Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Sự thành lập chính thể chuyên chế ở Đông Nam Á châu

THỨ SÁU, NGÀY 05 THÁNG 12 NĂM 2014

Sự thành lập chính thể chuyên chế ở Đông Nam Á

Serhat Ünaldi
Thu Hương & Trang Nhung chuyển ngữ
Lời người dịch: Tầng lớp trung lưu ở các quốc gia Đông Nam Á có thái độ như thế nào và vai trò gì đối với nền dân chủ? Câu trả lời, dĩ nhiên, tùy vào nền dân chủ, và tùy vào lợi ích mà tầng lớp này có được trong nền dân chủ ấy. Bởi vậy, câu trả lời không phải lúc nào cũng là Ủng hộ và Thúc đẩy, mà nhiều khi ngược lại, Phản đối và Kìm hãm. Khi nền dân chủ vận hành kém hiệu quả, một nền độc tài hiệu quả, đối với nhiều người, sẽ trở nên đáng mong đợi hơn.
"Tầng lớp trung lưu cũ" ở Đông Nam Á đang quay ra chống lại nền dân chủ trong một nỗ lực bảo vệ lợi ích của mình.
Nếu các dự báo là có thể tin được, châu Á sẽ chiếm hai phần ba dân số của tầng lớp trung lưu toàn cầu vào năm 2030. Trong khi các nhà đầu tư và các doanh nghiệp đã tính toán và xếp hàng chờ đợi để kiếm lời trên các thị trường tiêu dùng đang mở rộng nhanh chóng, các nhà phân tích chính trị chỉ mới chậm chạp nắm bắt xem sự nổi lên của tầng lớp trung lưu châu Á có ý nghĩa gì đối với các chính phủ trong khu vực, đặc biệt là ở các nước phi dân chủ.
Tầng lớp trung lưu sẽ đòi hỏi dân chủ nhiều hơn, chính phủ đại diện, và tiếng nói lớn hơn trong việc điều hành đất nước? Hay họ sẽ vẫn hài lòng với các nhà nước độc đảng, chế độ quân sự, hoặc những kẻ chuyên quyền được bầu lên, chừng nào kinh tế phát triển và nhu cầu vật chất của họ được thỏa mãn?
Điều có vẻ rõ ràng là dân số có thu nhập trung bình không chuyển sang một trạng thái dân chủ lành mạnh hơn theo bất cứ cách thức trực tiếp nào. Quy mô của tầng lớp trung lưu và các nhà nước chuyển đổi chính trị theo chỉ số chuyển đổi của Bertelsmann Stiftung (BTI) có vẻ chỉ tương quan lỏng lẻo ở các nước châu Á được khảo sát. Trong điều kiện tương đối, dân số tầng lớp trung lưu của Indonesia bằng một nửa của Thái Lan, nhưng nền dân chủ ở Indonesia đã tốt hơn nhiều so với ở vương quốc trên lục địa Đông Nam Á.

Câu trả lời cho câu hỏi tầng lớp trung lưu đóng vai trò chính trị gì phụ thuộc vào tầng lớp trung lưu nào mà người ta xem xét, ít nhất là trong khu vực Đông Nam Á. Do đó, thuật ngữ tầng lớp trung lưu nên được sử dụng ở số nhiều, tức là các tầng lớp trung lưu, để phản ánh sự đa dạng bên trong của chúng. Sự đa dạng này là yếu tố chủ yếu giải thích không chỉ động lực tầng lớp trong các xã hội Đông Nam Á, mà cả những con đường chính trị khó khăn mà một số quốc gia trong khu vực đã qua gần đây. Thái Lan và Indonesia là các trường hợp minh họa.
Các BTI sử dụng 5 tiêu chí để đo lường tình trạng dân chủ của một quốc gia: tính chất nhà nước, sự tham gia chính trị, pháp trị, sự ổn định của các tổ chức dân chủ, và sự hội nhập chính trị và xã hội. Kích thước của một bong bóng biểu diễn quy mô dân số của một quốc gia.
2014 là một năm quyết định đối với cả hai quốc gia. Thái Lan trải qua thêm một làn sóng biểu tình bạo lực lên đến đỉnh điểm trong một cuộc đảo chính quân sự, trong khi đó Indonesia đã tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống trong hòa bình, nhưng vẫn bộc lộ sự rạn nứt chính trị trong nước. Trong cả hai quốc gia, sự phát triển chính trị đã bị ảnh hưởng chủ yếu không phải do căng thẳng giữa các đối cực của xã hội, mà là bên trong tầng lớp trung lưu đang lớn dần trong hệ thống phân cấp xã hội.
Có thể là hơi khập khiễng khi so sánh hai nơi dường như khác nhau là Thái Lan và Indonesia, đất nước trước đây bị cai trị bởi một chính quyền quân sự kỳ dị và phản động và sau này bởi một tổng thống được bầu lên một cách dân chủ, người đã chiến thắng trong một danh sách ứng cử tiến bộ. Trên thực tế, trong những tháng gần đây, các nhà phân tích đã bắt đầu xem Indonesia như ngọn hải đăng mới của nền dân chủ trong khu vực, tương phản với nó là sự trượt dốc liên tục của Thái Lan xuống vực thẳm chính trị.
Thật dễ dàng đồng ý với phân tích như vậy nếu so sánh bản chất lý tính và khiêm tốn của Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo với những thành tích vụng về của nhà độc tài quân sự của Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Nhưng đồng ý như vậy là quên rằng Indonesia suýt nữa đã quay về quá khứ độc tài của nó với cái gọi là Trật tự mới (New Order) trong cuộc bầu cử tổng thống: Gần một nửa số cử tri Indonesia đã mạo hiểm trở lại Trật tự mới bằng cách ủng hộ ứng cử viên gây tranh cãi Prabowo Subianto, người hứa hẹn một sự kìm kẹp độc tài vững chắc. Và mặc dù Prabowo là ứng cử viên thua, nhưng các đảng phái ủng hộ ông vẫn chi phối quốc hội và bắt đầu một cuộc tấn công vào nền dân chủ vào tháng 9 bằng cách cố gắng loại bỏ các cuộc bầu cử trực tiếp ở cấp địa phương.
Trong cuộc tìm kiếm lời giải thích cho sự phân cực ở cả hai nước, điều quan trọng là phải nhìn xa hơn sự phân chia giàu-nghèo một cách đơn giản. Các báo cáo truyền thông cho rằng không phải các bộ phận người nghèo và thất học của xã hội Indonesia đã ủng hộ Prabowo là chủ yếu mà hoàn toàn ngược lại. Trong nhiều tuần trước cuộc bầu cử, Jokowi đã phải làm việc đặc biệt khó khăn để thu hút các tầng lớp trung lưu thành thị được cho là lý tính để đảm bảo chiến thắng của mình. Trong khi cử tri có trình độ giáo dục cấp tiểu học hầu hết ủng hộ Jokowi, những người có trình độ đại học và thu nhập hàng tháng hơn hai triệu rupiah Indonesia (165 USD) đã chuyển sang ủng hộ Prabowo.
Điều đó xảy ra bởi sự hoài niệm của tầng lớp trung lưu cũ về những ngày tốt đẹp xưa kia của chủ nghĩa độc tài hiệu quả, và sự vỡ mộng về một nền dân chủ dễ tham nhũng, gần như dẫn đến sự sụp đổ nền dân chủ của Indonesia. Cũng như vậy ở Thái Lan, khi các cuộc biểu tình phản đối dân chủ đã được điều khiển bởi một tầng lớp trung lưu thành thị với những ký ức ngây thơ về thời kỳ các tướng Thái Lan cai trị vương quốc song song với chế độ quân chủ. Ủng hộ dân chủ, ngược lại, dường như đến từ các thành viên của tầng lớp trung lưu thấp hơn mới hình thành ở các tỉnh.
Quỹ đạo lịch sử của khu vực Đông Nam Á là lời giải đáp ở đây. Trong nửa sau của thế kỷ 20, các chế độ phát triển trong khu vực đã thúc đẩy sự xuất hiện của một tầng lớp trung lưu mà sự tồn tại của nó là nhờ các nhà nước độc tài. Bản sắc tầng lớp trung lưu không được định hình trong một môi trường dân chủ hay trong sự kháng cự đối với sự can thiệp của chính quyền, mà trong bối cảnh của một mối quan hệ cộng sinh với nó. Chỉ khi sự dàn xếp này bắt đầu thất bại, đặc biệt là trong làn sóng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khi chế độ kỹ trị và phát triển từ trên xuống trở nên rõ ràng kém hiệu quả, tầng lớp trung lưu đã giúp lật đổ chế độ độc tài.
Nhưng khi nền kinh tế của khu vực mở rộng một lần nữa và thu hút những người ở bên lề, một tầng lớp trung lưu mới và tham vọng đã khuấy động những mối nghi ngờ trong tầng lớp trung lưu cũ có sự ràng buộc cảm tính với các chế độ phát triển cũ. Trong khi tầng lớp trung lưu mới coi dân chủ là một công cụ hữu ích để đảm bảo cho mình một miếng bánh quốc gia, tầng lớp trung lưu cũ – tương đối nhỏ về số lượng và do đó không vững chắc – trở nên phòng thủ. Các thành viên của nó chỉ đơn giản là không biết làm thế nào để chia sẻ lợi ích. Tầng lớp trung lưu cũ một lần nữa ủng hộ những kẻ độc tài như các tướng bảo hoàng ở Thái Lan và tay sai của Trật tự Mới Prabowo ở Indonesia, qua đó đảo ngược hoặc gây nguy hiểm đến tiến trình dân chủ và sự cải thiện về vật chất của tầng lớp trung lưu mới.
"Chính thể chuyên chế của tầng lớp trung lưu cũ" đã thành công trong việc phá hủy các tổ chức dân chủ ở Thái Lan. Indonesia đã đầy lùi vận mệnh này trong gang tấc bằng cách bầu cho Jokowi, mặc dù chiến thắng của ông, như đã nêu, không có gì là ấn tượng. Jokowi và những người theo chế độ dân chủ khác trong khu vực Đông Nam Á phải thuyết phục tầng lớp trung lưu cũ về sự cần thiết của sự đoàn kết lớn hơn và sự cai trị dân chủ.
Serhat Ünaldi là giám đốc dự án tại Bertelsmann Stiftung. Ông là đồng tác giả của bản tóm tắt chính sách châu Á mới nhất: Các tầng lớp trung lưu Châu Á – Người cấm lái của sự thay đổi chính trị?".
Nguồn: Dân số tầng lớp trung lưu (phần trăm): "Phát triển, Viện trợ và Các Chỉ số Quản trị (DAGI)", Brookings Institution, 2012; Tình trạng dân chủ: BTI 2014, www.bti-project.org; Dữ liệu Dân số tính đến năm 2012: Các chỉ số Phát triển Thế giới của Ngân hàng Thế giới; Đài Loan: Tổng cục Ngân sách, Kế toán và Thống kê.
Nguồn:
http://12bennuoc.blogspot.com/2014/12/su-thanh-lap-chinh-chuyen-che-o-ong-nam.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét