Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Phóng sự - Những tao ngộ ở Manila


Tâm Don

(VNTB) - Manila bình yên và an toàn hơn tôi tưởng. Những hình ảnh và sắc màu quyền rũ của mùa giáng sinh đã xua tan đi trong tôi những ám ảnh về đội quân Abu Sayaab và Phong trào quân đội nhân dân mới sặc mùi khủng bố và chết chóc.


“Anh đừng đến đấy, tôi van anh!”

Công dân Manila đầu tiên mà tôi gặp là một người đàn ông lái xe 55 tuổi có tên là Dany. Ông Dany hơi ốm, có khuôn mặt phúc hậu và đượm buồn. Khi biết tôi là người Việt Nam, mắt ông sáng bừng lên: “Chúng ta là bạn bè”. Hai ngày rong ruổi cùng ông, tôi mới hiểu vì sao mà ông sớm nhận tôi là bè bạn.






Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, Dany là một chàng trai khỏe mạnh có trái tim nhân ái. Chàng trai Dany đầy nhiệt huyết hăng hái tham gia các công tác xã hội và các hoạt động thiện nguyện. Hòn đảo Palawan là nơi có hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam tị nạn tạm thời sau những chuyến hành trình chết chóc trên biển để tìm đến bến bờ tự do dân chủ. Hàng trăm ngàn con người ấy cần có chỗ ở dù chỉ là những lều trại đơn sơ, cần có cái ăn dù chỉ là những thức ăn nghèo dinh dưỡng, cần được chăm sóc y tế dù chỉ là mức cơ bản. Và hàng chục ngàn trẻ em trong các trại tị nạn ở Palawan cần được giáo dục và vui chơi giải trí. Chính quyền và nhân dân Philippines nói chung và đảo Palawan nói riêng đã chia sẻ ở mức cao nhất có thể cho cộng đồng người Việt Nam tị nạn. Chàng trai Dany chính là một chàng trai chia sẻ. Cảm phục tấm lòng nhân hậu và bao dung của Dany, một cô gái Việt Nam đã nói lời yêu. Họ kết hôn với nhau và có hai đứa con trong ngập tràn hạnh phúc.

Nhưng, cuộc đời không như ước muốn của đôi vợ chồng Phi- Việt. Luật pháp của Hoa Kỳ- quốc gia tiếp nhận nhiều thuyền nhân Việt Nam nhất, qui định Hoa Kỳ không cho định cư và nhập tịch Hoa Kỳ đối với những người phụ nữ có chồng là quốc tịch khác, đối với những người đàn ông có vợ là quốc tịch khác. Người phụ nữ Việt nói với người chồng Phi: “Em yêu anh nhưng cũng yêu tự do dân chủ. Em đã chấp nhận hiện thực đau đớn là có thể làm mồi cho cá để đến được nước Mỹ. Anh hãy tha lỗi cho em!”. Còn Dany nói với người vợ Việt mà ông hết lòng thương yêu: “Anh hiểu khát vọng trong em. Anh không níu kéo em. Em hãy đến bến bờ mà em yêu thích!”. Họ li hôn, và hai đứa trẻ theo mẹ sang Hoa Kỳ.

Dany ở vậy, sống bằng hoài vọng và nỗi nhớ, sống bằng hi vọng và bao dung. Mỗi khi gặp được một người Việt Nam, ông lại sôi nổi và mạnh mẽ như một chàng trai đích thực.

Khi biết tôi có ý định đến hòn đảo Mindanao nổi tiếng khủng bố, bắt cóc, ông Dany có vẻ suy tư và tính toán dữ dội lắm. Tôi để mặc ông lo liệu. Một lát sau ông Dany nhìn thẳng vào mắt tôi:

-Tôi biết nếu tôi đưa anh đi Mindanao, tôi sẽ có một chuyến đi thú vị và một ít tiền, nhưng tôi không muốn anh đến đó. Anh biết không, nhân dân và chính quyền Philippines rất đau đầu với vấn đề Mindanao. Chính quyền Mindanao đa phần do những người có tư tưởng cộng sản điều hành và kiểm soát. Họ luôn luôn chiến thắng trong các cuộc bầu cử bằng các biện pháp phản dân chủ: khủng bố thủ tiêu các đối thủ chính trị, mua phiếu của các cử tri nghèo, áp chế và dọa dẫm những người có tư tưởng dân chủ và tiến bộ. Chính quyền Mindanao cấu kết với phiến quân Hồi giáo Abu Sayaab gây nên bao nhiêu đau thương tang tóc. Anh biết không, trong khi 2/3 đất nước Philippines dân chủ phát triển nhanh như vũ bão thì vùng Mindanao vẫn đói nghèo và tăm tối, bất an. Người dân ở 2/3 đất nước Philippines dân chủ thường nói với nhau rằng: chính tư tưởng cộng sản đã gieo rắc thảm họa lên vùng Mindanao. Anh đừng đến đấy, tôi van anh!
Dù là người thích đối diện với các nguy cơ và mạo hiểm nhưng tôi đành phải nghe theo lời ông Dany.


Người Việt “rất đặc biệt”

Ông Dany đưa tôi đến gặp một người Việt Nam “rất đặc biệt” ở Manila, theo như lời ông Dany. Luồn lách qua những hẻm hóc chỉ vừa đủ chỗ cho hai ô tô du lịch tránh nhau, ông Dany đưa tôi đến một bệnh viện do người công giáo Manila thành lập để chữa trị có thu phí cho những người bệnh tâm thần. Sau khi đăng ký gặp gỡ thăm thân nhân, ông Dany dắt tay một người đàn ông khoảng chừng 65-70 tuổi, vóc dáng cao, hơi ốm, nước da trắng xanh, vẻ mặt hiền khô và đôi mắt vô hồn ra ngồi đối diện với tôi. “ Anh có thể nói chuyện với ông Huỳnh Phong đây bằng tiếng Việt. Ông Phong vẫn nhớ được đôi điều, và muốn quên rất nhiều điều”, ông Dany nói với tôi.

-Thưa ông, ông tên là gì ạ?

- Mình tên là Huỳnh Phong

- Ông năm nay bao nhiêu tuổi rồi?

- Mình năm nay 34 tuổi rồi.

- Ông vượt biên năm nào, năm ông bao nhiêu tuổi?

- Mình vượt biên năm mình 34 tuổi.

- Hồi ở Việt Nam ông đã có vợ con chưa?

-………..

-Nhà ông ở Việt Nam ở tỉnh thành nào?

-Chợ Mới.

-Con tàu chở ông đi vượt biên có bao nhiêu người tất cả?

-………

- Con tàu chở ông đi vượt biên đi mất bao nhiêu ngày?

-…..

- Gia đình ông có ai đi vượt biên cùng ông không?

-……

-Ông có muốn đến Hoa Kỳ hoặc Canada không?

-……….

-Ông có muốn trở về Việt Nam không?

-………

Tôi chia tay ông Huỳnh Phong trong nỗi buồn trĩu nặng.

Qua ông Dany, qua một số người Việt đang sinh sống ở Manila, tôi biết chắc chắn một điều rằng, ông Huỳnh Phong là một sự trớ trêu điển hình của lịch sử thuyền nhân Việt. Cư dân trên đảo Palawan, cộng đồng người Việt Nam tị nạn trên đảo Palawan không ai không biết ông Huỳnh Phong. Vì sao? Vì vừa mới cập đảo Palawan, ông Huỳnh Phong ngay lập tức trở thành một người điên. Ông xé hết áo quần, đi lang thang và chỉ ăn lá cây thay bữa. Ông chối từ quần áo, chăm sóc y tế và thức ăn. Chỉ có những người vượt biển trên chuyến tàu định mệnh ấy hiểu vì sao ông Huỳnh Phong bị điên.

Tôi đã suy nghĩ mãi một điều: có nên kể ra câu chuyện dẫn đến bệnh điên của ông Huỳnh Phong? Sau bao dằn vặt, tôi quyết định kể ra câu chuyện này vì nhận thức rằng: sự thật và lịch sử cần được tôn trọng.

Cách đây hàng chục năm, chuyến tàu vượt biên của ông Huỳnh Phong đã mất phương hướng, máy tàu bị hư hỏng, tàu bị trôi dạt vô định và hết sạch thức ăn nước uống. Nhiều người đã chết, trong đó có trẻ em, phụ nữ và người già. Và dĩ nhiên họ trở thành những miếng mồi của lũ cá ở đại dương. Khi không thể chịu đựng đói khát được nữa, người thuyền trưởng đã phải đưa ra một quyết định đau đớn: để tồn tại, để đến được bến bờ, tất cả các thành viên còn sống sót trên tàu phải uống máu và ăn thịt người có nguy cơ chết cao nhất. Và phương thức lựa chọn người chết là bốc số. Em trai của ông Huỳnh Phong là một trong số được chọn. Ông Phong đã phải uống máu và ăn thịt chính người em ruột mà ông yêu quí nhất. Và ông đã điên, đã quên đi gần như tất cả quá khứ.


Burma là xứ sở nào?

Dustine Tam là một cô gái xinh đẹp, nhỏ nhắn, đôi mắt trong veo đầy quyến rũ. Cô vừa có nét duyên thầm, e lệ của một cô gái Việt gia giáo vừa có sự tự tin và mạnh mẽ theo phong cách Châu Âu. Cô có quốc tịch Australia, đã tốt nghiệp một trường đại học tài chính ngân hàng danh tiếng ở Melburn. Cô đã từ chối một công việc ngon lành ở Melburn với mức lương 3000 đôla Australia mỗi tháng để phục vụ trong một quĩ thiện nguyện với mức lương tượng trưng.

“Tiền ư? Cũng cần đấy nhưng không phải là tất cả, anh ạ. Có rất nhiều người Việt Nam ở Philippines, ở Thailand cần phải được giúp đỡ, cần phải được trợ giúp về mặt pháp lý để được định cư ở một nước thứ ba. Và có rất nhiều người ở Buma cần phải được chăm sóc vật chất và chăm sóc giáo dục.” Dustine Tam vừa nói vừa cười hồn hậu.

“Em vừa ở Burma về. Một chuyến đi dài ngày rất vất vả nhưng có ý nghĩa. Ở Burma rất nhiều người trẻ cần được chăm sóc về giáo dục. Họ chính là tương lai của Burma tươi đẹp. Họ chính là hiện thân của sự tiến bộ”, Dustine thổ lộ với tôi.

Burma là xứ sở nào nhỉ? Tôi ngơ ngác hồi lâu, và căng thẳng lục tìm trong ký ức.

“Thật tình anh không biết Burma là xứ sở nào à? Burma là tên gọi khác của đất nước Myanmar đấy. Vào năm 1989, chính quyền quân sự độc đoán ở Burma với ý muốn làm cho người dân quên đi thời kỳ dân chủ tốt đẹp của đất nước này đã quyết định đổi tên nước từ Burma sang tên Myanmar. Nhưng, ký ức dân chủ đã ăn sâu vào người dân. Đa số nhân dân vẫn gọi tên nước mình là Burma để hoài niệm dân chủ, để nuôi dưỡng khát vọng đấu tranh cho dân chủ. Với người dân, Myanmar là tên gọi thể hiện độc tài chuyên chế”.

Ở trung tâm thương mại Robinson tọa lạc tại trung tâm Manila có một tiệm phở Bắc- phở Việt Nam rất được ưa chuộng. Tôi muốn mời Dustine Tam đến đó ăn một bữa thỏa thuê. Dustine Tam lơ đễnh nhìn lên bầu trời xanh mênh mông và nói: “Một ngày nào đó, anh và em sẽ cùng nhau ăn phở Việt lừng danh trên đất Việt nhé anh! Ngày đó không còn xa đâu anh!”.


Chắc chắn sẽ có một ngày…

Robinson Hotel là khách sạn được cánh báo chí quốc tế lựa chọn đầu tiên mỗi khi đến Manila tác nghiệp. Giá cả vừa phải, chất lượng dịch vụ thì không chê vào đâu được, và quan trọng nhất: gần gũi các nguồn tin quan trọng.

Bà May Thingyan Hein phụ trách phần tiếng Anh của hãng thông tấn Myit Ma Kha News Agency của Myanmar cũng lựa chọn Robinson Hotel. Bà cởi mở và tự tin chẳng khác nào công dân của một đất nước dân chủ giàu có và đầy trách nhiệm.

“Anh biết không, trước thế chiến thứ hai, Burma là quốc gia dân chủ đầu tiên ở Châu Á nhờ sự dày công vun đắp của người Anh. Vào thời điểm ấy, do được thụ hưởng các giá trị của dân chủ, nền kinh tế Burma phát triển mạnh mẽ, xã hội dân sự tràn ngập tiếng cười, tự do sáng tạo- tự do báo chí- tự do học thuật được tôn trọng tối đa. Cuộc sống của người dân Burma thời ấy cao chẳng thua kém gì cuộc sống của người Nhật Bản, của người Hongkong. Nhưng rồi, màu đỏ xuất hiện kéo theo độc tài chuyên chế. Hình thái kinh tế nhà nước và trào lưu quốc hữu hóa các cơ sở kinh tế đã làm sụp đổ Burma hoàn toàn. Chẳng còn xã hội dân sự, chẳng còn tự do sáng tạo- tự do báo chí-tự do học thuật. Trên đất nước Burma thương yêu của tôi chỉ còn cay đắng và nước mắt”.

“Anh biết không, năm 1989, người dân Burma đã vùng lên đòi tự do dân chủ. Chế độ độc tài quân sự đã thẳng tay đàn áp. Nhưng nhân dân Burma vẫn không ngưng nghỉ đấu tranh. Thật hạnh phúc cho đất nước Burma khi tổng thống Thein Shein đã lèo lái đất nước vào quĩ đạo dân chủ trong hòa bình và bất bạo động. Nhân dân Burma trong đó có tôi đều nhận thức thấu đáo rằng, dân chủ không bao giờ được miễn phí. Chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều, phải biết cho đi và phải biết hi sinh. Burma đang tiến hành thay đổi hiến pháp theo hướng dân chủ, khoa học , tiến bộ và văn minh. Tôi tin vào tương lai của đất nước tôi. Còn anh thì sao?”.

Chẳng lẽ tôi lại không tin vào tương lai của đất nước tôi, của nhân dân tôi? Chẳng lẽ trong tôi lại không có niềm tin? Tôi chỉ cười, không trả lời câu hỏi của bà May Thingyan Hein.

“Anh biết không, vào cuối năm 2012, Burma lại có được tự do báo chí, tự do biểu đạt như từng có trong lịch sử. Vào ngày tự do đầu tiên ấy, nhiều nhà báo đã khóc nức nở, khóc như con trẻ. Và báo chí đúng nghĩa, truyền thông đích thực đã bùng nổ nhanh chóng mang đến cho nhân dân Burma những thông tin và kiến thức trung thực. Cho dù có một số chính quyền địa phương ở Burma hành xử thô bạo với nền báo chí mới nhưng vẫn không ngăn cản được sự phát triển và tiến bộ. Báo chí ở Việt Nam của anh thì sao? Chắc chắn sẽ có một ngày. Chúc mọi điều tốt lành nhé!”


Vâng, mọi điều rồi sẽ tốt lành, thưa bà May Thingyan Hein!
http://www.ijavn.org/2014/12/phong-su-nhung-tao-ngo-o-manila.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét