Cuộc “chấn hưng” muộn màng của Bộ GD-ĐT
Băng Tâm
(VNTB) - Một dấu hiệu thấp thoáng đáng kỳ vọng của chấn hưng nền giáo dục, y tế trong thời gian tới. Điều này có lẽ là tốt, khi niềm tin đối với các vị quan phụ mẫu ngành giáo dục, y tế trong dân ngày một vơi dần.
Trong những ngày cuối năm, hai mảng tồi tệ của đất nước là giáo dục và y tế đang có những chuyển biến hết sức đáng chú ý khi Bộ GD-ĐT tiến hành ra hai văn bản chấn chỉnh khâu đào tạo nguồn nhân lực cho cả hai ngành. Theo đó, nội dung văn bản đã có sự căn cứ vào tình hình thực tiễn, khi chất lượng y bác sĩ, giáo viên ngày càng giảm sút về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức, và số lượng cử nhân sư phạm ra trường hoàn toàn không có việc làm.
Chấn hưng giáo dục, y tế?
Bước vào tháng 12, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đã ra công văn số 6975/BGDDT-GDDH, thống nhất việc xem xét tạm dừng mở ngành đào tạo trình độ ĐH các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền và trình độ ĐH, CĐ đối với ngành Dược học tại các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y dược. Đồng thời cả hai bộ cũng tiến hành rà soát và đánh giá hệ thống cơ sở đào tạo nhân lực y tế trên toàn quốc về đội ngũ cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo nhân lực y tế.
Trong một diễn biến khác, Bộ GD-ĐT cũng đã gửi công văn số 6930 /BGDĐT-KHTC cho các trường lưu ý về xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015. Theo đó, nhấn mạnh giảm chỉ tiêu đối với những ngành có dấu hiệu dư thừa nhân lực, giảm chỉ tiêu ngành sư phạm căn cứ vào thực tế và dự báo nhu cầu giáo viên của địa phương, các cơ sở đào tạo nghiên cứu, lập phương án tạm dừng tuyển sinh có thời hạn đào tạo đối với giáo viên trung học trình cơ quan chủ quản cho ý kiến, dừng chương trình đào tạo từ xa ngành sư phạm (dự bị đại học ngành sư phạm), nếu các trường tăng trên 5% chỉ tiêu so với năm 2014 thì phải giải trình. Siết chặt chất lượng đào tạo hệ sau đại học. Cùng với đó, tiếp tục giảm chỉ tiêu đào tạo trung cấp chuyên nghiệp trong các trường ĐH để thực hiện lộ trình dừng đào tạo hệ này vào năm 2017.
Sư phạm thất nghiệp, y sĩ kém tay nghề
Đào tạo con người giáo viên và y sĩ đều quyết định chất lượng của nền giáo dục, y tế có tốt hay không, và là nhân tố cốt lõi cho sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, y tế nước nhà. Thế nhưng, bấy lâu nay, mảng đào tạo nguồn nhân lực hoàn toàn bị thả nổi.
Đối với ngành sư phạm, vẫn tồn tại một nghịch lý chạy chỉ tiêu ở các trường sư phạm để ăn ngân sách giáo dục (tăng chỉ tiêu đào tạo, không căn cứ vào nhu cầu xã hội theo ngành, không hoạch định được nhu cầu ở các địa phương) khiến mỗi tỉnh thành mọc một trường sư phạm (hiện nay là 144 trường đào tạo ngành sư phạm), khâu đào vào của ngành sư phạm gần như không thể kiểm soát được vì việc hạ điểm chuẩn xét tuyển (nhiều ngành sư phạm chỉ lấy bằng điểm sàn), liên kết đào tạo (như ĐHSP Đà Nẵng liên kết đào tạo ngành sư phạm với trường Trung cấp Quảng Đông), đào tạo từ xa (dự bị đại học sư phạm) và quản lý hệ cử nhân ngoài ngành theo học nghiệp vụ sư phạm 3 tháng. Tất cả khiến cho số lượng cử nhân sư phạm ra trường mỗi năm rất cao, trong đó, riêng bản thân trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mỗi năm cho ra 2.000 cử nhân sư phạm.
Trong khi đó, bản thân các trường sư phạm vẫn giữ mô hình đào tạo giáo viên theo kiểu 9 lý thuyết, 1 thực hành (cử nhân sư phạm có chưa đầy 1,5 tháng bao gồm thực tập và kiến tập). Việc vận hành đào tạo nguồn giáo viên ở các trường sư phạm vẫn là lối dạy theo kinh nghiệm, sách vở (đặc biệt là phương pháp sư phạm), gần như không thay đổi từ sau thời kỳ đổi mới đến nay.
Điều đó khiến cho số lượng cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp ngày một nhiều (năm 2013, cả nước thừa 35.000 giáo viên bậc THCS và THPT), trong khi giáo viên được đi dạy trong hệ thống các cấp học lại không đáp ứng về chuyên môn và phương pháp đổi mới trong phương pháp giảng dạy (đọc chép). Hệ thống đào tạo giáo viên bế tắc, khiến nhiệm vụ đổi mới giáo dục theo hướng căn bản, toàn diện gần như không thực hiện được do không đáp ứng nổi điều kiện đổi mới giáo dục (giáo dục Việt Nam xác định là phải đổi mới từ chính người thầy). Chính vì thế, Việt Nam nằm rơi vào trong nhóm 4 nước có nền giáo dục tụt hậu nhất ASEAN.
Mảnh đất sư phạm ngày một bạc màu vì nghịch lý đào tạo, thì đào tạo nguồn nhân lực y tế cũng không kém cạnh, bởi sự bát nháo của chính nó.
Từ nhu cầu phấn đấu 52 cán bộ y tế/10.000 dân và căn cứ theo công tác “Quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2012 - 2020”, theo đó, ước tính nhu cầu nhân lực y tế đến năm 2015, Việt Nam cần tới 444.500 người, bổ sung gấp 14.252 nhân lực. Trong đó bác sĩ là 29.500; dược sĩ: 15.550 và điều dưỡng (đại học và trung cấp): 57.270. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 52 nhân viên y tế (tất cả các chuyên ngành)/10.000 dân; 10 bác sĩ/10.000 dân; 20 điều dưỡng/10.000 dân..., đã dẫn đến việc bỏ rơi khâu đầu vào, gia tăng lượng nhưng không đảm chắc về chất. Chính vì vậy, ngoài hệ chính quy (đại học), thì ngành y tế kết hợp với Bộ GD-ĐT, triển khai đại trà loại hình đào tạo chuyên tu (đào tạo bác sĩ, dược sĩ trong 4 năm), hệ tại chức (vừa học - vừa làm), cử tuyển (nghị định 134 CP/2006, địa phương đưa người đi đào tạo), liên thông, đào tạo theo địa chỉ, triển khai mô hình đào tạo bác sĩ gia đình ở 26 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học, 74 trường cao đẳng và 44 trường trung cấp và dạy nghề (thống kế cuối năm 2013)… Chính những loại hình này, khiến Việt nam lạm phát trường y và người học y hàng năm. Chưa kể các hình thức giảm điểm, hạ điểm, ưu tiên…
Cách bổ sung nhân lực ngành y như thế đồng nghĩa với việc “chấp nhận” chất lượng đào tạo thấp, và đây là nguyên nhân dẫn đến sự báo động về y đức và nghiệp vụ trong đội ngũ y bác sĩ trong cả nước, đặc biệt là tuyến xã, vùng sâu xa trong những năm gần đây, gây ra nhiều thảm họa trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, biến ngành y trở thành nơi đào tạo để cấp bằng thăng tiến xã hội thay vì để cứu người.
Đặc biệt, với hệ cử tuyển là hệ đưa những người thiếu năng lực, thiếu định hướng vào ngành y dược. Căn cứ theo nghị định 134 CP/2006 thì lượng sinh viên cử tuyển này được các các tỉnh gửi đến trường đào tạo đều do địa phương xét tuyển và quyết định cử đi học, điều đó gián tiếp khiến nhà trường (nơi đào tạo) không được mời tham gia góp ý kiến trong khâu xét tuyển. Trình độ sinh viên cử tuyển thấp hơn nhiều so với sinh viên chính quy, thiếu sự đam mê, thực tài (nhà trường vẫn giữ một thái độ “ưu ái” cho đối tượng này).
Chất lượng đầu vào bát nháo, đã khiến bộ mặt y tế quốc gia bị tổn thương nghiêm trọng, buộc Bộ Y tế (năm 2013) phải gửi công văn đến Bộ GD-ĐT, yêu cầu “có quy định chặt chẽ khi mở ngành đào tạo nhân lực y tế, trong đó việc thẩm định cần có sự tham gia về mặt chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế để đảm bảo chất lượng”.
Cốt lõi của chấn hưng là chấn chỉnh đào tạo
Những thay đổi mang tính cơ bản của giáo dục và y tế trong khâu đào tạo là điều mà những ai quan tâm đến sự phát triển bền vững của nước nhà mong mỏi bấy lâu nay. Bởi đào tạo nhân lực cho hai ngành này nó có tác động rất lớn đến tính mạng/ số phận của hàng triệu con người và qua nhiều thế hệ. Do đó, yêu cầu khắt khe trong đào tạo, chấm dứt bệnh chạy số lượng, bệnh thành tích, doanh thu là yêu cầu chính đáng.
Trong Hội nghị triển khai năm học mới (29/7/2014), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đã cho rằng: “Đất nước không thể phát triển nhanh hơn nếu tất cả không đổi mới mà trước tiên là ngành giáo dục với trách nhiệm chuẩn bị nhân lực cho tương lai, cho đổi mới.”
Việc Bộ GD-ĐT “chạy đua số lượng”, thả nổi chất lượng đào tạo nguồn nhân lực hai ngành trong những năm qua đã khiến cho Giáo dục – Y tế trả giá đắt, khi sự phấn đấu không mệt mỏi trong nhiều năm qua (đầu tư cơ sở, trang thiết bị, ngân sách) của cả hai ngành, nhưng “chưa ra khỏi trạng thái lộn xộn bất bình thường, hoạt động không theo quy luật khoa học, hiệu quả kém, chất lượng thấp, đang có nguy cơ bị thương mại hoá theo xu hướng ngược với lý tưởng công bằng và dân chủ của xã hội” mà ngược lại, cả hai ngành càng rơi vào tình trạng khủng hoảng ở mọi cấp độ. Và sự sai lầm có chất hệ thống trong khâu đào tạo của Bộ GD-ĐT (có một phần của Bộ y tế), khiến cho đóng góp hai ngành không tương xứng với “tiềm năng của dân tộc, cả về tinh thần, trí tuệ, vật chất cũng như vận hội”.
Vậy nên, sự kiện Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế thống nhất ra công văn số 6975/BGDDT-GDDH, cũng như văn bản 6930/BGDĐT-KHTC (của riêng Bộ GD-ĐT) về chấn chỉnh khâu đào tạo ở ngành y tế, giáo dục là một động thái đáng mừng, dù muộn màng.
Bởi nó cho thấy một dấu hiệu thấp thoáng đáng kỳ vọng của chấn hưng nền giáo dục, y tế trong thời gian tới. Điều này có lẽ là tốt, khi niềm tin đối với các vị quan phụ mẫu ngành giáo dục, y tế trong dân ngày một vơi dần.
http://www.ijavn.org/2014/12/cuoc-chan-hung-muon-mang-cua-bo-gd-t.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét