Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

ĐẤU TRANH ÔN HÒA

Trên www.wikipedia.org, người ta nói về đấu tranh ôn hòa hoặc đấu tranh bất bạo động như sau:
Đấu tranh bất bạo động là một hình thức đấu tranh không dùng vũ khí dùng số đông quần chúng và chính nghĩa của họ làm sức mạnh để áp lực và hóa giải một thế lực mạnh hơn gấp nhiều lần.
Mahatma Gandhi được coi là người đầu tiên áp dụng thể đấu tranh này để giải phóng dân tộc Ấn độ khỏi sự đô hộ của Thực dân Anh mà dân chúng Ấn độ không phải hy sinh một giọt máu nào cho sự độc lập của quốc gia họ. Đấu tranh bất bạo động cũng được biết đến từ cuộc nổi dậy của sắc dân da đen ở Mỹ được lãnh đạo bởi Tiến sỹ Martin Luther King, và cũng đã được áp dụng bởi nhiều dân tộc trên thế giới, như các nước ở Đông Âu châu và hàng loạt các nước khác trong Liên bang Soviet, làm tan rã chính Liên bang Soviet.
Đây là một phương pháp đấu tranh bất bạo động nhưng không thụ động. Nó không phải là không hành động. Nó là hành động không dùng bạo lực, nhưng đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm cao độ, đòi hỏi một chính nghĩa để có được sự ủng hộ của số đông.
Các ứng dụng của đấu tranh bất bạo động. Đấu tranh bất bạo động có thể và đã được dùng để:
1/ Cải thiện một khiếm khuyết trong xã hội như các cuộc đình công của công nhân hoặc bày tỏ một quan điểm của mình về một vấn đề nào đó, như vụ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
2/ Lật đổ một nhà độc tài, một thể chế chính trị không vừa lòng dân: có phạm vi rộng lớn, với sự tham gia của nhiều thành phần quần chúng.
Các nguyên tắc của đấu tranh bất bạo động. Đây là một biện pháp hữu hiệu cho một khối đông yếu thế chống lại một thiểu số có quyền lực trong tay.
Có nhiều phương thức đấu tranh bất bạo động nhưng tựu trung có thể bao gồm các nguyên tắc sau:
1/ Bất tuân dân sự, tức là người tham gia đấu tranh có thể từ chối thực hiện những việc mà họ vẫn thường làm, hoặc được trông đợi sẽ làm, hoặc bắt buộc phải làm theo yêu cầu của pháp luật.
2/ Hành động cố ý thực hiện, tức là người tham gia đấu tranh có thể thực hiện những việc mà họ thường không làm, hoặc không được trông đợi sẽ làm, hoặc bị cấm thực hiện, như các cuộc đình công, biểu tình của dân chúng, v. v..
3/ Thuyết phục và thương lượng để bắt đối phương chấp nhận các điều kiện của mình. Sự thể này chỉ thực hiện được ở giai đoạn cuối cùng, khi phe đối lập đã bị dồn vào thế phải nhượng bộ.
Những phương cách hành động:
1/ Nêu tội danh (Naming): các tổ chức không chính phủ, các cơ quan truyền thông, các quốc gia đơn lẻ, các tổ chức quốc tế có thể đóng vai trò quyết định trong việc nêu rõ những vi phạm nhân quyền và việc không thực thi dân chủ của các nhà độc tài. Họ có thể thu thập tin tức, trình bày từng trường hợp cá biệt và gây chú ý cho quần chúng. Amnesty International (Ân xá Quốc tế), Human Rights Watch và các tổ chức nhân quyền khác đóng một vai trò đặc biệt can đảm và quan trọng trong lĩnh vực này.
2/ Lên án (Shaming): vào thời buổi văn hóa trở thành toàn cầu, các nhà độc tài ít nhất cũng mong muốn bày tỏ tính cách chính thống của họ. Các thế lực quốc tế có thể phơi bày những hành động xấu xa của các bạo chúa và phủ nhận công khai những hành vi của họ.
3/ Cố vấn chiến lược (Strategic advice): không phải tất cả mọi phương thức nào cũng được áp dụng cho tất cả mọi trường hợp. Phần tìm hiểu học tập về những phương thức sẵn có giúp khai mở những đường hướng mới cho một phong trào dân chủ. Những tổ chức bất bạo động đề nghị một số phương thức phân phối thông tin, trong đó kể đến việc tán phát một tập san về chiến lược đấu tranh bất bạo động và chương trình phát thanh hướng dẫn đối kháng dân sự. Việc huấn luyện có tính cách quyết định.
Hỗ trợ vật liệu cho những dự án đặc biệt (Material Assistance For Specific Projects): trong giai đoạn khởi sự, hỗ trợ là việc làm cần thiết, ví dụ để trang bị vật liệu in ấn và phân phối tin tức. Hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ khác để giúp các tổ chức dân sự làm việc và vận hành tốt là một việc làm cần thiết.
Tiến sỹ Gene Sharp, một viện sỹ của Học viện Albert Einstein, đã tổng hợp kinh nghiệm đấu tranh bất bạo động hữu hiệu của nhiều dân tộc trên toàn thế giới đã đưa ra bảng liệt kê gần 200 phương cách đấu tranh trong cuốn sách của ông: From Dictatorship To Democracy.
Trên tổng thể, các phương cách này dựa vào 4 phương thức lớn sau:
1/ Phương thức phản đối và thuyết phục bất bạo động, phương thức bất tuân dân sự.
2/ Phương thức bất hợp tác kinh tế:
a) Tẩy chay kinh tế.
b) Đình công.
3/ Phương thức bất hợp tác chính trị.
4/ Phương thức can dự bất bạo động.
Bài viết này có một số thiếu sót nghiêm trọng:
1/ Mahatma Gandhi là người đầu tiên áp dụng đấu tranh bất bạo động nhưng không phải là người đầu tiên xác lập phương thức đấu tranh này. Người đầu tiên xác lập phương thức đấu tranh này chính là Chúa Jesus (Jesus Christ) ở Israel vào đầu Công nguyên hoặc ít nhất cũng có trong Kinh thánh, sau đó được khái quát thành một lý thuyết chính trị bởi Henry David ThoreauMỹ vào khoảng giữa thế kỷ XIX.
2/ Phương thức đấu tranh nào cũng có nền tảng triết lý tương ứng, đấu tranh bất bạo động cũng thế, nó đòi hỏi phải có một lý thuyết khoa học về chế độ dân chủ, giải đáp được thấu đáo các vấn đề hệ trọng, như: Dân chủ là gì? Làm thế nào để có dân chủ? v. v.. Thực tế đã cho thấy rằng đấu tranh bất bạo động chỉ đạt được kết quả mỹ mãn ở những nước nào đã có đầy đủ một triết lý khoa học về chế độ dân chủ.
3/ Gene Sharp cũng có một số thiếu sót cần phải được khắc phục: ông đã suy diễn bằng kinh nghiệm thực tế nhiều hơn lập luận bằng khái quát trừu tượng dẫn đến coi trọng sức mạnh vật lý hơn sức mạnh luân lý. Sự thể này chắc chắn mâu thuẫn với đấu tranh bất bạo động vốn đòi hỏi phải coi trọng sức mạnh luân lý hơn sức mạnh vật lý.
Có nhiều nhà lãnh đạo cùng với các nhà tư tưởng đã từng xem xét bất bạo động về cả tinh thần lẫn thực tiễn, như: Lev Nikolayevich Tolstoy, Lech Wałesa, Petra Kelly, Thích Nhất Hạnh, Dorothy Day, Ammon Hennacy, Albert Einstein, John Howard Yoder, Stanley Hauerwas, David McReynolds, Johan Galtung, Martin Luther King, Mohandas Karamchand Gandhi, Daniel Berrigan, Khan Abdul Ghaffar Khan, Mario Rodríguez CobosCésar Chávez, v. v..
Ở Việt nam, đấu tranh bất bạo động đã từng được đề xuất bởi một số ít trí thức đầu tiên mà điển hình nhất phải thuộc về Phan Chu TrinhPhạm Quỳnh nhằm giải phóng dân tộc mình khỏi chế độ thực dân Pháp. Tiếp nhận ảnh hưởng tư tưởng từ Phong trào Khai minhTây phương, Phan Chu Trinh chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, tức là trước hết phải mở mang tri thức cho nhân dân rồi mới có thể làm cho nhân dân no ấm hoặc giàu có, nhờ đó làm cho quốc gia hùng mạnh; ông nhấn mạnh rằng: “bất bạo động, bạo động tắc tử; bất vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu!”, tức là không dùng bạo lực, dùng bạo lực ắt sẽ chết; không đợi chờ bên ngoài giúp đỡ, đợi chờ bên ngoài giúp đỡ là ngu; hoặc có thể được hiểu rằng nếu đấu tranh thì phải đấu tranh bằng ý chí hoặc các biện pháp ôn hoà đồng thời phải dựa vào chính mìnhkhông được dựa vào người khác. Chính chủ trương này đã làm cho Phan Chu Trinh trở thành nhà tư tưởng lớn nhất tại Việt nam từ trước đến nay. Phạm Quỳnh tiếp tục phát triển Phan Chu Trinh bằng những đóng góp quan trọng về văn hoátư tưởng, ông vừa xây dựng khoa học xã hội cho Việt nam vừa phát triển Việt ngữ nhằm giúp tầng lớp trí thức còn rất non trẻ phổ biến rộng rãi kiến thức về mọi lĩnh vực cho nhân dân để nhân dân tự giải phóng mình bằng các biện pháp hoà bình, ông chủ trương vừa hợp tác với thực dân Pháp để thăng tiến đất nước về cả kinh tế, chính trị và văn hoá, vừa đấu tranh với thực dân Pháp để đòi hỏi độc lập tự do cho tổ quốc, tức là lợi dụng Tây phương để phát triển đất nước mình. Đó thật sự là một tư tưởng vượt thời đại. Nhưng thật đáng tiếc, ông đã bị quy chụp thành Việt gian bán nước rồi bị hạ sát bởi lực lượng Việt minh vào ngày 05 Tháng Chín 1945, đó chính là cái chết oan khuất nhất tại Việt nam vào thế kỷ XX. Cái chết này cho thấy tâm lý hiếu chiến đã chiến thắng tâm lý ôn hoà tại Việt nam đồng thời đã mở đường cho tầng lớp trí thức vốn còn rất non trẻ ở Việt nam nhanh chóng đi đến sự tuyệt chủng vào khoảng giữa thập niên 1960. Tôi là Một Trí thức Công giáo như Phạm Quỳnh, tôi vô cùng đau đớn khi biết ông phải chịu đựng một số phận bi đát như vậy, ngày nay một số bạn bè thân thiết thỉnh thoảng vẫn rỉ tai tôi rằng hãy cẩn thận đừng để mình giống Phạm Quỳnh!
Kinh nghiệm lịch sử tại Việt nam đã cho thấy rất rõ ràng rằng đấu tranh bất bạo động có sức mạnh hơn hẳn so với đấu tranh bạo động: khoảng ba triệu người, bao gồm cả binh lính lẫn dân thường, ở Nam Việt nam đã bỏ mình trong cuộc chiến tranh khốc liệt chống chủ nghĩa cộng sản nhưng không những không làm cho chủ nghĩa cộng sản tiêu vong mà còn làm cho chủ nghĩa cộng sản mạnh hơn, hung hăng hơn và tàn bạo hơn, thống trị toàn bộ Việt nam từ sau năm 1975. Tuy nhiên, chỉ với vài ba trăm người chủ yếu trí thức tinh hoa sau đó đã làm thay đổi cục diện chính trị tại Việt nam: chính quyền cộng sản đã phải nhượng bộ rồi xuống thang trên nhiều phương diện để ngày nay đã tỏ ra suy yếu cùng cực. Mặc dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nghiêm trọng nhưng công cuộc dân chủ hoá xã hội tại Việt nam đang có nhiều triển vọng ở phía trước với hy vọng rằng rồi mai đây người ta sẽ tìm kiếm được cơ sở triết lý cho đấu tranh bất bạo động đi đến thành công.
Nghiên cứu cuộc Nội chiến 1959 – 1975 ở Việt nam, tôi bất ngờ nhận thấy Nhạc Vàng có sức mạnh ghê gớm đến mức độ không thể tưởng tượng được: loại nhạc này đã làm cho binh lính trong quân đội cộng sản đào ngũ rất nhiều khiến các cấp chỉ huy trong quân đội đó phải cấm đoán binh lính nghe loại nhạc này, thậm chí chính quyền cộng sản còn cấm đoán cả việc phổ biến loại nhạc này cho dân chúng ở miền Bắc để ngăn chặn tâm lý ôn hoà có thể làm nguội lạnh tâm lý hiếu chiến trong cả quân đội lẫn dân thường. Sự thể này chứng tỏ rằng các giá trị tinh thần đã có một vai trò quan trọng hàng đầu trong đấu tranh bất bạo động khiến phong trào dân chủ cần phải đặc biệt coi trọng việc sử dụng các giá trị đó vào công cuộc đấu tranh đòi hỏi dân chủ.
Sau thất bại vào năm 1975, phong trào dân chủ tại Việt nam bước vào một khúc quanh quan trọng: tìm kiếm con đường đúng đắn cho công cuộc dân chủ hoá đất nước. Vào những năm cuối thế kỷ XX đã xuất hiện một số trí thức xuất chúng có khả năng xuất sắc về lý luận, trong đó phải kể đến Nguyễn Gia Kiểng ở Pháp, họ đã đấu tranh kiên trì cho chủ trương bất bạo động, tức là quay trở về đường lối ôn hòa (Bất Bạo động) đã từng được khởi xướng từ đầu thế kỷ XX bởi Phan Chu Trinh. Đến đầu thế kỷ XXI, phong trào này đã đoạn tuyệt dứt khoát với đấu tranh bạo động đồng thời theo đuổi chủ trương đấu tranh bất bạo động để thu hút số người tham gia ngày càng đông hơn.
Qua quan sát thực tế, tôi nhận thấy cả Việt nam lẫn Tàu quốc đều rất đúng đắn khi bác bỏ đấu tranh bạo động nhưng vẫn chưa có những cơ sở cần thiết để áp dụng thành công phương thức đấu tranh bất bạo động. Thời thế có vẻ như đã chấm hết đối với giới nghệ sỹ; thay vào đó, bắt đầu xuất hiện giới luật sư trên vũ đài chính trị trong công cuộc dân chủ hoá xã hội khiến người ta tin rằng thời thế cho giới luật sư đã bắt đầu! Nhưng tôi không vội vã tin tưởng giới luật sư có thể thành công, tôi nghĩ rằng nếu chưa xây dựng được một triết lý khoa học về chế độ dân chủ thì dù giới luật sư có can đảm dấn thân đến đâu cũng chỉ làm những con thiêu thân dân chủ mà thôi, hết người này đến người khác đua nhau vào tù mà kết quả chẳng được bao nhiêu, nhỏ giọt lắm!
Nhà nước nào cũng có tính chất nhân dân, quan chức nào cũng xuất thân từ nhân dân, làm cho nhà nước nào cũng “của dân”, “do dân”, “vì dân”. Nhắc đi nhắc lại rằng: “nhà nước của dân, nhà nước do dân, nhà nước vì dân”, chẳng qua chỉ nhai đi nhai lại một mệnh đề vô nghĩa chẳng có tác dụng gì ngoài tác dụng lừa bịp: mỵ dân để dân tự mỵ. Vấn đề quan trọng là nhân dân nào làm như thế nào theo cơ chế nào để quan chức nào xuất thân như thế nào từ nhân dân đó rồi nhờ đó mà có tác dụng như thế nào đối với chính nhân dân đó; hoặc quan chức nào cũng xuất thân từ nhân dân nhưng xuất thân như thế nào từ nhân dân nào để có tác dụng như thế nào đối với chính nhân dân đó? Nếu nhân dân khôn ngoan thì nhân dân đó sẽ có chính thể dân chủ để họ có thể lựa chọn được những cá nhân tử tế nhất làm quan chức nhà nước bằng các cuộc bầu cử tự do khiến quan chức nhà nước phải có tác dụng tốt đẹp đối với chính nhân dân đó, hoặc quan chức nhà nước phải xuất thân từ nhân dân đó thông qua các cuộc bầu cử tự do để có tác dụng tích cực đối với chính nhân dân đó; ngược lại, nếu nhân dân dại khờ thì nhân dân đó chỉ có thể có chính thể chuyên chế để một số ít cá nhân tồi dở nhất ngoi lên làm quan chức nhà nước bằng các mánh khoé bịp bợm làm cho quan chức nhà nước chỉ có thể có tác dụng tai ác đối với chính nhân dân đó. Vậy chung quy lại, vấn đề mấu chốt ở đây là nhân dân có nhận thức như thế nào? Nếu có nhận thức đúng đắn thì nhân dân sẽ có chính thể dân chủ; hoặc ngược lại, nếu có nhận thức sai lầm thì nhân dân sẽ chỉ có chính thể chuyên chế mà thôi; nhân dân quan niệm như thế nào về chính mình sẽ làm cho họ trở nên như thế. Chính triết học khoa học đã chứng thực rõ ràng như vậy bằng cả lý thuyết tương đối lẫn lý thuyết lượng tử!
Người Pháp đã từng nói rất đúng rằng: “nhân dân nào, chính quyền đó”; từ đó tôi suy ra rằng: nếu “chúng ta” có một chính quyền tồi dở thì sự thể đó chỉ chứng tỏ rằng “chúng ta” có vấn đề về văn hoá! Người ta đang bị nô dịch về văn hoátư tưởng bởi cái văn hoá độc đoán bao gồm Nho giáo pha trộn với Chủ nghĩa Marx. Người ta chưa làm được một cuộc cách mạng văn hoá nhằm xoá bỏ cái văn hoá đó mà đã vội vã đấu tranh nhằm thay đổi chế độ chính trị. Thật phiêu lưu quá đáng! Người ta không biết rằng mọi chính quyền dù tử tế hay tồi dở đều xuất thân từ nhân dân, nếu nhân dân mà khôn ngoan thì họ sẽ có một chính quyền tử tế; ngược lại, nếu nhân dân mà dại khờ thì họ chỉ có thể có một chính quyền tồi dở mà thôi. Từ đó lại có thể suy ra rằng nếu muốn sửa chữa một chính quyền tồi dở thì trước hết cần phải sửa chữa cái nhân dân làm nền tảng chính trị cho cái chính quyền đó, tức là phải khai sáng cho nhân dân trước khi sửa chữa chính quyền, nếu làm khác đi thì thật khó mà thành công hoặc thậm chí sẽ thất bại thảm hại. Nhưng thật đáng tiếc, người Việt nam cũng như người Tàu lại chưa quan tâm đến nguyên lý này!
Muốn thay đổi chế độ chính trị, trước hết phải làm một cuộc cách mạng văn hoátư tưởng; cuộc cách mạng này lại phải được bắt đầu từ cuộc cách mạng sự thật. Đấu tranh bất bạo động phải lấy cách mạng sự thật làm nền tảng triết lý cho mình mới có thể thành công. Cách mạng sự thật sẽ cho thấy nhân loại có bản năng sinh tồn, tức là bản năng ham sống hoặc bản năng sợ chết; bản năng này làm cho cá nhân nào cũng có bản tính vị kỷ: ích kỷ, tư lợitham lam; bản tính này chỉ xấu xa khi thôi thúc người ta làm điều xấu xa hoặc chỉ tốt đẹp khi thôi thúc người ta làm điều tốt đẹp. Bản năng sinh tồn cùng với bản tính vị kỷ mách bảo chúng ta rằng: vì cá nhân nào cũng ham sống mà sợ chết đồng thời có thể lạm dụng được mọi thứ làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ nên khi nỗ lực vận động cho việc thiết lập trật tự bình đẳng hoặc chế độ dân chủ, chớ làm bất cứ điều gì trái ngược với trật tự đó: chớ bạo hành, chớ cướp bóc, chớ dối trá, v. v.. Đó là những yếu tố cơ bản cần thiết nhất cấu thành đấu tranh ôn hòa hoặc đấu tranh bất bạo động. Vì cá nhân nào cũng có bản năng sinh tồn cùng với bản tính vị kỷ khiến cá nhân nào cũng có QUYỀN SỐNG, QUYỀN TỰ DOQUYỀN MƯU CẦU HẠNH PHÚC nên KHI THAM GIA ĐẤU TRANH, CẦN PHẢI TÔN TRỌNG ĐỐI THỦ ĐỂ SAO CHO TẤT CẢ CÁC BÊN TRANH CHẤP CÙNG THẮNGKHÔNG MỘT BÊN NÀO BỊ THUA. ĐÓ CHÍNH LÀ NGUYÊN TẮC CÙNG THẮNG. NGUYÊN TẮC NÀY CHO PHÉP TẤT CẢ CÁC BÊN TRANH CHẤP ĐỀU CÓ THỂ BIẾN KẺ THÙ THÀNH BẠN HỮU HOẶC BIẾN ĐỐI THỦ THÀNH ĐỐI TÁC. NGUYÊN TẮC CÙNG THẮNG CẦN PHẢI ĐƯỢC LẤY LÀM NGUYÊN TẮC NỀN TẢNG CHO CHÍNH TRỊ HIỆN ĐẠI !
Tôi tình cờ biết đến Gene Sharp qua Internet. Gene Sharp làm Giám đốc cho Học viện Albert EinsteinMỹ. Cái học viện đó làm gì, làm cho ai, làm như thế nào, tôi không hề biếtcũng không cần biết, lại càng không cần biết người nào đã đẻ ra nó hoặc làm Giám đốc cho nó. Có lẽ sẽ mãi mãi như thế một khi không có một lý do đặc biệt khiến tôi phải thay đổi thái độ. Lý do đó chính là cái tên gọi của cái học viện kia: nó mang tên gọi của một học giả lỗi lạc nhất đối với mọi thời đại: Albert Einstein! Chính vì đặc biệt hâm mộ A. Einstein nên tôi đã tò mò tìm hiểu xem liệu A. Einstein có hay không bị lạm dụng bởi những người đã tạo ra cái học viện kia! Qua việc tìm hiểu tò mò như vậy tôi đã được đọc tác phẩm của G. Sharp: From Dictatorship To Democracy, qua bản dịch Việt ngữ được thực hiện rất hoàn hảo bởi những người Việt nam yêu nước ở hải ngoại (Từ Độc tài Đến Dân chủ). Đọc xong, tôi cảm thấy cái học viện kia hoàn toàn xứng đáng với tên gọi của nó; hơn nữa, tôi còn cảm thấy G. Sharp có lẽ đã hiện thân cho A. Einstein trong chính trị học!
Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy các ý tưởng của G. Sharp rất gần gũi với các kết luận của tôi. Chúng tôi: cả tôi lẫn G. Sharp, đều xác tín rằng đấu tranh bằng ý chí hoặc đấu tranh bất bạo độngcon đường tốt nhất hoặc giải pháp tốt đẹp nhất để thiết lập thành công chế độ dân chủ đồng thời bảo vệ vững chắc chế độ đó, mặc dù giữa tôi với G. Sharp có một sự khác biệt rõ rệt nhưng lại bổ sung cho nhau: nếu tôi thiên về lý thuyết thì G. Sharp lại thiên về thực hành, lý thuyết của tôi đã xác lập được cơ sở khoa học cho lý thuyết của G. Sharp, còn lý thuyết của G. Sharp lại nối tiếp lý thuyết của tôi để lý thuyết của tôi có thể được vận hành vào đời sống thực tế. Tóm lại, G. Sharp đã giải đáp được vấn đề thực tế: đấu tranh bằng ý chí vận hành như thế nào? Còn tôi lại giải đáp được vấn đề lý thuyết: tại sao đấu tranh bằng ý chí lại vận hành như thế?
Tuy nhiên, con đường chính trị được hoạch định bởi G. Sharp có thể còn có một số nẻo đoạn gập ghềnh khúc khuỷu quanh co cần phải được san phẳng hoặc nắn thẳng để ngay cả lữ khách yếu ớt nhất cũng có thể đi được dễ dàng hơn theo con đường đó đến cái đích cuối cùng. Thứ nhất, khi so sánh đấu tranh bằng ý chí với đấu tranh bằng bạo lực, G. Sharp đã quan niệm rằng đấu tranh bằng ý chí cũng có một số tính chất tiêu cực so với đấu tranh bằng bạo lực, rằng: “… Trước hết, phải nói một phần tác động dân chủ hóa này mang tính chất tiêu cực. Nếu trong đấu tranh bạo động, các biện pháp quân sự dễ dàng cung cấp cho thành phần lãnh đạo phương tiện trấn áp đối với đám đông đi theo để thiết lập hoặc duy trì quyền chỉ huy tuyệt đối, thì trong phản kháng chính trị, những người cầm đầu các phong trào chỉ có thể dùng ảnh hưởng và tạo áp lực tinh thần lên số đông đi theo, chứ không thể bỏ tù hoặc thủ tiêu ai khi thấy họ tỏ vẻ bất đồng ý kiến với lãnh đạo hoặc ngay cả lựa chọn những người lãnh đạo khác …” (chương 5). Thật ra, các tính chất đó lại rất cần thiết để đấu tranh bằng ý chí có thể thu hút được nhiều người tham gia, tức là các tính chất đó hoàn toàn tích cực mà không hề tiêu cực so với đấu tranh bằng bạo lực vốn đòi hỏi tâm lý cực đoan khiến chỉ một số ít người bị đẩy vào đường cùng mới có thể tham gia được. Thứ hai, đấu tranh chính trị dù bằng phương tiện nào, bạo lực hay ý chí, cũng luôn luôn có sự thống nhất hữu cơ giữa nguyên tắc vật lý với nguyên tắc luân lý mặc dù đấu tranh bằng bạo lực tuân theo nguyên tắc vật lý nhiều hơn tuân theo nguyên tắc luân lý đối lập với đấu tranh bằng ý chí vốn tuân theo nguyên tắc luân lý nhiều hơn tuân theo nguyên tắc vật lý, hoặc nói cụ thể hơn: đấu tranh bằng bạo lực phải tuân theo nguyên tắc vật lý để làm thay đổi nguyên tắc luân lý đối lập với đấu tranh bằng ý chí lại chỉ tuân theo nguyên tắc luân lý để làm thay đổi nguyên tắc vật lý. G. Sharp chủ trương đấu tranh bằng ý chí (cả bất hợp tác lẫn phản kháng chính trị) nhưng hình như ông chỉ đi sâu vào nguyên tắc vật lý nhiều hơn đề cập đến nguyên tắc luân lý, ông đặt nặng việc gia tăng áp lực vào làm thay đổi tương quan thế lực giữa nhà nước độc tài với lực lượng dân chủ mà hầu như rất ít đếm xỉa đến việc vận dụng nguyên tắc luân lý vào làm thay đổi tương quan đó, ông đề cập đến cảm hoá như một trong nhiều phương cách hữu ích nhất thuộc về nguyên tắc luân lý có thể được vận dụng tốt nhất vào làm thay đổi tương quan kia nhưng lại giảm nhẹ tác dụng chuyển hoá từ phương cách đó: “… Cách đầu tiên có xác suất thấp nhất mặc dù đã từng xảy ra. Một số thành viên của phía đối phương xúc động khi thấy sự chịu đựng đau khổ của các nhà đối kháng can đảm bất bạo động dưới sự đàn áp của bạo quyền, hoặc khi được thuyết phục bằng lý trí rằng các nhà đối kháng quả thật có chính nghĩa, họ tiến đến thái độ chấp nhận các mục tiêu được theo đuổi bởi các nhà đối kháng. Phương cách tạo thay đổi này được gọi là cảm hoá. Mặc dù việc cảm hoá đã từng xảy ra trong đấu tranh bất bạo động nhưng rất hiếm. Trong hầu hết các cuộc tranh chấp, loại chuyển động này không thấy xảy ra hoặc chỉ xảy ra ở mức độ không đáng kể” (chương 5). Sự thể đó đã giải thích được tại sao G. Sharp không viện dẫn một số chính khách xuất chúng được tôn sùng rất chính đáng như một biểu tượng tôn giáo, như Mahatma Gandhi chẳng hạn; lại càng có vẻ như không muốn gợi mở cho phong trào dân chủ vận dụng các tôn giáo lành mạnh, như Chúa giáo chẳng hạn, vào công cuộc đấu tranh cho lợi ích chung biểu hiện cụ thể thành tự do vốn được minh định thành một giá trị thiêng liêng nhất đối với mọi người. Người ta có thể cảm hoá được đối phương hoặc kẻ thù bằng nhiều giá trị thuộc về ChânThiệnMỹ để có thể biến kẻ thù thành bạn hữu hoặc đối tác nhờ đó mà hoàn toàn có thể làm thay đổi tương quan thế lực giữa nhà nước độc tài với lực lượng dân chủ đồng thời có thể phân phối đồng đều quyền lực chính trị cho mọi cá nhân trong xã hội tự do. Nhưng dường như G. Sharp chưa đặt nặng việc định hướng cho đấu tranh bằng ý chí theo chiều hướng đó (định hướng cho đấu tranh bằng ý chí tuân theo nguyên tắc luân lý để làm thay đổi nguyên tắc vật lý). Thiếu sót này chỉ có thể được giải thích thoả đáng bởi việc thiếu hụt một triết lý khoa học về đời sống chính trị.
Chiếc cầu nối logic giữa tôi với G. Sharp có lẽ biểu hiện cụ thể nhất qua cái yêu cầu thực tế về sự cần thiết phải thảo soạn hiến pháp cho thể chế dân chủ. G. Sharp đề ra yêu cầu đó ở chương 10: “… Thể chế dân chủ cần có một hiến pháp để thiếp lập cái khung sườn mong muốn cho một chính phủ dân chủ …”. Tôi cũng đã từng xác quyết như vậy bằng một công cuộc nghiên cứu vừa công phu nhất vừa nghiêm túc nhất. Điều quan trọng cần phải được nói ra ở đây là tôi đã làm việc đó trước khi biết đến G. Sharp, tôi làm việc kia từ năm 2003 nhưng mãi đến năm 2006 mới biết G. Sharp, tôi làm việc độc lậpkhông hề bị ảnh hưởng bởi G. Sharp. Vả lại, G. Sharp chỉ đề xuất yêu cầu phải thiết lập hiến pháp cho một dân tộc nào đó mà không cho cả nhân loại, còn tôi lại đề xuất yêu cầu phải thiết lập hiến pháp cho cả thế giới được giả định như một hệ thống chính trị thống nhất mà kết quả sẽ cho phép tất cả các dân tộc đều có thể vận dụng cho mình, chỉ cần thảo luận kỹ lưỡng rồi phê chuẩn; qua đó sẽ có thể thiết lập được một thế giới đại đồng với một nhà nước chung hoạt động theo nguyên tắc dân chủ. Tôi nghĩ rằng việc chuẩn bị trước một hiến pháp cho tương lai sẽ giúp nhân loại né tránh được những tai hoạ khủng khiếp có thể xảy ra trong giai đoạn quá độ từ chính thể chuyên chế lên chính thể dân chủ.
Để kết thúc chương này, tôi xin giới thiệu cho quý độc giả biết một tác phẩm triết học được tạo tác bởi Charles de Secondat Montesquieu: Tinh thần Pháp luật (Việt ngữ, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà nội 1996), với lời Tựa chứa đựng một trong những đoạn văn hay nhất cho mọi thời đại để có thể được lấy làm ngọn đuốc vĩnh cửu, ngọn đuốc này chỉ được thắp lên một lần mà không bao giờ tắt để có thể soi sáng cho mọi thế hệ mai sau:
Nhân dân cần được soi sáng, đó là điều mà ta chớ thờ ơ. Những định kiến của các nhà cầm quyền thường bắt đầu từ định kiến của dân tộc. Thuở còn dốt nát, người ta chẳng hoài nghi gì ngay cả khi làm điều bậy bạ nhất. Đến thời sáng suốt, người ta còn run lên khi đã làm điều tốt đẹp nhất. Người ta biết điều lạm dụng ngày xưa đồng thời cũng tìm thấy cách sửa chữa, nhưng người ta còn thấy cả sự lạm dụng ngay trong khi sửa chữa nữa; người ta để nguyên cái xấu khi sợ cái tồi tệ hơn; người ta giữ cái tốt vừa phải một khi còn hoài nghi cái ưu việt hơn; người ta chỉ nhìn vào cái cục bộ để phán đoán cái tổng thể; người ta xem xét mọi nguyên nhân để nhìn cho ra những kết quả.
Tôi sẽ vui sướng nhất đời nếu có cách gì làm cho mọi người đều thích thú với nhiệm vụ của mình, để yêu nhà vua 158), yêu tổ quốc, yêu pháp luật của mình; làm cho mọi người cảm nhận sâu hơn niềm hạnh phúc ngay trong xứ sở, trong nền cai trị, trong cương vị công tác của mình.
Tôi cũng sẽ vui sướng nhất đời nếu có cách gì làm cho nhà cầm quyền tăng thêm được tri thức về những công việc được quản lý bởi chính họ, làm cho người thừa hành thêm hứng thú khi tuân lệnh.
Tôi cũng sẽ vui sướng hơn nữa nếu có cách gì làm cho người đời chữa khỏi thành kiến. Thành kiến, theo tôi, không phải vì người ta không biết một điều gì đó mà vì người ta không tự biết chính mình!
Trong khi giáo dục người đời, ta mới hiểu được lòng bác ái.
Người là loài có thể uốn nắn được, họ bị uốn nắn theo tư tưởng của người khác trong xã hội, nếu có người chỉ dẫn chỉ ra cho họ thì họ có thể hiểu biết được chính mình; nhưng khi bị tước đoạt, họ có thể bị mất cả cảm giác về bản chất của chính mình!”.
Tôi rất mong muốn quý độc giả hãy đọc thật chậm rãi đoạn văn được trích dẫn trên đây rồi suy niệm thật nghiêm túc để tìm kiếm lời giải đáp cho những vấn đề sau đây: Tại sao nhân dân cần được soi sáng? Tại sao những định kiến của các nhà cầm quyền thường bắt đầu từ định kiến của dân tộc? Tại sao người ta còn thấy cả sự lạm dụng ngay trong khi sửa chữa nữa? Tại sao người ta để nguyên cái xấu khi sợ cái tồi tệ hơn? Tại sao người ta giữ cái tốt vừa phải một khi còn hoài nghi cái ưu việt hơn? Tại sao người đời có thành kiến hoặc không tự biết chính mình? Tại sao chỉ khi giáo dục người đời ta mới hiểu được lòng bác ái? Tại sao khi bị tước đoạt, người ta có thể bị mất cả cảm giác về bản chất của chính mình? Tại sao nếu có người chỉ dẫn chỉ ra cho họ thì họ có thể hiểu biết được chính mình?
Chúng ta sẽ suy nghĩ như thế nào khi đọc thấy C. S. Montesquieu viết rằng: “… Chỉ những người thông minh bẩm sinh, hiểu thấu Hiến pháp nước nhà mới kiến nghị được những điều thay đổi!”? Hình như câu trả lời không khó lắm!



158) Nhà vua ở đây phải được hiểu theo ý nghĩa rộng nhất: tức là nhà cầm quyền nói chung, chứ không phải chỉ là một ông vua nắm toàn quyền cai trị.
J. B. Hàvăn Huytoàn
(Viêt vào Tháng Mười 2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét