Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Chọn trả phí công đoàn hay lập công đoàn độc lập? (1)

(VNTB)-Chọn trả phí công đoàn hay lập Công đoàn độc lập? (Bài 1)



(VNTB) Ngày 25-6-1983, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 28-7-1929, ngày họp Đại hội thành lập Công hội đỏ đầu tiên ở Bắc Kỳ, làm ngày thành lập Công đoàn (CĐ) Việt Nam.


Như vậy, thay vì như các quốc gia khác, tổ chức CĐ trước tiên phải do người lao động (NLĐ) tự nguyện lập ra cho quyền lợi của chính NLĐ, chứ không phải vì một chính đảng nào đó, thì ở Việt Nam, CĐ không được coi là một danh từ chung.

Vì là một tổ chức độc quyền, nên CĐ lâu nay đã đưa ra nhiều quy định mang tính ép buộc cho cả phía sử dụng lao động (LĐ) lẫn NLĐ. Loạt bài viết dưới đây sẽ cùng bàn luận một lát cắt nhỏ về chuyện “phí CĐ” đã được thu bất chấp luật định, và việc chi tiêu nguồn tiền này ra sao vẫn là câu hỏi chưa cơ quan nào trả lời. Bên cạnh đó, thử đề xuất một tổ chức CĐ độc lập thực sự vì quyền lợi của NLĐ.


Công đoàn có nguồn kinh phí rất lớn thu trực từ lương công nhân nhưng có hoạt động thực chất vì quyền lợi của công nhân hay không ?

Bài 1: Phí công đoàn: Thuế thân đánh vào người lao động


Minh Tâm

Trao đổi với người viết từ năm 1995, giám đốc công ty Legamex khi ấy cho biết bình quân quỹ chi lương ở doanh nghiệp (DN) của ông là 2 tỷ đồng/tháng. Ông phải nộp một khoản tiền 2% tính trên 2 tỷ đồng này cho một loại thủ tục có tên “phí công đoàn”. Tuy nhiên, mọi chi tiêu cho chuyện quan, hôn, tang, tế của người lao động (NLĐ), kể cả đi nghỉ dưỡng hàng năm đều lấy từ nguồn ngân sách DN.

“Tôi có nêu thắc mắc về số tiền 2% này ở các cuộc giao ban tại Sở Công nghiệp (hiện nay là Sở Công thương), nhưng không ai trả lời được là thu về để chi vào những chuyện cụ thể gì cho an sinh NLĐ”. Ông giám đốc nói.



Thu phí theo quy định của… Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Trong kỳ họp Quốc hội năm 2012, thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật Công đoàn (CĐ), lý giải về căn cứ của đề xuất trích nộp kinh phí CĐ 2%, Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng nguồn thu kinh phí CĐ có tính… lịch sử, từ Sắc lệnh số 108 ngày 5-11-1957 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Luật CĐ, sau đó được cụ thể hóa bằng văn bản dưới luật do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành ngày 9-4-1958.

Mức lương tối thiểu hiện tại đã gấp hơn 10 lần thời điểm trước năm 1997. Tuy nhiên báo chí không thể tìm được con số báo cáo về tổng kinh phí CĐ thu được hàng năm từ DN. Theo số liệu được đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà (Hà Nội) cung cấp, tổng kinh phí thu được của CĐ năm 2011 là 3.600 tỷ đồng.



CĐ do Đảng lãnh đạo nên…

Chuyện “đổ thừa” của ông Đặng Ngọc Tùng là có cơ sở, vì CĐ ở Việt Nam được pháp luật quy định đây là hoạt động chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, viện dẫn về nội dung của Sắc lệnh thời chiến tranh để tiếp tục xem tổ chức CĐ là hoạt động chính trị đặt trong mối quan hệ thuần túy làm ăn kinh tế của DN là không thể chấp nhận. Cũng nói về yếu tố lịch sử, trước đây CĐ sử dụng phần kinh phí thu được để chăm lo mọi điều kiện cho NLĐ, nhưng từ năm 1995 trở lại đây, việc chăm lo cho NLĐ đã được chuyển sang cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trước khi có các chính sách “mở cửa”, toàn bộ nền kinh tế Việt Nam là thuộc về nhà nước, và nhà nước lại thuộc về “giai cấp công nhân”. Khi đó công nhân cũng được coi là chủ sở hữu của chính nhà máy hay công ty mà mình làm việc, ban giám đốc của công ty cũng chính là đại diện của toàn thể công nhân. Những mâu thuẫn nếu có hiển nhiên là những mâu thuẫn nội tại của công nhân với chính họ và do đó không hề cần đến thương lượng hay toà án.

Trừ khi có những vi phạm pháp luật về hình sự, công nhân không bao giờ bị đuổi việc. Điều kiện LĐ và tiền lương thấp kém, nhưng đó cũng là vấn đề của chính công nhân, do năng suất LĐ thấp và tổ chức LĐ kém; hơn nữa điều này xảy ra ở tất cả các công ty nên công nhân không thể có cơ sở so sánh. Hoạt động hữu ích thực sự của CĐ trong giai đoạn này là hỗ trợ tang ma, bệnh tật, cưới hỏi, sinh đẻ.



Một loại phí nằm ngoài luật

Theo quy định tại Điều 2, Điều 3 Pháp lệnh phí và lệ phí thì “phí” là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được uỷ quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước. Như vậy phí và lệ phí mang tính chất hoàn trả trực tiếp, mức thu được xây dựng trên cơ sở tính toán các chi phí bỏ ra và lợi ích thu về của người cung cấp dịch vụ.

Với phí CĐ, các DN tự hỏi 2% quỹ lương mà họ phải đóng để CĐ hoạt động, được gọi là gì? Phí thì không phải. Thuế lại càng không đúng, vì DN đã nộp thuế cho Nhà nước. Vậy đâu là cơ sở pháp lý? Và trong thực tế, từ nhiều năm qua, CĐ cơ sở chỉ được giữ 40%, 60% còn lại phải trích nộp cho CĐ cấp trên và số tiền này được chi như thế nào, vào mục đích gì, quyết toán ra sao… thì CĐ cơ sở và chủ DN đều không được biết.

DN không được biết đã đành, ngay cả đại biểu quốc hội cũng không biết. Đại biểu Chu Sơn Hà bức xúc: “Cá nhân tôi phát biểu trong kỳ họp thảo luận về dự thảo luật CĐ lần đầu, đề nghị báo cáo kết quả quản lý tài chính của CĐ, báo cáo quản lý và sử dụng tài sản có nguồn gốc từ ngân sách và do các đoàn viên đóng góp, nhưng cá nhân tôi còn không nhận được trả lời, chưa nói đến việc trả lời cho tất cả các đại biểu?”.

Bức xúc không dừng lại khi vào đầu năm nay, Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam liên tục có quy định buộc tất cả loại hình DN đều phải đóng phí CĐ và không dừng lại ở mức 2%, bất kể DN đó không hề có tổ chức CĐ.


Minh Tâm
http://www.ijavn.org/2014/08/vntb-chon-tra-phi-cong-oan-hay-lap-cong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét