TỰA
Tôi bắt đầu quan tâm tìm
hiểu nước Mỹ từ ngày 11 Tháng Chín 2001,
khi xảy ra vụ tấn công khủng bố nhằm vào
nước Mỹ. Trước đó nhiều năm, tôi thường cảm thấy khó chịu khi nghe thấy bất
kỳ ai ca tụng nước Mỹ. Những người có trí óc lành mạnh sẽ hiểu được tại sao mà không cần phải nghe tôi giải
thích.
Suốt nhiều năm trước ngày 11 Tháng Chín 2001, tôi
thường được nghe nói rằng nước Mỹ là một
đế quốc hiếu chiến chuyên phát động chiến tranh xâm lược nước khác, giàu có nhờ cướp bóc nước khác, văn minh nhờ nô dịch nước khác, v. v.. Tóm lại, nước Mỹ rất đáng sợ đối với nhiều người!
Nhưng vụ tấn công khủng
bố xảy ra vào ngày 11 Tháng Chín 2001 đã làm cho tôi thay đổi triệt để về nhận thức. Tôi bắt đầu nêu lên những câu hỏi nghiêm túc về nước Mỹ: Tại
sao nước Mỹ giàu có? Tại sao nước Mỹ văn minh? Tại sao nước Mỹ hùng mạnh? Vân
vân. Rồi cuối cùng tại sao nước Mỹ bị tấn công khủng bố nhiều lần mà lần đau
đớn nhất xảy ra vào ngày 11 Tháng Chín 2001? Tôi không dừng lại ở đó mà còn tự
tìm kiếm câu trả lời chính xác cho những câu hỏi kia. Việc tìm kiếm nghiêm túc
đã được đền đáp xứng đáng: câu trả lời chính xác không nằm trong vũ khí của
nước Mỹ, cũng không nằm trong tiền bạc của nước Mỹ, mà nằm trong Hiến pháp của nước Mỹ! Chính Hiến pháp
của nước Mỹ đã làm cho nước Mỹ giàu có, văn minh, hùng mạnh, v. v., nhưng cũng
chính Hiến pháp của nước Mỹ đã làm cho nước Mỹ bị căm ghét rồi bị tấn công bởi
các thế lực đen tối trên khắp thế giới!
Sau khi đã xác lập được
một niềm tin chắc chắn như vậy, tôi bắt tay vào viết tác phẩm này *).
Tôi viết không phải để
tâng bốc bất cứ một dân tộc nào, cũng không phải để chê bai bất cứ một dân tộc
nào, mà chỉ để nói lên một sự thật giản
dị trong nhiều sự thật khác nhau! Cũng như Charles de Secondat Montesquieu, tôi tin tưởng chắc chắn rằng: “Mỗi
dân tộc đều tìm kiếm được lý do của các kỷ cương trong dân tộc mình. Và chỉ những người thông minh bẩm sinh, hiểu thấu hiến pháp
nước nhà mới kiến nghị được những điều thay đổi. Đó là lẽ tự nhiên” 1*).
Bất cứ một dân tộc nào
cũng bị phân hoá thành nhiều giai cấp khác nhau hoặc nhiều thành phần khác nhau.
Nhưng dù bị phân hoá như thế nào với mức độ nào cũng luôn luôn có sự cân bằng thế lực giữa các giai cấp khác nhau hoặc các thành phần khác nhau trong từng dân tộc nhất định; chẳng hạn, các
nhà giàu thường chỉ có một số ít người
nhưng lại sở hữu đại đa số của cải,
hoặc ngược lại, các nhà nghèo thường phải có đại đa số nhưng lại chỉ sở hữu một
số ít của cải mà thôi. Vấn đề quan trọng nhất là liệu người ta có hay không nhận thức được sự cân bằng đó? Nếu tất cả mọi người hoặc đại đa số người nhận thức được sự cân
bằng đó thì sẽ có một hiến pháp thật sự có giá trị dân chủ hoặc một hiến pháp bảo đảm khắc phục được mọi sự bất bình đẳng
bằng sự bình đẳng chính trị; ngược
lại, nếu chỉ có một số ít người nhận
thức được sự cân bằng đó thì sẽ không thể có một hiến
pháp thật sự có giá trị dân chủ mà chỉ có thể có một hiến pháp có giá trị pháp lý hết sức bấp bênh. Vậy một hiến pháp có giá trị như thế nào sẽ phụ thuộc vào nhận
thức nhiều hơn phụ thuộc vào các điều kiện khác. Đó chính là lý do đích thực để C. S. Montesquieu đã xác quyết chắc chắn rằng:
“Nhân dân cần được soi sáng, đó là
điều mà ta chớ thờ ơ. Những định kiến của các nhà cầm quyền thường bắt đầu từ định
kiến của dân tộc. Thuở còn dốt nát, người ta chẳng hoài nghi gì ngay cả khi làm điều bậy
bạ nhất. Đến thời sáng suốt, người ta còn run lên khi đã làm điều tốt đẹp nhất.
Người ta biết điều lạm dụng ngày xưa đồng thời cũng tìm thấy cách sửa chữa, nhưng người ta còn thấy cả sự lạm dụng
ngay trong khi sửa chữa nữa; người ta để
nguyên cái xấu khi sợ cái tồi tệ hơn;
người ta giữ cái tốt vừa phải một khi còn hoài nghi cái ưu việt hơn; người ta chỉ nhìn vào cái cục bộ để
phán đoán cái tổng thể; người ta xem xét
mọi nguyên nhân để nhìn cho ra những kết quả.
Tôi sẽ vui sướng nhất
đời nếu có cách gì làm cho mọi người đều thích thú với nhiệm vụ của mình, để
yêu nhà vua 2*), yêu tổ quốc, yêu luật
pháp của mình; làm cho mọi người cảm nhận sâu hơn niềm hạnh phúc ngay trong xứ
sở, trong nền cai trị, trong cương vị công tác của mình.
Tôi cũng sẽ vui sướng
nhất đời nếu có cách gì làm cho nhà cầm quyền tăng thêm được tri thức về những
công việc được quản lý bởi chính họ, làm cho người thừa hành thêm hứng thú khi
tuân lệnh.
Tôi cũng sẽ vui sướng
hơn nữa nếu có cách gì làm cho người đời chữa khỏi thành kiến. Thành
kiến, theo tôi, không phải vì người ta không biết một điều gì đó mà vì người ta
không tự biết chính mình!
Trong khi giáo dục người
đời, ta mới hiểu được lòng bác ái.
Người là loài có thể uốn nắn được, họ bị uốn nắn theo
tư tưởng của người khác trong xã hội, nếu có người chỉ
dẫn chỉ ra cho họ thì họ có thể hiểu biết
được chính mình; nhưng khi bị tước đoạt, họ có thể bị mất cả cảm giác về bản chất của chính mình!” 3*).
Chính nhờ biết tiếp nhận
ánh sáng được phát ra từ C. S. Montesquieu mà nước Mỹ đã tạo ra được Một Hiến pháp vừa Thông minh vừa Công bằng
để thường xuyên có Một Chính phủ Khôn
ngoan (khôn tinh với người nước ngoài nhưng ngoan ngoãn với nhân dân trong
nước) rồi chính nhờ đó mà nước Mỹ trở thành một quốc gia thịnh vượng như ngày
nay bất chấp nhiều mối đe doạ nghiêm trọng đang rình rập nước Mỹ!
Tuy nhiên, C. S.
Montesquieu chỉ đề xuất quy chế phân lập
tam quyền nhưng không xác lập các
điều kiện cần thiết cho quy chế đó tồn tại, ông chỉ giải thích luật lệ tồn
tại như thế nào nhưng không giải
thích tại sao luật lệ lại tồn tại như
thế, ông chưa giải thích tại sao cần
phải xác lập quy chế phân lập tam quyền cùng với các điều kiện cần thiết cho
quy chế đó tồn tại.
Với tác phẩm này, tôi
muốn bù đắp những thiếu sót đó bằng bản
tính vị kỷ vốn có ở mọi cá nhân.
Trên cơ sở đó, tôi muốn góp phần nhỏ bé làm cho quý độc giả hiểu được Hiến pháp Mỹ chính là Tâm hồn Mỹ, Trí tuệ Mỹ và Sức mạnh Mỹ,
để quý độc giả có thể tin rằng, trong một thế giới đang toàn cầu hoá, phương cách tốt nhất để giao thiệp với nước
Mỹ là hợp tác chân thành với nước Mỹ để giải quyết những vấn đề toàn cầu đồng
thời giải quyết những vấn đề riêng cho mình. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ
Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập
của nước Mỹ trong Tuyên ngôn Độc lập
của Việt nam để đọc vang lên tại Quảng trường Ba đình vào Sáng ngày 2 Tháng
Chín 1945 !
Hà nội, ngày 11 Tháng
Chín 2011.
Tác giả: J. B. Hàvăn Huytoàn.
Kỷ niệm mười năm ngày xảy ra vụ tấn công khủng
bố nhằm vào nước Mỹ.
*)
Thật ra, tác phẩm này được rút tỉa từ một tác phẩm khác lớn hơn rất nhiều nói
về một chủ đề rộng lớn hơn rất nhiều so với tác phẩm này.
1*) Charles de Secondat Montesquieu: Tinh thần Pháp luật. Bản dịch Việt ngữ
của Hoàng Thanh Đạm, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà nội 1996, Lời tựa, trang 35. Nhà
xuất bản Lý luận Chính trị trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia tại Hà nội
cũng đã xuât bản bản dịch này vào năm 2006, đoạn trích trên ở trang 32.
2*) Nhà vua ở đây phải được hiểu theo ý
nghĩa rộng nhất: tức là nhà cầm quyền nói
chung, chứ không phải chỉ là một ông vua nắm toàn quyền cai trị.
3*) C. S. Montesquieu: Sách đã dẫn, Lời tựa. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà nội 1996, từ trang 35
đến trang 36. Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, Hà nội 2006, từ trang 32 đến
trang 33.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét