Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

KINH TẾ ĐỔI CHÁC VỚI QUY LUẬT GIÁ TRỊ

Tác giả
I – HÀNG HOÁ HOẶC KINH TẾ ĐỔI CHÁC.

1. Sự thống nhất giá trị sử dụng với giá trị trao đổi.

Như ta đã biết, nhân loại bao gồm tất cả các cá nhân khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ nhưng lại giống nhau về bản năng sinh tồn, tức là bản năng ham sống hoặc bản năng sợ chết; bản năng này bắt buộc mỗi cá nhân nhất định phải tiêu dùng nhiều thứ khác nhau để kéo dài sự sống cho mình, nhưng mỗi cá nhân nhất định lại chỉ tạo ra được một hoặc một số ít thứ nhất định để thoả mãn mình mà thôi, tức là mỗi cá nhân nhất định luôn luôn có một mâu thuẫn nội tại giữa nhu cầu tiêu dùng vô hạn với khả năng sản xuất hữu hạn; chính cái mâu thuẫn này đã làm cho mỗi cá nhân nhất định luôn luôn có bản tính vị kỷ: ích kỷ, tư lợitham lam.
Đó là một thực tại khách quan để tôi xác lập các quan niệm đúng đắn về đời sống xã hội (social existence) mà ở đây sẽ biểu hiện trước hết thành đời sống kinh tế.
Bản năng sinh tồn thể hiện trước hết thành nhu cầu tiêu dùng những đối tượng hữu ích ở bên ngoài. Vì những đối tượng này không có sẵn nên nhân loại phải dựa vào thế giới xung quanh để tạo ra chúng, tức là phải lao động hoặc hoạt động sản xuất. Vậy chính bản năng sinh tồn đã thúc đẩy nhân loại phải hoạt động sản xuất mới tồn tại được.
Nói đến nhân loại không thể chỉ nói đến một hoặc một số cá nhân nào đó với đời sống tư riêng của nó mà phải nói đến thực tại nhân văn biểu hiện thành tất cả các cá nhân khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ nhưng lại giống nhau về bản năng sinh tồn. Hình dung nhân loại như vậy ta hiểu được ngay rằng bản năng sinh tồn hiện hữu ở tất cả các cá nhân nói trên chứ không phải chỉ hiện hữu ở một hoặc một số cá nhân nào đó, tức là mỗi cá nhân nhất định cũng như tất cả các cá nhân khác đều có bản năng sinh tồn. Điều khẳng định này chẳng qua chỉ biểu hiện cụ thể cái thực tại kia mà thôi.
Bản năng sinh tồn làm cho mỗi cá nhân nhất định có nhu cầu tiêu dùng nhiều đối tượng hữu ích khác nhau để kéo dài đời sống của mình, nhưng mỗi cá nhân này lại chỉ có thể tạo ra được một số ít sản phẩm đơn giản để tự thoả mãn mình, tức là mỗi cá nhân nhất định luôn luôn có một mâu thuẫn nội tại giữa nhu cầu tiêu dùng vô hạn với khả năng sản xuất hữu hạn, theo đó mỗi cá nhân này luôn luôn cần phải tiêu dùng nhiều loại sản phẩm khác nhau để kéo dài đời sống nhưng lại chỉ có thể sản xuất được một hoặc một số ít loại sản phẩm đơn giản để tiêu dùng hoặc thoả mãn mình mà thôi. Cái mâu thuẫn này tồn tại tự nhiên ở mỗi cá nhân nhất định làm cho nhân loại tất yếu phải sống bằng kinh tế đổi chác hoặc kinh tế hàng hoá như vẫn thường gọi, theo đó các cá nhân khác nhau phải sản xuất rồi trao đổi với nhau làm cho sản phẩm của lao động chuyển hoá thành hàng hoá 12).
Hàng hoá là những đối tượng vừa có giá trị sử dụng vừa có giá trị trao đổi hoặc giá trị như vẫn thường gọi vắn tắt.
            Giá trị sử dụng là công dụng hữu ích có thể thoả mãn được nhu cầu của nhân loại, cả nhu cầu tiêu dùng lẫn nhu cầu sản xuất, chẳng hạn: thực phẩm để ăn, y phục để mặc, nhà cửa để cư trú, phương tiện giao thông để vận chuyển; hoặc máy móc để sản xuất, v. v..
Về mặt giá trị sử dụng, mỗi hàng hoá nhất định phải được xét theo cả hai mặt: mặt chất và mặt lượng. Với mặt chất, mỗi giá trị sử dụng nhất định biểu hiện thành một tổng thể gồm nhiều thuộc tính hữu ích khác nhau, nhờ đó mà có thể hữu ích về nhiều mặt khác nhau đối với nhu cầu của nhân loại. Khoa học kỹ thuật mà càng phát triển, người ta sẽ tìm được càng nhiều thuộc tính đó. Với mặt lượng, mỗi giá trị sử dụng nhất định phải biểu hiện thành một số lượng nhất định, như một tấn thực phẩm hoặc một tá đồng hồ, v. v..
Giá trị là sức lao động đã hao tổn để tạo ra hàng hoá. Mỗi loại hàng hoá nhất định đòi hỏi phải được sản xuất theo một cách thức riêng biệt, khiến sức lao động phải bị hao tổn theo nhiều cách thức khác nhau, mỗi cách thức đó lại có nhiều mức độ hoặc cường độ khác nhau. Nhưng sức lao động lại có sự thống nhất thể lực với trí lực mà muốn tạo ra một giá trị lớn hơn, người ta phải giảm bớt hao phí thể lực đồng thời phải gia tăng hao phí trí lực.
Vậy, về mặt chất, giá trị được quyết định bởi sức lao động nhưng về mặt lượng, giá trị lại được quyết định bởi mức độ hoặc cường độ của lao động, cái này lại được quy theo tỷ lệ thuận thành thời gian lao động, thời gian này chỉ được tính theo thời gian cần thiết để tạo ra một đơn vị hàng hoá.
Theo sự quy định như vậy, tổng số giá trị phải bằng tổng số sức lao động đã hao tổn ở mức độ cần thiết để tạo ra hàng hoá. Các hàng hoá có số lượng sức lao động bằng nhau hoặc được sản xuất với cùng một thời gian bằng nhau, đều như nhau về số lượng giá trị hoặc có số lượng giá trị bằng nhau. Tỷ số của giá trị trong một đơn vị hàng hoá này với giá trị trong một đơn vị hàng hoá kia, cũng bằng tỷ số của thời gian cần thiết để sản xuất hàng hoá này với thời gian cần thiết để sản xuất hàng hoá kia. Nếu thời gian đó mà không thay đổi thì số lượng giá trị chứa đựng trong mỗi đơn vị hàng hoá cũng không thay đổi. Nhưng thời gian đó hoặc mức độ hao tổn sức lao động lại thay đổi trái ngược với sự thay đổi về năng suất của lao động. Nếu năng suất của lao động mà càng lớn thì thời gian đó càng ngắn, hoặc số lượng sức lao động chứa đựng trong một đơn vị hàng hoá càng nhỏ, làm cho số lượng giá trị của một đơn vị hàng hoá cũng càng nhỏ; ngược lại, tự nó đã rõ ràng.
Tóm lại, số lượng giá trị của một đơn vị hàng hoá tỷ lệ thuận với số lượng sức lao động hoặc thời gian cần thiết để tạo ra nó, nhưng lại tỷ lệ nghịch với năng suất của lao động.
Về mặt giá trị sử dụng, các hàng hoá khác nhau về chất; nhưng về mặt giá trị, các hàng hoá lại chỉ có thể khác nhau về lượng mà thôi, theo đó các hàng hoá chỉ khác nhau về số lượng sức lao động đã hao tổn để tạo ra mà thôi.
Hơn nữa, vì về mặt chất, giá trị được quy định bằng sức lao động, làm cho về mặt lượng, số lượng giá trị phải được quy thành số lượng sức lao động mà dựa vào đấy, các hàng hoá được trao đổi với nhau theo nguyên tắc ngang bằng nhau, nên giá trị biểu hiện tính chất bái vật của hàng hoá hoặc biểu hiện quan hệ sản xuất giữa người với người, tức là quan hệ giữa người sản xuất này với người sản xuất khác.
Quan hệ sản xuất, xét đến cùng, chỉ biểu hiện quan hệ ngoại tại, mà quan hệ này lại được quy định bởi lực lượng nội sinh. Lực lượng nội sinh là toàn bộ năng lực sinh tồn cho mỗi cá nhân nhất định, còn quan hệ ngoại tại là toàn bộ các mối quan hệ giữa cá nhân ấy với tất cả các cá nhân khác. Lượng nào, chất ấy; cũng như chất nào, lượng ấy: với mỗi trình độ phát triển nhất định, lực lượng nội sinh lại có quan hệ ngoại tại tương ứng; quan hệ ngoại tại luôn luôn phù hợp với lực lượng nội sinh, vừa biểu hiện vừa định hướng (mở rộng hoặc thu hẹp) lực lượng nội sinh, làm cho lực lượng nội sinh luôn luôn diễn biến theo một chiều hướng nhất định.

2. Tính chất hai mặt của lao động biểu hiện qua hàng hoá.

Sở dĩ hàng hoá vừa có giá trị sử dụng lại vừa có giá trị trao đổi, đồng thời lại có sự biến thiên trái ngược nhau giữa hai mặt đó, vì lao động tạo ra nó có tính chất hai mặt: tính chất vừa cụ thể vừa trừu tượng 13).
Về mặt cụ thể, lao động đó phải được quy thành lao động cụ thể. Nhưng về mặt trừu tượng, lao động đó lại phải được quy thành lao động trừu tượng.
Lao động cụ thể là lao động được tiến hành nhằm vào một mục đích riêng biệt, theo một phương pháp riêng biệt với một đối tượng riêng biệt bằng một phương tiện riêng biệt, để tạo ra một sản phẩm riêng biệt biểu hiện thành một giá trị sử dụng nhất định.
Về mặt này, lao động chỉ được xét theo năng suất của nó hoặc tỷ số giữa số lượng sản phẩm với một đơn vị thời gian. Nếu tỷ số này mà gia tăng thì sự thể đó cho thấy năng suất của lao động gia tăng; hoặc ngược lại. Năng suất của lao động phụ thuộc vào cả khả năng lao động lẫn điều kiện sản xuất.
Mọi hàng hoá, đặc biệt đối với hàng hoá vật phẩm, đều được cấu thành bởi hai yếu tố: vật chất và lao động. Nếu trừ tất cả các loại lao động chứa đựng trong các hàng hoá đó thì chỉ còn lại cái xác vật chất có sẵn trong tự nhiên chứ không phải được tạo ra bởi lao động. Như vậy, lao động không phải là nguồn gốc duy nhất của của cải vật chất, mà chỉ là một trong hai nguồn gốc cơ bản của của cải đó, bên cạnh điền địa. Hoặc nói như William Petty đã nói: lao động là cha, còn điền địa là mẹ của mọi của cải vật chất.
Lao động trừu tượng là lao động được thực hiện thông qua mọi lao động cụ thể biểu hiện thuần tuý thành sự hao tổn sức lực của nhân loại trong quá trình lao động.
Về mặt này, lao động chỉ được xét theo mức độ hoặc cường độ của nó, mà cường độ của lao động lại được quy thành thời gian cần thiết để tạo ra một đơn vị hàng hoá; nếu cường độ của lao động mà càng lớn thì phải được quy thành một thời gian lao động càng dài, đồng thời phải chuyển hoá thành một số lượng giá trị càng lớn; ngược lại, tự nó đã rõ ràng.
Làm thế nào để giảm bớt cường độ cho lao động trong việc sản xuất một đơn vị hàng hoá? Hoặc nói theo một cách khác: muốn rút ngắn thời gian cần thiết để sản xuất một đơn vị hàng hoá, cần phải làm gì? Cần phải gia tăng năng suất cho lao động. Nhưng năng suất lại thuộc về lao động cụ thể. Vậy lao động cụ thể đối lập với lao động trừu tượng về cả tác dụng lẫn xu hướng, theo đó năng suất của lao động mà gia tăng sẽ làm giảm sút cường độ cho lao động, hoặc rút ngắn thời gian cần thiết để tạo ta một đơn vị hàng hoá, từ đó làm giảm sút giá trị cho đơn vị đó; hoặc ngược lại, tự nó đã rõ ràng. Cái hiện tượng theo đó, số lượng giá trị của một đơn vị hàng hoá tỷ lệ thuận với số lượng sức lao động hoặc thời gian cần thiết để tạo ra nó nhưng lại tỷ lệ nghịch với năng suất của lao động, chỉ biểu hiện sự đối lập giữa lao động cụ thể với lao động trừu tượng mà thôi.
Thật ra, trong hàng hoá không hề có hai loại lao động khác nhau, mà chỉ có một loại lao động duy nhất tự đối lập với bản thân, tuỳ theo người ta liên hệ nó với giá trị sử dụng của hàng hoá, quy giá trị này thành sản phẩm của nó; hoặc liên hệ nó với giá trị trao đổi của hàng hoá, quy giá trị này thành hình thức biểu hiện trừu tượng của nó. Về mặt này, bất cứ một lao động nào cũng đều là sự hao tổn hoặc sự tiêu phí sức lực của nhân loại; với tư cách là lao động giống nhau hoặc trừu tượng như vậy, nó tạo ra giá trị cho hàng hoá. Về mặt kia, bất cứ lao động nào cũng là sự tiêu phí sức lực của nhân loại dưới một hình thức sản xuất nào đó, sự tiêu phí đó được quyết định bởi một mục đích riêng biệt; với tư cách là lao động hữu ích hoặc cụ thể như vậy, nó tạo ra giá trị sử dụng cho hàng hoá. Cũng như hàng hoá phải có giá trị sử dụng mới được quy thành giá trị, lao động phải có tính chất hữu ích mới được quy thành sự tiêu phí sức lực của nhân loại hoặc lao động xã hội hiểu theo ý nghĩa trừu tượng.

3. Điều kiện để trao đổi hoặc điều kiện để sản phẩm của lao động chuyển hoá thành hàng hoá.

Sự trao đổi chỉ xảy ra giữa những đối tượng khác nhau về giá trị sử dụng nhưng lại phải giống nhau hoặc bằng nhau về giá trị trao đổi (giá trị). Theo tất yếu kinh tế, những đối tượng giống nhau về giá trị sử dụng không thể trao đổi được với nhau, dù chúng giống nhau hoặc khác nhau về số lượng giá trị cũng vậy. Vậy muốn có sự trao đổi, cần phải có sự phân công xã hội của lao động làm điều kiện trực tiếp.
Sự phân công xã hội của lao động là sự phân chia toàn bộ hoạt động sản xuất của nhân loại thành nhiều ngành nghề sản xuất khác nhau với nhiều loại lao động hữu ích khác nhau tương ứng với nhiều loại tư liệu sản xuất cũng khác nhau, dựa trên sự độc lập với nhau về cả kỹ thuật sản xuất lẫn lợi ích kinh tế giữa những người sản xuất khác nhau, để tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau về giá trị sử dụng. Chính sự phân công này đã làm cho lao động phải biểu hiện thành hai mặt mà ta đã biết, đồng thời làm cho mỗi người sản xuất trong một ngành nghề sản xuất nhất định trở thành một nhà sản xuất tư nhân.
Do mỗi cá nhân nhất định có mâu thuẫn nội tại giữa nhu cầu tiêu dùng vô hạn với khả năng sản xuất hữu hạn nên hoạt động sản xuất của nhân loại tất yếu phải xảy ra sự phân công xã hội. Nhưng sự phân công xã hội lại đòi hỏi các cá nhân phải khác nhau về khả năng sản xuất, nếu các cá nhân mà giống nhau về khả năng đó thì tuyệt đối không thể xảy ra sự phân công xã hội. Tuy nhiên, sự khác nhau về khả năng sản xuất lại đòi hỏi các cá nhân phải khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ – một yêu cầu mới chỉ được phát hiện một nửa bởi Friedrich August von Hayek với “Sự Phân hữu Tri thức”! Quả thật, do khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ nên các cá nhân tất yếu phải khác nhau về khả năng sản xuất. Vậy chính sự khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ đã làm điều kiện tự nhiên cho sự phân công xã hội.
Sự phân công xã hội làm điều kiện trực tiếp cho sự trao đổi, nếu không xảy ra sự phân công xã hội thì cũng không thể xảy ra sự trao đổi. Thông qua trao đổi mà mọi cá nhân khác nhau đều được thoả mãn nhu cầu. Chính vì thoả mãn được nhu cầu phong phú của mọi cá nhân khác nhau nên sự trao đổi làm cho sự phân công xã hội trở nên độc lập khách quan đối với ý muốn chủ quan của mỗi cá nhân nhất định, theo đó việc sản xuất cái gì được thực hiện bởi mỗi cá nhân này sẽ được quyết định bởi nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân khác chứ không phải được quyết định bởi ý muốn chủ quan của chính người sản xuất, tức là mỗi cá nhân nhất định không thể thích sao làm vậy được cũng như không thể muốn sản xuất cái gì cũng được hoặc không được sản xuất những sản phẩm có giá trị sử dụng đối với mình mà chỉ có thể phải sản xuất những sản phẩm có giá trị sử dụng đối với các cá nhân khác. Cái tất yếu này làm cho thuộc tính hàng hoá của sản phẩm lao động trở thành thuộc tính cố hữu của chính sản phẩm đó: một khi sản phẩm lao động đã chuyển hoá thành hàng hoá rồi sẽ mãi mãi không thể chuyển hoá ngược trở lại thành sản phẩm đơn thuần được nữa, thành ra tiêu dùng chỉ có tiêu dùng hàng hoá cũng như sản xuất chỉ có sản xuất hàng hoá; hoặc sản xuất nói chung một khi đã chuyển hoá thành sản xuất hàng hoá rồi sẽ mãi mãi không thể chuyển hoá được ngược trở lại thành sản xuất đơn thuần nữa, y hệt một thiếu nữ đã giao hợp với tình nhân sẽ mãi mãi không thể quay trở lại trạng thái trinh nguyên trước giao hợp được nữa. Sự thể này không thể hình dung nổi đối với những người có tư tưởng chống kinh tế hàng hoá.
Cần phân biệt sự phân công xã hội với sự phân công kỹ thuật của lao động. Sự phân công kỹ thuật là sự phân chia một ngành nghề sản xuất nhất định thành nhiều chức năng khác nhau được thực hiện bởi nhiều người lao động bộ phận khác nhau với nhiều công cụ lao động khác nhau, dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau về cả kỹ thuật sản xuất lẫn lợi ích kinh tế giữa những người lao động đó, để cùng tạo ra một sản phẩm nhất định. Sự phân công này chỉ biểu hiện cùng một lao động cụ thể mà thôi. Nếu điều kiện để thực hiện sự phân công xã hội là sự phân tán tư liệu sản xuất vào nhiều ngành nghề sản xuất khác nhau, độc lập với nhau, thì điều kiện để thực hiện sự phân công kỹ thuật lại là sự tập trung tư liệu sản xuất vào cùng một ngành nghề sản xuất nhất định. Nếu sự phân công xã hội là điều kiện để tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh, những sản phẩm này có thể trao đổi được với nhau như những hàng hoá, tức là những sản phẩm có tính cách hàng hoá, thì sự phân công kỹ thuật lại chỉ là điều kiện để tạo ra những sản phẩm bộ phận, những sản phẩm này chỉ có thể kết hợp được với nhau để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh chứ không thể trao đổi được với nhau như những hàng hoá, tức là những sản phẩm thuần tuý, không có tính cách hàng hoá. Nếu sự phân công xã hội biểu hiện việc tư nhân hoá lao động xã hội thì ngược lại, sự phân công kỹ thuật lại biểu hiện việc xã hội hoá lao động tư nhân 14).
Muốn thực hiện sự phân công xã hội hoặc tư nhân hoá lao đông xã hội, cần phải tư nhân hoá tư liệu sản xuất xã hội hoặc biến tư liệu sản xuất xã hội thành tư liệu sản xuất tư nhân, theo đó mỗi nhà sản xuất tư nhân phải có quyền sử dụng tư nhân đối với tư liệu sản xuất xã hội bất kể nhà sản xuất đó có hay không có quyền sở hữu đối với tư liệu sản xuất đó 15). Tính chất tư nhân của tư liệu sản xuất biểu hiện qua việc tư liệu đó được sử dụng theo nhiều phương thức khác nhau bởi nhiều cá nhân sản xuất khác nhau có lợi ích độc lập với nhau, theo đó mỗi loại tư liệu sản xuất nhất định với một bộ phận nhất định được sử dụng theo một cách thức nhất định bởi một cá nhân sản xuất nhất định hoặc một nhóm cá nhân nhất định có lợi ích kinh tế phụ thuộc lẫn nhau chứ không phải được sở hữu riêng bởi từng cá nhân nhất định. Tư liệu sản xuất vốn có tính chất xã hội, theo đó tư liệu sản xuất được tạo ra đồng thời lại được sử dụng trong quan hệ giữa người với người, – quan hệ này có thể biểu hiện thành sự hợp tác hoặc cũng có thể biểu hiện thành sự trao đổi giữa người với người, – chứ tuyệt nhiên không biểu hiện qua tình trạng mà nó được sở hữu chung bởi toàn thể xã hội hoặc toàn thể cộng đồng. Trong các xã hội văn minh, tư liệu sản xuất phải bị phân chia thành nhiều loại khác nhau với nhiều bộ phận khác nhau, mỗi loại đó với một bộ phận nhất định chỉ có thể được sở hữu riêng bởi từng cá nhân nhất định mà thôi.
            Cần phải phân biệt rõ ràng tư nhân hoá tư liệu sản xuất xã hội với tư hữu hoá tư liệu sản xuất đó. Tư nhân hoá tư liệu sản xuất xã hội là xác lập tính chất tư nhân cho việc sử dụng tư liệu sản xuất đó. Ví dụ, đối với cùng một thửa đất, nếu A được quyền sử dụng thì A dùng vào canh tác; nhưng nếu B được quyền sử dụng thì B dùng vào xây nhà; v. v., bất kể A hoặc B có hay không có quyền sở hữu đối với thửa đất. Chính việc canh tác hoặc việc xây nhà, v. v., đã biểu hiện việc tư nhân hoá thửa đất đồng thời đã làm nên tính chất tư nhân cho thửa đất. Còn tư hữu hoá tư liệu sản xuất xã hội lại là xác lập quyền sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất đó, vốn được sở hữu bởi một giai cấp nhất định hoặc một tập thể nhất định, như bất cứ nhà nước nào chẳng hạn; hoặc biến tư liệu sản xuất đó thành tài sản của một cá nhân nhất định. Ví dụ, nhà nước quý tộc ban phát một phần tài sản của mình cho một cá nhân nào đó, như thế nhà nước đó đã tư hữu hoá một phần tài sản ấy; hoặc một quan chức nhà nước chiếm đoạt một phần tài sản của nhà nước chuyên chế bằng cách ăn cắp hoặc lừa lọc, v. v., như thế quan chức đó đã tư hữu hoá một phần tài sản của nhà nước kia, v. v.. Nhưng nếu nhà nước kia bán tài sản của mình cho các cá nhân thì như thế, nhà nước kia chỉ làm thay đổi hình thức cho tài sản của mình mà thôi. Tài sản đó không bị mất đichỉ thay đổi hình thức từ hình thức này sang hình thức khác, từ hình thức hàng hoá sang hình thức tiền tệ.
Tuỳ theo số lượng tư liệu sản xuất có trong xã hội mà việc tư nhân hoá tư liệu sản xuất đó phải có những tính chất khác nhau tương ứng với những hình thức khác nhau thích hợp với điều kiện thực tế. Lúc đầu, tư liệu sản xuất đó còn ít ỏi, việc tư nhân hoá tư liệu sản xuất đó nhất định phải biểu hiện thành sở hữu tư nhân, theo đó quyền sở hữu tư nhân gắn liền với quyền sử dụng tư nhân hoặc người sản xuất vừa sử dụng tư liệu sản xuất vừa sở hữu tư liệu đó; khi ấy, sở hữu tư nhân chi phối trực tiếp việc sản xuất để trao đổi. Về sau, nhờ tích luỹ mà tư liệu sản xuất đó ngày càng nhiều, đến nỗi mỗi chủ tư hữu không thể thực hiện được quyền sử dụng tư nhân đối với tư liệu sản xuất đó. Nếu cố tình thực hiện quyền sử dụng tư nhân đối với tư liệu sản xuất đó thì người đó sẽ bị mất mát hoặc bị thua thiệt bởi cạnh tranh hoặc áp lực xã hội gia tăng, v. v.. Lúc đó, muốn thực hiện được lợi ích tư nhân của mình, các chủ tư hữu phải bán quyền sử dụng đối với tư liệu sản xuất của mình cho người khác có khả năng sử dụng tư liệu sản xuất đó, tức là tín dụng hoá tư liệu sản xuất của mình, làm cho quyền sở hữu tư nhân bị tách khỏi quyền sử dụng tư nhân hoặc bị tách khỏi việc sử dụng tư liệu sản xuất tư nhân. Nền sản xuất xã hội trở thành nền sản xuất tư nhân bị tách khỏi quyền sở hữu tư nhân hoặc không còn bị kiểm soát trực tiếp bởi quyền sở hữu tư nhân.
Tóm lại, muốn có sự trao đổi, cần phải tư nhân hoá cả hai mặt của sản xuất nói chung: cả bản thân lao động lẫn tư liệu sản xuất. Sự kiện này chỉ xác nhận rằng: kinh tế đổi chác không phụ thuộc vào sở hữu tư nhân mặc dù sở hữu tư nhân có thể làm động lực trực tiếp thúc đẩy kinh tế đổi chác phát triển.
Điều kiện để sản xuất hàng hoá bắt nguồn từ cái mâu thuẫn cơ bản ở mỗi cá nhân nhất định, tức là cái mâu thuẫn nội tại giữa nhu cầu tiêu dùng vô hạn với khả năng sản xuất hữu hạn; cái mâu thuẫn đó đã được xác định ngay từ chương I đến đầu chương này, nó không thể hình dung nổi đối với các nhà marxist!

II – TIỀN TỆ HOẶC LƯU THÔNG HÀNG HOÁ.

1. Hàng hoá biến hoá hình thái thành cực đối lập với mình, hoặc sự xuất hiện tiền tệ.

Các hàng hoá có một hình thái giá trị chung khác hẳn hình thái riêng biệt của chúng. Hình thái đó chính là tiền tệ. Vậy ta phải trình bày quá trình phát sinh hình thái đó từ hình thái giản đơn nhất.

a. Hình thái giản đơn hoặc ngẫu nhiên của giá trị (x hàng hoá A = y hàng hoá B, hoặc x hàng hoá A có giá trị bằng y hàng hoá B).
Ví dụ: 1 cái áo = 20kg lúa, hoặc 1 cái áo có giá trị bằng 20kg lúa.
Ở đây, giá trị sử dụng của hàng hoá này trở thành hình thái biểu hiện giá trị của hàng hoá kia. Hình thái này biểu hiện trực tiếp sự phân công xã hội, theo đó lao động đã được thực hiện với ít nhất hai hình thái khác nhau về chất tương ứng với hai loại sản phẩm khác nhau về giá trị sử dụng.

b. Hình thái đầy đủ hoặc mở rộng của giá trị (z hàng hoá A = u hàng hoá B, hoặc = v hàng hoá C, hoặc = x hàng hoá E, hoặc = vân vân).
Ví dụ:                               2 cái áo hoặc 40 kg lúa hoặc 15kg                      
                  1 con cừu =     chè hoặc 0,01gr vàng hoặc 2kg càfé                                                                                                                 hoặc 5 quyển sách hoặc vân vân.
Ở đây, giá trị của một hàng hoá nhất định được biểu hiện bằng giá trị sử dụng của nhiều loại hàng hoá khác nhau được dùng làm vật ngang giá. Vậy hình thái này biểu hiện sự phân công xã hội được thực hiện sâu rộng hơn, sản phẩm được trao đổi nhiều hơn, khiến tỷ lệ trao đổi được xác định rõ ràng hơn.

c. Hình thái chung của giá trị (x hàng hoá A; y hàng hoá B; z hàng hoá C; v. v., bằng d hàng hoá W).
Ví dụ:           1 cái áo   =      
                                                10kg lúa  =        20m2 vải.
                                                4kg càfé  =
Ở đây, giá trị của nhiều hàng hoá khác nhau được biểu hiện qua giá trị sử dụng của một loại hàng hoá đặc biệt được dùng làm vật ngang giá chung.
Lúc đầu vật ngang giá chung được cố định vào nhiều đối tượng khác nhau, như súc vật, da thú, vỏ sò, v. v.. Nhưng về sau, sự phân công xã hội được thực hiện sâu rộng hơn nữa, làm cho thị trường được mở rộng hơn nữa, tình trạng có nhiều vật ngang giá chung đã làm khó khăn cho việc trao đổi. Tình hình đó đòi hỏi phải có một vật ngang giá chung duy nhất, theo đó vai trò làm vật ngang giá chung chỉ được cố định vào một đối tượng duy nhất làm cho đối tượng này trở thành tiền tệ.

d. Hình thái tiền tệ của giá trị (a hàng hoá A hoặc b hàng hoá B hoặc c hàng hoá C hoặc vân vân = d hàng hoá D).
Hình thái tiền tệ chỉ khác hình thái chung ở điểm này: vai trò làm vật ngang giá chung đã được cố định hẳn vào một đối tượng duy nhất, làm cho đối tượng này trở thành tiền tệ.
Lúc đầu, vai trò làm tiền tệ hoặc vật ngang giá chung được gắn cho một số kim loại quý, như vàng, bạc, đồng, v. v.. Về sau, vai trò đó được gắn cho một loại kim loại quý duy nhất. Kim loại đó chính là vàng.
Nói chung, sự phân công xã hội phát triển đến một mức độ nhất định sẽ làm phát sinh sự sai lệch nhu cầu trong xã hội, theo đó A cần sản phẩm của B nhưng B lại không cần sản phẩm của A mà cần sản phẩm của C, còn C lại không cần sản phẩm của B mà cần sản phẩm của A, v. v., cứ như thế mở rộng cho nhiều ngành sản xuất khác nữa. Tình trạng đó đòi hỏi phải có một loại hàng hoá đặc biệt được dùng làm vật ngang giá chung để trao đổi lẫn nhau giữa các hàng hoá thông thường. Loại hàng hoá đặc biệt đó chính là tiền tệ.
Tiền tệ xuất hiện làm cho thế giới hàng hoá bị phân hoá thành hai cực đối lập nhau: một cực gồm các hàng hoá thông thường hoặc những đối tượng sử dụng; còn một cực lại chỉ có tiền tệ hoặc hàng hoá đặc biệt làm vật ngang giá chung cho tất cả các hàng hoá thông thường. Sự chuyển hoá lẫn nhau giữa hai cực đó lại làm phát sinh các hàng hoá đặc biệt khác, khác hẳn cả tiền tệ lẫn các hàng hoá thông thường, các hàng hoá đó được gọi là hàng hoá ảo; hàng hoá này có thể có giá cả mà không nhất thiết phải có giá trị, như quyền sử dụng tiền tệ cũng như quyền sử dụng lao động, v. v., khác hẳn hàng hoá thực vốn có cả giá cả lẫn giá trị. Nhưng dù thế giới hàng hoá có chuyển hoá như thế nào đi chăng nữa, tiền tệ vẫn nổi lên làm cực đối lập với tất cả các hàng hoá khác, tức là làm vật ngang giá chung cho tất cả các hàng hoá đó.
Sự đối lập giữa tiền tệ với hàng hoá thể hiện rõ rệt nhất qua hiện tượng này: giá trị sử dụng của hàng hoá chỉ biểu hiện qua việc sử dụng nhưng giá trị sử dụng của tiền tệ lại chỉ biểu hiện qua việc trao đổi mà thôi. Giá trị sử dụng của hàng hoá biểu hiện như thế nào qua việc sử dụng, sự thể đó tự nó đã rõ ràng; nhưng giá trị sử dụng của tiền tệ biểu hiện như thế nào qua việc trao đổi, sự thể đó lại tỏ ra mơ hồ cùng cực. Vậy cần phải khảo sát giá trị sử dụng của tiền tệ biểu hiện cụ thể như thế nào trong trao đổi.

2. Chức năng của tiền tệ.

Trong trao đổi, giá trị sử dụng của tiền tệ biểu hiện qua các chức năng của nó: thước đo giá trị, phương tiện lưu thôngtiền tệ hoặc tiền bạc (của cải xã hội).

a. Thước đo giá trị.
Để đơn giản hoá sự việc, ta giả định vàng được dùng làm tiền tệ mặc dù tiền tệ không nhất thiết chỉ phải biểu hiện thành vàng.
Vì cũng có giá trị hoặc cũng được tạo ra bằng lao động nên vàng được dùng làm thước đo để đo lường giá trị của các hàng hoá khác. Tuy nhiên, vì trong thực tế, giữa giá trị của hàng hoá với giá trị của vàng đã có một tỷ lệ nhất định, nên khi làm thước đo giá trị, vàng không nhất thiết phải có thật mà chỉ cần được giả thiết thành vàng tưởng tượng cũng được.
Nhờ được đo lường bằng vàng mà giá trị của hàng hoá chuyển hoá thành giá cả. Ở đây, vàng trở thành giá cả của hàng hoá. Vậy giá cả, về mặt chất, được quy định bởi giá trị, nhưng về mặt lượng, lại được quy định bởi số lượng giá trị, theo đó tổng số giá cả phải bằng tổng số giá trị. Tuy nhiên, vì vàng được dùng để đo lường giá trị của hàng hoá nên giá cả hoặc số lượng vàng tỷ lệ thuận với giá trị của hàng hoá nhưng lại tỷ lệ nghịch với giá trị của vàng.
Giá cả có đại lượng luôn luôn bị ảnh hưởng bởi tương quan giữa cung với cầu về hàng hoá, nếu cung lớn hơn cầu thì giá cả giảm sút hoặc nhỏ hơn giá trị của hàng hoá; hoặc ngược lại, nếu cung nhỏ hơn cầu thì giá cả gia tăng hoặc lớn hơn giá trị của hàng hoá.
Để làm thước đo giá trị, bản thân vàng hoặc tiền tệ cũng phải được đo lường bằng các đơn vị đo lường tiền tệ. Đơn vị đo lường đó là một khối lượng nhất định kim loại quý được dùng làm tiền tệ. Đơn vị đo lường đó cùng các phần chia nhỏ của nó được dùng làm tiêu chuẩn giá cả. Tác dụng của tiền tệ được dùng làm tiêu chuẩn giá cả khác hẳn tác dụng của tiền tệ được dùng làm thước đo giá trị. Làm thước đo giá trị, tiền tệ đo lường giá trị của các hàng hoá khác; nhưng làm tiêu chuẩn giá cả, tiền tệ lại đo lường số lượng của chính cái kim loại được dùng làm tiền tệ. Giá trị của vàng thay đổi như thế nào không ảnh hưởng đến cái chức năng làm tiêu chuẩn giá cả của nó.

b. Phương tiện lưu thông.
Vì làm vật ngang giá chung nên tiền tệ được dùng làm môi giới trung gian cho sự trao đổi lẫn nhau giữa các hàng hoá, tức là tiền tệ được dùng làm phương tiện lưu thông. Làm phương tiện lưu thông, tiền tệ làm thay đổi hình thức cho sự trao đổi: từ sự trao đổi trực tiếp hàng hoá này với hàng hoá khác, H – H, sự trao đổi trở thành sự trao đổi gián tiếp hàng hoá này với hàng hoá kia được môi giới bởi tiền tệ, H – T – H, theo đó hàng hoá (H) trao đổi với tiền tệ (T), rồi tiền tệ lại trao đổi với hàng hoá. Cứ như thế, sự trao đổi trở thành lưu thông hàng hoá hoặc quá trình lưu thông. Vì hàng hoá có thể chuyển hoá thành tiền tệ cũng như tiền tệ có thể chuyển hoá thành hàng hoá nên lưu thông hàng hoá biểu hiện thành H – T – H có thể chuyển hoá thành lưu thông tiền tệ biểu hiện thành T – H – T, theo đó tiền tệ chuyển hoá thành hàng hoá rồi hàng hoá lại chuyển hoá thành tiền tệ. Sự thể này không thể hình dung nổi đối với các nhà marxist!
Ở đây, hàng hoá di chuyển từ người bán sang người mua làm cho tiền tệ phải di chuyển ngược lại từ người mua sang người bán. Vậy muốn thực hiện được sự trao đổi này, cần phải có tiền tệ thật sự chứ không phải tiền tệ tưởng tượng như tiền tệ làm thước đo giá trị.
Phương tiện lưu thông lúc đầu biểu hiện thành vàng thoi hoặc bạc nén. Nhưng vì những cái này gây nên khó khăn cho sự trao đổi, như phải phân chia thành nhiều mảnh nhỏ hoặc phải xác định số lượng cùng mức độ nguyên chất, v. v., gây lãng phí cả thì giờ lẫn sức lực, nên về sau chúng được thay thế dần dần bằng tiền đúc, tức là khối kim loại đúc được xác định rõ ràng về cả trọng lượng lẫn giá trị, ngoài ra còn có hoa văn tượng trưng. Qua quá trình lưu thông, tiền đúc bị hao mòn làm cho nó bị hao mòn giá trị. Tình trạng tiền đúc bị hao mòn như vậy đã dẫn đến việc thay thế nó bằng tiền tệ bằng giấy (paper–money). Bản thân cái tiền tệ này chỉ có giá trị quy ước chứ không có giá trị thực tế, nó chỉ được dùng làm ký hiệu cho giá trị mà thôi. Nhà nước nói chung phát hành đồng thời bắt buộc xã hội phải công nhận. Việc phát hành tiền tệ bằng giấy để lưu thông thay vàng, phải căn cứ vào giá trị của số lượng vàng được thay thế. Nếu lạm phát, tức là phát hành tiền tệ bằng giấy với số lượng lớn hơn số lượng cần thiết cho lưu thông, thì sẽ làm thua thiệt cho những người nào bán chịu đồng thời làm lợi lộc cho những người nào mua chịu; nhưng nếu giảm phát, tức là phát hành tiền tệ bằng giấy với số lượng nhỏ hơn số lượng cần thiết cho lưu thông, thì sẽ ngược lại: làm lợi lộc cho những người nào bán chịu đồng thời làm thua thiệt cho những người nào mua chịu.
Trao đổi xong, hàng hoá được sử dụng rồi biến mất, nhưng tiền tệ lại phải được giữ lại để tiếp tục làm phương tiện lưu thông. Vậy phương tiện lưu thông phải có một số lượng nhất định hoặc một số lượng cần thiết để lưu thông hàng hoá.
Khối lượng tiền tệ cần thiết để làm phương tiện lưu thông (được ký hiệu bằng M) bằng tổng số giá cả của tất cả các hàng hoá cần được bán (được ký hiệu bằng P) chia cho tốc độ luân chuyển của một đơn vị tiền tệ (được ký hiệu bằng V), tức là M = P/V. Hoặc có thể diễn đạt quy luật đó theo một cách khác: M = P.Q/V, trong đó P đại biểu cho tổng số giá cả của một loại hàng hoá nhất định cần được bán, còn Q đại biểu cho tất cả các hàng hoá cần được đưa vào lưu thông.
Vì làm cho việc mua có thể tách khỏi việc bán nên phương tiện lưu thông có thể tạo ra sự gián đoạn cho lưu thông hàng hoá hoặc gây nên khủng hoảng kinh tế tuỳ thuộc vào xã hội được tổ chức theo chính thể nào. Nếu xã hội được tổ chức theo chính thể chuyên chế thì khả năng đó chắc chắn sẽ trở thành hiện thực; ngược lại, nếu xã hội được tổ chức theo chính thể dân chủ thì khả năng đó sẽ khó hoặc thậm chí không thể trở thành hiện thực. Tôi sẽ chứng minh cho sự thể này bằng quyển thứ hai: phần thứ mười một, chương XXXI (mục I) và chương XXXIII (mục I).

c. Tiền tệ hoặc tiền bạc. Của cải xã hội hoặc sự thống nhất thước đo giá trị với phương tiện lưu thông thành của cải đó.
Ta đã biết tiền tệ với hai chức năng: thước đo giá trị và phương tiện lưu thông. Làm chức năng thứ nhất, tiền tệ chỉ biểu hiện trên ý niệm thành tiền tệ tưởng tượng hoặc biểu hiện thành giá cả của hàng hoá; còn làm chức năng thứ hai, tiền tệ lại phải biểu hiện thành tiền tệ thực tế để thực hiện giá cả của hàng hoá, nhờ đó mà nó có thể được biểu hiện bằng những ký hiệu tượng trưng. Nhưng ở đây cũng còn có một chức năng nữa đòi hỏi tiền tệ phải thực hiện để trở thành hàng hoá tiền tệ hoặc vật ngang giá thật sự của hàng hoá, tức là cái chỉnh thể thống nhất thước đo giá trị với phương tiện lưu thông. Với chức năng này, tiền tệ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau tuỳ từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, trong tất cả các trường hợp đó, tiền tệ đều biểu hiện thành tiền tệ hoặc tiền bạc, hoặc biểu hiện thành của cải xã hội như người ta thường nói để phân biệt với hai chức năng kia 16).

c1. Việc tích trữ tiền tệ – phương tiện tích trữ.
Vì tiền tệ vừa làm thước đo giá trị vừa làm phương tiện lưu thông nên nó đem lại cho người nắm giữ nó những lợi thế trong trao đổi, khiến người này muốn nắm giữ mãi mà không muốn rời bỏ tiền tệ, hơn nữa còn muốn tích trữ tiền tệ càng nhiều càng tốt. Vậy muốn giành được lợi thế trong trao đổi, người ta buộc phải tích trữ tiền tệ để rồi trở thành kẻ tích trữ tiền bạc.
Nhờ được tích trữ mà tiền tệ trở thành tiền bạc. Xét về mặt chất, tiền bạc không bị hạn chế gì, nó có thể chuyển hoá ngay thành mọi thứ hàng hoá. Nhưng xét về mặt lượng, tiền bạc lại bị hạn chế bởi số lượng của nó, theo đó, với mỗi số lượng nhất định, tiền bạc chỉ có một sức mua hữu hạn mà thôi. Mâu thuẫn đó bắt buộc kẻ tích trữ tiền bạc phải liên tục tích trữ tiền bạc. Sự thể này cũng tất yếu như nhân loại phải sống bằng kinh tế đổi chác.
Thông thường chỉ có vàng hoặc bạc mới được tích trữ hoặc được dùng làm phương tiện tích trữ. Khối lượng vàng hoặc bạc được tích trữ có thể co giãn theo lưu thông hàng hoá. Nếu lưu thông hàng hoá mà giảm sút thì khối lượng vàng hoặc bạc được dùng làm phương tiện tích trữ lại có thể gia tăng; hoặc ngược lại.
Vậy tích trữ tiền bạc chẳng qua chỉ dự trữ tiền tệ cho lưu thông hàng hoá mà thôi.

c2. Việc thanh toán nợ nần – phương tiện thanh toán.
Muốn mua được hàng hoá mà vẫn giữ lại được tiền tệ, người ta chỉ có thể phải mua chịu mà thôi. Hoặc muốn bán được hàng hoá cho những người có tiền tệ vốn cũng không muốn chi ra tiền tệ để mua hàng hoá, người ta chỉ có thể phải bán chịu mà thôi. Việc mua bán chịu như vậy làm cho tiền tệ trở thành phương tiện thanh toán được dùng để thanh toán nợ nần.
Việc mua bán chịu mà được mở rộng sẽ làm giảm sút khối lượng tiền tệ cần thiết cho lưu thông (M). Ở đây, khối lượng tiền tệ đó sẽ bằng tổng số giá cả cần được thực hiện của các hàng hoá được đưa vào lưu thông (P) cộng với tổng số nợ nần đã đến kỳ hạn thanh toán (W) trừ đi tổng số nợ nần đã bù trừ cho nhau (K) rồi lại trừ đi việc sử dụng hai lần hoặc nhiều hơn thế cùng một đơn vị tiền tệ được dùng làm cả phương tiện lưu thông lẫn phương tiện thanh toán (I), rồi cuối cùng chia cho tốc độ luân chuyển của đơn vị tiền tệ đó (V), tức là M = (P + W – K – I)/V = [(P + W) – (K + I)]/V.
Việc mua bán chịu mà được mở rộng cũng sẽ tạo ra những điều kiện chắc chắn cho khả năng khủng hoảng trở thành một hiện thực tất yếu. Quan hệ nợ nần mà được mở rộng đến một mức độ nào đó, nếu một khâu nợ nần nhất định mà không thanh toán được thì sẽ kéo theo hàng loạt khâu nợ nần khác không thanh toán được, làm cho toàn bộ hệ thống kinh tế sụp đổ. Muốn né tránh được cái tai hoạ đó, người ta phải dự trữ được tiền tệ thực tế với một khối lượng đủ lớn để bảo đảm thanh toán được nợ nần.

c3. Thị trường thế giới – tiền tệ thế giới.
Sự trao đổi mà được mở rộng trên khắp thế giới sẽ hình thành thị trường thế giới làm cho tiền tệ phải trở thành tiền tệ thế giới, được dùng làm phương tiện mua giữa các nước khác nhau, hoặc được dùng làm phương tiện thanh toán giữa các nước đó, hoặc được dùng để di chuyển của cải từ nước này sang nước khác. Thông thường chỉ có vàng mới được dùng làm tiền tệ thế giới. Muốn có một đơn vị tiền tệ nào đó có thể thay thế được vàng trên thị trường thế giới đồng thời có thể làm được một loại tiền tệ duy nhất trên thị trường đó, nền kinh tế thế giới phải được nhất thể hoá triệt để đến tận từng tế bào của nó. Nhưng muốn cho nền kinh tế thế giới được nhất thể hoá như vậy, lại cần phải dân chủ hoá thế giới để thiết lập một thế giới đại đồng với một nhà nước chung hoạt động theo nguyên tắc dân chủ bảo đảm được cho mọi cá nhân đều được tự do.

III – KHÁI QUÁT QUY LUẬT GIÁ TRỊ.

Do mỗi cá nhân nhất định có nhu cầu phong phú về nhiều thứ khác nhau trong khi lại chỉ có khả năng hạn chế để tự thoả mãn nhu cầu đó nên nhân loại nói chung tất yếu phải sống bằng kinh tế hàng hoá, theo đó các cá nhân sản xuất rồi trao đổi với nhau theo quy luật giá trị để thoả mãn nhu cầu của mình.
Quy luật giá trị quy định rằng: 1) Sự trao đổi chỉ xảy ra giữa các đối tượng khác nhau về giá trị sử dụng đồng thời phải giống nhau hoặc bằng nhau về giá trị trao đổi (giá trị). Hoặc chỉ những đối tượng khác nhau về giá trị sử dụng đồng thời phải giống nhau hoặc bằng nhau về giá trị mới trao đổi được với nhau. 2) Tổng số giá trị phải bằng tổng số sức lao động đã hao tổn để tạo ra hàng hoá. 3) Việc trao đổi phải dựa vào sự hao tổn sức lao động bằng nhau, tức là phải có sự cân bằng trong trao đổi. Sự cân bằng ở đây chỉ có ý nghĩa tương đối, tức là sự cân bằng chỉ được xác định bởi lòng tin thông qua sự thoả thuận giữa các bên trao đổi, theo đó các bên trao đổi tin tưởng rằng các hàng hoá được trao đổi với nhau đại biểu cho những sức lao động bằng nhau mà không hề có bất cứ một thước đo nào có thể đo lường được chính xác những sức đó. 4) Số lượng tiền tệ cần thiết cho lưu thông bằng tổng số giá cả cần được thực hiện của tất cả các hàng hoá cần bán chia cho tốc độ luân chuyển của chính bản thân tiền tệ. Hoặc nói thật rõ ràng hơn: số lượng tiền tệ cần thiết cho lưu thông được quyết định bởi tổng số giá trị của chính số lượng tiền tệ đó. 5) Mặc dù cung lớn hơn cầu sẽ làm cho giá cả giảm sút hoặc cung nhỏ hơn cầu sẽ làm cho giá cả gia tăng, nhưng xét theo từng giai đoạn hoặc từng thời hạn nhất định, tổng số giá cả phải bằng tổng số giá trị. Tuy nhiên, quy luật giá trị tác động sẽ phát sinh các hàng hoá đặc biệt khác, khác hẳn cả tiền tệ lẫn các hàng hoá thông thường, các hàng hoá đó được gọi là hàng hoá ảo; hàng hoá này có thể có giá cả mà không nhất thiết phải có giá trị, như quyền sử dụng tiền tệ cũng như quyền sử dụng lao động, v. v., khác hẳn hàng hoá thực vốn có cả giá cả lẫn giá trị. Khi ấy, giá cả có đại lượng tuỳ thuộc trực tiếp vào mối tương quan giữa cung với cầu mà không tuỳ thuộc trực tiếp vào lượng giá trị, tức là không tuỳ thuộc vào giá trị có đại lượng ra sao. Sự thể đó có ý nghĩa rằng: quy luật giá trị tác động làm cho giá cả độc lập với giá trị khiến tổng số giá cả không nhất thiết phải bằng tổng số giá trị hoặc hai đại lượng đó bị chi phối bởi hai đại lượng khác nhau, theo đó nếu số lượng giá trị được quy định bởi số lượng sức lao động thì số lượng giá cả lại được quy định bởi lợi ích giới hạn. Số lượng giá cả được quy định như thế nào bởi lợi ích giới hạn, vấn đề này đã được giải đáp chính xác bởi lý thuyết giới hạn, mà trong đó điển hình nhất thuộc về lý thuyết giá cả được xác lập bởi Alfred Marshall (xin hãy xem mục V, tiết 4, tại chương này). Vân vân.
Mặc dù quy luật giá trị đòi hỏi sự cân bằng trong trao đổi, tức là mọi sự trao đổi đều phải dựa vào sự hao phí sức lao động bằng nhau. Nhưng sự cân bằng chỉ tồn tại thực tế trên lý thuyết mà thôi; trong thực tế, quy luật giá trị có hay không đạt được sự cân bằng hoặc đạt được sự cân bằng như thế nào còn phụ thuộc vào thể chế chính trị có tính chất ra sao. Nếu thể chế chính trị mà có tính chất dân chủ thì quy luật giá trị có thể đạt được sự cân bằng nhưng sự cân bằng ở đây chỉ biểu hiện tương đối thành một xu hướng tất yếu mà thôi, nó có thể được xác lập ở chỗ này vào lúc này nhờ các quy tắc nghiêm minh nhưng lại có thể bị phá vỡ ở chỗ khác vào lúc khác bởi những phát kiến cá nhân xảy ra thường xuyên trong chính thể dân chủ, những phát kiến này làm cho năng suất lao động gia tăng, năng suất lao động gia tăng lại làm cho lượng giá trị luôn luôn thay đổi, một lượng giá trị nhất định vào lúc này có thể đại biểu cho 2 giờ lao động nhưng vào lúc khác lại chỉ có thể đại biểu cho 1 giờ lao động mà thôi. Sự thay đổi như vậy tất yếu phải phá vỡ nguyên tắc ngang bằng về hao phí sức lao động trong sự trao đổi. Xu hướng tất yếu này đã được đề cập rất mập mờ bởi George Soros với những khái niệm hết sức kỳ lạ, như tính có thể sai, tính phản xạ, xã hội mở, v. v.. Nếu thể chế chính trị mà có tính chất chuyên chế thì quy luật giá trị không thể đạt được sự cân bằng mà chỉ rơi vào sự xiêu lệch biểu hiện trực tiếp thành tình trạng bất công, ở đây sự cân bằng luôn luôn bị phá vỡ bởi một quyền lực độc đoán vừa mù quáng vừa tàn nhẫn làm cho quy luật giá trị bị biến dạng quay quắt hoặc chỉ biểu hiện quay quắt đến nỗi hình như không tồn tại, từ đó làm cho nhiều nhà kinh tế học phủ nhận nó. George Soros không hề biết được sự thể này.
Chính vì chỉ tồn tại như vậy nên quy luật giá trị luôn luôn phân hoá nhân loại thành nhiều loại người khác nhau tương ứng với nhiều thành phần xã hội khác nhau.
Vì quy luật giá trị đòi hỏi việc trao đổi phải dựa vào sự hao tổn sức lao động bằng nhau khiến việc sản xuất chỉ đòi hỏi phải hao tổn sức lao động ở mức độ cần thiết nên muốn được lợi trong trao đổi, tất cả các nhà sản xuất đều phải cách mạng hoá công nghệ của mình để giảm bớt sự hao tổn sức lao động sao cho thấp hơn mức độ cần thiết, qua đó làm cho lực lượng sản xuất phát triển. Hơn nữa, do các cá nhân khác nhau luôn luôn khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ nên trong cuộc chạy đua về cách mạng hoá công nghệ, nhà sản xuất nào mà nhanh nhạy hơn sẽ thành công rồi trở nên giàu có; ngược lại, nhà sản xuất nào mà chậm chạp sẽ thất bại rồi trở nên bần cùng. Như vậy, quy luật giá trị có tác dụng hai mặt: kích thích lực lượng sản xuất phát triển đồng thời phân hoá nhân loại thành hai loại đối lập nhau, bao gồm những người giàu tồn tại song song với những người nghèo, tức là nó tạo ra cái cơ sở kinh tế cho tất cả các trật tự xiêu lệch sau này cùng tất cả các phương thức bóc lột khác nhau dựa trên các trật tự đó. Do có tác dụng hai mặt như vậy nên quy luật giá trị đòi hỏi xã hội phải được tổ chức theo chính thể dân chủ để quy luật này có thể phát huy được tác dụng tích cực (kích thích lực lượng sản xuất phát triển) đồng thời có thể tiêu giảm tác dụng tiêu cực (phân hoá nhân loại thành các giai cấp hoặc các tầng lớp đối lập nhau), tức là chính thể dân chủ có thể ngăn ngừa được những hậu quả tai ác phát sinh từ chính quy luật giá trị.
Điều kiện trực tiếp để quy luật giá trị hoạt động là một mặt phải có sự phân công xã hội cho lao động hoặc tư nhân hoá lao động xã hội; mặt khác, phải tư nhân hoá tư liệu sản xuất xã hội hoặc mỗi nhà sản xuất tư nhân phải có quyền sử dụng tư nhân đối với tư liệu sản xuất xã hội.

IV – GIÁ TRỊ GIA TĂNG HOẶC VIỆC GIA TĂNG GIÁ TRỊ.

Lưu thông hàng hoá biểu hiện thành H – T – H, cũng như lưu thông tiền tệ biểu hiện thành T – H – T,  đều chỉ cho thấy một giá trị có đại lượng cố định biến hoá về hình thái từ hàng hoá đến tiền tệ hoặc ngược lại. Trong cả hai mặt đó, điểm kết thúc luôn luôn bằng điểm xuất phát về lượng hoặc giá trị trao đổi. Cả hai mặt đó đều chỉ biểu hiện quá trình lưu thông mà không biểu hiện quá trình sản xuất.
Thế nhưng kinh tế đổi chác hoặc kinh tế hàng hoá lại bắt buộc quá trình sản xuất phải dựa vào quá trình lưu thông hoặc phải lấy quá trình lưu thông làm điều kiện cần thiết khiến quá trình lưu thông phải có tác dụng đặc biệt đối với quá trình sản xuất.
Quả thật, quá trình lưu thông vừa biểu hiện thành lưu thông hàng hoá (H – T – H) vừa biểu hiện thành lưu thông tiền tệ (T – H – T) làm cho mọi thứ đều có thể được quy thành giá trị biểu hiện thành tiền tệ, không chỉ có tư liệu tiêu dùng được quy thành giá trị mà ngay cả tư liệu sản xuất cũng được quy thành giá trị, làm cho hoạt động sản xuất phải chuyển hoá thành việc gia tăng giá trị đồng thời làm cho tư liệu sản xuất phải chuyển hoá thành giá trị gia tăng, theo đó tiền tệ (T) gia tăng thành tiền tệ nhiều hơn (T’) biểu hiện thành T – T’; trong đó T’ > T hoặc T’ = T + n, n chính là giá trị mới (the new value).
Vậy giá trị gia tăng là giá trị tham gia tạo ra giá trị mới thông qua sản xuất dựa vào trao đổi với mọi phương thức có thể bất kể giá trị mới biểu hiện như thế nào thành cái gì (T – T’).
Bất cứ cái tiền tệ nào mà vận động theo T – T’ cũng đều có thể chuyển hoá thành giá trị gia tăng. Dù cái tiền tệ đó được dùng làm tư bản hay được dùng làm tín dụng cũng phải biểu hiện trước hết thành giá trị gia tăng đành rằng những điều kiện cho tư bản tồn tại khác hẳn những điều kiện cho tín dụng tồn tại. Giá trị gia tăng tồn tại như thế nào hoặc tồn tại theo phương thức nào còn phải phụ thuộc vào việc gia tăng giá trị được thực hiện như thế nào hoặc được thực hiện theo phương thức nào.
Tuỳ theo xã hội được tổ chức theo trật tự nào mà việc gia tăng giá trị sẽ đươc thực hiện theo một phương thức tương ứng. Nếu xã hội được tổ chức theo chính thể chuyên chế thì việc gia tăng giá trị sẽ được thực hiện phổ biến theo phương thức tư bản, theo đó tư liệu sản xuất được chuyển hoá thành tư bản khiến lao động phải chuyển hoá thành lao động làm thuê hoặc người lao động phải làm nô lệ cho tư bản. Ngược lại, nếu xã hội được tổ chức theo chính thể dân chủ thì việc gia tăng giá trị sẽ được thực hiện phổ biến theo phương thức tín dụng, theo đó tư liệu sản xuất được chuyển hoá thành tín dụng khiến lao động phải chuyển hoá thành lao động kinh doanh.
Theo phương thức tư bản, những người sở hữu tư liệu sản xuất sẽ sử dụng tư liệu đó vào bóc lột lao động làm thuê hoặc sử dụng lao động làm thuê để tạo ra giá trị mới làm cho giá trị mới chỉ biểu hiện thành giá trị thặng dư (the surplus value) khiến những người sở hữu tư liệu sản xuất phải biểu hiện thành nhà tư bản. Đối với nhà tư bản, giá trị mới chỉ bao gồm giá trị thặng dư biểu hiện thành lợi nhuận (profit); nhưng đối với những người làm thuê, giá trị mới lại phải bao gồm cả giá trị thặng dư biểu hiện thành lợi nhuận lẫn thu nhập lao động biểu hiện thành tiền công.
Theo phương thức tín dụng, những người sở hữu tư liệu sản xuất sẽ bán quyền sử dụng đối với tư liệu sản xuất cho người khác sử dụng tư liệu đó vào việc tạo ra giá trị mới biểu hiện thành một tổng số giá trị bao gồm cả lợi tức (interest) lẫn doanh lợi (profit of enterprise); trong đó lợi tức biểu hiện giá cả cho quyền sử dụng đối với tư liệu sản xuất được chi trả cho người sở hữu tư liệu đó, còn doanh lợi biểu hiện sản phẩm kinh doanh phải thuộc về nhà kinh doanh (businessman) hoặc người sử dụng tư liệu sản xuất vào việc tạo ra giá trị mới. Ở đây việc bán quyền sử dụng đối với tư liệu sản xuất được thực hiện thông qua việc cho vay hoặc mua chứng khoán khiến những người sở hữu tư liệu đó phải biểu hiện thành nhà tín dụng hoặc nhà thực lợi, tức là người sống bằng lợi tức hoặc lợi tức được nhân cách hoá. Đối với nhà tín dụng, giá trị mới chỉ có thể biểu hiện đơn thuần thành lợi tức; nhưng đối với nhà kinh doanh, giá trị mới lại phải biểu hiện nguyên vẹn thành một tổng số giá trị bao gồm cả lợi tực lẫn doanh lợi như đã được trình bày ở trên đây.
Chính thể chuyên chế với các quy tắc độc đoán làm mất lòng tin khiến các chủ sở hữu tư liệu sản xuất phải làm nhà tư bản mới có thể giữ được tư liệu đó để phát triển tư liệu đó với quy mô lớn hơn, họ hầu như rất khó hoặc thậm chí không thể làm được nhà tín dụng hoặc nhà thực lợi, nếu họ liều lĩnh làm nhà tín dụng hoặc nhà thực lợi thì chính thể chuyên chế rất có thể sẽ làm cho họ bị mất mát tư liệu sản xuất. Ngược lại, chính thể dân chủ với các quy tắc nghiêm minh bảo đảm lòng tin khiến các chủ sở hữu tư liệu sản xuất chỉ muốn làm nhà tín dụng hoặc nhà thực lợi hơn làm nhà tư bản, tư liệu sản xuất được dùng làm tín dụng sẽ bảo đảm mang lại lợi ích chắc chắn hơn được dùng làm tư bản.
Phương thức tư bản biểu hiện thành T – H – T’, theo đó tiền tệ (T) chuyển hóa thành hàng hóa (H) rồi hàng hóa lại chuyển hóa thành tiền tệ nhiều hơn (T’), trong đó T’ > T hoặc T’ = T + m, m chính là giá trị thặng dư, giá trị này chẳng qua chỉ biểu hiện giá trị mới (n) được tạo ra theo phương thức tư bản. Nhưng T – H – T’ chỉ biểu hiện tư bản thương mại mà thôi, tư bản này không thể tồn tại mà không có tư bản sản xuất. Tư bản sản xuất biểu hiện thành T – H … H’ – T’, trong đó ba chấm chạy dài (…) biểu hiện quá trình sản xuất được thực hiện theo phương thức tư bản, theo đó hàng hóa này (H) được cải biến về cả giá trị sử dụng lẫn giá trị trao đổi để trở thành hàng hóa khác (H’) vừa có giá trị sử dụng khác vừa có giá trị trao đổi lớn hơn biểu hiện thành T’. Vậy phương thức tư bản vừa phải biểu hiện thành T – H – T’ (tư bản thương mại) vừa phải biểu hiện thành T – H … H’ – T’ (tư bản sản xuất).
Phương thức tín dụng biểu hiện trước hết đối với những người sở hữu tư liệu sản xuất thành T – C – T’, theo đó tiền tệ (T) chuyển hóa thành chứng khoán (C) rồi chứng khoán lại chuyển hóa thành tiền tệ nhiều hơn (T’), trong đó T’ > T hoặc T’ = T + z, z chính là lợi tức, cái này chỉ chiếm một bộ phận nào đó trong giá trị mới được tạo ra theo phương thức tín dụng. Nhưng T – C – T’ chỉ biểu hiện tín dụng thương mại mà thôi, tín dụng này không thể tồn tại mà không có tín dụng sản xuất. Tín dụng sản xuất biểu hiện thành T – C … C’ – T’ trong đó ba chấm chạy dài (…) biểu hiện việc gia tăng giá trị được thực hiện theo phương thức tín dụng làm cho chứng khoán (C) thay đổi về giá cả theo chiều hướng gia tăng thành chứng khoán có giá cả cao hơn (C’), tức là đối với những người sở hữu tư liệu sản xuất, tư liệu đó vừa được sử dụng theo quá trình vận động biểu hiện thành T – C – T’ (tín dụng thương mại) vừa được sử dụng theo quá trình vận động biểu hiện thành T – C … C’ – T’ (tín dụng sản xuất). Tuy nhiên, vì dựa vào việc bán quyền sử dụng đối với tư liệu sản xuất cho người khác sử dụng tư liệu đó vào tạo ra giá trị mới nên phương thức tín dụng không chỉ biểu hiện đối với những người sở hữu tư liệu sản xuất thành T – C – T’ hoặc T – C … C’ – T’ mà còn phải biểu hiện đối với những người sử dụng tư liệu sản xuất thành cả C – T – C’ lẫn C – T … T’ – C’, trong đó C – T – C’ biểu hiện doanh nghiệp thương mại, còn C – T … T’ – C’ lại biểu hiện doanh nghiệp sản xuất với ba chấm chạy dài (…) biểu hiện quá trình sản xuất được thực hiện theo phương thức tín dụng làm cho tiền tệ (T) gia tăng thành tiền tệ nhiều hơn (T’), rồi quá trình đó lại làm gia tăng giá cả cho chứng khoán được phát hành bởi cả doanh nghiệp sản xuất lẫn doanh nghiệp thương mại từ C đến C’. Vậy phương thức tín dụng vừa phải biểu hiện thành cả tín dụng thương mại (T – C – T’) lẫn tín dụng sản xuất (T – C … C’ – T’) vừa phải biểu hiện thành cả doanh nghiệp thương mại (C – T – C’) lẫn doanh nghiệp sản xuất (C – T … T’ – C’).
Trong kinh tế hàng hóa, tư liệu sản xuất luôn luôn được phân chia thành hai bộ phận khác nhau: một bộ phận sẽ được sử dụng làm tư bản, còn một bộ phận sẽ được sử dụng làm tín dụng. Tùy theo xã hội được tổ chức theo chính thể nào mà bộ phận này sẽ lớn hơn bộ phận kia: nếu xã hội được tổ chức theo chính thể chuyên chế thì bộ phận được sử dụng làm tư bản sẽ lớn hơn bộ phận được sử dụng làm tín dụng, tức là tư liệu sản xuất sẽ được sử dụng phổ biến làm tư bản để tư bản chi phối tín dụng. Ngược lại, nếu xã hội được tổ chức theo chính thể dân chủ thì bộ phận được sử dụng làm tín dụng sẽ lớn hơn bộ phận được sử dụng làm tư bản, tức là tư liệu sản xuất sẽ được sử dụng phổ biến làm tín dụng để tín dụng chi phối tư bản. Sự thể này không thể hình dung nổi đối với các nhà marxist!

V – CÁC LÝ THUYẾT VỀ GIÁ TRỊ, HOẶC QUÁ TRÌNH KHẢO SÁT QUY LUẬT GIÁ TRỊ TỪ NHỮNG GÓC ĐỘ KHÁC NHAU.

Do có tác dụng chi phối đối với hoạt động kinh tế của nhân loại, nên quy luật giá trị đã cấu thành nền tảng cơ bản nhất cho toàn bộ kinh tế học chính trị, nó được quan sát từ nhiều góc độ khác nhau đồng thời được khái quát theo nhiều chiều hướng khác nhau, tương ứng với nhiều lý thuyết khác nhau. Ở đây ta chỉ đề cập những lý thuyết có ảnh hưởng lớn đối với tư duy kinh tế học mà thôi.

1. Lý thuyết cổ điển (the classical theory).

Hầu hết các yếu tố cơ bản nhất của quy luật giá trị đã được thiết lập bởi lý thuyết cổ điển. Lý thuyết này được bắt đầu từ William Petty ở Anh cùng với François Quesnay ở Pháp, phát triển đến đỉnh cao với Adam Smith ở Anh, rồi được kết thúc bởi David Ricardo cũng ở Anh cùng với Simonde de Sismondi ở Thuỵ sỹ và Pháp.
Theo lý thuyết cổ điển, giá trị của hàng hoá được quyết định bởi lao động đã hao phí để tạo ra hàng hoá; các hàng hoá phải có số lượng giá trị bằng nhau hoặc phải được tạo ra trong một khoảng thời gian bằng nhau với một mức độ hao phí lao động bằng nhau, mới trao đổi được với nhau; khối lượng tiền tệ cần thiết để lưu thông hàng hoá được quyết định bởi hai yếu tố: tổng số giá cả của tất cả các hàng hoá được đưa vào lưu thông và tốc độ luân chuyển của một đơn vị tiền tệ; tổng số giá cả bằng tổng số giá trị; v. v.. Nhưng khi quy định giá trị, lý thuyết cổ điển chỉ nói đến lao độngkhông hề nói đến sức lao động hoặc động lực của lao động. Sự thể đó cho thấy rằng, ở lý thuyết này, lao động bị tách rời khỏi sức lao động, hoặc hai cái đó bị tách rời nhau. Sự tách rời này, vốn chỉ được thực hiện rất tự phát, rõ ràng chỉ biểu hiện thế giới quan cơ học của vật lý học cổ điển đang rất thịnh hành vào thời kỳ đó, tức là lý thuyết cổ điển vẫn chưa có một định nghĩa nào hoàn toàn đúng đắn về giá trị mà chỉ có một định nghĩa gần đúng cùng với một định nghĩa hoàn toàn sai lầm về giá trị. Từ đó lý thuyết này không giải thích được sự đối lập giữa giá trị sử dụng với giá trị trao đổi của hàng hoá. Mặc dù nó đã cố gắng rất nhiều để làm việc này, nhưng càng cố gắng, nó càng bị sa vào những mâu thuẫn trong việc quy định giá trị. Sự thể này biểu hiện rõ rệt nhất qua các định nghĩa của A. Smith về giá trị, ông này có một định nghĩa gần đúng về giá trị: “lao động là thước đo thực tế của giá trị”, đồng thời cũng lại có một định nghĩa sai lầm về giá trị: “giá trị của một hàng hoá nhất định hoặc bằng số lượng lao động mà người ta có thể mua được bằng hàng hoá đó” (định nghĩa này chỉ phù hợp với cái hình thức biểu hiện trái ngược của quan hệ tư bản, có tác dụng che đậy hoặc xuyên tạc nội dung thực tế của quan hệ đó; theo định nghĩa này, lao động của người làm thuê chỉ tạo ra tiền công cho mình chứ không tạo ra lợi nhuận cho nhà tư bản, tức là nhà tư bản đã chi trả cho người làm thuê toàn bộ giá trị đã được tạo ra bằng chính lao động của người làm thuê, hoặc nhà tư bản không hề bóc lột lao động của người làm thuê). Chính vì cái mâu thuẫn này, nên về sau một mặt lý thuyết cổ điển không thể giải thích được nhiều hiện tượng kinh tế của nền sản xuất tư bản; mặt khác, lý thuyết này bị phân hoá thành hai xu hướng đối lập nhau: xu hướng thứ nhất biểu hiện thành lý thuyết tầm thường, còn xu hướng thứ hai lại biểu hiện thành lý thuyết marxist. Hơn nữa, lý thuyết cổ điển cũng bỏ qua hoặc không đề cập tính chất bái vật của hàng hoá, tính chất mà theo đó, giá trị biểu hiện quan hệ lợi ích giữa người với người làm cho bất cứ đối tượng nào được đặt vào đấy cũng có giá cả hoặc trở thành cái có giá cả dù đối tượng đó có hay không có giá trị hoặc có hay không được tạo ra bằng lao động. Chính vì bỏ qua tính chất bái vật của hàng hoá nên lý thuyết cổ điển chỉ phản ánh được sự tồn tại của các hàng hoá thông thường chứ không phản ánh được sự tồn tại của các hàng hoá đặc biệt vốn cấu thành đặc trưng riêng biệt cho một nền sản xuất nhất định trong lịch sử, tức là lý thuyết này biểu hiện quan niệm cơ giới về thế giới hàng hoá, từ đó tất yếu phải dẫn đến quan niệm tự nhiên chủ nghĩa về các hiện tượng kinh tế. Kể cả D. Ricardo, mặc dù luôn luôn dựa vào định nghĩa gần đúng của A. Smith về giá trị để cố gắng giải thích sự trao đổi giữa nhà tư bản với người làm thuê, nhưng ông vẫn không phát hiện được một loại hàng hoá đặc biệt tồn tại trong sự trao đổi đó, một loại hàng hoá mà hình thái giá cả của nó biểu hiện thành tiền công, tức là ông không giải thích được đúng đắn hoặc chỉ giải thích sai lầm bản chất của tiền công. Tương tự như vậy, D. Ricardo cũng như tất cả các nhà kinh tế học cổ điển đều không phát hiện được một loại hàng hoá đặc biệt tồn tại trong sự trao đổi giữa người cho vay với người đi vay mà hình thái giá cả của nó biểu hiện thành lợi tức, tức là không giải thích được đúng đắn bản chất của lợi tức.
Nói chung, với lý thuyết cổ điển, quy luật giá trị được mô tả theo xu hướng dung hoà, vừa thừa nhận lại vừa phủ nhận, cái mâu thuẫn đối kháng giữa nhà tư bản với người làm thuê, sao cho phù hợp với lợi ích của cả nhà tư bản lẫn người làm thuê đồng thời có lợi cho giai cấp tư bản trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến, cho sự thắng thế của nền sản xuất tư bản đối với nền sản xuất phong kiến.

2. Lý thuyết tầm thường (the normal theory).

Lý thuyết tầm thường đã tầm thường hoá lý thuyết cổ điển, nó được bắt đầu từ Jean Baptiste Say ở Pháp (1803), phát triển qua cả Thomas Robert Malthus (1820) lẫn James Mill (1821) ở Anh, rồi được kết thúc bởi Henry Charles Carey ở Mỹ (1837 và 1840) với nhiều cố gắng rất lớn nhằm một mặt xoá nhoà sự đối lập giữa giá trị sử dụng với giá trị trao đổi của hàng hoá, hoặc quy hai cái đó thành một; mặt khác phủ nhận vai trò quyết định của lao động đối với sự hình thành giá trị trao đổi để khẳng định vai trò quyết định của tư liệu sản xuất đối với sự hình thành giá trị đó, qua đó mà biện minh cho lợi ích của các nhà tư bản (kể cả các địa chủ) vốn sở hữu tư liệu sản xuất, tức là phủ nhận sự bóc lột của nhà tư bản đối với người làm thuê cũng như phủ nhận sự bóc lột nói chung của người hữu sản đối với người vô sản.
Theo J. B. Say, lao động tạo ra giá trị sử dụng hoặc tính chất hữu ích, tính chất này lại truyền giá trị cho các vật phẩm làm cho các vật phẩm có giá trị hoặc trở thành hàng hoá (!) tức là về mặt chất, giá trị được quy định bằng giá trị sử dụng, theo đó, về mặt lượng, nếu giá trị sử dụng mà càng lớn thì giá trị cũng vậy; hoặc ngược lại. Nhưng thực tế lại trái ngược với sự quy định này, thực tế số lượng giá trị biến thiên trái ngược với số lượng giá trị sử dụng, theo đó nếu giá trị sử dụng mà gia tăng thì giá trị lại giảm sút, hoặc ngược lại. Để giải thích sự biến thiên trái ngược như vậy, J. B. Say đã tạo ra sự đối lập giữa tính chất dồi dào với tính chất khan hiếm cho giá trị sử dụng, rằng hàng hoá nào mà càng ít hoặc càng khan hiếm, hàng hoá đó sẽ có giá trị càng lớn; hoặc ngược lại. Như vậy, J. B. Say đã rơi vào một mâu thuẫn logic: một mặt cho rằng, giá trị tỷ lệ thuận với giá trị sử dụng, mặt khác lại cho rằng, hai cái đó tỷ lệ nghịch với nhau. J. B. Say đã giải quyết mâu thuẫn này bằng việc quy tiền công thành giá trị được tạo ra bởi giá trị sử dụng của lao động, quy lợi nhuận thành giá trị được tạo ra bởi giá trị sử dụng của tư bản và quy địa tô thành giá trị được tạo ra bởi giá trị sử dụng của điền địa, qua đó mà quy cả ba yếu tố vật chất: lao động, tư bản và điền địa, thành ba yếu tố sản xuất, tức là J. B. Say đã thiết lập được lý thuyết về ba yếu tố sản xuất để phủ nhận sự bóc lột.
Dựa vào sự quy định sai lầm của lý thuyết cổ điển, theo đó giá trị của một hàng hoá nhất định được quyết định bởi cái lao động có thể mua được bằng hàng hoá đó, T. R. Malthus đã quy định lại (vào năm 1820) rằng, số lượng lao động có thể mua đuợc bằng hàng hóa, bằng những chi phí cần thiết để tạo ra hàng hoá (những chi phí này bao gồm: chi phí về cả lao động hiện tại lẫn lao động quá khứ, cộng với lợi nhuận của tư bản ứng trước, tức là T. R. Malthus đã thiết lập được lý thuyết về chi phí sản xuất để phủ nhận sự bóc lột). Sự quy định như vậy đã củng cố vững chắc sự quy định sai lầm của lý thuyết cổ điển, một sự quy định trái ngược hoàn toàn với sự kiện thực tế. Chính vì trái ngược như vậy nên sự quy định của T. R. Malthus đã bị phản bác dữ dội bởi J. Mill.
Vì muốn bảo vệ D. Ricardo nên J. Mill đã dựa vào sự quy định gần đúng của lý thuyết cổ điển, theo đó giá trị được tạo ra bằng lao động. Nhưng J. Mill lại quy định thêm (vào năm 1821) rằng, lao động ở đây phải bao gồm cả lao động hiện tại lẫn lao động quá khứ. Từ sự quy định này, người ta dễ dàng suy ra rằng: lao động hiện tại tạo ra tiền công, lao động quá khứ (biểu hiện thành tư bản) tạo ra lợi nhuận, cũng tương tự, điền địa tạo ra địa tô, tức là vừa đi đến lý thuyết về chi phí sản xuất vừa đi đến lý thuyết về ba yếu tố sản xuất, mà cả hai trường hợp này đều phủ nhận sự bóc lột. Vậy J. Mill không những không bảo vệ được D. Ricardo, mà “vô tình” còn tầm thường hoá hơn nữa lý thuyết cổ điển.
Cuối cùng, H. C. Carey đã hoàn thiện lý thuyết tầm thường bằng việc quy giá trị thành chi phí để tái sản xuất hàng hoá, theo đó giá trị của hàng hoá được quyết định bởi chi phí để tái sản xuất hàng hoá. H. C. Carey lập luận rằng, với việc gia tăng năng suất cho lao động, chi phí lao động để tái tạo ra các sản phẩm sẽ giảm sút, làm cho cả giá trị của tư bản lẫn lợi tức cũng giảm sút, nhưng giá trị của lao động cũng như phần tỷ lệ của nó trong sản phẩm của nó lại gia tăng tương ứng. Vậy theo cách lập luận này, người làm thuê không những không bị bóc lột mà còn được lợi lộc một cái gì đó nữa (!) Sự thể này trái ngược hoàn toàn với sự kiện thực tế.
Nói chung, với lý thuyết tầm thường, quy luật giá trị đã được mô tả theo xu hướng phủ nhận hoặc che đậy cái mâu thuẫn đối kháng giữa nhà tư bản với người làm thuê sao cho phù hợp với lợi ích cục bộ của nhà tư bản cũng như địa chủ.

3. Lý thuyết marxist (the marxist theory).

Lý thuyết marxist được thiết lập vào khoảng giữa thế kỷ XIX bởi cả Karl Marx lẫn Friedrich Engels, hai nhân vật nổi bật nhất trong số các lãnh tụ hàng đầu của phong trào công nhân quốc tế vốn rất tin tưởng rằng rồi mai đây nhân loại sẽ xây dựng được một thiên đường ngay trên địa cầu, tức là xã hội cộng sản chủ nghĩa, trong đó mọi người bình đẳng với nhau về mọi mặt.
Loại bỏ sự quy định sai lầm về giá trị, K. Marx đã cố gắng kế thừa những yếu tố khoa học của lý thuyết cổ điển, ông đã giải thích được chính xác sự đối lập giữa giá trị trao đổi với giá trị sử dụng của hàng hoá bằng tính chất hai mặt của lao động tạo ra hàng hoá, tức là tính chất vừa cụ thể vừa trừu tượng của lao động đó. Theo K. Marx, chính tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hoá đã tạo ra sự đối lập giữa giá trị trao đổi với giá trị sử dụng cho hàng hoá. Đây là một trong các phát kiến lớn nhất đối với toàn bộ kinh tế học chính trị từ trước đến nay; với phát kiến này, phép biện chứng duy vật (mà về thực chất lại rất phibiện chứng) đã được áp dụng lần đầu tiên vào kinh tế học chính trị để dẫn đến các kết luận cực đoan về kinh tế đổi chác. Chính nhờ phát kiến này mà một mặt K. Marx đã phát hiện được tính chất bái vật của hàng hoá, theo đó giá trị chỉ biểu hiện quan hệ sản xuất giữa người với người, mà quan hệ này, theo K. Marx, phải được lấy làm đối tượng nghiên cứu cho môn kinh tế học chính trị; mặt khác, K. Marx đã giải thích được chính xác hầu hết các hiện tượng kinh tế của nền sản xuất tư bản, trừ tiền công cùng với lợi tức vẫn chưa được giải thích chính xác theo lý thuyết của ông về giá trị.
Có thể nhận định rõ ràng hơn rằng: ở lý thuyết marxist có hai định nghĩa khác nhau về giá trị. Định nghĩa thứ nhất chỉ lặp lại định nghĩa gần đúng của lý thuyết cổ điển cho rằng giá trị là lao động đã hao phí để tạo ra hàng hoá. Định nghĩa thứ hai hoàn toàn đúng đắn cho rằng giá trị là sức lao động đã hao phí để tạo ra hàng hoá. Nhưng thật đáng tiếc, cái định nghĩa đúng đắn như vậy chỉ xuất hiện có một lần duy nhất đồng thời lại thể hiện rất mờ nhạt qua cái mệnh đề này: “sức lao động của toàn thể xã hội biểu hiện trong toàn bộ các giá trị17). Cái định nghĩa này không bao giờ được dùng làm cơ sở khách quan hoặc điểm xuất phát cho toàn bộ lý thuyết kinh tế marxist. Trái lại, toàn bộ lý thuyết kinh tế marxist đều dựa cả vào định nghĩa thứ nhất vốn liên quan hữu cơ với cái định nghĩa đầy tư biện về lao động trừu tượng (K. Marx đã định nghĩa rất mâu thuẫn về lao động đó), từ đó không sao tránh khỏi cái mâu thuẫn ngay trong định nghĩa về giá trị: một mặt khẳng định rằng lao động nói chung (bao gồm cả lao động cụ thể lẫn lao động trừu tượng) tạo ra giá trị, nhưng mặt khác lại khẳng định rằng chỉ có lao động trừu tượng mới tạo ra giá trị. Cái mâu thuẫn này không cho phép giải thích được đúng đắn bản chất của cả tiền công lẫn lợi tức.
Thật vậy, mặc dù đã biết rằng, tổng số giá trị phải bằng tổng số sức lao động đã hao tổn để tạo ra hàng hoá cũng như tổng số giá cả phải bằng tổng số giá trị, nhưng K. Marx vẫn quy tiền công thành giá cả của sức lao động, theo đó sức lao động được quy thành một loại hàng hoá đặc biệt được đem trao đổi giữa nhà tư bản với người làm thuê mà hình thái giá cả của nó biểu hiện thành tiền công, trong khi thực tế, tổng số tiền công bao giờ cũng nhỏ hơn tổng số giá trị được hình thành từ tổng số sức lao động của người làm thuê đã hao tổn để tạo ra hàng hoá cho nhà tư bản, tức là tổng số tiền công phải nhỏ hơn tổng số sức lao động đó. Vậy sự quy định đó chỉ đúng đắn đối với quan hệ giản đơn (thuần tuý) của nền sản xuất hàng hoá, chứ hoàn toàn sai lệch hoặc không đúng đắn đối với quan hệ tư bản của sản xuất đó, tức là sự quy định đó nếu tuân theo quy luật giá trị thì vẫn chưa khám phá được một loại hàng hoá đặc biệt tồn tại trong sự trao đổi giữa nhà tư bản với người làm thuê mà hình thái giá cả của nó biểu hiện thành tiền công, tức là giải thích không được chính xác bản chất của tiền công.
Cũng tương tự như thế, mặc dù đã biết rằng tổng số giá cả phải bằng tổng số giá trị, nhưng K. Marx vẫn quy lợi tức thành giá cả của tư bản, theo đó tư bản được quy thành một loại hàng hoá đặc biệt được đem trao đổi giữa người cho vay với người đi vay mà hình thái giá cả của nó biểu hiện thành lợi tức, trong khi thực tế, với một thời hạn nhất định, khối lượng của lợi tức phải nhỏ hơn khối lượng của “tư bản” hoặc tổng số giá trị được đem cho vay phải nhỏ hơn tổng số giá trị được hoàn trả cho người cho vay sau một thời hạn nhất định, bao gồm “tư bản” cộng với lợi tức. Vậy sự quy định này, nếu tuân theo quy luật giá trị thì vẫn chưa khám phá được một loại hàng hoá đặc biệt được đem trao đổi giữa người đi vay với người cho vay mà hình thái giá cả của nó biểu hiện thành lợi tức, tức là cũng giải thích không được chính xác bản chất của lợi tức. Ở lý thuyết marxist, mối liên hệ hữu cơ giữa lao động với sức lao động đã được xác lập nhưng rất mờ nhạt, chỉ biểu hiện ngẫu nhiên qua một mệnh đề duy nhất mà ta đã biết: “sức lao động của toàn thể xã hội biểu hiện trong toàn bộ các giá trị”, tức là tổng số giá trị bằng tổng số sức lao động đã hao phí để tạo ra hàng hoá, cũng như tổng số giá trị bằng tổng số lao động đã hao phí để tạo ra hàng hoá, từ đó suy ra rằng lao động được đồng nhất với sức lao động hoặc được đồng nhất với động lực của nó. Tuy nhiên, về sau mối liên hệ này lại bị xoá nhoà hoặc bị gạt bỏ, biểu hiện qua việc quy tiền công thành giá cả của sức lao động, tức là cũng chỉ lặp lại dưới một hình thức khác sự quy định của lý thuyết cổ điển, theo đó sức lao động vẫn bị tách rời khỏi lao động hoặc hai cái đó vẫn bị tách rời nhau. Vì theo sự quy định thật sự khoa học, sức lao động phải được quy thành lao động hoặc lao động phải được quy thành sức lao động, cũng như khối lượng phải được quy thành năng lượng vậy, nên rõ ràng, sự quy định tiền công của lý thuyết marxist chỉ lặp lại sự quy định tiền công của lý thuyết cổ điển mà thôi.
Tuy nhiên, hạn chế đặc thù của lý thuyết marxist về giá trị lại không biểu hiện qua hai sự việc đó (hai sự việc đó thật ra đã có ở lý thuyết cổ điển) mà chỉ biểu hiện qua việc quy định điều kiện trực tiếp cho quy luật giá trị hoạt động. Theo K. Marx, sản xuất hàng hoá không chỉ dựa vào sự phân công xã hội cho lao động mà còn phải dựa vào quyền sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất nữa, theo đó mỗi loại tư liệu sản xuất phải được sở hữu bởi một người sản xuất nhất định. Thật ra, sự quy định này chỉ có ý nghĩa thực tế đối với các xã hội trước kia vốn chỉ được tổ chức theo nguyên tắc chuyên chế, trong đó quả thật, mỗi loại tư liệu sản xuất vừa được sử dụng lại vừa được sở hữu bởi một người sản xuất nhất định; còn đối với xã hội hiện đại được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ, trong đó mỗi loại tư liệu sản xuất nhất định thường được sở hữu bởi rất nhiều cổ đông hoặc chủ nợ ở bên ngoài sản xuất, hoặc chẳng liên quan gì đến sản xuất, sự quy định ấy lại mất ý nghĩa thực tế. Thực tế trong xã hội hiện đại, sở hữu tư nhân vẫn tồn tại cùng với sản xuất hàng hoá nhưng lại mất tác dụng chi phối trực tiếp đối với sản xuất đó; ở đây sản xuất hàng hoá không dựa vào sở hữu tư nhân mà lại dựa vào sở hữu tập thể, theo đó mỗi doanh nghiệp nhất định được sở hữu bởi một tập thể rất đông gồm cả các cổ đông lẫn các chủ nợ. Sự thể đó chứng tỏ rằng sản xuất hàng hoá tồn tại độc lập với tính chất cũng như hình thức của chế độ sở hữu, làm bộc lộ cái hạn chế đặc thù của lý thuyết marxist về giá trị. Hạn chế này bắt nguồn từ cái giả thuyết communist cho rằng, xã hội tư bản nhất định phải được thay thế bằng xã hội cộng sản chủ nghĩa, trong đó sở hữu tư nhân bị thủ tiêu hoàn toàn hoặc được thay thế bằng sở hữu công cộng, theo đó toàn bộ tư liệu sản xuất xã hội đều được sở hữu chung bởi mọi thành viên cấu thành xã hội, làm cho sản xuất hàng hoá cũng bị tiêu vong cùng với sự bóc lột được sinh ra từ sản xuất đó. Chính giả thuyết này về sau lại được dùng làm kết luận cho toàn bộ lý thuyết kinh tế marxist, rằng sản xuất tư bản nhất định phải được thay thế bằng sản xuất cộng sản chủ nghĩa. Một kết luận như vậy đã làm cho K. Marx không thể nhìn thấy việc gia tăng giá trị có thể được thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau tùy theo xã hội được tổ chức theo trật tự nào, tức là K. Marx không thể nhìn thấy chế độ chính trị có vai trò quyết định đối với phương thức sản xuất. Ông không thể nào hình dung được rằng việc gia tăng giá trị không chỉ được thực hiện theo phương thức tư bản mà còn có thể được thực hiện theo phương thức tín dụng một khi kinh tế đổi chác hoặc kinh tế hàng hóa được định hướng bởi chính thể dân chủ.
Tóm lại, so với lý thuyết cổ điển, lý thuyết marxist tiến bộ hơn với phát kiến về tính chất hai mặt của lao động cùng tính chất bái vật của hàng hoá, nhờ đó mà lý thuyết này đã xác lập được một cơ sở lý thuyết tương đối hoàn chỉnh cho phép giải thích khá chính xác một số hiện tượng kinh tế của nền sản xuất tư bản (mặc dù phải trừ tiền công cùng với lợi tức vẫn chưa được giải thích chính xác theo lý thuyết này, nhưng sự thể đó không phải vì lý thuyết giá trị mà thật ra chỉ vì thực tế của nền sản xuất đó). Tuy nhiên, do sai lầm trong việc quy định điều kiện trực tiếp cho sản xuất hàng hoá – quy quyền sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất thành một trong hai điều kiện trực tiếp để sản xuất hàng hoá, cùng với sự phân công xã hội cho lao động – đồng thời bỏ qua mà không giải thích nguyên nhân sâu xa dẫn đến kinh tế hàng hoá, nên lý thuyết này không thể được dùng làm cơ sở khoa học để giải thích chính xác bản chất của nền sản xuất hiện đại, vốn không chỉ khác biệt mà còn đối lập hẳn với nền sản xuất tư bản về cả chế độ sở hữu lẫn phương thức vận hành. Muốn trở thành cơ sở khoa học để làm được việc đó, lý thuyết marxist phải được giải phóng khỏi cái giả thuyết nói trên, vốn có thái độ phủ nhận đối với sản xuất hàng hoá cùng với quy luật giá trị. Cũng như trước kia, cách đây gần một trăm năm, vật lý học phải được giải phóng khỏi giả thuyết éther mới phát triển được rực rỡ như ngày nay. Nhưng quan trọng hơn, cần phải giải thích được đúng đắn nguyên nhân sâu xa dẫn đến kinh tế đổi chác hoặc kinh tế hàng hoá như tôi đã làm bằng chương trước (chương I) trong tác phẩm này.
Với lý thuyết marxist, quy luật giá trị đã được khái quát theo xu hướng thừa nhận cái mâu thuẫn đối kháng giữa nhà tư bản với người làm thuê nhằm biện minh cho lợi ích của người làm thuê đồng thời chống lại lợi ích của nhà tư bản, tức là nhằm xoá bỏ cái mâu thuẫn đó bằng bạo lực, từ đó dẫn đến những hệ quả tai ác không thể lường trước được.

4. Lý thuyết giới hạn (the marginal theory).

Lý thuyết giới hạn còn được gọi là lý thuyết cận biên xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, được đề xuất bởi Stanley JevonsAnh, Herman GossenĐức, Karl Menger, Bohm BawerkLudwig von MisesÁo, được phát triển lên đến đỉnh cao bởi John Bate ClarkMỹLeon WalrasThuỵ sỹ, rồi được kết thúc bởi Alfred MarshallAnh.
Về nội dung, lý thuyết giới hạn bắt nguồn trực tiếp từ lý thuyết tầm thường, cũng lấy giá trị sử dụng làm cơ sở cho giá trị. Nhưng khác với lý thuyết tầm thường, lý thuyết giới hạn đã quy giá trị thành lợi ích giới hạn cho giá trị sử dụng. Theo lý thuyết này, giá trị sử dụng được quyết định bởi lợi ích ở chính nó, cả lợi ích chủ quan lẫn lợi ích khách quan, cả lợi ích trừu tượng lẫn lợi ích cụ thể, cả lợi ích hiện thực lẫn lợi ích tiềm tàng. Theo đà thoả mãn nhu cầu, lợi ích có xu hướng giảm sút; việc gia tăng số lượng cho giá trị sử dụng để thoả mãn nhu cầu sẽ làm cho nhu cầu gia tăng mức độ bão hoà nhưng giảm sút mức độ cấp thiết, nhu cầu giảm sút mức độ cấp thiết làm cho giá trị sử dụng sau sẽ có lợi ích nhỏ hơn lợi ích ở giá trị sử dụng trước; với một số lượng nhất định, giá trị sử dụng cuối cùng sẽ trở thành giá trị sử dụng giới hạn, làm cho lợi ích ở giá trị sử dụng đó trở thành lợi ích giới hạn, lợi ích này có tác dụng quyết định đối với lợi ích chung cho toàn bộ giá trị sử dụng. Vậy nếu giá trị sử dụngcàng lớn thì giá trị đó sẽ có lợi ích giới hạn càng nhỏ, làm cho giá trị đó có giá trị cũng càng nhỏ; hoặc ngược lại. Tóm lại, lý thuyết giới hạn đã lấy lợi ích giới hạn để giải thích sự đối lập giữa giá trị trao đổi với giá trị sử dụng trong hàng hoá.
Về hình thức hoặc phương pháp, lý thuyết giới hạn đã kết hợp sự kiện kinh tế với sự kiện toán học, đã sử dụng khái niệm giới hạn của toán học vào giải thích các hiện tượng kinh tế cùng mối liên quan số lượng giữa các hiện tượng đó. Sự thể đó biểu hiện việc bắt chước khoa học tự nhiên nhằm cố gắng đạt được những thành công có ảnh hưởng như ảnh hưởng từ những phát minh được thực hiện bởi khoa học đó, đồng thời gán những tính chất vốn chỉ có ở khoa học đó cho kinh tế học chính trị. Vì giải thích các sự kiện kinh tế bằng các sự kiện toán học, tức là lượng hoá các hiện tượng kinh tế hoặc quy mỗi hiện tượng đó thành một đại lượng toán học, nên một mặt, lý thuyết giới hạn chỉ giải thích các mối liên quan bên ngoài giữa các sự kiện kinh tế, nhờ đó mà chỉ đúng đắn đối với giá cả mà không đúng đắn đối với giá trị; mặt khác, lý thuyết đó lại bỏ qua hoặc không giải thích những quan hệ lợi ích giữa người với người trong xã hội hiện đại bị che giấu bởi chính các sự kiện đó, mặc dù thực tế, ngay cả việc giải thích giá trị, nó cũng đã ngấm ngầm che giấu hoặc biện minh hết sức tinh vi cho các quan hệ đó theo chiều hướng thiên vị cho những người nào chỉ dựa vào sở hữu để tiêu dùng mà không sản xuất. Thật vậy, việc lấy lợi ích giới hạn để quy định giá trị cho hàng hoá đã biểu hiện rõ ràng nhãn quan cho một giai cấp mới đang hình thành, giai cấp thực lợi vào giai đoạn hình thành, giai cấp này chỉ dựa vào quyền sở hữu để tiêu dùng mà không hề sản xuất. Theo sự quy định ấy, giá trị của hàng hoá được quyết định bởi ước muốn chủ quan của giai cấp thực lợi chứ không phải được quyết định bởi sức lao động của các giai cấp sản xuất.
Nói chung, với lý thuyết giới hạn, quy luật giá trị đã được mô tả theo xu hướng phủ nhận đối với sự bóc lột nói chung. Chính vì phủ nhận sự bóc lột nói chung nên lý thuyết này chỉ tỏ ra đúng đắn với kinh tế đổi chác đã phát triển đầy đủ thành nền kinh tế tín dụng dựa trên chính thể dân chủ làm cho sự bóc lột bị suy giảm đến con số không (0) nhưng sai lầm nghiêm trọng với kinh tế đổi chác phát triển cực đoan thành nền kinh tế tư bản dựa trên chính thể chuyên chế làm cho sự bóc lột được gia tăng đến xung đột xã hội, tức là phủ nhận một phương thức bóc lột hoàn toàn mới lạ chỉ thông qua trao đổikhông phải dựa vào sản xuất. Lý thuyết giới hạn chỉ cho phép người ta thấy được chính thể dân chủ tốt đẹp như thế nào mà không cho phép người ta thấy được chính thể chuyên chế xấu xa như thế nào. Nguyên nhân thật đơn giản: lý thuyết này tách rời kinh tế khỏi chính trị hoặc bỏ qua mà không tính đến tác động ảnh hưởng từ chế độ chính trị đến hoạt động kinh tế. Chính nguyên nhân này cũng đã giải thích được tại sao lý thuyết giới hạn lại có thể bị lạm dụng dễ dàng vào việc biện bạch tinh vi cho việc bóc lột tàn tệ người lao động trong chính thể chuyên chế. Với cái vẻ bề ngoài rất hợp lý nhờ các công thức toán học, lý thuyết giới hạn thường tự mâu thuẫn với chính mình khi phải giải quyết các vấn đề chính trị: từ chỗ chỉ thấy được bản chất nhân loại có khuyết tật mà không thấy được bản chất nhân loại có tính chất hai mặt (vừa tốt vừa xấu), lý thuyết này đi đến chỗ không thể nào toán học hóa được bản chất nhân loại, tức là không thể nào chuyển hóa được bản chất nhân loại thành các đại lượng toán học, khiến lý thuyết này đành phải giả định sai lạc rằng: bản chất nhân loại có khuyết tật. Thật ra, việc giả định sai lạc rằng: bản chất nhân loại có khuyết tật, chỉ đã cho thấy lý thuyết giới hạn có khuyết tật.

5. Nhận xét khái quát.

Có một thực tế rất đáng chú ý là hầu hết tất cả các lý thuyết kinh tế học từ trước đến nay đều có khả năng mắc sai sót, chính khả năng này đã làm cho chúng chỉ có giá trị nhất thời: có thể đúng đắn với nơi này nhưng chưa chắc đã đúng đắn với nơi khác hoặc có thể đúng đắn với lúc này nhưng chưa chắc đã đúng đắn với lúc khác. Một điều đáng chú ý hơn nữa là hầu hết các nhà kinh tế học nói riêng cũng như các nhà xã hội học nói chung đều không nắm được nguyên nhân làm cho các lý thuyết kinh tế học đó bị lâm vào tình trạng nói trên. Đó là tác động ảnh hưởng từ thể chế chính trị đến các quy luật kinh tế cũng như sự tác động qua lại (thậm chí xung đột quyết liệt!) giữa các loại chính thể khác nhau cùng tồn tại trên địa cầu. Chính những tác nhân này đã làm cho các quy luật kinh tế luôn luôn bị biến dạng, từ đó làm cho các lý thuyết kinh tế học nói trên không thể phản ánh được chính xác về chúng. Ví dụ, quy luật giá trị luôn luôn đòi hỏi phải có sự cân bằng đồng thời luôn luôn hướng tới sự cân bằng nhưng không phải ở đâu nó cũng đạt được sự cân bằng mà cũng không phải lúc nào nó cũng đạt được sự cân bằng, nó có hay không đạt được sự cân bằng còn phụ thuộc vào thể chế chính trị có tính chất ra sao, nó tuyệt đối không thể đạt được sự cân bằng trong chính thể chuyên chế (nơi mà toàn bộ quyền lực đều tập trung hết cả vào một số ít cá nhân nào đó!) mà chỉ có thể đạt được sự cân bằng trong chính thể dân chủ (nơi mà mọi cá nhân đều có quyền lực như nhau!) nhưng sự cân bằng ở đây cũng chỉ được xác lập tạm thời rồi lại bị phá vỡ bởi hành động tự do của các cá nhân khác nhau để rồi sau một thời hạn nhất định lại được tái xác lập với một trạng thái khác, cứ như thế mà sự cân bằng trở thành sự cân bằng động, tức là sự cân bằng ở đây cũng chỉ rất tương đối mà thôi. Tôi sẽ chứng minh cho sự thể này bằng quyển thứ hai: Khảo luận Triết học Về Đời sống Chính trị.
Sở dĩ có tình trạng trên đây chỉ vì hầu hết các nhà kinh tế học cũng như các nhà xã hội học nói chung đều lấy quyết định luận kinh tế làm nền tảng triết học để lập luận. Theo quyết định luận đó, kinh tế quyết định chính trị; đối lập với quyết định luận chính trị cho rằng: chính trị quyết định kinh tế (xin quý độc giả hãy xem lại chương I).

J. B. Hàvăn Huytoàn
(Viêt vào Tháng Chín 1993, sửa chữa vào Tháng Sáu 2002)


12) Hàng hoá đã được phân tích nhiều lần trong lịch sử bởi khoa kinh tế chính trị. Ở đây tôi chỉ tóm tắt thật khái quát sự phân tích đó mà thôi. Cái mới quan trọng nhất mà tôi thêm vào chỉ biểu hiện qua ba việc sau đây: thứ nhất, tôi giải thích được tại sao nhân loại phải lao động đồng thời phải sản xuất hàng hoá; thứ hai, tôi xác định sự khác nhau về chất giữa lao động với sức lao động nhưng lại xác định sự giống nhau về lượng giữa hai cái đó cũng như vật lý học hiện đại đã xác định chuyển động không thể tách rời khỏi năng lượng, từ đó tôi quy định giá trị bằng sức lao động chứ không quy định giá trị bằng lao động như nhiều tác giả khác đã quy định, như K. Marx chẳng hạn; thứ ba, tôi phân tích khái quát những điều kiện để trao đổi cùng với tính chất lịch sử cho giá trị (xin xem tiết 3 ở mục I thuộc chương này). Tuy nhiên, để hiểu được dễ dàng lý thuyết kinh tế của tôi, quý độc giả nên nghiên cứu kỹ lưỡng các lý thuyết kinh tế trước đây. Chỉ như vậy quý độc giả mới thấy được sự khác biệt căn bản giữa lý thuyết kinh tế của tôi với tất cả các lý thuyết kinh tế trước đó.
13) Tính chất hai mặt của lao động tạo ra hàng hoá được phát hiện lần đầu tiên đồng thời được trình bày rõ ràng vào giữa thế kỷ XIX bởi K. Marx (Karl Marx: Góp phần phê phán khoa kinh tế trính trị, Berlin 1859). Phát kiến này đã xác nhận K. Marx chỉ đóng góp được một phát kiến duy nhất cho khoa học xã hội.
14) Sự phân công xã hội của lao động cùng tác dụng tích cực của nó đã được khảo sát rất kỹ lưỡng bởi Adam Smith, một trong những đại biểu điển hình nhất cho kinh tế học cổ điển ở Anh, tác giả cho “Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations”. London 1776. Nhưng ông cũng như tất cả những người kế tục ông lại không phân biệt được sự phân công xã hội với sự phân công kỹ thuật của lao động, trừ K. Marx đã làm được việc đó nhưng lại đồng nhất sự phân công kỹ thuật với hình thái tư bản của nó. Xin hãy xem Adam Smith: Nghiên cứu bản chất và nguồn gốc của sự giầu có của các quốc gia. Việt ngữ. Nhà xuất bản Giáo dục. Hà nội 1994.
15) Căn cứ vào thực tiễn của nền kinh tế hiện đại, theo đó mỗi doanh nghiệp cá biệt (biểu hiện về hình thức thành một công ty cổ phần) được sở hữu bởi rất nhiều cá nhân riêng biệt chứ không được sở hữu bởi một cá nhân đó, tôi đã quy định lại điều kiện thứ hai cho sản xuất hàng hoá; theo sự quy định này, việc sản xuất hàng hoá chỉ dựa vào quyền sử dụng tư nhân đối với tư liệu sản xuất. Ở đây tuyệt đối không nên hiểu “tư nhân” thành một cá nhân thuần tuý nào đó, mà phải hiểu nó thành một tập thể gồm nhiều cá nhân đó, các cá nhân này tuy khác nhau về hình thức thuần tuý nhưng lại cùng nhau tạo ra một hoặc một số giá trị sử dụng riêng biệt, tức là tính chất tư nhân của quyền sử dụng tư nhân đối với tư liệu sản xuất được xác định bằng giá trị sử dụng của những hàng hoá được tạo ra bởi một tập thể nhất định gồm nhiều cá nhân thuần tuý hợp thành.
16) Trong hệ thống kinh tế học marxist, lý thuyết tiền tệ là lý thuyết hoàn thiện nhất. Theo lý thuyết này, tiền tệ chỉ có ba chức năng thôi. Thế nhưng về sau, các nhà marxist (những người kế tục K. Marx) ở Việt nam cũng như ở Nga đã xuyên tạc lý thuyết này, họ quy định tiền tệ có năm chức năng: thước đo giá trị, phương tiện lưu thông, phương tiện cất trữ, phương tiện thanh toán và tiền tệ quốc tế. Thật ra, ba “chức năng” cuối cùng chỉ biểu hiện ba hình thức khác nhau cho cùng một chức năng thực tế mà thôi: tiền tệ hoặc tiền bạc. K. Marx phân tích hình thái của giá trị bằng phép biện chứng duy vật vốn giả định sai lạc rằng mọi sự vật đều chỉ tồn tại tạm thời nhằm phủ định tiền tệ bằng chủ nghĩa cộng sản. Trái ngược với K. Marx, tôi phân tích hình thái của giá trị bằng phương pháp luận cá nhân chủ nghĩa vốn giả định chân thực rằng bản tính vị kỷ luôn luôn tồn tại cố định hoặc tồn tại bất biến ở mọi cá nhân sống vào mọi lúc nhằm bảo tồn tiền tệ bằng chủ nghĩa tự do. Phép biện chứng duy vật, về thực chất, chỉ làm hình thức cực đoan theo kiểu duy vật cho phép siêu hình mà thôi. Đối lập với phép siêu hình biểu hiện cực đoan theo kiểu duy vật thành phép biện chứng duy vật, phương pháp luận cá nhân chủ nghĩa lại chỉ làm hình thức biểu hiện cho phép biện chứng trong đời sống xã hội. Phép biện chứng là phương pháp luận triết học làm cho chủ thể nhận thức có thể thấy được thế giới về cả hai mặt đối lập nhau: vừa vật chất vừa tinh thần, vừa biến đổi vừa cố định, vừa xác định vừa bất định, vân vân. Với ý nghĩa như vậy, phép biện chứng không duy vậtcũng chẳng duy tâm. Khoa học từ đầu thế kỷ XX đến nay đã chứng tỏ rõ ràng như vậy. Về hình thức, lý thuyết kinh tế của tôi dễ làm cho người ta lầm lẫn với lý thuyết kinh tế của K. Marx nhưng về nội dung, lý thuyết kinh tế của tôi lại đối lập hẳn với lý thuyết kinh tế của K. Marx. Ai đúng hay sai đến mức độ nào, cần phải được kiểm chứng khách quan bằng thực tiễn sinh động thông qua tranh luận học thuật.
17) Karl Marx: Tư bản – Phê phán khoa kinh tế chính trị. Việt ngữ. Quyển thứ nhất. Nhà xuất bản Sự thật, Hà nội 1959, tập I, trang 60. Cái mệnh đề cho rằng “sức lao động của toàn thể xã hội biểu hiện trong toàn bộ các giá trị” không chỉ cho thấy tổng số giá trị bằng tổng số sức lao động đã hao phí để tạo ra hàng hoá mà còn cho thấy không phải lao độngchính sức lao động đã cấu thành thực thể cho giá trị. Sự thể này hoàn toàn mâu thuẫn với sự quy định chủ yếu của chính K. Marx: “thực thể của giá trị: đó là lao động” (Sách đã dẫn, trang 63). Vậy tại sao cái mâu thuẫn này không được phát hiện bởi các viện sỹ hàn lâm vốn rất cần mẫn với việc canh phòng cho các ngôi đền đồ sộ ở các thủ đô mà lại chỉ có thể được phát hiện bởi một tay giáo viên quèn vốn phải sống mai danh ẩn tích ở thôn quê? Câu trả lời thật đơn giản: To be a wellfavoured man is the gift of fortune; but to write and read comes by nature. Đó là lời giáo huấn mà ông Dogerbery quý hoá nói với người tuần canh Cycle trong vở kịch của William Shakespeare: Much ado about nothing (Làm to chuyện về một việc không đâu), hồi III, màn 3.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét