Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Thành tâm hồi hướng: cơ hội cuối cùng cho giới lãnh đạo ở Việt nam



Một bài viết tâm huyết của một người bạn, trí thức nhưng xin được giấu tên, gửi cho tôi đăng dùm trên blog, như một lời nhắn gửi của 1 người con yêu nước.


Giặc trong cửa ngõ

Giặc đã vào nhà. Hãy cùng nhau nói chuyện lần cuối. Chúng ta sẽ không còn thời gian, cơ hội hay cảm xúc, lòng tin để nói với nhau thêm lần nữa.

Nước Việt Nam tôi, khi bên ngoài có giặc thì trong cõi lại tạm yên để hợp lực chống kẻ thù chung, khi bên trong nồi da xáo thịt thì thường cũng may mắn vắng bóng kẻ thù bên ngoài… Mấy nghìn năm lịch sử, cũng chỉ đôi lần thiếu mất sự đồng tâm, khi kẻ xâm lăng đã xông thẳng vào nhà.

Năm 1407, một Nhà Hồ không thua kém Nhà Trần tại thời điểm ngay trước đó bất cứ điều gì, nếu không muốn nói là một sự thay thế mang tính tiến bộ, đã vì không có được lòng dân mà mất nước, mất nhà, nhưng vẫn nêu được tấm gương kiên tâm chống giặc. “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”, Hồ Nguyên Trừng đã nói thế. Cuối cùng, Nhà Hồ đã đánh. Việt Nam đã đánh. ĐÁNH, dù biết trước cuộc thua.

Năm 1862, Nhà Nguyễn khiếp nhược và bất lực trước đại bác Phương Tây, kìm nén sức dân để đất nước rơi vào một cuộc đô hộ trăm năm, cội nguồn nhiều đổ vỡ ly tán dân tộc còn đến tận hôm nay.

Năm 2014 này, năm của thế hệ chúng tôi đang sống, nguy nghịch thay cho đất nước Việt Nam, một lần nữa lại bị rơi vào cảnh ấy, và có phần còn tệ hại hơn thế nữa. Trong bối cảnh đó, lòng dân đang ở đâu? Và giới cầm quyền đang ở đâu?
Ngay lúc này đây, đứng trước quốc dân và đứng trước lịch sử dân tộc, giới cầm quyền Việt Nam đang nghĩ gì và làm gì?

Đang hòa hoãn với giặc. Đang đưa ra những câu nói bất hủ sẽ còn gieo khối nhục ngàn năm.

Tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, giặc nước vào nhà, thì đuổi sứ, cắt bang giao, đóng cửa biên giới, huy động quân bị, chứ có thấy ai hùng hồn tuyên bố “kiên quyết không sử dụng… vũ lực” hay chưa vậy tổ tiên đất nước này!

Sợ giặc à? Tự thâm tâm, tôi còn chưa nghĩ thế.

Sợ mất chế độ.

Sợ đánh giặc thì một cuộc sụp đổ kinh tế dẫn đến một cuộc sụp đổ chính trị. Kinh tế nước nhà đang lệ thuộc vào giao thương với nước giặc. Giới cầm quyền đã không dám vào cuộc “tiêu thổ kháng chiến” như cha ông những năm 1258, 1285; hay như chính tiền nhân của họ năm 1946.

Cũng như Nhà Hồ, giới lãnh đạo hiện nay hiểu rõ lòng dân đang không theo. Nhưng thuận lợi cho họ hơn Nhà Hồ, giặc hiện nay không thể đánh rát như cha chú của chúng trước đây, mà phải dùng chiến lược tằm ăn dâu. Bản thân giặc cũng đang có những khó khăn nội tại chồng chất, thậm chí là nguy cơ tan rã quốc gia. Và như thế, có thời gian cho giới cầm quyền Việt Nam lấy lại lòng tin từ người dân, bằng những hành động thực tiễn.

Trước khi đề cập đến những đòi hỏi hành động đó, hẵng cùng điểm qua một lịch sử gần.


Nhìn qua quá khứ

Cùng nói về cái chế độ mà họ đang sợ đánh mất: chế độ Xã hội chủ nghĩa.

Làm gì có cái chế độ đó trên đất nước này, ngày hôm nay, hay bất cứ ngày tháng nào mà dân tộc tôi đã sống qua.

Con đường Cách mạng Vô sản từ góc nhìn của những năm 1930-1945 là một sự LỰA CHỌN, của thời điểm 1954-1955 là một sự ĐÁNH ĐỔI, của năm 1975 là một sự HIỂN NHIÊN, của những năm 1989-1991 là một sự NGỘ NHẬN và của thời kỳ năm 2010 đến nay là một sự LỪA DỐI.

Tại sao tôi gọi tên như thế?

Phải thừa nhận sự thật lịch sử là thế hệ những người Cộng sản đầu tiên đem công cụ này về Việt Nam không ngoài mục đích giải phóng dân tộc. Và công cụ đó tại thời điểm đó đã tỏ ra mạnh mẽ và hiệu quả hơn hẳn [các giải pháp khác]. Do đó, hãy gọi đó là một sự Lựa chọn. Đừng đánh giá họ đứng từ lăng kính của Thế kỷ XXI này.

Đáng thương cho dân tộc Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã rơi vào bàn cờ thế giới. Đó chính là thời khắc toàn cầu hóa đấy, chứ nào phải đợi tới cuối thế kỷ XX đâu. Và số phận dân tộc này đã bị các siêu cường quốc tế tung đi hứng lại. Trong cuộc mà cả toàn cầu đó, các nhà lãnh đạo Việt Nam (của cả hai bên) đã thực hiện những Đánh đổi đầu tiên, đánh đổi việc bảo vệ lý tưởng của phe mình, bảo vệ quyền lực thống trị của phe mình lấy sự chia cắt đất nước, lấy cuộc chiến 21 năm tiếp theo mà họ cũng không tưởng tượng ra nổi vào cái năm 1954 đó. Một cơn lốc lịch sử khốc liệt tang thương. Cuộc đánh đổi đã đẩy hẳn chính thể Việt nam Dân chủ Cộng hòa vào phe Xã hội chủ nghĩa khi ấy.

Năm 1975. Người chiến thắng có bao giờ phải thay đổi? Cả nhân loại xưa nay vẫn thế. Do đó, có thể xem định hướng đất nước trong việc đổi tên gọi đầy cao vọng và không chút do dự vào năm 1976 như là một sự Hiển nhiên. Không thể đòi hỏi gì nhiều hơn logic thực tế đó. Vinh quang chiến thắng của người lính Cộng sản Việt Nam huy hoàng hơn nhiều nhiều nước XHCN Đông Âu – những nhà nước được ngoại bang dựng lên, hơn cả nước lớn Trung Hoa còn chưa thống nhất.

Hai cuộc chiến Tây Nam và biên giới phía Bắc sẽ mãi mãi còn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, cho dù chính thể lãnh đạo hai cuộc chiến đó có còn tồn tại hay bị lịch sử chối bỏ. Giới sử học quốc tế đã có nhiều tiếng nói nêu lại công lao chống diệt chủng của Việt Nam, xóa dần những đánh giá bất công mang màu sắc chính trị hơn là lịch sử, của mươi hai mươi năm trước… Đừng trách Việt Nam đã đóng quân quá lâu, những gì Việt nam đã làm không khác Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp, để bảo vệ an ninh chính đất nước mình… Sự hy sinh của người lính Việt Nam 10 năm trên biên giới Tây Nam cần được Tổ quốc thực sự ghi công. Cũng 10 năm ấy là sự hy sinh thầm lặng của bao chiến sĩ trên biên giới phía Bắc và miền hải đảo.

Những năm 1989-1991. Giới lãnh đạo Việt Nam bàng hoàng và lúng túng. Họ còn quá bận với hai cuộc chiến nêu trên. Họ thực ra vẫn chỉ là những người lính chiến thắng mà thôi. Họ không hiểu những gì đang xảy ra (tại Liên Xô và Đông Âu), cũng như trước đó họ chưa từng hiểu về Liên Xô và Đông Âu. Ta nên biết, nếu quy chiếu máy móc, tầm nhìn, tâm thế của họ vào năm 1990 (15 năm sau chiến tranh), phải tương tự các nước Đông Âu – Liên Xô vào năm 1960 (15 năm sau chiến tranh), nhưng thực tế còn thậm tệ hơn thế do đặc thù địa lý, văn hóa và xuất thân. Trung Hoa kế cận cũng đã có 41 năm hòa bình độc lập (1949-1990). Các cuộc chiến biên giới tứ phương của Trung Hoa thật ra chỉ mới là màn thủ đoạn trộm vặt của họ. Làm sao ta có thể đòi hỏi các nhà lãnh đạo Việt Nam khi ấy đủ bản lĩnh, hiểu biết và sáng suốt? Thiếu hết những thứ đó, họ đã rơi vào cạm bẫy Ngộ nhận do gã to xác nham hiểm giương ra.

Thật ra trước đó, trong kỳ Đại hội năm 1986, Việt Nam đã manh nha một cơ hội cực kỳ quý báu để có thể tự thoát thai. Đáng tiếc, cơ hội đó đã bị đánh rơi mất, khi những biến động Đông Âu xảy ra hơi sớm (nhìn ở góc độ tác động đến bối cảnh Việt Nam) và quá quyết liệt, khiến giới lãnh đạo Việt Nam giật mình nhảy ngay vào bẫy.

Cái đáng sợ của sự lừa dối là lừa dối huyễn hoặc cả chính bản thân mình.

Việt Nam 2010.

Xã hội Việt nam đã bắt đầu giống với Đông Âu 1980. Trung Hoa 1985. Trong khi chính giới Trung Hoa may mắn có một Đặng Tiểu Bình (tội đồ của nhân dân Việt Nam) và một số nhân vật chủ chốt khác đã nếm đòn của chính nền Chuyên chính Vô sản, và khi nắm lại quyền đã lẳng lặng vo tròn bóp méo nó; thì Việt Nam không có một nhân vật tương tự. Nhưng trên thực tế lãnh đạo Việt Nam cũng đã đủ độ lùi thời gian để đọc hiểu cỗ xe lịch sử hiện đại. Họ đã quá hiểu Chủ nghĩa Xã hội nằm ở chốn nào. Thế thì, đặt tên cho ngọn cờ Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa trong tay họ lúc này là sự Lừa dối, có gì quá đáng?

Cái họ đang sợ đánh mất có phải – hay có còn – là chế độ Xã hội chủ nghĩa?

Có thể trong tâm tư thế hệ lãnh đạo 1986-1990 thì còn là thế thật – cái thế hệ lãnh đạo Ngộ nhận; nhưng trong tâm địa thế hệ lãnh đạo hiện nay điều họ sợ đánh mất chỉ đơn thuần là cái quyền lực thống trị cá nhân và tập đoàn mà thôi! Mượn Đảng (như cái công cụ) để trị dân.

Chính quyền đang tự đưa mình vào thế đối lập với nhân dân, và đang tự tay mình hàng ngày hàng ngày châm thêm dầu vào lửa.

Hy vọng bảo vệ chế độ hiện nay, đặt hết vào hai bộ máy Công an và Quân đội.

Xin đặt một câu hỏi: Bảo vệ vì cái gì, Lý tưởng hay Lợi ích?

Lý tưởng ư? Ôi thôi bản thân giới lãnh đạo cũng đang hành xử như không hề mang lý tưởng đó, và họ cũng đủ tỉnh táo tự biết mình không hề còn lý tưởng đó, thì chẳng lẽ không đủ tỉnh táo để vứt bỏ đi niềm tự huyễn hoặc dựa vào đó để điều động nòng súng? (“Súng đẻ ra chính quyền”, câu nói này của Mao có thể còn đúng một thời gian nữa, và mong sao "chân lý" đó chưa kịp hủy diệt thế giới loài người trước khi nó bị đào thải.)

Còn nếu dựa vào Lợi ích? Thế thì lợi ích sát sườn mới là cơ bản, và khi lợi ích sát sườn được tọa độ hóa vào quảng đại quần chúng, thì họng súng đó quay chỉ vào đâu, lịch sử thế giới cũng đã nhiều lần chứng minh.

Thưa các nhà lãnh đạo, không phải súng, không phải công an hay quân đội, ngày hôm nay chỉ một thứ có thể bảo vệ được cho các anh, đó chính là Sự chấp nhận của Nhân dân.


Hãy thành tâm hồi hướng

“Hồi hướng” sử dụng trong khung cảnh bài viết nhỏ này, có thể không trùng khớp với định nghĩa nguyên thủy trong Giáo pháp; nhưng tôi vẫn muốn sử dụng từ này ở đây, vì đi chung với “thành tâm”, cụm từ vừa mang ý nghĩa biến đổi nhận thức đi liền thay đổi hành động, và với nghĩa đen của từng chữ tách riêng “hồi” và “hướng”, tôi không tìm được thay thế nào hay hơn để diễn tả mong muốn cá nhân đối với giới cầm quyền hiện nay; mong muốn một sự “tự giác hướng thiện”.

Trí thông minh và Lòng tham

Đối với đa số trong những người lãnh đạo hiện nay, tôi không tin họ thiếu trí tuệ hay tri thức. Do có điều kiện tốt hơn ở góc độ này góc độ khác, họ có được lợi thế trau dồi hiểu biết hơn đại bộ phận những người công dân khác. Điều này lại càng đúng hơn với các thế hệ f2, f3 của họ. Nhìn nhận một cách đơn giản nhất, chắc chắn họ phải có những tâm cơ hơn hẳn người khác để trèo lên cao, cho dù cách trèo thế nào chăng nữa, thì cũng phải vận dụng tâm cơ một cách linh hoạt. Họ có một bản chất ưu tú nhất định.

Như vậy, lên án họ ngu dốt là không đúng với thực tế. Họ đủ thông minh nếu không hơn thì cũng là bằng mức bình quân của tất cả, tôi tin điều đó.

Họ có sự thông minh, có trí tuệ, nhưng họ lạm dụng trí thông minh vào những động cơ đi ngược lại với quyền lợi nhân dân mà họ đã giành được quyền đại diện, họ tự bịt mắt trí tuệ của mình. Họ làm cho hình ảnh của họ trở thành ngu ngốc và ngớ ngẩn, nhưng họ không đoái hoài điều đó, khi họ tin rằng lợi ích của họ vẫn đang được bảo toàn chu đáo.

Điều gì đang điều khiển con người họ thay thế cho bản năng trí tuệ?

Chẳng có gì khác hơn Lòng tham.

Lòng tham có cơ hội phát triển và thăng hoa, đã giết chết trí tuệ, giết chết nhiều tình cảm cá nhân khác trong họ: lòng tự trọng, cảm giác biết xấu hổ, và nhiều thứ tình cảm thiêng liêng khác: lòng yêu thương đối với quê hương đất nước, đối với đồng bào, lòng biết ơn với tiền nhân, lòng kính Trời tin Phật (tôi tin 99% trong số họ tự thâm tâm đã trở thành hữu thần từ lâu), sự chung thủy đối với niềm tin của đồng đội họ đã ngã xuống cho đất nước này, cho chính thể họ đang lèo lái, cho họ có vị trí lãnh đạo ngày hôm nay. Họ xổ toẹt vào những gì tốt đẹp còn sót lại, và làm rỉ máu vết thương chia rẽ trong lòng dân tộc.

Chúng ta chẳng cần chỉ dạy cho họ những điều cụ thể như: phải bỏ Điều 4 Hiến pháp, phải từ bỏ học thuyết Mac-xit, phải đổi Quốc ca, thay Quốc hiệu…

Chúng ta chỉ mong một điều, họ đừng để Lòng tham che mắt bịt tai, và vận dụng chính trí tuệ của họ để tỉnh trí nhìn rõ một điều: nếu bản thân họ không "thành tâm hồi hướng", tự giác thay đổi, chìa bàn tay ra với nhân dân, với dân tộc, cùng nhân dân gánh vác chia sẻ họa phúc, thì dòng thác lịch sử cũng sẽ cuốn phăng họ theo cách đẫm máu nhất cho nhân dân Việt, và khi điều đó xảy ra, đau thương thay cho những người dân vô tội lại phải nếm cảnh tang tóc lầm than, đau thương thay cho đất nước này mãi ngụp lặn trong hận thù và đố kỵ.


Blog Hồ Hải

* Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả.
http://www.ijavn.org/2014/12/thanh-tam-hoi-huong-co-hoi-cuoi-cung.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét