Từ Hà Nội tới Jakarta
BBC Tiếng Việt - Jakarta
Cập nhật: 19:03 GMT - thứ bảy, 20 tháng 9, 2014
Tôi đến Jakarta vào đúng tuần có tin thủ đô của quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới sẽ thay Hà Nội tổ chức Á Vận hội lần thứ 18.
Việt Nam bỏ cuộc vì các lý do kinh tế cho dù trước đó đã đánh bại Indonesia để đoạt quyền đăng cai.
Quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chuyện khước từ vai trò nước chủ nhà của Á Vận hội 18 có vẻ được không ít người tán đồng do kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.
Đáng ra sự kiện sẽ diễn ra vào năm 2019 nhưng nay sẽ được tổ chức vào năm 2018 để tránh trùng với năm bầu cử của Indonesia.
Bản thân người dân Indonesia cũng không thống nhất ý kiến. Người cảm thấy tự hào, người lại lo lắng về nguồn tài chính cần có để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đêm đầu tiên ở Jakarta tôi đã chụp ảnh một tượng đài nằm giữa đường từ khách sạn Pullman tới văn phòng của BBC tại tòa nhà Deutsche Bank ở khu trung tâm thành phố.
Sau khi có tin thủ đô Indonesia sẽ thay vai của Hà Nội, đồng nghiệp Heyder Affan của BBC Indonesia giải thích tượng đài tôi chụp được xây từ năm 1962 dưới thời Tổng thống Sukarno để chào đón vận động viên về Jakarta tham gia Á Vận hội lần thứ 4.
Đó là lần đầu tiên Jakarta tổ chức Asian Games và cũng là lần duy nhất cho tới nay.
Anh Affan cũng nói Tổng thống Sukarto đã cho xây nhiều cơ sở hạ tầng để chuẩn bị cho Á Vận hội, từ khách sạn Hotel Indonesia, sân vận động Gelora Bung Karno tới con đường chính dài khoảng 10 km nối Phủ Tổng thống và sân vận động.
Trách nhiệm chính lần này sẽ thuộc về Tổng thống đề cử Joko Widodo, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/10 tới đây.
Ông Widodo hiện là Thị trưởng Jakarta và trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng Bảy đã chiến thắng với 53% số phiếu.
Ông được coi là 'Obama của Indonesia' và hiện người ta kỳ vọng nhiều vào ông.
Nhưng ngay chính ông Obama cũng chật vật trong hai nhiệm kỳ tổng thống nên khó có thể nói trước vị Tổng thống dân dã của đất nước góp phần sáng lập ra ASEAN sẽ thành công tới đâu.
Đang phát triển
Đi dạo một vòng quanh khu trung tâm Jakarta có thể thấy ngay đây là thủ đô của một nước đang phát triển.
Lượng xe máy ít hơn nhiều so với Hà Nội nhưng nhiều hơn đáng kể so với London, Paris hay ngay cả Thượng Hải.
Các nhà quy hoạch ít chú ý tới môi trường tự nhiên và thành phố thiếu những khu vườn, những công viên xanh.
Một con kênh với nước màu sông Tô Lịch ở Hà Nội nằm ngay giữa trung tâm thành phố với nhiều người bán hàng rong.
Tôi tới Jakarta vào lúc thành phố miễn tiền vé cho những người dùng xe buýt hai tầng đi thăm thú ở trung tâm thành phố.
Nhưng khi tôi xin visa tại chỗ ở sân bay, mức phí là 35 đô la trong khi phí in trên visa là 25.
Vậy là có vẻ cũng không phải là một chiến dịch đồng bộ để khuyến khích khách du lịch.
Lên xe buýt tôi thấy chủ yếu người đi là dân địa phương từ Jakarta hoặc ở ngoại ô đi vào.
Có người coi xe buýt máy lạnh là chỗ ngủ trưa lý tưởng.
Jakarta cũng cấm ô tô đi vào các con phố trung tâm từ 6-11 giờ sáng Chủ Nhật để người dân có thể thanh thản tản bộ.
Trong tuần họ cấm xe chở dưới ba người lưu thông tại các đoạn phố chính vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều.
Lệnh cấm này cũng tạo thêm công ăn việc làm cho những người được gọi là jockey.
Họ kiếm tiền bằng cách làm mồi cho những xe cần đủ ba người. Có jockey còn ôm theo cả con, vậy là tài xế chỉ cần đón hai mẹ con jockey lên là đủ quota đi vào phố chính.
Sau đó lái xe thả jockey để họ lên xe buýt quay lại điểm xuất phát.
Cảnh sát cũng muốn dẹp jockey nhưng chiều nào tôi cũng thấy các jockey đứng trước cổng khách sạn tôi ở và dọc mấy phố trung tâm.
Thành phố tệ?
Cũng trong tuần qua có tin Jakarta bị coi là thành phố tệ nhất trên toàn Indonesia.
Người đưa ra nhận xét này sau đó đã cải chính và nói rằng họ bị trích dẫn sai nhưng nó cũng đã kịp gây ra nhiều tranh luận.
Người ta nói cách tổ chức thành phố chưa tốt, cơ sở hạ tầng còn kém trong khi tệ tham nhũng vẫn còn.
Xem ra đây có vẻ là vấn đề của nhiều thành phố đang phát triển.
Nhưng ông Widodo vẫn được coi là thị trưởng năng nổ có tiếng và tôi có cảm giác Jakarta là thành phố khá bao dung.
Ngay trong ngày đầu tới nơi tôi cũng chứng kiến hai cuộc mà có lẽ Việt Nam gọi là ‘tụ tập đông người’.
Sáng thứ Hai Nghiệp đoàn Lao động của Indonesia có cuộc diễu hành lớn trong khi chiều cảnh sát cho hàng chục tình nguyện viên tập trung để gây sự chú ý tới cảnh ngộ của trẻ em nghèo tại Indonesia và cả ở Dải Gaza.
Indonesia cũng là một trong những trung tâm chính của truyền thông xã hội.
Số tweet được gửi đi từ Jakarta thậm chí vượt cả London và New York trong khi số người dùng Facebook đã vượt xa con số 70 triệu.
Vậy nên nghe có vẻ nực cười là tôi, một người Việt Nam, lại sang hướng dẫn cho các bạn đồng nghiệp BBC Indonesia cách sử dụng mạng xã hội.
Chả thế mà khi tôi biếu anh nghệ sỹ violin đường phố vài chục ngàn rupiah, anh từ chối nhận khi biết tôi là người Việt Nam.
Cởi mở
Nhưng phỏng vấn với anh nghệ sỹ mà tôi đưa lên Facebook của các bạn Indonesia đã được rất nhiều người thích và chia sẻ.
Ngay cả
Bấm
Các đồng nghiệp của tôi hiểu thêm rằng họ cần có những nội dung tin tức, những câu chuyện hợp với mạng xã hội để tạo sự ồn ào cần thiết nhằm đưa thông tin đi xa hơn.
Bạn có biết người ta ước tính mỗi lần bạn đăng nhập vào Facebook có khoảng 1.500 post đang chờ bạn và Facebook chỉ quyết định chuyển cho bạn chừng 300?
Quyết định đó phụ thuộc nhiều vào chuyện bạn đã like/comment/share các posts của những bạn bè hoặc trang nào trong thời gian gần đây.
So với Facebook của
Bấm
Bấm
Nhưng các đồng nghiệp ở Jakarta có vẻ ‘thích’ tôi và tôi cũng ‘thích’ sự cởi mở và sẵn sàng tiếp thu kiến thức của họ.
Tôi cũng khá ‘thích’ Jakarta và có lẽ sẽ có ngày trở lại.
Các đồng nghiệp Indonesia và hai trong số các khách mời tham dự
Bấm
Google Hangout đầu tiên thực hiện từ Jakarta.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/09/140920_jakarta_blog.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét