Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm lược: Trong thành ngữ tiếng Việt, "dốt hay nói chữ" có ý nói về những kẻ dốt nát hoặc kém hiểu biết mà lại còn nói hoặc hành động như thể họ hiểu biết nhiều. Khi những lời hoặc hành động này có hại đến người khác hoặc sự thật, hoặc nhằm mục đích bóp méo sự thật với ác ý cho lợi ích cá nhân hoặc chế độ thì tác dụng trở nên thật tai hại. Năm thí dụ trong bài này cho thấy những lời hoặc hành động "dốt hay nói chữ" của cộng sản Việt Nam với ý đồ hiểm ác. Đây chỉ là vài thí dụ trong hằng hà sa số những vụ cho thấy sự dốt nát, kém hiểu biết, dã tâm, hiểm độc, và ngông cuồng của tuyên truyền cộng sản, viên chức trong chính phủ, và ngay cả giới trí thức mù quáng.
*
Trong kho tàng thành ngữ tiếng Việt, đa số thành ngữ nói về cái xấu xa của con người. Tôi ước lượng khoảng 70% nói về chuyện xấu và 30% nói về chuyện tốt hoặc trung dung. Cái xấu xa có thể về vật chất hoặc tinh thần. Trong các cái xấu về tinh thần, có đủ loại tính xấu: tham lam, gian ác, bất nghĩa, dốt nát. Về dốt nát, thông thường, người ta không chê trách những ai bẩm sinh dốt nát. Một người dốt nát vẫn có thể có những đức tính đáng trọng như thật thà, ngay thẳng, rộng rãi, vị tha. Tuy nhiên, thành ngữ Việt Nam không tha thứ những kẻ dốt nát mà không biết mình dốt nát, lại còn làm như thông thái, hiểu biết, dạy đời thiên hạ. Câu "dốt hay nói chữ" tiêu biểu cho những kẻ này.
A. Ý nghĩa của "Dốt hay nói chữ" và phân biệt "dốt," "ác," và "lỗi lầm":
Ý nghĩa của "dốt hay nói chữ" bao gồm cả mọi trường hợp của "dốt" và "nói chữ." "Dốt" không những chỉ ngu ngốc mà còn chỉ sự kém hiểu biết, thiếu kiến thức. "Nói chữ" không những chỉ nói những lời hoa từ, dạy dỗ, khoe khoang, mà còn chỉ hành động hoặc lời nói cho thấy rõ sự dốt nát, kém hiểu biết. Một câu thành ngữ có ý nghĩa tương tự là "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe."
Thực ra, tuy "dốt hay nói chữ" là tật xấu, nó không đến nỗi nguy hiểm khi biểu hiện một mình. Nhưng khi nó kèm theo ý đồ hiểm độc dùng những kết luận sai lầm do "dốt hay nói chữ" để tấn công, đả kích, bôi nhọ phe chống đối hoặc đề cao thể chế nắm quyền, thì nó trở thành tác hại. Đây là những hành vi vừa "dốt" vừa "ác."
Ta phải phân biệt "dốt" và "ác." Đây là hai đặc tính độc lập. Một người có thể "dốt" mà không "ác," hoặc "ác" mà không "dốt," hoặc không "dốt" mà cũng chẳng "ác," hoặc vừa "dốt" vừa "ác." Trong các trường hợp "dốt hay nói chữ," trường hợp vừa "dốt" vừa "ác" thật là tai hại. Đó là vì những kẻ vừa dốt vừa ác thường ngụy trang sự dốt nát của mình bằng những chứng cớ sai lầm, xuyên tạc, hoặc ngụy biện, để đưa đến một kết luận sai lầm, khiến cho nhiều người, vì không có phương tiện hoặc thì giờ tìm tòi, đọc, tra cứu tài liệu, tin tức để kiểm chứng, tưởng thật và tin vào cái kết luận sai lầm đó. Ngoài ra, có những người "dốt hay nói chữ" có địa vị xã hội hoặc cấp bậc trong chính quyền. Do đó, những tuyên bố hoặc hành động "dốt hay nói chữ" của họ dễ gây ra hậu quả tai hại cho giới trẻ, như sinh viên học sinh, vì các em thường tin vào người có địa vị cao trong xã hội hoặc giới giáo chức.
Trình độ học vấn và bằng cấp không có dính líu gì đến chuyện "dốt hay nói chữ." Một người có bằng cấp cao hoặc có kinh nghiệm học thức, vẫn có thể "dốt hay nói chữ" như thường. Không những thế, họ còn có thể vừa dốt vừa ác. Trong bài trước (Cao-Đắc 2014e), tôi chứng minh Gareth Porter, một học giả phản chiến Hoa kỳ có bằng Tiến Sĩ từ trường đại học nổi tiếng Cornell, là người vửa dốt vừa ác. Porter còn dốt cả tiếng Anh vì không phân biệt sự khác biệt giữa "hundreds and thousands of" và "hundreds of thousands of" trong sách của Hoàng Văn Chí.
Ta cũng nên phân biệt "dốt" và "lỗi lầm" (mistake). Một người có thể phạm sai lầm, vì thiếu tin tức hoặc nhận tin tức sai, hoặc vô tình, không cố ý, thì không thể gọi là dốt. Để phân biệt, những người phạm lỗi vô tình luôn luôn nhận lỗi và sửa lại lỗi lẩm khi chuyện đó được vạch ra. Chuyện phạm sai lầm rất thường xảy ra, ngay cả cho những người thực sự tài giỏi, và không có gì là nghiêm trọng nếu người đó, khi được cho biết sự sai lầm, xin lỗi và sửa đổi cái sai lầm đó.
B. Các vụ "dốt hay nói chữ":
Trong phần sau đây, tôi sẽ trình bày 5 vụ "dốt hay nói chữ" của người cộng sản. Năm vụ này chỉ là thí dụ cho hằng hà sa số những vụ "dốt hay nói chữ" của cộng sản Việt Nam. Như tôi đã viết trong các bài trước (Xem, thí dụ như, Cao-Đắc 2014c; 2014d), có cả hàng ngàn, hàng vạn vụ lừa đảo của Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và phải mất hàng ngàn, hàng vạn trang mới liệt kê ra hết. Tương tự, nhưng còn ở mức độ kinh khủng hơn, Hồ Chí Minh, ĐCSVN, những người cho là giới trí thức, và những tuyên truyền viên cộng sản có cả hàng vạn, hàng chục vạn vụ "dốt hay nói chữ" và phải mất cả hàng vạn, hàng chục vạn trang mới liệt kê ra hết.
Sau đây là năm vụ "dốt hay nói chữ" điển hình cho sự dốt nát, kém hiểu biết, và bản chất hiểm ác của cộng sản Việt Nam. Những thí dụ này cho thấy những hành vi "dốt hay nói chữ" của cộng sản Việt Nam thường kèm theo ý đồ hiểm ác, đưa đến những kết luận sai lạc về lịch sử và thể chế tự do dân chủ.
1. Lính VNCH trút bỏ quân phục vào tháng tư năm 1975:
Tuyên truyền cộng sản vẫn thường nói vào tháng tư năm 1975, lính VNCH trút bỏ quân phục, tụt quần bỏ chạy. Đây là lời xuyên tạc và bịa đặt láo khoét, và cho thấy sự ngu dốt không hiểu tinh thần và quy luật của quân đội VNCH, và bản chất nham hiểm của tuyên truyền cộng sản.
Trước hết, binh sĩ VNCH buông súng đầu hàng không phải vì họ đầu hàng tự nguyện, mà vì do lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh, bấy giờ lả Tổng thống VNCH. Trong quân đội, quy luật rất nghiêm minh. Dương Văn Minh bấy giờ là chỉ huy tối cao quân lực; do đó, lệnh đầu hàng phải được tuân theo triệt để. Tuy nhiên, vẫn có những sĩ quan tướng tá và binh sĩ không chịu đầu hàng và tuẫn tiết, hoặc chiến đấu cho tới viên đạn cuối cùng, vì lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh đi ngược lại lương tâm họ. Sự kiện các tướng lãnh, sĩ quan, hạ sĩ quan, và binh sĩ miền Nam tuẫn tiết hoặc chiến đấu đến viên đạn cuối cùng đã được biết rõ.
Đa số lính VNCH tuân theo lệnh đầu hàng, vì họ tôn trọng quy luật quân đội. Có những người, không muốn đầu hàng trong quân phục, nên trút bỏ quân phục trước khi đầu hàng. Cũng có những lính VNCH hèn nhát trút bỏ quân phục và trốn chạy, nhưng số này rất it so với toàn thể lính VNCH.
Quan trọng nhất, chính các cấp chỉ huy cộng sản bắt buộc binh sĩ VNCH khi đầu hàng phải trút bỏ quân phục và giao vũ khí. Quân cộng sản chỉa súng bắt binh sĩ VNCH đã đầu hàng phải trút bỏ quân phục, một hành động vi phạm luật quốc tế không được hạ nhục người đã đầu hàng. Rồi bây giờ, họ lại dùng những hình ảnh tin tức đó để bôi nhọ danh dự người lính VNCH.
Bằng chứng cho việc quân cộng sản uy hiếp lính VNCH đã đầu hàng phải trút bỏ quân phục được ghi nhận trong sách "Tháng Tư Đen" (Black April) viết bởi George J. Veith, một sử gia quân đội Hoa Kỳ, như sau:
"Đại Tá Phan Văn Huấn và những người của Liên Đoàn Biệt Cách Dù 81 diễn ra có lẽ một cảnh xúc động nhất . . . Súng ngang vai, xếp hàng ngang bốn người theo cột dài gần nửa dặm, hai ngàn người trong đơn vị ưu tú nhất của quân đội VNCH bắt đầu bước dọc theo xa lộ về hướng Sài Gòn. Như đã hứa, Đại Tá Huấn đi hàng đầu. [Ghi chú: Trước đó, lúc ra lệnh lính đầu hàng theo lệnh Dương Văn Minh, Đại Tá Huấn nói, "Tôi sẽ đi đầu. Nếu quân địch bắn, tôi sẽ là người đầu tiên bị bắn."] Dân chúng đứng dọc theo bên đường nhìn họ. Nhiều người mang nước uống cho họ. Chẳng bao lâu, Huấn thấy lính VNCH đi bộ từ Sài Gòn, chỉ mặc quần áo lót và mang giấy tờ cá nhân. Khi Huấn hỏi tại sao họ ăn mặc như vậy, họ trả lời rằngquân cộng sản bắt họ cởi quần áo, giao vũ khí, và đi về nhà.
Chẳng bao lâu, môt sĩ quan cộng sản và binh sĩ cộng sản gặp Huấn trên xa lộ. Huấn nói với người sĩ quan là lính ông chuẩn bị giao vũ khí, nhưng họ sẽ không cởi quần áo. Nếu bị bắt làm vậy, họ sẽ từ chối, và một trận giao tranh sẽ bùng nổ. Viên sĩ quan cộng sản nhượng bộ, và những người lính Liên đoàn 81 chồng chất vũ khí và giải tán. Đó là đơn vị cuối cùng tại Sài Gòn buông vũ khí." (Veith 2012, 494-495. Nhấn mạnh thêm; Cũng xem, GĐ81 2001).
Câu chuyện trên cho thấy rõ hai sự kiện: (1) quân cộng sản uy hiếp lính VNCH trút bỏ quân phục khi họ đầu hàng, và (2) lính VNCH có danh dự không trút bỏ quân phục cho dù đầu hàng.
Việc quân cộng sản bắt lính VNCH cởi quân phục cho thấy ác tâm của họ, vì không có lý do chính đáng nào để thu thập quân phục. Họ gom những quân phục vất trên đường xá, chụp hình hoặc cho chụp hình, rồi dùng đó là tài liệu tuyên truyền cho việc lính VNCH bỏ quân phục tháo chạy. Về việc lính VNCH tôn trọng danh dự không trút bỏ quân phục, cái danh dự đó không ghi rõ trên quân luật, nhưng nó tiềm tàng trong đầu óc người lính VNCH (Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm). Mặc dù vậy, dưới tình trạng hỗn loạn của những ngày cuối cùng, trong những đơn vị lẻ tẻ thiếu chỉ huy, nhiều người lính VNCH, trước mũi súng quân cộng sản, đành phải nuốt hận mà trút bỏ quân phục. Rồi tin đồn lan truyền, người này nói người kia, có những nhóm lính VNCH lẻ tẻ chưa đầu hàng, biết là trước sau cũng bị bắt trút bỏ quân phục, nên họ cởi quân phục trước để bảo tồn danh dự. Có người lấy được quần áo dân sự mặc tạm, có người không.
Nhưng Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù không phải là một đơn vị lẻ tẻ. Ngoài ra, họ có người chỉ huy: Đại tá Phan Văn Huấn. Họ thừa biết họ dư sức đánh tan cả một sư đoàn cộng sản, và các sĩ quan cộng sản cũng hiểu chuyện đó. Do đó, các chiến sĩ Biệt Cách Dù giữ danh dự và từ chối trút bỏ quân phục và quân cộng sản phải chấp nhận.
Do đó, chuyện lính VNCH cởi quân phục, ngoài chuyện cho thấy bản chất hiểm ác của quân cộng sản uy hiếp và hạ nhục những người đã đầu hàng, còn cho thấy tinh thần trọng danh dự của lính VNCH không muốn đầu hàng trong quân phục. Quân cộng sản và các cấp chỉ huy cộng sản không hề biết danh dự, không hề dám tuẫn tiết, không hề biết đối xử nhân đạo với những người, vì theo lệnh trên, đã đầu hàng. Đã thế, họ còn bịa đặt, hạ nhục quân đội VNCH. Chuyện lính VNCH tự tiện trút bỏ quân phục hay tụt quần bỏ chạy là chuyện hoang đường ấu trĩ. Làm sao họ có thể cởi quân phục, mặc đồ lót đi nhông nhông trên đường phố nếu không vì bị uy hiếp bởi quân cộng sản khi họ đầu hàng? Họ cần gì phải làm vậy khi đã có lệnh đầu hàng? Đương nhiên cũng có những kẻ hèn nhát, lợi dụng lệnh đầu hàng để trút bỏ quân phục, trà trộn vào dân chúng. Nhưng đây chỉ là một thiểu số và không thể đại diện cho toàn thể lính VNCH.
Những người không hiểu được ý nghĩa của "Danh dự" trong "Tổ Quốc - Danh dự -Trách Nhiệm" của QLVNCH như được thể hiện qua sự tuẫn tiết của năm vị tướng VNCH, không hiểu các sự kiện lịch sử, mê muội tin vào, hoặc dưới lệnh của, tuyên truyền cộng sản, tung ra những hình ảnh và lời lẽ ác hiểm bôi nhọ lính VNCH. Không những họ "dốt hay nói chữ" mà lại còn ác hiểm.
Cái đau buồn của sự ác hiểm này là những người cộng sản đã quên đi tinh thần yêu thương lẫn nhau của dân tộc Việt Nam, cho dù khác chiến tuyến. Cái tinh thần đó là bản chất cố hữu của dân tộc Việt Nam. Các lãnh tụ cộng sản, vì không có cái bản chất cố hữu đó, đã nhồi sọ lính cộng sản và dân dưới ách cai trị, với những tuyên truyền đầy rẫy hận thù và khinh miệt VNCH. Lẽ ra họ, cùng là người Việt, phải hãnh diện là lính VNCH, tuy khác chiến tuyến, giữ được danh dự cho dù đầu hàng theo đúng tinh thần dân Việt như họ.
Lịch sử Việt Nam cho thấy bản chất yêu thương kính trọng lẫn nhau cho dù với kẻ thù khác chiến tuyến. Một thí dụ có thể thấy trong cuộc nội chiến giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn ở đầu thế kỷ thứ 19. Năm 1801, cuộc nội chiến giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn ̣đang ở đỉnh cao nhất. Trong một trận quyết định, tướng Tây Sơn, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng, bao vây thành Bình Định trấn giữ bởi tướng nhà Nguyễn, Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, hơn một năm. Sau cùng, Tánh và Châu tự tử sau khi gửi Diệu một lá thư yêu cầu ông đừng hại lính họ. Diệu vào thành, cảm động bởi nghĩa dũng của Tánh và Châu, chôn cất tử tế hai viên tướng địch và thả tất cả binh lính nhà Nguyễn (Phạm 1961, 230-233). Hành động của Diệu đại diện cho ý nghĩa của tình yêu thương dành cho người đồng hương, ngay cả với phe địch.
Trong khi sự tuẫn tiết của năm vị tướng VNCH biểu hiện danh dự, trách nhiệm, và tổ quốc của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu theo truyền thống dân tộc Việt, chuyện cấp lãnh đạo cộng sản đối xử hiểm ác những người lính, sĩ quan, và viên chức của chính quyền Sài Gòn vào năm 1975 đi ngược lại tinh thần truyền thống này.
2. Võ Nguyên Giáp "chưa bao giờ bị thế giới lên tiếng chỉ trích bất kỳ một điểm gì":
Khi được hỏi về Võ Nguyên Giáp, một vị giáo sư tại Việt Nam tuyên bố, "Chúng tôi luôn đánh giá từ khi đại tướng cầm quân cho đến nay là một nhân vật kiệt xuất của đất nước chúng tôi mà chưa bao giờ bị thế giới lên tiếng chỉ trích bất kỳ một điểm gì" (Gia 2013. Nhấn mạnh thêm). Câu tuyên bố này xảy ra vào khoảng năm 2010 khi biết bao nhiêu sách vở về Giáp đã được phát hành rộng rãi. Sau 2010, các tài liệu lịch sử lại càng có nhiều xác nhận những gì về Giáp.
Câu này dốt hạng nặng.
Trước hết, dốt vì sai. Thứ nhì, dốt vì "nói chữ" lộng ngôn, dám nói "chưa bao giờ bị thế giới lên tiếng chỉ trích bất kỳ một điểm gì." Cái dốt này trầm trọng vì dùng ba thể tuyệt đối ("chưa bao giờ," "thế giới," và "bất kỳ một điểm gì") và một thể tương đối ("chỉ trích"). Điểm đau thương là người nói câu đó là một vị giáo sư, có trách nhiệm dạy dỗ người khác. Vị giáo sư đó phải hiểu hậu quả của những lời nói của mình. Biết bao nhiêu trẻ em, thanh thiếu niên tin tưởng bậc giáo, và sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi những tuyên bố sai lầm như vậy. Tôi hy vọng vị giáo sư đó chỉ có lỗi lầm (mistake), chứ không phải dốt, hoặc dốt và ác.
Câu đó sai cả về ba khía cạnh tuyệt đối ("chưa bao giờ," "thế giới," và "bất kỳ") và khía cạnh tương đối ("chỉ trích"). Thực ra, chỉ cần sai về một khía cạnh cũng đủ chứng minh là câu đó sai. Những chỉ trích chê bai Giáp đầy rẫy trong suốt hơn 40 năm qua (Xem, thí dụ như, tóm tắt trong Cao-Đắc 2014a, 346-352; Cao-Đắc 2014b). Ta hãy xem xét mỗi khía cạnh sau đây.
Chưa bao giờ: Những chỉ trích chê bai về Võ Nguyên Giáp ít nhất xuất hiện từ năm 1971 trên văn bản (Huyen 1971, 163). Các năm khác công bố các chỉ trích chê bai gồm có: 1986 (Pike 1986, 340-341), 1993 (Macdonald 1993, 342), 1996 (Colvin 1996, 145; Currey 1996, 75), 1999 (Lind 1999, 241); 2000 (Zhai 2000, 64); 2005 (Currey 2005, 313), 2006 (Windrow 2006, 493). Sau 2010: 2012 (Logevall 2012, 197), 2013 (NYTimes 2013). Đó là không kể những chỉ trích, chê bai từ Lê Duẩn, Trường Chinh, tướng cộng sản Nguyễn Sơn có từ thập niên 1960. Ngoài ra, tuy có vài lời chỉ trích Giáp được công bố trên báo chí sau năm 2010, những lời này cũng được phát biểu một cách gián tiếp qua các văn bản hoặc tài liệu trước 2010.
Thế giới: Chỉ cần chứng minh một quốc gia trên thế giới là đủ. Nhưng ít nhất có bốn nguồn: Việt cộng, Tàu cộng, Hoa Kỳ, và Pháp: Việt cộng (Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Sơn), Tàu cộng (Trần Canh), Hoa Kỳ (Colvin, Currey, Huyen, Lind, Logevall, Macdonald, Morgan, Pike, Simpson, Windrow, Zhai), Pháp (General Marcel Bigeard).
Bất kỳ một điểm gì: Giáp bị chỉ trích, chê bai về đủ mọi phương diện: nhẫn tâm (vong ơn) (Currey 2005, 27), "láu cá và không ngay thẳng và thành thật lắm" và "sợ người khác biết nhược điểm của mình" (Tướng Tàu cộng Trần Canh, trích từ Zhai 2000, 64); giết địa chủ (Pike 1986, 340), thảm sát người quốc gia (Huyen 1971, 163; Currey 2005, 120; Lind 1999, 7, 177, 241; Colvin 1996, 51; Pike 1986, 340-341), hành quyết tướng Việt Minh Nguyễn Bình (Colvin 1996, 71-72; Pike 1986, 341), bất tài về quân sự (Pike 1986, 341; Windrow 2006, 493), "lên chức nhờ móc nối chính trị" (tướng cộng sản Nguyễn Sơn, trích từ Colvin 1996, 145), "chẳng chỉ huy gì cả" (Lê Duẩn, trích từ Currey 1996, 75), "không đủ tài chỉ huy quân đội" (Trường Chinh, trích từ Currey 1996, 76), "nhát như thỏ đế," và "run rẩy trong trận" (Lê Duẩn, trích từ Currey 1996, 75), hèn nhát, ở trong hang trong suốt trận Điện Biên Phủ (Bùi 2013, Morgan 2010, xv, xvii; Simpson 2005, 51-52), "được trao cho một chiến thắng . . . mà ông không ngờ lúc đó, và cũng không xứng đáng" (Pike 1986, 342), nghe lời cố vấn Tàu cộng trong việc tung cuộc tấn công "biển người" trong trận Điện Biên Phủ tạo thương vong nặng nề (Zhai 2000, 46), coi thường sinh mạng lính mình, "đối với Giáp, mạng sống con người chẳng có nghĩa gì cả" (Gen. Marcel Bigeard, trích từ Macdonald 1993, 342; ghi lại trong NYTimes 2013); "những chiến thắng của Giáp đến từ sự bất chấp bừa bãi sinh mạng lính của ông ta" (NYTimes 2013); "Viên chỉ huy Mỹ nào mà có số lính thương vong to tát như tướng Giáp sẽ không giữ được chức trong ba tuần" (Gen. Westmoreland, trích từ NYTimes 2013).
Chỉ trích: Giáp không những bị chỉ trích, mà còn bị chê bai, lên án, và khinh thường. Trong tất cả tài liệu ở trên, có những chỉ trích nặng nề và chê bai như đã dẫn. Ngoài ra, có những châm biếm khinh thường. Thí dụ, Giáp "bị vất đi như một chiếc giày cũ rích" (Currey 2005, 313).
Tất cả những tác giả kể trên là những học giả đáng nể. Douglas Pike là sử gia và chuyên viên về Việt Nam. Fredrik Logevall là sử gia kỳ cựu, đoạt giải Pulitzer năm 2013 với quyển sách về Việt Nam. Cecil Currey là giáo sư lịch sử và là người viết sách về tiểu sử Giáp. Đó là tôi chỉ trích dẫn những tài liệu tôi biết. Rất có thể có rất nhiều tài liệu tôi không biết có những chỉ trích hoặc chê bai Giáp.
Vị giáo sư tuyên bố câu đó, không những "dốt hay nói chữ" mà còn lộ ra bản chất ngông cuồng cố hữu của người cộng sản. Sống tại Việt Nam, cơ hội hiểu biết tài liệu khắp nơi rất hạn chế, thế mà vị giáo sư làm như mình đã đọc hết tất cả sách vở, tài liệu, báo chí, tin tức trên khắp thế giới, trong suốt 40-50 năm, vả đọc thật tỉ mỉ không bỏ sót một chi tiết nào, để nói, "[Giáp] chưa bao giờ bị thế giới lên tiếng chỉ trích bất kỳ một điểm gì."
Người ta tự hỏi nếu vị giáo sư đó, được kính nể về những công trình nghiên cứu văn học. mả còn "dốt hay nói chữ," thì những người không có bằng cấp hoặc không có cái "trí thức" cao siêu như ông ta, còn "dốt hay nói chữ" khủng khiếp như thế nào.
3. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ: Mọi người đàn ông [và không phải phụ nữ] đều sinh ra bình đẳng!
Tuyên truyền cộng sản nói Hồ Chí Minh diễn giải chữ "men" trong câu "All men are created equal" trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ, chỉ "người đàn ông," trong khi dùng "con người" cho tuyên Ngôn Độc Lập cho Việt Nam, khi Hồ tuyên bố ngày 2 tháng 9 năm 1945 lúc cướp chính quyền tại Hà Nội, "Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng." Theo tuyên truyền cộng sản, khi dịch "men" sang tiếng Việt, Hồ chọn nghĩa "con người" có ý không phân biệt đàn ông hay phụ nữ (Đoan Trang).
Đây là một câu ngu hạng nặng, và hay được các tuyên truyền viên lập lại.
Trước hết, tuyên truyền cộng sản quy gán cách diễn giải này do Lady Borton, một "sử gia" Hoa Kỳ (Đoan Trang). Theo lý lịch của Lady Borton (Lady 2009), bà ta có bằng Cử Nhân về Toán và học sau cử nhân (không có bằng cấp) giáo dục, nhiếp ảnh, và sử. Làm sao bà ta được phong làm "sử gia" quả thật là chuyện huyền bí. Nhưng chuyện đó không quan trọng. Cho dù Lady Borton có Tiến Sĩ về sử, cách diễn giải đó vẫn là "dốt hay nói chữ."
Hồ Chí Minh không hề diễn giải "men" nghĩa là "con người" áp dụng cho Việt Nam. Ngược lại, chính Hồ diễn giải "men" nghĩa là "con người" theo ý nghĩa của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ. Ai cũng biết Hồ mượn Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ lúc tuyên bố độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945. Chính Hồ nói vậy trong bản tuyên ngôn. Hồ nói, "Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do" (Wikipedia 2014. Nhấn mạnh thêm.) Rõ ràng, Hồ đang diển giải chữ "men" theo ý nghĩa của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ, và tỏ ý ca ngợi câu đó. Sau đó, Hồ mượn câu trong Tuyên Ngôn Cách Mạng Pháp năm 1791, và cũng diễn giải tương tự. Đó là phần mở đầu trong bản Tuyên Ngôn của Hồ.
Phần mở đầu này lả lời lập lại và diễn giải ý nghĩa của "men" trong "All men are created equal" trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ và hoàn toàn không có câu gì riêng cho Việt Nam. Vậy mà bây giờ tuyên truyền cộng sản lại sửa lại lời Hồ Chí Minh, nói rằng lời diễn giải của Hồ về chữ "men" có nghĩa "con người" là dành cho Việt Nam. Còn có gì ngu xuẩn hơn?
Ngoài ra, cho dù Hồ không diễn giải "men" trong "All men are created equal," ai cũng biết chữ "men" trong câu đó là chỉ "con người" và không phân biệt đàn ông phụ nữ. Tự điể̃n Mỹ luôn luôn định nghĩa "man" là "an individual human" (một cá nhân), "humankind" (loài người), "a person of either sex" (người có giới tính nam hay nữ) ngoài định nghĩa "an adult male human" (người đàn ông) (Xem, thí dụ như, Merriam-Webster; MacMillan-Man).
Tưởng tượng, cha ông Hoa Kỳ lúc đó tuyên bố "Mọi người đàn ông đều sinh ra bình đẳng." Nghe có khôi hài không?
4. Tổng thống Ngô Đình Diệm là con trai của Mỹ:
Không những các tuyên truyền viên cộng sản dốt tiếng Anh mà lại còn không biết gì về cách ăn nói của người Mỹ, và do đó có những diễn giải ngu ngơ thật khôi hài. Khi nói về Tổng thống Ngô Đình Diệm, các tuyên truyền viên cộng sản nói, "Johnson đã trả lời: Diệm là thằng con trai duy nhất mà chúng ta có ở đó." (Thiếu 2012. Nhấn mạnh trong bản gốc.) Họ còn chú thích thêm là lúc bấy giờ "ông Diệm là một người trung niên đã lớn tuổi" (sđd.) và có ý nói Johnson coi ông Diệm như đứa con trai.
Thực ra, nguyên văn câu Lyndon Johnson nói, lúc bấy giờ đang là Phó Tổng thống Hoa Kỳ, để trả lởi câu hỏi của ký giả Stan Karnow là ông có thực sự tin Tổng thống Diệm là Winston Churchill của Đông Nam Á, như sau, "Shit, man, he's the only boy we got out there." (Halbertstam 1993, 135).
Câu đó, nếu dịch theo ̣cách nói Mỹ có nghĩa, "Mẹ kiếp, bồ ơi, ổng là người duy nhất mình có ở đó." Câu dịch đó không hoàn toàn đúng vì cách nói người Mỹ khác cách nói người Việt. Thí dụ, chữ "shit" (nghĩa đen là "cứt") là lối nói không nhã nhặn, như tiếng la, chửi thề, có lẽ ở giữa "mẹ kiếp" và "đéo mẹ"; chữ "man" chỉ "bồ tèo," "cha nội" v.v. Dầu sao, chữ "boy" trong câu đó hoàn toàn không có ý chỉ "thằng con trai" như các tuyên truyền viên cộng sản cố dịch.
Như mọi chữ trong tiếng Anh, "boy" có nhiều nghĩa: 1. con trai (a male child), 2. cậu trai trẻ (a young man), 3. một người ở bất cứ tuổi nào, nhất là khi bạn đang nói về nơi gốc gác ông ta (a man of any age, especially when you are talking about where he comes from) (MacMillan-Boy). Ý nghĩa của chữ "boy" tùy vào nội dung của câu nói và bối cảnh của sự việc quanh câu nói đó.
Theo bối cảnh chính trị lúc ấy, Johnson đang hô hào sự tin tưởng của Mỹ ở Diệm. Johnson "rất thán phục Diệm" nhưng cho rằng Diệm "là một người phức tạp bị bủa vây nhiều vấn đề" (sđd., 134). Theo Johnson, Diệm "có nhiều phẩm chất đáng ngưỡng mộ, nhưng ông ta tách xa mọi người, bị vây quanh bởi những người kém được ngưỡng mộ so với ông" (sđd., 134-135). Tuy quan điểm đó hơi có chút tiêu cực về Diệm, nó là "quan điểm riêng tư" của Johnson. Với công chúng, Diệm được ca ngợi là "Winston Churchill của Đông Nam Á" (sđd., 135). Johnson, trong sứ mạng giao phó bởi Tổng thống Kennedy lúc bấy giờ, không tuyên bố với công chúng "quan điểm riêng tư" của mình. Ngược lại, "những gì ông nói với công chúng thật khác hẳn" (sđd.)
Do đó, câu "Shit, man, he's the only boy we got out there" là câu ca ngợi Tổng thống Diệm, xác nhận ông quả thật là "Winston Churchill của Đông Nam Á" (nên nhớ "out there" chỉ toàn thể Đông Nam Á và không phải chỉ là Việt Nam) và ông là người (chính khách) duy nhất ở Đông Nam Á, xứng đáng là Winston Churchill của Đông Nam Á. Câu đó cũng có thể được diễn giải là "vì ông ta là người duy nhất ta có ở đó, nên ông ta là Winston Churchill của Đông Nam Á." Nhưng cách diễn giải này có phần gượng ép, vì sự kiện Tổng thống Diệm là người (chính khách) duy nhất không thể là lý do đưa ông lên hàng Winston Churchill, dù là với ý tưởng tương đối. Hơn nữa, cho dù cách diễn giải này đúng, cả toàn câu vẫn hàm ý tôn trọng Tổng thống Diệm, vì kết luận vẫn xác nhận lời ví von ông như Winston Churchill là đúng. Do đó, hoàn toàn ngược lại với tuyên truyền cộng sản, câu nói của Johnson biểu lộ sự kính phục Tổng thống Diệm, và chữ "boy" hàm ý sự thân thiện và mến chuộng.
Johnson là dân cao bồi Texas, có lối ăn nói ngang ngược và có phần bình dân, lỗ mãng. Trong văn cảnh câu trả lời của ông, với cách dùng chữ "Shit" và "man," ta hiểu ông đang dùng ngôn từ bình dân. Chữ "boy" là chữ bình dân để chỉ một người, bất kể tuổi tác. Thực ra, nó còn hàm ý thân thiện và mến chuộng. Chữ đó rất thường dùng trong các đàm thoại hàng ngày. Thí dụ các bà khi nói về chồng mình, thường gọi họ là "the boys."
Đã dốt tiếng Anh, không hiểu được những tinh tế của câu nói, tuyên truyền viên cộng sản lại còn dốt lịch sử, phạm ngụy biện trích dẫn ra ngoài bối cảnh, diễn giải vung vít xuyên tạc sự thật với mục đích nói xấu chính thể VNCH. Họ không những "dốt hay nói chữ" mà còn có lòng dạ hiểm độc và dùng những thủ đoạn hạ cấp.
5. "So sánh dân chủ ở Mỹ với dân chủ ở Việt Nam thì chưa biết ở đâu hơn ở đâu":
Nguyễn Thanh Sơn, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoai Giao Việt Nam, tuyên bố, "So sánh dân chủ ở Mỹ với dân chủ ở Việt Nam thì chưa biết ở đâu hơn ở đâu" (BBC 2013). Ông ta nói thêm, "Ở Mỹ không có quyền cãi lại cảnh sát giao thông khi cảnh sát dừng xe anh để hỏi, anh chỉ biết chấp hành và nộp phạt. Nhưng ở Việt Nam thì người dân có quyền chất vấn cảnh sát tôi phạm lỗi gì, luật gì, tại sao dừng xe tôi" (sđd.)
Đây là một câu ngu tận mạng, có lẽ thuộc vào hàng cao của "dốt hay nói chữ" nhất là khi người nói câu đó là Thứ trưởng ngoại giao.
Nguyễn Thanh Sơn là Thứ trưởng Ngoại Giao, ắt phải có kiến thức rộng rãi về các nước ngoài trong việc thi hành nhiệm vụ ngoại giao. Nhưng ông ta không có một chút khái niệm gì về nguyên tắc phân quyền ở các xứ tự do dân chủ. Một cách đơn giản, nguyên tắc phân quyền này như sau. Có ba nhánh trong chính quyền: Lập pháp làm luật, Hành pháp thi hành luật, và Tư pháp diễn giải luật. Cảnh sát thuộc nhánh Hành pháp. Họ chỉ thi hành luật và không được phép diễn giải luật. Chuyện đó để tòa án phán xét.
Nguyễn Thanh Sơn không biết ở Mỹ chuyện ký giấy phạt không phải là ký nhận tội, mà chỉ nhận có bị phạt bởi cảnh sát. Tờ giấy phạt cho biết ngày giờ và địa điểm ra tòa. Nên nhớ người bị phạt chưa phải đóng tiền phạt lúc bị phạt. Chuyện bị phạt đó chưa chắc đúng, và do đó người dân có quyền ra tòa để cãi nếu họ muốn. Người dân có quyền đem bằng chứng, kể cả nhân chứng, để bào chữa cho mình. Người cảnh sát biên phạt giấy phạt sẽ phải ra tòa đối chất. Ông quan tòa sẽ hỏi hai bên, xem xét bằng chứng, nghe các nhân chứng, và quyết định dựa vào sự diễn giải của ông về luật.
Nguyễn Thanh Sơn đã không biết luật lệ ở Mỹ, mà lại còn nói thánh nói tướng. Đúng là "dốt hay nói chữ"!
C. Kết Luận:
Câu chuyện "dốt hay nói chữ" của cộng sản Việt Nam là một câu chuyện dài. Một trang báo trên mạng không cách chi mà kể ra cho hết. Các vụ trình bày ở trên chỉ là thí dụ cho vô số những vụ "dốt hay nói chữ" của tà quyền cộng sản. Việc những người cộng sản ngu dốt không có gì lạ. Chuyện họ "dốt hay nói chữ" cũng không mới mẻ gì. Chuyện họ vừa "dốt hay nói chữ" vừa hiểm ác thực ra cũng không phải là chuyện lạ, vì họ đã làm chuyện đó biết bao năm. Nhưng cái lạ là tại sao họ vẫn tiếp tục làm những chuyện đó khi mà tin tức thông tin được truyền bá trên mạng rộng rãi. Điểm đau thương nhất là tại sao dân Việt Nam, nổi tiếng là thông minh và bất khuất, lại có thể chấp nhận một tà quyền dung túng những viên chức hoặc tuyên truyền những vụ "dốt hay nói chữ" hiểm độc như vậy?
Với các nhà giáo và viên chức làm việc trong guồng máy chính phủ, cái trách nhiệm nói đúng sự thật và nhận sai lầm rất là to tát, nhất là khi lời nói mình có thể ảnh hưởng lớn lao đến tư tưởng giới trẻ. Tôi mong các giới chức này nên cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, và nên biết sửa đổi khi lỗi lầm được vạch ra.
CẢM TẠ
Tôi có lời cảm tạ bạn Thanh Nga, có lẽ là một dư luận viên cộng sản, đã gợi ý cho tôi viết bài này qua lời phê bình trong bài "Tình Thiên Thu" (Cao-Đắc 2014f). Bạn Thanh Nga viết, ". . . quân đội VNCH được xem như mạnh đứng thứ 3 thế giới, ấy vậy mà bị nhân dân Việt Nam đánh cho tơi tả bỏ chạy lột cả quần."
___________________________________________
Tài Liệu Tham Khảo:
1. BBC Tiếng Việt. 2013. Thứ trưởng Sơn phản hồi về bài trên BBC. 1-8-2013.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/08/130801_thu_truong_nguyen_thanh_son_phan_hoi.shtml (truy cập 28-11-2014).
2, Bùi Tín. 2013. Tướng Võ Nguyên Giáp, Như Tôi Từng Biết. Đăng 4-10-2013.
http://www.voatiengviet.com/content/dai-tuong-vo-nguyen-giap-nhu-toi-tung-biet/1763195.html (truy cập 23-11-2014)
3. Cao-Đắc, Tuấn. 2014a. Lửa Cháy Trong Mưa. Hellgate Press, Oregon, U.S.A.
4. _______. 2014b. Không Cờ Trắng. Đăng 9-5-2014.
http://danlambaovn.blogspot.com/2014/05/khong-co-trang.html (truy cập 23-11-2014).
5. _______. 2014c. Tài đóng kịch của Hồ Chí Minh dưới mắt học giả Tây phương. Đăng 21-8-2014.
http://danlambaovn.blogspot.com/2014/08/tai-ong-kich-cua-ho-chi-minh-duoi-mat.html (truy cập 29-11-2014).
6. _______. 2014d. Những lừa đảo lịch sử của Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam. Đăng 2-10-2014.
http://danlambaovn.blogspot.com/2014/10/nhung-lua-ao-lich-su-cua-ho-chi-minh-va.html (truy cập 29-11-2014).
7. _______. 2014e. Các bài về huyền thoại tắm máu ở Việt Nam của Gareth Porter. Đăng 14-11-2014.
http://danlambaovn.blogspot.com/2014/11/cac-bai-ve-huyen-thoai-tam-mau-o-viet.html (truy cập 27-11-2014).
8. _______. 2014f. " Tình Thiên Thu". Đăng 18-11-2014.
http://danlambaovn.blogspot.com/2014/11/tinh-thien-thu.html (truy cập 30-11-2014).
9. Colvin, John. 1996. Giap: Volcano Under Snow, Soho Press, New York, U.S.A.
10. Currey, Cecil. 1996. Giap and Tet Mau Than 1968: The Year of the Monkey, in “The Tet Offensive,” Eds. Marc Jason Gilbert and William Head, Praeger Publishers, Connecticut, U.S.A.
11. _________. 2005. Victory at any cost, Potomac Books, Inc., Virginia, U.S.A.
12. Đoan Trang. Không rõ ngày. Chuyện ít người biết về Tuyên ngôn độc lập. Không rõ ngày.
http://thehehochiminh.wordpress.com/2010/09/02/chuyenitnguoibietvetuyenngondoclap/ (truy cập 28-11-2014).
13. GĐ81. 2001. LĐ81/BCND Và Những Ngày Tháng Tư. Trích đăng từ Đặs San GĐ81/BCND số 3, 1-7-2001.
http://www.bcdlldb.com/LD81BCND.htm (truy cập 28-11-2014).
14. Gia Minh. 2013. TS Cù Huy Hà Vũ và GS Nguyễn Huệ Chi nói về Tướng Võ Nguyên Giáp. 5-10-2013.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vo-nguyen-giap-passed-away-part-i-gm-10052013082611.html (truy cập 28-11-2014).
14. Halbertstam, David. 1993. The Best and the Brightest. Twentieth-Anniversary Edition. Ballantine Books, New York, U.S.A.
15. Huyen, N. Khac. 1971. Vision Accomplished? The Enigma of Ho Chi Minh. The Macmillan Company, New York, U.S.A.
16. Lady Borton. 2009. Curriculum Vitae for Lady Borton.
http://www.csi.cuny.edu/administration/academicaffairs/LBorton.pdf (truy cập 30-11-2014).
17. Lind, Michael. 1999. Vietnam: The Necessary War. Simon & Schuster, New York. U.S.A.
18. Logevall, Fredrik. 2012. Embers of War. Random House, New York, U.S.A.
19. Macdonald, Peter. 1993. Giap: The Victor in Vietnam. W.W. Norton and Company, New York, U.S.A.
20. MacMillan-Man. Không rõ ngày. Man.
http://www.macmillandictionary.com/us/dictionary/american/man (truy cập 23-11-2014).
21. MacMillan-Boy. Không rõ ngày. Boy.
http://www.macmillandictionary.com/us/dictionary/american/boy (truy cập 23-11-2014).
22. Merriam-Webster. Không rõ ngày. Man.
http://www.merriam-webster.com/dictionary/man (truy cập 23-11-2014).
23. Morgan, Ted. 2010. Valley of Death: The Tragedy at Dien Bien Phu That Led America into the Vietnam War, Random House, U.S.A.
24. NYTimes. 2013. Gen. Vo Nguyen Giap, Who Ousted U.S. From Vietnam, Is Dead. Đăng 4-10-2013.
http://www.nytimes.com/2013/10/05/world/asia/gen-vo-nguyen-giap-dies.html?pagewanted=1&_r=0&src=recg (truy cập 30-11-2014).
25. Phạm Văn Sơn. 1961. Việt Sử Tân Biên - Quyển IV (New Chronicles of Vietnam History - Vol. IV). Sài Gòn, reprinted by Đại Nam, California, U.S.A.
26. Pike, Douglas. 1986. PAVN – People’s Army of Vietnam. Da Capo Press, New York, U.S.A.
27. Simpson, Howard R. 2005. Dien Bien Phu: The Epic Battle America Forgot, Potomac Books Inc., Virginia, U.S.A.
28. Thiếu Long. 2012. Những lời ‘nói hớ’ lật tẩy bản chất của chế độ Sài Gòn. Đăng 25-4-2012.
http://reds.vn/index.php/lich-su/ho-so-tu-lieu/482-noi-ho (truy cập 27-11-2014).
29. Veith, George J. 2012. Black April. The Fall of South Vietnam 1973-1975. Encounter Books, New York, U.S.A.
30. Wikipedia. 2014. Tuyên ngôn độc lập (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Thay đổi chót: 6-11-2014.
http://vi.wikipedia.org/wiki/Tuy%C3%AAn_ng%C3%B4n_%C4%91%E1%BB%99c_l%E1%BA%ADp_(Vi%E1%BB%87t_Nam_D%C3%A2n_ch%E1%BB%A7_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a) (truy cập 27-11-2014).
31. Windrow, Martin. 2006. The Last Valley: Dien Bien Phu and the French Defeat in Vietnam, Da Capo Press, U.S.A.
32. Zhai, Qiang. 2000. China and the Vietnam Wars, 1950-1975. The University of North Carolina Press, North Carolina, U.S.A.
© 2014 Cao-Đắc Tuấn
http://danlambaovn.blogspot.com/2014/12/dot-hay-noi-chu.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét