Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Một bộ phim tuyên truyền đã hoàn thành sứ mệnh ?

Khi “Sống cùng lịch sử” hoàn thành “sứ mệnh”

Đăng bởi Eric hwang vào Thứ Ba, ngày 23 tháng 9 năm 2014 | 23.9.14

Thảo Vy
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB



Trong lịch sử Việt Nam hay bất cứ dân tộc nào, trong cuộc phát triển, nhất là cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, trải qua mấy cuộc kháng chiến, với một đất nước non trẻ thì sai lầm là tất nhiên như sai lầm của Cải cách ruộng đất, Cải tạo công thương... Điều đó ai cũng hiểu. Nhưng chúng ta không minh bạch với quá khứ. Khi sòng phẳng với quá khứ thì sẽ đoạn tuyệt với sai lầm, nếu không sẽ mãi mãi mắc một món nợ. Phê phán đâu phải là hạ bệ.


“Sống cùng lịch sử” đã nối tiếp thêm vết đổ đó.

Cuối tháng 4-2014, giới báo chí được “chiêu đãi” bộ phim “bom tấn” (hiểu theo nghĩa là tấn tiền của gần 1 triệu USD ngân sách bỏ ra đầu tư!) mang tên “Sống cùng lịch sử”. Sau buổi chiếu, những cây bút chuyên bình điện ảnh đều chung nhìn nhận chỉ có duy nhất một trường đoạn khiến người xem xúc động. Và đây lại gần như là thước phim tài liệu được đưa vào cuối phim, khi hai diễn viên chính hòa vào đoàn người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Phim kể về những bạn trẻ đi phượt đến Điện Biên rồi tình cờ được sống lại những phút giây hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Tuy nhiên khi “Sống cùng lịch sử” được mang ra rạp chiếu hôm 29-8-2014, thì không có một khán giả nào đến mua vé vào xem. Và cả tuần lễ tiếp theo cho đến khi mang cất kho, cũng không một ai tìm đến rạp...



Không tôn trọng lẽ thật thì không ai xem cả!

Tại sao chúng ta vẫn phải xem phim Mỹ để tìm hiểu thêm về chiến tranh Việt Nam từ góc nhìn của người Mỹ, phim Đông Dương của người Pháp để hiểu hơn bối cảnh và sự kiện lịch sử thời Đông Đương thuộc Pháp?... Thế nhưng người ta lại không thể nuốt trôi những phim như “Sống cùng lịch sử”. Cũng không lạ, bởi nhà làm phim của Việt Nam bị áp đặt quá nặng nề về trách nhiệm tuyên truyền mà không theo đuổi để có một bộ phim hay, hấp dẫn người xem.

Nói một cách khác, trong bối cảnh niềm tin vào Đảng bị lung lay, thì người dân lắc đầu cả khi chìa giấy mời vào xem bộ phim đúng ra nên có tên đầy đủ là “Sống cùng lịch sử Đảng”.

Xin được dẫn chứng. Thập niên 80 ở thế kỷ trước, trên giảng đường khoa văn của Đại học Tổng hợp TP.HCM, bình giảng về thơ Quang Dũng của GS Hoàng Như Mai thường bị cháy giáo án vì Thầy “lấn sân” khá sâu về lịch sử, khi mô tả cuộc chiến Điện Biên Phủ qua thi ca, mà Quang Dũng là một ví dụ.

“Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” (Tây Tiến, Quang Dũng). Thầy Mai kể những người lính của Điện Biên Phủ phần lớn xuất thân tiểu tư sản. Những chiến sỹ Tây Tiến là những thanh niên Hà Nội chưa quen chuyện gươm súng gian khổ. Họ chiến đấu bằng tinh thần dân tộc, nên trong giấc mơ chờ ngày hòa bình không phải là hình ảnh của những người nhân danh Đảng xua họ vào cuộc sống chết, mà luôn là bóng hình người con gái thương yêu thuở đầu đời.

Rồi người lính Tây Tiến ngã xuống sau những dãi dầu sương gió vì khắc nghiệt của cuộc chiến vệ quốc, của một hình ảnh người lính kiêu hùng áo bào thay chiếu anh về đất/ sông Mã gầm lên khúc độc hành!

Hữu Loan với “Khóc vợ”, tức thi phẩm “Màu tím hoa sim” là bài thơ trong ba lô của người lính Điện Biên. “Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng, trong khi đó Hữu Loan và cả Quang Dũng lại đề cao tình yêu, nói về sự riêng tư của người lính đã khiến “bề trên” không hài lòng và cấm phổ biến những bài thơ này!”. Thầy Mai nhắc lại với tư cách là người từng ở trong cuộc chiến với Quang Dũng, Hữu Loan.

Sau cuộc chiến, với vụ án “Nhân Văn – Giai Phẩm”, Quang Dũng may mắn hơn Hữu Loan cùng một số bạn văn cùng thời khác chút đỉnh. Theo lời của người nhà Quang Dũng, năm 1960 có một phái đoàn văn hóa nước ngoài sang Việt Nam cứ nhất định đòi đến thăm tư gia tác giả Tây Tiến. Căn nhà bé tí tẹo của ông ở 91 Lý Thường Kiệt lại... hơi tồi tàn nên cơ quan “tạm” chuyển ông tới 51 Trần Hưng Đạo, nay là trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, cho đẹp mặt. Có lẽ muốn giữ thể diện cho những nhà thơ Việt Nam trong con mắt khách nước ngoài nên Quang Dũng đành chấp nhận màn kịch ấy.

Và giờ đây, “Sống cùng lịch sử” tiếp tục là câu chuyện của tuyên huấn, khi mang nặng tính tổng kết theo định hướng tuyên truyền của Đảng về các sự kiện mà người ta đã thuộc làu và hiểu rõ còn quá nhiều sự thật tiếp tục được che lấp.



Phải truy xét trách nhiệm

Trả lời báo chí, ông Phan Đình Thanh, phó cục trưởng Cục Điện ảnh, nói: “Về mục đích chiếu trong các dịp kỷ niệm quan trọng của đất nước, bộ phim Sống cùng lịch sử đã hoàn thành xong sứ mệnh của nó. Tức là khi Nhà nước đặt hàng thì chúng tôi cũng phải có những bộ phim để chiếu phục vụ khán giả. Chưa nói về kinh phí thì bộ phim vậy là đã làm được rất nhiều việc. Chưa kể về mặt nội dung, đạo diễn sử dụng phương pháp đồng hiện để lớp thanh niên hiểu hơn về lịch sử. Nói đi nói lại thì vẫn phải ghi công bộ phim, chứ nếu không ghi công cho nó mà chỉ nói một chiều về tiêu cực thì cũng không được trọn vẹn”. (http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20140920/song-cung-lich-su-da-hoan-thanh-su-menh/648217.html)

Nếu báo chí dẫn đúng lời của ông phó Cục trưởng, thì ở đây hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm những người đặt bút ký nhận số tiền gần 1 triệu USD cho bộ phim “Sống cùng lịch sử”.

Việc lựa chọn dự án sản xuất phim sử dụng NSNN theo quy định của Luật Đấu thầu dựa trên các tiêu chuẩn sau: Kịch bản phân cảnh và phương án thực hiện; Danh sách thành phần chính tham gia làm phim; Tổng dự toán bộ phim; Trang thiết bị kỹ thuật phục vụ dự án; Năng lực tài chính; Kế hoạch, tiến độ sản xuất; Điều kiện ứng vốn.

Nhưng dường như “Sống cùng lịch sử” không hề qua bất kỳ khâu nào của trình tự quy định trên mà vẫn nhận 21 tỉ bạc kiểu “trong nhà đóng cửa chia nhau”...



Hoàn thành “sứ mệnh lịch sử”

Phim lịch sử cho đến giờ vẫn gần như là “sản phẩm độc quyền” của các hãng phim nhà nước. Chẳng mấy hãng phim tư nhân thích chạm đến địa hạt khắc nghiệt này vì phải đầu tư kinh phí lớn, trong khi không dễ nắm chắc phần thu lợi nhuận như phim giải trí. Thế nên, không ít nhà làm phim tư nhân đang chờ đợi được “đấu thầu” để có cơ hội làm phim lịch sử.

“Tư nhân như tôi cũng cần tới sự hỗ trợ của nhà nước. Tôi nghĩ điện ảnh Việt Nam là điện ảnh Việt Nam chứ không nên phân biệt là điện ảnh “Việt kiều”, nhà nước hay tư nhân. Đấu thầu phim sẽ giúp cho điện ảnh phát triển”, diễn viên kiêm nhà sản xuất phim Dustin Nguyễn chia sẻ.

Tương tự, đạo diễn Trần Lực, Giám đốc hãng phim Đông A, cho rằng: “Nếu việc đấu thầu đi vào thực hiện thì đó là điều rất tốt, không chỉ tốt cho hãng phim tư nhân chúng tôi, mà còn cho cả ngành điện ảnh. Đây là một cuộc chơi sòng phẳng để có được những bộ phim hay”.

“Về số tiền 13-14 tỉ... nêu trên báo chí, tôi xin nói lại cho rõ, đó là số tiền trực tiếp mà đoàn làm phim sử dụng, còn một số hạng mục khác như thiết bị, vật liệu, hòa âm, dựng phim nằm trong chi phí sản xuất phim do hãng quản lý và điều hành trong số tiền còn lại của 21 tỉ. Có nghĩa là bộ phim không chỉ được hoàn thành với con số 13-14 tỉ... Và đây là cơ chế hoạt động thông lệ của các hãng phim nhà nước”.

Đạo diễn “Sống cùng lịch sử” Nguyễn Thanh Vân đã “đính chính” về số tiền gần 1 triệu USD mà dư luận nghĩ rằng nằm trong túi đoàn làm phim. (nguồn đã dẫn ở trên)
“Sống cùng lịch sử” đã hoàn thành xong “sứ mệnh” của nó, như lời của ông Phan Đình Thanh. Với 21 tỉ đồng tiền thuế của dân đã đổ ra cho bộ phim chỉ dành để cất kho, có thể nói “Sống cùng lịch sử” cũng đã hoàn thành sứ mệnh tuyên truyền chính trị của thể chế độc đảng cầm quyền.

http://www.ijavn.org/2014/09/khi-song-cung-lich-su-hoan-thanh-su-menh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét