Đội tuyển VN: Cơn sốt ảo và giá trị thật
- 11 tháng 12 2014
Người Việt Nam có câu: “Con voi chui lọt lỗ kim”. Nói về khả năng chiến thắng của Malaysia trong trận bán kết lượt về tại AFF Cup năm nay cũng thế.
Có lẽ có không đến 1% số người Việt Nam nghĩ rằng đội nhà có thể thất bại và chắc cũng từng đấy phần trăm số người Malaysia tin rằng đội bóng của họ có thể lật ngược thế cờ trong hoàn cảnh ấy.
Hoàn cảnh ấy là gì: Thua lượt đi trên sân nhà, để đối thủ ghi 2 bàn thắng và một điều quan trọng nữa, cả nước Việt Nam đang sôi sục vì những người con của họ bị hành hung trên đất khách.
Người ta vẫn còn nhớ năm 2007, sau trận Tứ kết lượt đi Champions League với AS Roma, cổ động viên Manchester United đã bị đâm bằng dao đồng thời đội bóng Anh thất thủ 1-2.
Manchester United khi đó đã chỉ trích lực lượng an ninh Italia đã hành động thái quá, đánh đập khán giả Anh một cách bừa bãi không phân biệt có phải là kẻ gây rối hay không.
Trở về sân nhà sau nỗi bức xúc, đội chủ sân Old Trafford đã nghiền nát AS Roma với tỷ số không tưởng 7-1, trận thắng mà người ta vẫn còn nhắc đến ngày hôm nay. Có cảm tưởng rằng nếu không có sự cố ở Roma cách đó ít ngày, Manchester United sẽ không thể đá với tinh thần như vậy.
Nói thế để thấy rằng Đội tuyển Việt Nam hôm nay có đủ mọi lợi thế cần phải có: Tỷ số thuận lợi, sân nhà khán giả nhà và tâm lý cũng thuận lợi nốt.
Nhưng cái đã làm nên sức mạnh của Việt Nam trong trận lượt đi – tâm lý thi đấu – thứ mà ai cũng nghĩ rằng còn mạnh mẽ hơn khi phải chiến đấu để chiến thắng trên sân cỏ bù lại những gì cổ động viên đã phải chịu đựng trong trận lượt đi đã hoàn toàn không xuất hiện.
Tại sao lại thế?
Ngay sau chiến thắng 2-1 trên đất Malaysia, dù mới chỉ là lượt đi của trận bán kết (vẫn còn 3 trận đấu nữa để tới cái đích cao nhất) nhưng VFF và Bầu Hiển đã thưởng nóng 3 tỷ đồng.
Chúng ta vốn quên rất nhanh những bài học trong quá khứ: Sự nuông chiều với lứa của thần đồng Văn Quyến, sự ảo tưởng khi đoạt chức vô địch AFF 2008. Đến nay, khi mà Đội tuyển mới chỉ có một chút động thái để có thể lấy lại sự quan tâm của người hâm mộ, người ta lại mờ mắt.
Giờ thì chắc nhiều người đã hiểu tại sao ông Đoàn Nguyên Đức không cho ai treo thưởng U19 và tuyệt đối không được lấy tiền bạc làm mục đích cao nhất.
Có thể ai đó không muốn nhắc đến U19 trong lúc này, nhưng có không muốn cũng không thể được.
Nguyên nhân của cơn sốt
Hãy nhìn lại sự ảm đạm khi AFF Cup bắt đầu bán vé. Chẳng ai quan tâm đến đội tuyển cả, đó là lỗi của ai? Của U19 chăng?
Có người nói rằng: đừng phân biệt U19 với Đội tuyển Việt Nam, đội nào thì cũng nên cổ vũ.
Thật là ngược đời, người ta chỉ nói: “Hãy quan tâm đến bóng đá trẻ” chứ chẳng ai nói “Hãy quan tâm đến bóng đá đỉnh cao”. Vì đâu đội bóng giỏi nhất nước không ai muốn xem, đó là do chính họ chứ chẳng phải do người hâm mộ và càng không phải do các em ở tuyến trẻ.
Cần phải nhìn nhận như thế để phấn đấu. Đội U23 ở Asiad vừa qua tại Hàn Quốc đã thi đấu hay đột xuất. Lý giải cho điều này đội trưởng U23 Ngô Hoàng Thịnh đã nói: “Các em đá hay như vậy mà mình đá kém coi sao được!”.
Ông Miura đã làm được nhiều điều đáng khen ngợi cho bóng đá Việt Nam, nhưng nói một cách nghiệt ngã, nếu không có U19 gây tác động về mặt tinh thần, mọi nỗ lực của ông có lẽ cũng chỉ đổ xuống sông xuống bể. Vì huấn luyện viên có giỏi đến đâu thì quyết định trên sân vẫn là các cầu thủ.
Đội tuyển Việt Nam đã mở đầu AFF Cup một cách nhạt nhòa. Trận hòa 2-2 trước Indonesia và thắng Lào (đội bóng quá yếu) 3-0 chẳng nói lên được điều gì. Khởi sắc hơn một chút là chiến thắng 3-1 trước Philippines trong trận đấu không còn nhiều ý nghĩa.
Giải đấu mới chỉ nóng lên sau trận bán kết trên sân Shar Alam, trận đấu mà chúng ta bị trọng tài Trung Quốc xử ép và cổ động viên Việt Nam bị hành hung trên khán đài.
Hình ảnh người đàn ông Việt với cái đầu chảy máu đã gây sự chú ý cả trên những kênh vốn không quá quan tâm đến Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á. Các cấp các ngành của hai nước cũng phải vào cuộc. Và thế là “cơn sốt” bắt đầu.
Có thể tóm tắt lại các nguyên nhân “thành công” của đội tuyển Việt Nam trong thời gian qua: U19, trọng tài Trung Quốc, sân Shar Alam và hooligan Malaysia.
Thật nghịch lý, đó là những điều mà đội tuyển Việt Nam khi nghĩ tới thì không thật sự thoải mái, thậm chí có nhân tố gây bức xúc. Nhưng đó lại chính là tâm lý cần thiết để đánh thức lòng quyết tâm đã ngủ quên bấy lâu nay.
Sự hâm mộ trở lại và những món tiền thưởng kếch xù đã làm các cầu thủ quay trở lại cái thời họ được tung hô và hoàn toàn quên mất hiện tại. Trở về sân nhà, họ đã hoàn toàn chủ quan và hầu như không có sự tập trung vào sân bóng. Kết quả, cuối cùng chỉ có số ít hooligan Malaysia trên sân Mỹ Đình được hưởng niềm vui trong sự bảo vệ cẩn mật của cảnh sát Việt Nam.
Đội tuyển có những khoảnh khắc đáng khen không? Có chứ, đó là những giây phút quyết tâm trên sân Shar Alam. Điều đó đáng khen. Và đáng khen thì phải khen. Nhưng quan trọng là khen như thế nào, có đúng với những đóng góp hay không.
So với những gì đội tuyển gây thất vọng cho người hâm mộ, thì những giây phút đáng khen vừa rồi quá ngắn ngủi, đó là điều các cầu thủ buộc phải làm để lấy lại sự quan tâm của người hâm mộ. Nhìn nhận tỉnh táo như thế sẽ thấy, sự khen thưởng vừa qua là quá đáng. Nếu ai đó cần có ví dụ về sự nuông chiều, thì đây mới chính là sự nuông chiều.
Bài viết này lẽ ra để dành sau khi Việt Nam đánh bại Thái Lan ở chung kết để cảnh tỉnh người hâm mộ sau chiến thắng, nhưng đáng tiếc nó đã phải ra đời quá sớm so với dự tính. Thất bại đã trả đội tuyển Việt Nam về đúng với vị trí của họ cách đây 1-2 tuần.
Sự nuông chiều lần này không chờ một thời gian mới gây hậu quả, hậu quả đến ngay lập tức. Và có lẽ chính điều này lại hay!
Chúng ta, những người hâm mộ đừng nghĩ rằng yêu đội tuyển là nghĩa vụ. Tình yêu luôn tuyệt vời, nhưng phải biết đặt đúng chỗ. Tình yêu vô điều kiện làm cho người được yêu nghĩ rằng mình chẳng cần làm gì để có được tình yêu đó. Trong cuộc sống, hãy nên khắt khe hơn là dễ dãi.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét