Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

GHI CHÉP TRIẾT HỌC VỀ NỀN DÂN CHỦ TƯ SẢN

Alexis De Tocqueville (1805 - 1859)
Nền Dân chủ Tư sản là nền dân chủ dành cho Giai cấp Tư sản, tức là các nhà giàu trong xã hội.
Cũng như nền Dân chủ Tự do, nền Dân chủ Tư sản có ba thiết chế cơ bản: 1/ Nhà nước dân chủ phải được tổ chức theo quy chế phân lập tam quyền, theo đó nhà nước này phải được phân chia thành ba cơ quan khác nhau để thực hiện độc lập ba loại quyền lực tương ứng: cơ quan lập pháp thực hiện quyền lực lập pháp, cơ quan hành pháp thực hiện quyền lực hành pháp và cơ quan tư pháp thực hiện quyền lực tư pháp; sự phân chia quyền lực như vậy làm cho quan chức nhà nước không thể lạm dụng được quyền lực nhà nước; 2/ Nhà nước dân chủ phải được làm chủ theo nguyên tắc đa nguyên bình đẳng bởi toàn thể công dân (lưu ý: toàn thể công dân chứ không phải toàn thể nhân dân, hai khái niệm đó rất khác nhau!), theo đó nhà nước này phải bị kiểm sát chặt chẽ bởi nhiều tổ chức độc lập để ngăn ngừa các điều luật mù quáng dẫn đến tai hoạ cho công dân (lưu ý: công dân chứ không phải nhân dân, hai khái niệm đó rất khác nhau!); 3/ Nhà nước dân chủ phải được bảo tồn theo chế độ bầu cử tự do hoặc phải hoạt động theo nhiệm kỳ; sau mỗi nhiệm kỳ nhất định, nhà nước này phải thay đổi nhân sự thông qua bầu cử tự do, theo đó mọi công dân (lưu ý: công dân chứ không phải cá nhân, hai khái niệm đó rất khác nhau!) đều phải được tham gia lựa chọn những người có cả tài năng lẫn đức hạnh làm người lãnh đạo đồng thời cũng đều phải được ứng cử làm người lãnh đạo, nhưng chỉ được ứng cử vào một trong ba cơ quan khác nhau: lập pháp, hành pháptư pháp, nếu ứng cử vào cơ quan này thì không được ứng cử vào hai cơ quan kia hoặc nếu đắc cử vào cơ quan này thì phải từ bỏ chức vụ ở hai cơ quan kia để người đắc cử chỉ nắm được một trong ba loại quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháptư pháp (bảo đảm tuân thủ quy chế phân lập tam quyền).
John Stuart Mill (1806 - 1873)
Thế nhưng, nền Dân chủ Tư sản rất khác nền Dân chủ Tự do ở một nền tảng căn bản nhất, nền tảng đó chính là công dân.
Công dân trong nền Dân chủ Tư sản chỉ bao gồm các nhà giàu mà thôi (cũng như công dân trong nền Dân chủ Chủ nô chỉ bao gồm các chủ nô mà loại trừ cả phụ nữ lẫn nô lệ), khác hẳn công dân trong nền Dân chủ Tự do phải bao gồm mọi cá nhân (bất kể giới tính, sắc tộc, giàu hay nghèo, v. v.). Trong nền Dân chủ Tư sản, công dân không được đồng nhất với cá nhân hoặc nhân dân (không phải mọi cá nhân mà chỉ một số cá nhân – nhà giàu – mới được quy định thành công dân hoặc có quyền công dân); nhưng trong nền Dân chủ Tự do, công dân phải được đồng nhất với cá nhân hoặc nhân dân (mọi cá nhân đều được quy định thành công dân hoặc đều có quyền công dân). Như vậy tức là nền Dân chủ Tư sản chỉ bảo đảm Tự do – Bình đẳng – Bác ái cho Giai cấp Tư sản mà không bảo đảm các giá trị đó cho toàn thể nhân dân, không những không xoá bỏ mâu thuẫn đối kháng giữa nhà giàu với nhà nghèo mà còn dựa vào mâu thuẫn đó để tồn tại. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều tai hoạ lớn. Với quyền lực to lớn như vậy, Giai cấp Tư sản vốn chỉ chiếm một số ít trong xã hội đã bóc lột kiệt quệ Giai cấp Vô sản chiếm số đông nhất trong xã hội: một nhà tư sản này không thể làm hại một nhà tư sản khác nhưng vẫn có thể làm hại bất cứ một người vô sản nào mà không bị trừng phạt. Vậy về thực chất, nền Dân chủ Tư sản chỉ là nền Chuyên chế Giai cấp để Giai cấp Tư sản thống trị Giai cấp Vô sản mà thôi, đúng như Karl Marx cùng các đồng sự đã kết luận như vậy.
Karl H. Marx (1818 - 1883)
Tuy đã kết luận đúng đắn như vậy về nền Dân chủ Tư sản, nhưng K. Marx cùng các đồng sự đã nhận định rất sai lạc về nền dân chủ này: thứ nhất, ông đã lấy đời sống kinh tế làm nguyên nhân cho các tai hoạ lớn mà không lấy chế độ chính trị làm nguyên nhân cho các tai hoạ đó, tức là giải thích các tai hoạ khủng khiếp bằng quyết định luận kinh tế mà không giải thích các tai hoạ đó bằng quyết định luận chính trị; thứ hai, ông đã chủ trương tiêu diệt nền Dân chủ Tư sản bằng cách mạng bạo lực mà không chủ trương cải tiến nền dân chủ đó bằng biện pháp hoà bình. Từ ít nhất hai sai lầm đó, K. Marx đã để lại một di sản nguy hiểm cho hậu thế: các chế độ độc tài cộng sản đã thực hiện các chính sách tiêu diệt kinh tế thị trường (vốn bị quy kết thành nguyên nhân làm cho người bóc lột người) rồi truy bức không thương tiếc mọi mầm mống dân chủ (vốn bị quy kết thành chuyên chính tư sản để Giai cấp Tư sản áp bức Giai cấp Vô sản).
Một số ít người vẫn biện minh cho K. Marx, rằng điều kiện lịch sử đã quy định ông phải suy tư như vậy!
Không thể viện dẫn được điều kiện lịch sử, nếu cố tình đổ lỗi cho điều kiện lịch sử thì phải tự đặt ra một câu hỏi: tại sao cũng với điều kiện đó mà một số học giả khác cùng thời với K. Marx (Alexis De TocquevillePháp hoặc John Stuart MillAnh, v. v.) đã tìm kiếm được giải pháp đúng đắn cho vấn đề? Hãy tìm hiểu việc tu chính Hiến pháp ở Mỹ, Pháp, và một số nước khác thuộc cả Tây Âu châu lẫn Bắc Mỹ châu từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX sẽ thấy được câu trả lời chính xác cho câu hỏi đó. Chính nhờ việc tu chính đó mà nền Dân chủ Tư sản đã chuyển biến sâu sắc thành nền Dân chủ Tự do đang thăng tiến mạnh mẽ ở nhiều nước, theo đó công dân được mở rộng từ một số ít người cho tất cả các cá nhân ở các nước có nền dân chủ ấy.
Trừ một số ít nước vẫn còn chế độ độc tài cộng sản nhưng chế độ độc tài cộng sản ở đó phải vội vã cải cách kinh tế để tồn tại hoặc tránh nguy cơ sụp đổ. Nhưng như vậy, Chủ nghĩa Marx đã bị chối bỏ trong thực tiễn mặc dù nó có thể vẫn được trọng dụng trong tư tưởng để hù doạ các mầm mống dân chủ!


J. B. Hàvăn Huytoàn
(Viêt vào Tháng Tám 2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét