Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

PHẬT GIÁO

Nền chuyên chế nghiệt ngã cùng cực ở Ấn độ vào thời đại cổ xưa đã làm phát sinh rất nhiều tôn giáo khác nhau làm cho xứ sở này trở thành xứ sở có tôn giáo nhiều nhất trên thế giới, trong đó có Phật giáo.
Phật giáo lấy cái Không hoặc Không tính làm căn bản cho mình: xuất phát từ cái Không để rồi lại trở về cái Không thông qua quá trình tu tập bằng Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu đế bao gồm: Khổ đế, Tập đế, Diệt đếĐạo đế, trong đó Khổ đế làm trung tâm cho Phật giáo. Với Khổ đế, Phật giáo giả định rằng: đời là bể khổ (world is evil). Từ giả định đó, Phật giáo xác lập Tập đế nhằm tìm kiếm nguyên nhân sinh ra khổ (evil) cho đời (world) rồi lấy Diệt đế làm giải pháp cho việc giải thoát đời khỏi khổ; cuối cùng, Phật giáo lấy Đạo đế bao gồm Bát Chính đạo làm phương tiện cho Diệt đế để đạt đến Niết bàn, tức là cái cõi đời đã được giải thoát khỏi khổ. Đạt đến Niết bàn chính là đã chứng ngộ được cái Không hoặc Không tính. Vậy cái Không hoặc Không tính chính là một khái niệm vừa sâu xa nhất vừa rộng lớn nhất cho Phật giáo, nó vừa quan trọng nhất vừa trừu tượng nhất trong Giáo lý Phật giáo, nó được dùng để chỉ sự trống rỗng hoặc sự trống không vốn được quy cho vạn vật hoặc để quy vạn vật về nó, theo đó mọi sự vật đều giả hợp hoặc hữu vi (vô thường, vô ngãKhổ).
Khổ đế là chân lý về sự Khổ cho rằng mọi dạng tồn tại đều không trọn vẹn hoặc đầy khổ não, tức là đời luôn luôn đau khổ: sinh khổ (khổ khi ra đời), lão khổ (khổ khi già nua), bệnh khổ (khổ khi tật bệnh), tử khổ (khổ khi chết chóc), thụ biệt ly khổ (khổ khi chia ly), oán tăng hội khổ (khổ khi ghét nhau mà phải ở với nhau), sở cầu bất đắc khổ (khổ khi cầu mong mà không được thoả mãn), thủ ngũ uẩn khổ (khổ khi có năm giác quan làm cho đầu óc phải suy nghĩ) bao gồm các điều kiện tạo nên cái “Ta” làm cho ta khổ; tất cả có tám cái Khổ (Bát Khổ).
Tập đế là chân lý về nguyên nhân làm phát sinh cái khổ, đó là sự ham muốn, như ái, tìm kiếm sự thoả mãn dục vọng, thoả mãn được trở thành, thoả mãn được hoại diệt, v. v., các loại ham muốn này làm thành nguồn gốc cho Luân hồi, tức là cái vòng luẩn quẩn giam hãm mãi mãi người ta vào cái khổ mà không cho người ta được giải thoát khỏi cái khổ.
Diệt đế là chân lý về diệt khổ cho rằng: tận diệt được nguyên nhân dẫn đến mọi ham muốn sẽ tận diệt được sự khổ.
Đạo đế là chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ, bao gồm Bát Chính đạo, tức là tám con đường đúng đắn để được giải thoát khỏi cái khổ.
Bát Chính đạo bao gồm: 1/ Chính kiến (giữ gìn một quan niệm xác đáng về Tứ Diệu đế cùng với Giáo lý Vô ngã). 2/ Chính tư duy (suy nghĩ đúng đắn hoặc suy xét thấu đáo về Tứ Diệu đế). 3/ Chính ngữ (không nói dối hoặc không nói phù phiếm). 4/ Chính nghiệp (tránh vi phạm giới luật). 5/ Chính mệnh (tránh các nghề nghiệp liên quan đến sát sinh (giết hại sinh vật), như đồ tể, thợ săn, buôn bán vũ khí, buôn bán thuốc phiện, v. v.). 6/ Chính tinh tiến (phát triển nghiệp tốt hoặc diệt trừ nghiệp xấu). 7/ Chính niệm (tỉnh giác trên ba phương diện: Thân, Khẩu, Ý). 8/ Chính định (tập trung tâm ý để đạt đến bốn định xuất thế gian).
Phật giáo xác quyết rằng: trạng thái tinh thần không thấu hiểu Tứ Diệu đế được gọi là Vô minh, tức là u mê ngu dốt, không sáng suốt hoặc không minh mẫn. Vô minh ngăn cản người ta đạt đến Niết bàn, tức là không thể chứng ngộ được cái Không hoặc Không tính, cũng tức là không được siêu thoát hoặc không được giải thoát khỏi cái Khổ.
Theo Phật giáo, mọi cá nhân đều có Phật tính hoặc đều có khả năng để trở thành Phật, trở thành Phật tức là thức tỉnh hoặc nhờ thức tỉnh mà được siêu thoát hoặc thoát khỏi mọi tội lỗi, mọi đau khổ, mọi nỗi khiếp sợ; nếu biết tu luyện mà vượt qua được sự ngu dốt thì sẽ đắc đạo, tức là trở thành Phật; rằng mọi tội lỗi, mọi đau khổ, mọi nỗi khiếp sợ, đều bắt nguồn từ bản tính vị kỷ, bao gồm tham, sân, sy. Từ đó Phật giáo rút ra kết luận cho rằng muốn đắc đạo hoặc trở thành Phật cần phải diệt dục hoặc phải từ bỏ được cái tham, sân, sy, cũng như mọi khoái lạc trên đời, tức là phải tiêu diệt được bản tính vị kỷ.
Với quan niệm cho rằng mọi cá nhân đều có Phật tính, Phật giáo đã có tư tưởng về sự bình đẳng, mà tư tưởng về sự bình đẳng lại cấu thành một trong những cơ sở tinh thần cho nền dân chủ tự do. Nói như thế tôi muốn khẳng định rằng Phật giáo cũng có tư tưởng cộng hoà hết sức bao la rộng lớn. Tôi đánh giá rất cao Phật giáo ở điểm này. Với tư tưởng cho rằng nếu biết tu luyện mà vượt qua được sự ngu dốt thì sẽ đắc đạo hoặc được siêu thoát, Phật giáo đã có tư tưởng duy lý rất uyên thâm, từ đó tất yếu phải dẫn đến thái độ rất coi trọng đối với việc khai sáng tri thức cho nhân loại, trong đó có giáo dục. Thái độ này làm cho văn hoá nói chung cũng như khoa học nói riêng nảy nở rực rỡ. Tôi cũng đánh giá rất cao Phật giáo ở điểm này, không phải ngẫu nhiên mà Albert Einstein đã đánh giá rất cao tôn giáo nói chung cũng như Phật giáo nói riêng. Hình thành từ một bối cảnh chuyên chế cùng cực với hệ tư tưởng có lẽ cũng tối tăm cùng cực, thế mà Phật giáo lại có tư tưởng vượt qua hoặc siêu thoát như vậy quả thật đã làm nên một điều kỳ diệu cho nền Văn minh Ấn độ. Ở đây tôi nói “vượt qua” hoặc “siêu thoát” để nói lên rằng Phật giáo đã vượt qua những giới hạn nghiệt ngã được quy định bởi chính thể chuyên chế vốn có xu hướng tiêu diệt mọi hiện tượng biểu hiện văn hoá, ở đây cái “siêu thoát” không chỉ cấu thành một hệ thống khái niệm cho Phật giáo mà còn làm nên cái khuynh hướng khai hoá cho Phật giáo nữa. Ở đây cái “siêu thoát” biểu hiện qua cả tư tưởng về sự bình đẳng (mọi cá nhân đều có Phật tính) lẫn tư tưởng về chống ngu dốt (nếu biết tu luyện mà vượt qua được sự ngu dốt thì sẽ đắc đạo). Chính thể chuyên chế vốn chỉ có sự xiêu lệch hoặc bất bình đẳng giữa người cai trị với người bị cai trị, thế mà Phật giáo lại dám giả định rằng mọi cá nhân đều có Phật tính, tức là Phật giáo giả định rằng giữa người với người chỉ có sự bình đẳng mà thôi! Chính thể chuyên chế vốn chỉ có sự ngu dốt hoặc chỉ thường xuyên tái tạo ra sự ngu dốt, thế mà Phật giáo lại dám chủ trương chống lại sự ngu dốt! Chính những điểm này đã biểu hiện rõ rệt nhất tính chất siêu thoát của Phật giáo. Có lẽ chính vì có tính chất siêu thoát như vậy nên Phật giáo đã bị đàn áp dữ dội ở Ấn độ vào thời đại cổ xưa rồi bị xua đuổi khỏi xứ sở đó.
Tuy nhiên, với tư tưởng cho rằng sự ngu dốt bắt nguồn từ bản tính vị kỷ (tham, sân, sy), rằng muốn đắc đạo hoặc trở thành Phật để được siêu thoát, cần phải tiêu diệt tham, sân, sy; tức là phải tiêu diệt bản tính vị kỷ, rằng phải tiêu diệt được bản tính vị kỷ mới có thể siêu thoát được, v. v., Phật giáo lại rơi vào những chủ trương đầy ảo tưởng được quy định bởi chính cái bối cảnh xã hội đã sinh ra nó, tức là chủ trương diệt dục phát sinh từ nền chuyên chế nghiệt ngã cùng cực ở Ấn độ vào thời đại cổ xưa. Thực tế chủ trương diệt dục chỉ có tác dụng tích cực đối với chính thể chuyên chế mà thôi, nó ngăn chặn hoặc hạn chế nhà cầm quyền thực hiện những hành động hung bạo đối với dân chúng đồng thời làm cho dân chúng biết sống an phận thủ thường, nhưng chủ trương đó sẽ chỉ có tác dụng tiêu cực đối với các chính thể khác.
Vì trong chính thể chuyên chế, bản tính vị kỷ chỉ thúc đẩy người ta làm điều xấu xa nên rất tự nhiên, người ta tất yếu phải có thái độ chống lại bản tính đó. Phật giáo hình thành theo đúng cái tất yếu này. Nhưng vì bản tính vị kỷ lại thuộc về bản năng sinh tồn hoặc chỉ biểu hiện bản năng này mà thôi nên nếu chống lại bản tính kia thì chẳng qua chỉ chống lại chính nhân loại thôi, mà như vậy sẽ thất bại. Quả thật, Phật giáo chưa bao giờ tiêu diệt được bản tính vị kỷ mà ngược lại chỉ làm cho bản tính đó biểu hiện thành một hình thức mới, hình thức đó là lòng mong muốn thoát khỏi mọi tội lỗi, mọi đau khổ, mọi nỗi khiếp sợ! Người ta sẽ đặt ra một vấn đề hóc búa: tại sao nhân loại lại mong muốn được siêu thoát nếu không phải tại bản tính vị kỷ hoặc bản năng sinh tồn, hoặc lòng mong muốn được siêu thoát biểu hiện cái gì nếu không biểu hiện bản tính vị kỷ thuộc về bản năng sinh tồn?
Thật ra bản tính vị kỷ tự nó không xấu xa mà cũng chẳng tốt đẹp, tính chất (tốt đẹp hay xấu xa) của nó tuỳ thuộc hoàn toàn vào tính chất (tốt đẹp hay xấu xa) của những hành động đã được thúc đẩy bởi chính nó. Thực tế đã chứng minh thật xác đáng cho sự thể đó. Chính bản tính vị kỷ đã thúc đẩy người ta làm nhiều điều tốt đẹp trong chính thể dân chủ, như sống bác ái, sáng tạo khoa học, sáng tác nghệ thuật, v. v.. Khi nhận xét C. S. Montesquieu, François Marie Arouet, tức văn sỹ Voltaire, một trong những triết gia khai sáng vĩ đại nhất, đã từng nói rất đúng rằng: “trong các nước cộng hoà, người ta còn chạy theo danh vọng nhiều hơn, người ta mong được hoan hô, được dành phần thắng, được danh vị156). Vậy chủ trương diệt dục không chỉ sai lầm mà còn cực đoan nữa kia!
Với niềm tin cho rằng: “world is evil” (đời là bể khổ), Phật giáo xác lập “Đạo đế” thể hiện thành “Bát Chính đạo” nhằm giải thoát nhân loại khỏi evil (bể khổ). Nhưng vì quá ư bí ẩn (hoặc chống lại bản tính vị kỷ thể hiện qua ý hướng phủ nhận cái “tôi” vốn được diễn đạt bởi cái “vô ngã”?) nên các giải pháp thể hiện qua “Bát Chính đạo” dường như quá khó khăn (nếu không muốn nói: “bất khả thể” hoặc “bất khả hành”) đối với nhiều người, đặc biệt chủ trương diệt dục (bao gồm cả việc từ bỏ ham muốn dục tình vốn đóng vai trò bảo tồn nhân loại (!) – cần xem lại điểm này, Tôi cần phải nêu nghi vấn: Phật giáo Ấn độ hay Phật giáo Tàu quốc?) lại càng làm cho các giải pháp thể hiện qua “Bát Chính đạo” tỏ ra cùn mòn hơn nữa. Có lẽ đây là một trong những lý do quan trọng nhất góp phần tạo nên cội nguồn sâu xa cho Chúa giáo xuất hiện nhằm bổ sung cho chính Phật giáo!
Vô luận thế nào, vì không có tư tưởng chuyên chế nên chắc chắn Phật giáo cũng sẽ trở thành nền tảng tinh thần cho nền dân chủ tự do ở tất cả những vùng đất nào chịu ảnh hưởng của nó. Không có gì khó hiểu khi thấy một số nước dân chủ tự do lấy Phật giáo làm quốc giáo. Tôi là một Christian (người có Chúa, người thuộc về Chúa, Tín đồ Chúa giáo), đương nhiên tôi yêu mến Giáo lý Chúa giáo. Nhưng chính lòng yêu mến giáo lý này đã soi sáng cho tôi đi đến một nhận xét đầy lòng bác ái, rằng Phật giáo là một trong những tôn giáo đáng yêu mến nhất trong tất cả các tôn giáo đã từng tồn tại từ trước đến nay cũng như từ nay về sau.



156) Voltaire: Thư gửi A. M. Gis ở Fernay, ngày 20 Tháng Sáu 1777.

J. B. Hàvăn Huytoàn
(Viêt vào Tháng Bảy 2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét