từ
bóng tối và thung lũng hoang tàn của sự chia rẽ để tiến tới con đường rực rỡ ánh mặt
trời của công bằng chủng tộc. Bây giờ là lúc vực đất nước chúng ta khỏi vũng
lầy của bất công chủng tộc mà đặt lên nền đá vững chãi của tình huynh đệ. Đã
đến lúc biến công lý thành hiện thực cho tất cả con dân của Chúa.
Thật là tai họa cho đất nước nếu
chúng ta không lưu ý đầy đủ tính khẩn thiết của thời khắc này. Mùa hạ oi nồng
với những bất bình chính đáng này của người da đen sẽ không qua đi nếu mùa thu
lành mạnh của tự do và bình đẳng còn chưa đến. 1963 không phải là năm kết thúc,
mà là một sự khởi đầu. Và những ai hy vọng rằng người da đen cần xả sự phẫn nộ
và giờ đây sẽ hài lòng, là những người sẽ tỉnh ngộ nếu đất nước chúng ta vẫn
quay lại cách xử sự với công dân của mình như trước đây và hiện nay. Và sẽ
không có sự ngơi nghỉ, cũng không có sự thanh bình nào trên đất nước Mỹ chừng
nào người da đen còn chưa được bảo đảm quyền công dân của mình. Cơn lốc nổi
loạn sẽ tiếp tục làm rung chuyển tận gốc rễ nền tảng của đất nước chúng ta cho
đến ngày công lý chói lòa xuất hiện.
Nhưng
có một điều tôi cần phải nói với dân tộc của tôi - những người đang đứng
trên bậc thềm ấm áp dẫn tới lâu đài công lý: Trong hành trình đòi lại ngôi
vị chính đáng của mình, chúng ta không được mắc lỗi vì làm những điều
sai quấy. Chúng ta đừng tìm cách thỏa mãn cơn khát tự do của mình bằng
cách uống ly nước của cay đắng và thù hận. Chúng ta luôn phải thực hiện cuộc
tranh đấu của mình trên tầm cao của phẩm giá và kỷ luật. Chúng ta
không được để những phản kháng đầy sáng tạo của mình biến thành
những cuộc bạo động. Một lần nữa và môt lần nữa, chúng ta phải vươn tới những tầm cao
tráng lệ huy hoàng trong việc kết hợp sức mạnh vật chất với sức mạnh tâm
hồn của chúng ta.
Tinh
thần chiến đấu mới mẻ phi thường tràn ngập trong cộng đồng người da đen không
được dẫn dắt chúng ta đến sự mất lòng tin đối với tất cả những người da trắng, vì nhiều người anh em da trắng của
chúng ta, bằng chứng là họ đang có mặt tại đây, đã nhận ra rằng số
phận của họ gắn liền với số phận của chúng ta. Và họ đã nhận thức được
rằng tự do của họ gắn kết không thể tách rời với tự do của chúng ta.
Chúng
ta không thể tiến lên một mình.
Và
khi lên đường, chúng ta phải tuyên thệ rằng chúng ta sẽ luôn luôn tiến về phía
trước.
Chúng
ta không thể thoái lui.
Sẽ
có kẻ hỏi những người đòi các quyền của công dân rằng: “Khi nào thì các bạn
mới thoả mãn?”. Chúng ta không bao giờ có thể thoả mãn chừng nào người da
đen vẫn còn là nạn nhân của những
nỗi kinh hoàng không thể nói thành lời, kết quả sự lạm dụng công quyền của
cảnh sát. Chúng ta không bao giờ có thể thoả mãn chừng nào tấm thân mỏi mệt
đường xa của chúng ta còn không thể tìm được một chỗ nghỉ ngơi trong các
nhà khách trên xa lộ hay ở các khách sạn trong thành phố. Chúng ta không
bao giờ có thể thoả mãn khi nào sự thay đổi nơi ở của người da đen
vẫn chỉ chủ yếu là từ các khu ổ chuột nhỏ đến các khu ổ chuột lớn hơn.
Chúng ta không bao giờ có thể thoả mãn chừng nào con cái chúng ta còn bị
tước đi cá tính và bị cướp mất nhân phẩm bởi những tấm biển ghi dòng chữ:
“Chỉ dành cho người da trắng”. Chúng ta sẽ không thể nào thoả mãn chừng
nào một người da đen nào đó ở Mississippi vẫn không có quyền bầu cử hay
một người da đen nào đó ở New York vẫn còn tin rằng mình có đi bầu cũng
chẳng để làm gì. Không! Không! Chúng ta không thoả mãn, và chúng ta sẽ
không bao giờ thoả mãn cho đến khi “Công lý cuồn cuộn tuôn trào như nước
lũ, và lẽ phải tràn dâng như một dòng thác huy hoàng”.
Tôi
không quên rằng trong các bạn có người đã đến đây khi vừa thoát khỏi những bản
án nặng nề và đã trải qua nhiều
đau khổ. Có người vừa ra khỏi những xà lim chật hẹp của chốn ngục tù. Có
người đã đến từ những nơi mà cuộc tìm kiếm tự do của các bạn đã khiến các bạn
bị ngược đãi trong cơn bão đàn áp và lảo đảo trong cơn lốc lạm quyền của
cảnh sát. Các bạn là những cựu binh chịu đau đớn để tạo ra thay đổi. Hãy
tiếp tục những việc các bạn đang làm với niềm tin rằng những đau đớn không
đáng có đó sẽ cứu vãn mọi việc. Hãy trở về Mississippi, hãy trở về
Alabama, hãy trở về South Carolina, hãy trở về Georgia, hãy trở về
Louisiana, hãy trở về những khu ổ chuột, những khu biệt cư ở các thành phố
phía bắc của chúng ta, với nhận thức rằng
bằng cách này hay cách khác, tình cảnh này có thể thay đổi được và nhất định sẽ
phải thay đổi.
Chúng ta đừng đắm mình trong
thung lũng tuyệt vọng, hôm nay, tôi muốn nói với các bạn như thế đấy, hỡi các
bạn của tôi.
Và ngay cả khi chúng ta phải đối
đầu với muôn ngàn khó khăn hôm
nay và ngày mai, tôi vẫn có một ước mơ. Đó là một ước mơ có cội nguồn sâu xa từ
giấc mơ Mỹ.
Tôi có một ước mơ, rồi sẽ có một
ngày đất nước này trỗi dậy để sống với ý nghĩa thật của niềm xác tín của chính
mình: "Chúng ta sẽ giữ cho sự thật này luôn là một sự thật hiển nhiên
không cần phải chứng minh: rằng tất cả mọi
người sinh ra đều có quyền bình đẳng".
Tôi có một ước mơ, sẽ có một ngày
nào đó trên những ngọn đồi đất đỏ vùng Georgia,
con cái của những người từng là nô lệ và con cái của những người từng là chủ nô
sẽ có thể ngồi lại bên nhau quanh bàn ăn của tình huynh đệ.
Tôi có một ước mơ, rồi sẽ có một
ngày ngay cả Mississippi, nơi đang hầm hập hơi nóng bất công và áp bức, cũng sẽ chuyển mình để trở nên
vùng đất màu mỡ của tự do và công bằng.
Tôi có một ước mơ, bốn đứa con
thơ dại của tôi rồi sẽ có một ngày được sống trong một đất nước mà người ta sẽ
không còn phán xét nó qua màu da, mà qua nội dung nhân cách của nó.
Hôm nay tôi có một giấc mơ!
Tôi có một giấc mơ, rồi sẽ có một
ngày, tiểu bang Alabama, với nạn phân biệt chủng tộc khắc nghiệt, với chính
quyền bang đang nhỏ giọt những lời đầu môi về “sự can thiệp”, “sự hủy bỏ” nạn
phân biệt chủng tộc - một ngày nào đó những đứa bé trai, bé gái da đen ở
Alabama sẽ có thể nắm tay những đứa bé trai, bé gái da trắng như những người
anh em ruột thịt.
Hôm nay tôi có một giấc mơ!
Tôi có một giấc mơ, một ngày nào
đó mọi thung lũng sẽ được nâng
cao, mọi đồi núi sẽ bị hạ thấp, những chỗ lồi lõm sẽ được san bằng, những chỗ
quanh co sẽ được làm cho ngay thẳng, và “hào quang của Chúa sẽ hiển lộ để mọi
loài tạo vật trần gian sẽ được cùng nhau chiêm ngưỡng”.
Đó là niềm hy vọng của chúng ta,
và đó là niềm tin mà tôi ấp ủ khi trở về miền Nam .
Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ có
thể băm nát ngọn đồi tuyệt vọng thành những viên đá tảng của niềm hy vọng. Với
niềm tin ấy, chúng ta sẽ có thể biến tiếng kêu chói tai của mối bất hòa trong
đất nước chúng ta thành bản giao hưởng tuyệt
vời của tình huynh đệ. Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ có thể làm việc cùng nhau,
cầu nguyện cùng nhau, tranh đấu cùng nhau, ra tòa cùng nhau, cùng nhau đứng
thẳng người lên vì tự do, với nhận thức rằng
một ngày nào đó, chúng ta nhất định sẽ được tự do.
Và đó sẽ là ngày tất cả con dân
của Chúa có thể cất lên lời ca với một ý nghĩa mới:
Đất nước của tôi là đất nước của
anh, vùng đất ngọt ngào của tự do, vì Người mà tôi cất lên lời ca tiếng hát;
Mảnh đất ở đó cha tôi đã qua đời, niềm kiêu
hãnh của những người hành hương;
Hãy để cho tự do ngân vang từ mỗi
ngọn đồi;
Hãy để cho tự do ngân vang từ những đỉnh đồi kỳ vĩ của New Hampshire .
Hãy để cho tự do ngân vang từ những
rặng núi uy nghi của New York .
Hãy để cho tự do ngân vang từ đỉnh
cao dãy núi Allegheny của Pennsylvania .
Hãy để cho tự do ngân vang từ đỉnh
Rockies đầy tuyết của Colorado .
Hãy để cho tự do ngân vang từ những
sườn đồi dốc đứng của California .
Nhưng không chỉ có thế:
Hãy để cho tự do ngân vang từ Đồi Đá của Georgia .
Hãy để cho tự do ngân vang từ Đồi Lookout của Tennessee .
Hãy để cho tự do ngân vang từ mọi ngọn đồi, mọi gò đất của Mississippi .
Từ tất cả núi đồi, hãy để cho tự
do ngân vang!
Khi điều ấy xảy ra, khi chúng ta
để cho tự do ngân vang, khi tự do ngân vang từ mọi ngôi làng, mọi xóm ngõ, mọi
thành phố, mọi tiểu bang, chúng ta sẽ có thể đem ngày ấy đến nhanh hơn, ngày mà
mọi đứa con của Chúa, da đen hay da trắng, người Do thái hay người vô thần,
người Tin lành hay người Công giáo, đều sẽ có thể nắm tay nhau mà hát lên bài
ca của người da đen xưa kia:
Rốt cuộc chúng ta đã có tự do!
Rốt cuộc chúng ta đã có tự do!
Tạ ơn Chúa Toàn năng, cuối cùng,
chúng ta đã là người Tự do!
Martin Luther
King
Các vị thánh thế kỷ 20 tại Tu viện Westminster, (từ trái) Mẹ Elizabeth của Nga, Mục sư Martin Luther King, Jr., Tổng Giám mục Oscar Romero, và Mục sư Dietrich Bonhoeffer. |
Dịch
giả: Phạm Thị Ly (dịch xong ngày 20-1-2012)
Ghi chú: Xin vui lòng dẫn nguồn www.lypham.net
khi đăng lại bài dịch này. Xin cảm ơn !
Nguồn: http://lypham.net/joomla/index.php?option=com_content&task=view&id=250&Itemid=2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét