Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

KHẢO LUẬN KHOA HỌC VỀ HIẾN PHÁP HOA KỲ (III)


CHƯƠNG V:
PHIÊN BẢN THỨ HAI (PHIÊN BẢN ĐẦU TIÊN KÈM THEO TUYÊN NGÔN VỀ NHÂN QUYỀN VỚI MƯỜI ĐIỀU LUẬT BỔ SUNG SỬA ĐỔI ĐƯỢC THÔNG QUA VÀO NGÀY 15 THÁNG CHẠP 1791).

I. PHIÊN BẢN ĐẦU TIÊN KÈM THEO TUYÊN NGÔN VỀ NHÂN QUYỀN VỚI MƯỜI ĐIỀU LUẬT BỔ SUNG SỬA ĐỔI TỪ NĂM 1789 ĐẾN NĂM 1791.

A. TUYÊN NGÔN V NHÂN QUYỀN.

Những người theo Chủ nghĩa Liên bang có lẽ chẳng bao giờ có được sự phê chuẩn ở một số bang quan trọng nếu như họ không cam kết bổ sung Tuyên ngôn Về Nhân quyền vào Hiến pháp. Hầu hết hiến pháp các bang được thông qua trong Thời kỳ Cách mạng đều có một tuyên bố rõ ràng về quyền của tất cả người dân. Hầu hết người Mỹ tin rằng không hiến pháp nào có thể được coi là hoàn chỉnh nếu không có một tuyên bố như thế. George Mason của bang Virginia chịu trách nhiệm soạn thảo Tuyên ngôn Về Nhân quyền đầu tiên và nổi tiếng nhất của Mỹ, với tên gọi là Tuyên ngôn Về các Quyền Công dân cho bang Virginia năm 1776. Ông và Patrick Henry có thể đã ngăn cản việc phê chuẩn Hiến pháp ở Virginia nếu như những người theo Chủ nghĩa Liên bang không đồng ý với những yêu cầu sửa đổi của họ.
James Madison đã lãnh đạo Quốc hội mới đề xuất các Điều luật Bổ sung Sửa đổi. Ông đề xuất 15 Điều luật Bổ sung Sửa đổi, và Quốc hội đã chấp nhận 12 trong số đó để chuyển cho cơ quan lập pháp các bang phê chuẩn theo quy trình sửa đổi được đề ra trong Điều luật V của Hiến pháp. Đến ngày 15 Tháng Chạp 1791, các cơ quan lập pháp cần thiết ở ba phần tư số bang đã phê chuẩn 10/12 Điều luật Bổ sung Sửa đổi. Mười Điều luật Bổ sung Sửa đổi này được gọi là Tuyên ngôn Về Nhân quyền. Một trong hai sửa đổi bị bác bỏ là sửa đổi về quy mô của Hạ Nghị viện. Sửa đổi này đòi thay đổi số đại diện từ không quá một đại diện cho 30.000 dân sang không quá một đại diện cho 50.000 dân. Sửa đổi bị bác bỏ còn lại quy định Quốc hội không thể thay đổi lương của các Nghị sỹ cho đến sau khi tổ chức bầu cử các đại diện. Sửa đổi này được phê chuẩn sau đó 202 năm và trở thành Điều luật Bổ sung Sửa đổi thứ 27.
Những người chống lại Chủ nghĩa Liên bang chấp nhận thất bại khi thấy Hiến pháp được thông qua, và sau đó họ chủ trương giành quyền lực theo những quy định của Hiến pháp. Những hành động của họ tạo nên một đặc thù chưa bao giờ thay đổi trong chính trị Mỹ. Người Mỹ đôi khi cảm thấy bất mãn với chính sách và hành động của những người cầm quyền. Nhưng hầu như không có người Mỹ nào lên án hệ thống hiến pháp hoặc cảm thấy rằng một Đại hội Lập hiến thứ Hai có lẽ sẽ tạo nên một hiến pháp tốt hơn.
(Trích dẫn từ “Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Mỹ, Tháng Bảy 2004. Bản dịch của Sứ quán Mỹ tại Việt nam”).

B. TUYÊN NGÔN V NHÂN QUYỀN VỚI MƯỜI ĐIỀU LUẬT BỔ SUNG SỬA ĐỔI.

Tuyên ngôn Về Nhân quyền với mười điều luật bổ sung sửa đổi được đề xuất vào ngày 25 Tháng Chín 1789 rồi được phê chuẩn vào ngày 15 Tháng Chạp 1791. Ban đầu, các Điều luật Bổ sung Sửa đổi chỉ hạn chế Chính phủ Liên bang. Nhưng Điều luật Bổ sung Sửa đổi thứ 14 tuyên bố rằng không bang nào có thể tước đoạt cuộc sống, quyền tự do, hoặc tài sản của bất kỳ ai mà không thông qua “quy trình pháp lý phù hợp”. Toà án Tối cao đã diễn đạt những từ này có nghĩa là hầu hết Tuyên ngôn Về Nhân quyền được áp dụng để giới hạn quyền của các bang cũng như của các chính quyền địa phương.
Tuyên ngôn Về Nhân quyền
Điều luật Bổ sung Sửa đổi thứ 1
TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TỰ DO NGÔN LUẬN VÀ BÁO CHÍ; QUYỀN HỘI HỌP VÀ  KIẾN NGHỊ
Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình.
CHÚ THÍCH:
Nhiều quốc gia chỉ có một tôn giáo và một nhà thờ chính thống (chính thức) và hỗ trợ bằng ngân quỹ của chính phủ. Điều luật Bổ sung Sửa đổi này nghiêm cấm Quốc hội thành lập hoặc bằng bất cứ cách thức nào khác hỗ trợ cho một nhà thờ chính thống như vậy. Quy định này được giải thích là cấm chính phủ tán thành hoặc hỗ trợ cho các học thuyết tôn giáo. Ngoài ra, Quốc hội có thể không thông qua các đạo luật hạn chế việc thờ cúng, ngôn luận hoặc báo chí, hoặc ngăn cản nhân dân hội họp một cách hòa bình. Quốc hội cũng không được ngăn cản nhân dân yêu cầu chính phủ bồi thường do những đối xử bất công. Toà án Tối cao giải thích Điều luật Bổ sung Sửa đổi thứ 14 áp dụng Điều luật Bổ sung Sửa đổi thứ nhất đối với các bang cũng như đối với chính phủ liên bang.
Tuyên ngôn Về Nhân quyền
Điều luật Bổ sung Sửa đổi thứ 2
QUYỀN MANG VŨ KHÍ
Xét thấy lực lượng dự bị có tổ chức nghiêm chỉnh là rất cần thiết cho nền an ninh của một quốc gia tự do, quyền của dân chúng được giữ và sử dụng vũ khí sẽ không bị vi phạm.
CHÚ THÍCH:
Sửa đổi này được giải thích theo hai cách. Một số người tin rằng nó cho phép các công dân bình thường quyền sở hữu các loại vũ khí. Những người khác cho rằng nó chỉ cho phép các bang quyền được duy trì quân đội riêng của họ.
Tuyên ngôn Về Nhân quyền
Điều luật Bổ sung Sửa đổi thứ 3
NƠI Ở CỦA BINH LÍNH
Không một quân nhân nào trong thời bình được đóng quân trong bất cứ nhà dân nào nếu không được sự đồng ý của chủ nhà, và ngay trong thời chiến cũng chỉ theo quy định của luật pháp.
CHÚ THÍCH:
Điều luật Bổ sung Sửa đổi này phát sinh trực tiếp từ một vụ kiện cũ chống lại người Anh khi bắt buộc nhân dân phải nhận binh lính vào ở trong nhà của họ.
Tuyên ngôn Về Nhân quyền
Điều luật Bổ sung Sửa đổi thứ 4
LỆNH TRUY NÃ VÀ BẮT GIỮ
Quyền của con người được bảo đảm về cá nhân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản khỏi mọi sự khám xét và bắt giam, quyền này sẽ không được vi phạm. Không một lệnh, trát nào được cấp nếu không có lý do xác đáng căn cứ vào lời tuyên thệ hoặc sự xác nhận, đặc biệt cần miêu tả chính xác địa điểm khám xét, người và đồ vật bắt giữ.
CHÚ THÍCH:
Biện pháp này không ngăn cấm các nhà chức trách pháp lý truy nã, thu giữ hàng hóa hoặc bắt giữ người. Nó chỉ yêu cầu đơn giản rằng trong hầu hết các trường hợp các nhà chức trách phải có lệnh truy nã của tòa án khi chứng minh được yêu cầu cần thiết phải có lệnh này. Toà án Tối cao quy định rằng các bằng chứng có được do vi phạm Điều luật Bổ sung Sửa đổi thứ 4 sẽ không được coi là bằng chứng trong phiên tòa xét xử tội phạm.
Tuyên ngôn Về Nhân quyền
Điều luật Bổ sung Sửa đổi thứ 5
QUYỀN TRONG CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ
Không một ai bị buộc phải chịu trách nhiệm về một tội nghiêm trọng hoặc một tội xấu xa khác nếu không có sự tường trình và cáo trạng của Bồi thẩm Đoàn, trừ những trường hợp xảy ra trong lục quân, hải quân hoặc trong lực lượng dự bị, khi đang thi hành công vụ trong thời chiến hoặc trong tình trạng xã hội gặp hiểm nguy. Không một ai sẽ bị kết án hai lần về cùng một tội có nguy hại đến tính mạng và thân thể; không một ai bị ép buộc phải làm chứng chống lại bản thân mình trong một vụ án hình sự và bị tước đoạt sinh mạng, tự do hoặc tài sản, nếu không qua một quá trình xét xử theo đúng luật; không một tài sản tư hữu nào bị trưng dụng vào việc công mà không được bồi thường thích đáng.
CHÚ THÍCH:
Một tội phạm tử hình là một người bị trừng phạt bằng cái chết. Một tội phạm bị tước quyền công dân là một người có thể bị trừng phạt bằng cái chết hoặc tống giam. Điều luật Bổ sung Sửa đổi này bảo đảm rằng không ai phải hầu tòa với tư cách là tội phạm liên bang như vậy trừ khi một Bồi thẩm Đoàn đã kết tội (buộc tội) ông ta hoặc bà ta. Bồi thẩm Đoàn là một nhóm người đặc biệt được lựa chọn để quyết định xem có đủ bằng chứng chống lại một người đang bị kiện hay không. Một người không thể bị đe dọa hai lần (xét xử hai lần) cho cùng một tội bởi cùng một chính phủ. Tuy nhiên họ có thể bị xét xử lần thứ hai nếu Bồi thẩm Đoàn không thể nhất trí về lời tuyên án, nếu vụ án bị coi là sai vì một số lý do, hoặc nếu họ yêu cầu một phiên tòa xét xử mới. Điều luật Bổ sung Sửa đổi này cũng bảo đảm rằng một người không thể bị buộc phải làm chứng chống lại chính mình.
Điều khoản về quy trình tố tụng đúng, tuyên bố rằng không một người nào bị tước đi cuộc sống, tự do hoặc tài sản mà không có “một tiến trình tố tụng đúng” là một trong những điều khoản quan trọng nhất của Hiến pháp. Điều luật Bổ sung Sửa đổi thứ 14 giữ nguyên các cụm từ này nhằm hạn chế quyền hạn của các bang. Cụm từ này phản ánh ý tưởng cho rằng cuộc sống, tự do hoặc tài sản của một người không phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhiệm ý của các quan chức chính phủ. Ý tưởng này có nguồn gốc từ Magna Carta, quy định rằng quốc vương Anh không thể bắt giam hoặc làm hại một người “trừ khi do phán quyết theo luật pháp của các Thượng Nghị sỹ hoặc theo luật của đất nước”.
Toà án Tối cao đã áp dụng điều khoản về quy trình tố tụng đúng – đây là một khoản trong Điều luật Bổ sung Sửa đổi thứ 14 hạn chế quyền hạn của các bang – trong nhiều tình huống khác nhau. Cho đến giữa thế kỷ XIX, tòa án đã sử dụng điều khoản về quy trình tố tụng đúng để chống lại các điều luật ngăn cản nhân dân sử dụng tài sản của họ theo ý muốn. Ngày nay, tòa án sử dụng điều khoản về quy trình tố tụng đúng để chống lại các điều luật can thiệp vào quyền tự do cá nhân.
Điều luật Bổ sung Sửa đổi này cũng nghiêm cấm chính phủ lấy tài sản của cá nhân kể cả vì mục đích công mà không có khoản đền bù xứng đáng. Quyền lấy tài sản cá nhân sử dụng cho mục đích công của chính phủ được gọi là quyền sung công tài sản. Các chính phủ sử dụng nó nhằm đòi đất tư để xây dựng quốc lộ, trường học và các cơ sở hạ tầng công cộng khác, tuy nhiên họ phải trả cho chủ sở hữu đất một khoản đền bù công bằng.
Tuyên ngôn Về Nhân quyền
Điều luật Bổ sung Sửa đổi thứ 6
QUYỀN ĐƯỢC XÉT XỬ CÔNG BẰNG
Trong mọi trường hợp truy tố hình sự, bị cáo có quyền được xét xử một cách nhanh chóng và công khai bởi một Bồi thẩm Đoàn công bằng của bang hoặc khu vực nơi tội trạng xảy ra, nơi đã được pháp luật chỉ định trước; bị cáo phải được thông báo về tính chất và lý do buộc tội, được đối chất với các nhân chứng chống lại mình, được quyền triệu tập những nhân chứng để biện minh và được sự giúp đỡ của luật sư bào chữa.
CHÚ THÍCH:
Một người bị buộc tội phải được xét xử công khai và thích hợp bởi một Bồi thẩm Đoàn vô tư không thành kiến. Yêu cầu có một phiên tòa công khai và nhanh chóng nảy sinh từ một thực tế là một vài vụ án chính trị ở Anh đã bị trì hoãn trong nhiều năm và sau đó được tổ chức xét xử bí mật. Những người bị buộc tội phải được thông báo về lời buộc tội chống lại họ và phải được phép gặp trực tiếp các nhân chứng chống lại họ. Nếu không thì những người vô tội có thể bị trừng phạt nếu tòa án cho phép sử dụng lời khai của các nhân chứng vô danh làm bằng chứng. Điều luật Bổ sung Sửa đổi này bảo đảm rằng các cá nhân bị xét xử có thể gặp mặt và kiểm tra chéo những người buộc tội họ. Cuối cùng, những người bị buộc tội phải có một luật sư bảo vệ cho họ nếu họ mong muốn như vậy. Nếu một bị đơn hình sự không thể thuê luật sư thì Toà án Tối cao quy định phải chỉ định một luật sư đại diện cho người bị buộc tội.
Tuyên ngôn Về Nhân quyền
Điều luật Bổ sung Sửa đổi thứ 7
QUYỀN TRONG CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ
Trong những vụ kiện tụng theo thông luật, nếu giá trị tranh chấp quá 20 đôla, thì quyền được xét xử bởi Bồi thẩm Đoàn sẽ được tôn trọng và không một vụ việc nào đã được xét xử bởi Bồi thẩm Đoàn lại phải được xem xét lại lần nữa ở bất cứ tòa án nào của Mỹ, mà phải căn cứ theo các quy tắc của thông luật.
CHÚ THÍCH:
Điều luật Bổ sung Sửa đổi thứ 6 yêu cầu các vụ án hình sự phải được xử án có hội thẩm. Điều luật Bổ sung Sửa đổi thứ 7 yêu cầu tương tự cho các vụ án dân sự nếu chi phí xử án lớn hơn 20 đô–la Mỹ. Điều luật Bổ sung Sửa đổi này chỉ áp dụng cho các tòa án liên bang. Tuy nhiên, hầu hết hiến pháp của các bang đều yêu cầu xét xử có hội thẩm cho các vụ kiện dân sự cũng như hình sự.
Tuyên ngôn Về Nhân quyền
Điều luật Bổ sung Sửa đổi thứ 8
TIỀN BẢO LÃNH, TIỀN PHẠT VÀ HÌNH PHẠT
Không đòi hỏi những khoản tiền bảo lãnh quá cao, không áp đặt những khoản tiền phạt quá mức và không áp dụng những hình phạt dã man và khác thường.
CHÚ THÍCH:
Tiền bảo lãnh, tiền phạt và hình phạt phải công bằng và nhân đạo. Trong vụ Furman kiện Georgia vào năm 1972, Toà án Tối cao đã quy định rằng án tử hình, hình phạt sau đó đã thực hiện, đã vi phạm Điều luật Bổ sung Sửa đổi này. Tòa án cho rằng án phạt tử hình là hình phạt tàn nhẫn và bất thường do nó không được áp dụng công bằng và thống nhất. Sau quyết định đó, nhiều bang đã thông qua điều luật mới về hình phạt tử hình được xây dựng nhằm phù hợp với sự phản đối của Toà án Tối cao. Tòa án quy định rằng án tử hình có thể được thực hiện trong các trường hợp tử hình nếu áp dụng một số tiêu chuẩn nhất định để tránh áp dụng án tử hình một cách tuỳ tiện và thất thường.
Tuyên ngôn Về Nhân quyền
Điều luật Bổ sung Sửa đổi thứ 9
QUYỀN CỦA NHÂN DÂN
Việc liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hoặc hạ thấp những quyền khác của người dân.
CHÚ THÍCH:
Một số người lo sợ rằng việc liệt kê các quyền trong Tuyên ngôn Về Nhân quyền sẽ được giải thích rằng các quyền khác không được liệt kê sẽ không được bảo vệ. Điều luật Bổ sung Sửa đổi này được thông qua nhằm ngăn cản các giải thích sai lầm như vậy.
Tuyên ngôn Về Nhân quyền
Điều luật Bổ sung Sửa đổi thứ 10
QUYỀN CỦA CÁC BANG VÀ CỦA NHÂN DÂN
Những quyền lực không được Hiến pháp trao cho Liên bang và không bị ngăn cấm đối với các bang, thì thuộc về các bang cụ thể hoặc nhân dân.
CHÚ THÍCH:
Điều luật Bổ sung Sửa đổi này được thông qua nhằm cam đoan rằng chính phủ quốc gia sẽ không nuốt chửng các bang. Nó xác nhận rằng các bang hoặc nhân dân có tất cả các quyền lợi mà chính phủ quốc gia không có. Ví dụ, các bang có quyền quản lý các vấn đề như kết hôn và ly dị.
(Trích dẫn từ “Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Mỹ, Tháng Bảy 2004. Bản dịch của Sứ quán Mỹ tại Việt nam”).

II. GIẢI QUYẾT MỘT SỐ MÂU THUẪN ĐỐI KHÁNG TRONG PHIÊN BẢN ĐẦU TIÊN.

Tuyên ngôn Về Nhân quyền đã xác lập được các quyền chính trị cho mọi cá nhân để mọi cá nhân đều có thể làm chủ chính quyền. Trong các quyền đó phải kể đến các quyền cơ bản, như tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do kiến nghị, và quyền mang vũ khí, để nhân dân có được các phương tiện cần thiết làm đối trọng với chính quyền vốn có quyền lực nhà nước rất mạnh mẽ trong tay, nếu không có các quyền đó thì nhân dân có thể bị nghiền nát vào bất cứ lúc nào bởi một chính quyền mạnh mẽ như vậy 17). Dựa vào các quyền đó, người Mỹ đã diễn dịch các quyền đó thành nhiều quyền khác nhau, trong đó có quyền quan trọng nhất là quyền thiết lập hoặc bảo tồn các đảng phái chính trị làm nền tảng chắc chắn nhất cho chế độ dân chủ.
Do hình thành từ một bối cảnh đặc biệt nên Hiến pháp Mỹ nhất thiết phải có Tuyên ngôn Về Nhân quyền làm cơ sở pháp lý cho nguyên tắc đa nguyên bình đẳng mới bảo đảm cho hiến pháp thật sự có giá trị dân chủ. Nói như vậy không có nghĩa là khẳng định rằng một hiến pháp thật sự có giá trị dân chủ cần phải có Tuyên ngôn Về Nhân quyền. Trái lại, một hiến pháp thật sự có giá trị dân chủ phải quy định rõ ràng ngay từ đầu cả quyền lẫn nghĩa vụ cho mọi cá nhân rồi trên cơ sở đó sẽ quy định cả quyền lẫn nghĩa vụ cho chính quyền. Nếu cứ đòi hỏi phải có Tuyên ngôn Về Nhân quyền thì chẳng qua chỉ học đòi hoặc dập khuôn nước Mỹ mà thôi. Thế giới ngày nay có nhiều hiến pháp thật sự dân chủ nhưng không cần Tuyên ngôn Về Nhân quyền. Chẳng qua nước Mỹ đi tiên phong chưa có kinh nghiệm khoa học về lập hiến mới phải đi vòng vèo như vậy qua Tuyên ngôn Về Nhân quyền.

III. CÁC MÂU THUẪN ĐỐI KHÁNG TRONG PHIÊN BẢN THỨ HAI.

     Tuyên ngôn Về Nhân quyền đã loại bỏ hết các yếu tố chuyên chế hoặc tính chất độc đoán trong chính quyền nhưng vẫn còn giữ nguyên các yếu tố nửa vời hoặc tính chất quý tộc cho chính quyền thể hiện trần trụi qua Đại Cử tri, quyền bầu cử, Thượng Nghị việntình trạng nô lệ cho người da màu như đã được trình bày ở chương IV, mục III, tiểu mục B, tiết 2 với cả ba đề mục (a, bc), qua đó mà vẫn bảo tồn ngấm ngầm quyền lực chuyên chế cho giai cấp tư sản đối với tất cả các giai cấp khác trong xã hội Mỹ. Nói cho đúng hơn, Tuyên ngôn Về Nhân quyền đã ngăn chặn được quyền lực chuyên chế cho chính quyền đối với đa số người dân nhưng vẫn chưa xóa bỏ được quyền lực chuyên chế cho các nhà giàu da trắng đối với tất cả các thành phần khác trong xã hội Mỹ. Đó là nguyên nhân sâu xa nhất đã làm phát sinh nhiều cuộc đấu tranh chính trị vừa phức tạp vừa dữ dội trong suốt thế kỷ XIX mà điển hình nhất thuộc về cuộc Nội chiến từ năm 1861 đến năm 1865.



J. B. Hàvăn Huytoàn
(Viêt vào Tháng Bảy 2007)


17) Tuyên ngôn Về Nhân quyền đã xác lập được nguyên tắc đa nguyên bình đẳng làm nền tảng chính trị cho chính thể dân chủ vốn được lấy làm mục đích chân chính cho Hiến pháp Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét